Hình tượng Người Phụ nữ trong Đạo Mẫu


Song Anh

Khác với hầu hết các tôn giáo du nhập vào Việt Nam khi vai trò của người phụ nữ khá mờ nhạt, đóng vai trò thứ yếu trong giáo lý cũng như vị trí trong giáo đoàn thì người phụ nữ trong Đạo Mẫu luôn đóng vai trò chủ đạo, trung tâm của hầu hết các nghi thức tôn giáo.

[​IMG]

Trong Đạo Mẫu, người phụ nữ là hình ảnh dễ bắt gặp nhất và gây ấn tượng mạnh. Hình ảnh đó xuất hiện tại trung tâm các điện thờ trong Phủ, tiêu biểu nhất phải kể đến là Phật bà Quan âm- người dẫn đạo cho Mẫu, ngôi thần chủ Tam tòa thánh Mẫu- Mẫu Liễu Hạnh, và các bà đồng, người thực hành, kết nối các con nhang đệ tử với Đạo Mẫu. Hình tượng người phụ nữ xuất hiện trong tam tòa, tứ phủ phá tan tư tưởng “trọng nam khinh nữ”đãăn sâu và tồn tại trước và trong thời kỳ ra đời cũng như phát triển của Đạo Mẫu.Tư tưởng này được thể hiện qua nhiều hình thức khác nhau: sinh con trai được quý trọng hơn sinh con gái; quyền hành của anh trai trưởng trong gia đình rất lớn (quyền huynh thế phụ); người phụ nữ phải kiêm đủ Tam tòng Tứ đức; quyền thừa kế gia sản của cha mẹ dành cho con trai; việc truyền nghề tại các làng nghề thường không truyền cho con dâu hay con gái; người con trai được học hành để thi cử, tiến thân bằng theo con đường quan lộ nhưng người phụ nữ thì chỉ quanh quẩn với việc nhà…

Để thấy được sự tiến bộ, xét trong bối cảnh ra đời của Đạo Mẫu, ta thử giải mã hình tượng người phụ nữ tiêu biểu đã đề cập. Hình tượng phụ nữ đầu tiên nhắc đến trong Đạo Mẫu chính là Bồ Tát Quán Âm. Hình tượng Bồ Tát Quán Âm xuất hiện dưới thân hình người nữ, bằng tình thương vô biên, xuất hiện khắp hang cùng ngõ hẻm, mọi lúc mọi nơi, thực thi tinh thần cứu độ chúng sinh, với lời nguyện: “Nơi đâu có tiếng than khổ thì nơi ấy có Ngài”. Ngài xuất hiện như người mẹ, thương chúng sanh như con ruột, luôn cận kề vỗ về an ủi xoa dịu nỗi đau của đàn con. Có lẽ chính vì lòng hiền từ và bao dung ấy, mà người dân Việt Nam gọi Ngài bằng cái tên thân thiết là “Mẹ Hiền Quan âm” hay “Phật Bà Quan Âm”. Vì Ngài hiền từ và dễ thương như người mẹ. Từ đó hình tượng của Ngài được dựng ở khắp mọi nơi, từ thị thành đến thôn quê, từ non cao đến biển cả, nhất là những nơi thường xuất hiện bất trắc hiểm nguy. Hình ảnh Bồ tát Quan Âm xuất hiện dưới thân hình người nữ, có tình thương bao la, dễ thương gần gũi như người mẹ và hạnh nguyện của Ngài là biện pháp hữu hiệu nhất để phá vỡ quan niệm phi đạo lý: “trọng nam khinh nữ” của Nho giáo nói riêng và loài người nói chung, trong đó có cả Việt Nam.

Tiếp đến là hình tượng Thánh Mẫu Liễu Hạnh, đây là biểu tượng của người phụ nữ dám sống cho sự lựa chọn bản thân, cho tình yêu đôi lứa, và một khát khao về sự bình đẳng giới. Trong các sự tích về Mẫu Liễu Hạnh tựu chung là hình ảnh người phụ nữ luôn thiết tha với cuộc sống thế nhân. Dù được hưởng phúc cõi tiên cảnh, công chúa Liễu Hạnh sẵn sàng hy sinh để được ở bên đến chồng, con, một tình cảm hết sức bình thường những cũng hết sức cao thượng. Câu chuyện công chúa Liễu Hạnh lên Lạng Sơn biến thành người đẹp họa thơ, thánh đấu với Trạng Bùng (Phùng Khắc Khoan), rồi về Hồ Tây họp bạn văn chương với các danh sĩ… chính là khát khao học hỏi, được giao lưu kết bạn với các bậc hiền tài, muốn được bộc lộ các khả năng không thua kém những bậc nam hán đại trượng phu. Rồi câu chuyện mở quán hàng ở vùng Đèo Ngang trừng trị “những kẻ trêu hoa ghẹo nguyệt”, trong đó có cả hoàng tử con vua Lê làm rõ hơn khát vọng bình đẳng trong quan hệ nam nữ, dẫu người đàn ông có là hoàng thân, quốc thích. Với quan niệm không chấp nhận việc “đặt đâu, ngồi đấy”, tình yêu đối lứa phải là sự lựa chọn của cả hai bên, những hủ tục “bắt vợ”, hôn nhân một chiều cần phải hủy bỏ. Những giá trị cao cả qua huyền thoại ra đời Mẫu Liễu Hạnh, đặt về bối cảnh ra đời, càng cho chúng ta thấy tính nhân văn sâu sắc không những vào giai đoạn lịch sử đấy mà còn vào thời đại ngày nay.

Hình tượng Bà đồng trong Đạo Mẫu hầu như xóa nhòa vai trò và