Phong Thủy Ký Sự Đại Gia Tìm Đất Đặt Mộ


Phong thủy ký sự: Đại gia tìm đất đặt mộ

Thời gian qua, xã Đồng Việt, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang xôn xao về việc một số “đại gia” ở các địa phương khác đến đây săn tìm long mạch làm nơi an táng. Trước đó, tại xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, một số “đại gia” săn lùng mua đất có long mạch trên núi Cấm để làm huyệt mộ.
Từ xưa đến nay, không ít người tin rằng, nếu hài cốt tiền nhân được táng đúng long mạch thì con cháu sau này sẽ được giàu sang, phú quý.
Theo các nhà phong thủy, long mạch là những dòng khí mạch chạy trong núi (giống như mạch máu trong cơ thể), nhấp nhô, uốn lượn theo thế núi như rồng. Điểm khởi đầu của mạch núi là nơi sinh khí bắt đầu phát sinh, điểm kết thúc của mạch núi là nơi sinh khí ngưng tụ. Tại nơi tập kết khí mạch của núi mà xây huyệt mộ sẽ mang lại nhiều điều tốt lành.
Trước khi tìm hiểu sâu hơn về long mạch, xin được tóm lược một số câu chuyện khá phổ biến trong dân gian liên quan đến vấn đề này, nói về tác động của long mạch không chỉ đối với một cá nhân, một gia đình hay dòng họ… đại gia, long mạch, hậu sự
Chuyện thứ nhất, vào thế kỷ thứ 9, Việt Nam bị xâm lược bởi nhà Đường (Trung Quốc), vua Đường cử Cao Biền, một tướng lĩnh và là người rất giỏi địa lý sang cai trị nước ta, đồng thời tìm kiếm những nơi đất tốt, những nơi có long mạch lớn để trấn yểm, nhằm không sản sinh ra nhân tài, anh kiệt nổi lên. Cao Biền đã sử dụng đến 8 vạn cái tháp bằng đất nung để trấn yểm núi Tản Viên (Ba Vì), đặt bùa trấn yểm 19 địa điểm dọc sông Tô Lịch… Tuy nhiên, cuối cùng thì công cuộc trấn yểm cũng thất bại và Cao Biền than thở: “Linh khí ở phương Nam không thể lường được”.
Chuyện thứ hai, đầu năm 1010, vua Lý Công Uẩn viết Chiếu dời đô, nói rõ lý do dời đô từ Ninh Bình sang Hà Nội ngày nay, trong đó có đoạn: “Chỉ vì muốn đóng đô ở trung tâm mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu, trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu thấy thuận tiện thì thay đổi. Cho nên vận nước lâu dài, phong tục phồn thịnh được cái thế rồng cuộn, hổ ngồi. Đã đúng ngôi Nam , Bắc, Đông, Tây, lại tiện hướng nhìn sông, tựa núi. Địa thế rộng mà bằng, đất đai cao mà thoáng. Dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ, ngập lụt, muôn vật rất mực phong phú, tốt tươi. Xem khắp đất Việt ta chỉ nơi này là thắng địa. Thật là chốn hội tụ trọng yếu của bốn phương đất nước”.
Nhiều nhà phong thủy cho biết, phía Đông Hà Nội được bao bọc bởi mạch núi Tam Đảo, kéo dài theo hướng Sóc Sơn – Đông Anh. Chạy dọc theo mạch núi này là sông Hồng hộ vệ bên cạnh với hình thế như một con rồng trải dài theo trục Tây Bắc – Đông Nam . Phía Tây Hà Nội được bao bọc bởi mạch núi xuất phát từ đỉnh Ba Vì. Chính vì vậy, Hà Nội được coi là có thế đất “long chầu, hổ phục”, tức là được bao bọc bởi hai mạch núi lớn như long, như hổ che chở hai bên.
Phía sau lưng là những dãy núi lớn trùng điệp, phía trước là khu vực đồng bằng rộng lớn… Nhìn xa hơn, một loạt dãy núi ở miền Bắc xoáy theo hình rẻ quạt từ Tây sang Đông quy tụ ở tâm điểm Hà Nội, kèm theo đó là các con sông cũng đồng quy về đây, đúng như 2 câu thơ của thầy địa lý Tả Ao: “Thiên sơn vạn thủy triều lai. Can chi bát quái trong ngoài tôn nghinh”. Hà Nội có các yếu tố cát tường như vậy được xem như một huyệt đất quý, đẹp nhất Việt Nam về phong thủy, xứng đáng làm Thủ đô.
Chuyện thứ ba, năm 1397, trước khi lên ngôi vua, Hồ Quý Ly là một đại thần của vương triều Trần đã lựa chọn vùng núi An Tôn, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa làm nơi xây đô thành (hoàn thành năm 1401), vì cho rằng đây là một vùng đất tốt, có hình dáng như “quả ấn của trời”, có long mạch dài hàng ngàn cây số là con sông Mã, xung quanh lại có nhiều tiểu long chầu vào long mạch chủ. Ông đã cho xây một ngôi “thạch thành” (thành Tây Đô) kiên cố, đủ cả tường cao, hào sâu, trên vùng đất “rồng chầu, rắn cuốn” này.
Tuy nhiên, nhà Hồ chỉ tồn tại được 7 năm (1400 – 1407). Ngoài nguyên nhân không được lòng dân, dù có rất nhiều cải cách về kinh tế – xã hội có tính chất toàn diện, có giá trị thực tiễn, nên khi quân Minh sang xâm lược, Hồ Quý Ly đã không tập hợp được lực lượng toàn dân đánh giặc (sau đó bị giặc bắt), thì còn có nguyên nhân liên quan đến phong thủy bị phá.
Theo dân gian truyền lại, trước thành Tây Đô có một dãy núi bao quanh giống hình cánh cung, tướng Trần Khát Chân là đại thần của nhà Hồ nhưng có lòng trung với nhà Trần nên không muốn đế nghiệp của nhà Hồ lâu dài bèn khuyên Hồ Quý Ly đắp một con đường phía trước như hình mũi tên và đặt tên là “Tiễn lộ” với lập luận: cung có tên mới đủ vẻ hùng tráng, có cung mà không có tên cũng như vua không có uy. Nhà vua nghe lời. Xét về mặt phong thủy, con đường đó là một “mũi tên độc”. Mặc khác, có ý khiến cho rằng, thành Tây Đô có thế đất không thực sự tốt, chỉ là “long xà ẩm thủy” hoặc “đầu non cuối nước” mà thôi.
Còn rất nhiều câu chuyện lưu truyền trong dân gian về việc đi tìm và triệt phá long mạch. Màu sắc huyền bí khiến những câu chuyện này luôn là một đề tài hấp dẫn.
***
Đại Gia Mua Đất Đặt mộ
Người viết bài này không hề mê tín hay cổ súy cho mê tín mà chỉ muốn gửi tới độc giả những gì đang diễn ra và tồn tại ở địa phương này. Có cả vấn đề tâm linh, kinh tế và có cả phạm vi pháp luật.
Lâu nay, thôn Bè vốn là làng quê yên bình từ bao đời. Người dân chân chất sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Khi đời sống vật chất được nâng cao thì càng ngày con người ta bắt đầu chú ý đến vấn đề tâm linh. Một số người đã tự chọn cho mình một nơi yên nghỉ trước khi từ giã cõi trần. Chính vì vậy, thông tin về việc một số đại gia tìm đến xã Đồng Việt để chọn mua cho mình một khu đất để an táng đang là vấn đề “nóng” hơn bao giờ hết tại địa phương

Có lẽ, câu chuyện xoay quanh vùng đất long mạch này đã khiến nhiều đại gia từ các địa phương khác tìm đến để mua đất dùng vào việc chôn cất người đã khuất. Nhiều người dân bảo rằng, vì đây là nơi hội tụ của sáu con sông lớn đổ ra biển là sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam, sông Đuống, sông Kinh Thầy và nhánh chính sông Thái Bình nên được gọi là Lục Đầu Giang.
Các sông này hợp nhau tại thị trấn Phả Lại huyện Chí Linh thành sông Thái Bình, dòng chính của hệ thống sông này chảy qua tỉnh Hải Dương và đổ ra biển tại Thái Bình (nằm ở giữa ranh giới hai huyện Tiên Lãng và Thái Thụy) dài 385 km.
Do hệ thống sông Thái Bình có nối với sông Hồng bởi sông Đuống (ở thượng lưu) và sông Luộc (ở hạ lưu) nên đôi khi người ta còn gọi hệ thống này là hệ thống sông Hồng – Thái Bình và nó tạo ra khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Người ta còn bảo rằng, nếu ai được an táng trên đỉnh đồi của mảnh đất này thì về sau con cái sẽ được phát tài, phát lộc (?).
Để rộng đường dư luận, phóng viên PetroTimes đã tìm đến gặp anh Lê Mạnh Liên, cán bộ địa chính xã Đồng Việt, anh Liên cho biết: “Đến thời điểm hiện tại đã có 2 người dân từ địa phương khác đến mua đất thuộc địa phận thôn Bè. Việc mua bán mảnh đất trên quả đồi thuộc thôn Bè giữa hộ ông Đàm Phương Bắc (người mua ở Bắc Ninh) và hộ ông Phan Văn Sắc (người bán ở thôn Bè) là hoàn toàn đúng thủ tục pháp luật. Còn một người nữa quê gốc ở Yên Dũng là một vị quan chức giàu có cũng tìm về đây mua đất”.
Cũng theo anh Liên, việc một số người ở địa phương khác đến mua đất ở xã Đồng Việt là hoàn toàn đúng với pháp luật. Tuy nhiên, trong hợp đồng mua bán, chuyển nhượng đất không ghi rõ là đất mua được sử dụng với mục đích gì nên trường hợp như hộ ông Bắc dùng đất để cải táng là rất khó xử lý.
Theo tài liệu cán bộ địa chính xã Đồng Việt cung cấp cho chúng tôi thì việc mua bán đất giữa hộ ông Bắc và ông Sắc nói trên diễn ra từ năm 2012. Giấy mua bán đất ghi rõ trên tổng diện tích 1049,3m2 thì chủ sở hữu chỉ được quyền sử dụng 400m2 dùng để xây nhà ở, số diện tích còn lại sử dụng vào mục đích khác. Ông Bắc đã mua mảnh đất trên của ông Sắc với giá là 50 triệu đồng.
Chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu như không có sự xuất hiện ngôi mộ của người nhà ông Bắc. Đó vào đêm 30 rạng sáng ngày 1/12 âm lịch năm 2012. Sau một đêm tỉnh dậy, người dân đã thấy một ngôi mộ cải táng mọc lên trên mảnh đất nhà ông Bắc. Ngay sau khi phát hiện sự việc, nhân dân trong thôn báo với Trưởng thôn Trần Văn Lực.
Ông Vũ Văn Kính – Chủ tịch UBND xã Đồng Việt cho biết: “Địa phương cũng có tiếp nhận được thông tin của nhân dân thôn Bè và đã xử lý những phản ánh bức xúc của nhân dân. Về phía địa phương nếu chúng tôi có gì sai sót chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm về mình”.
Và câu chuyện ồn ào về “đất long mạch” bắt đầu từ đây…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *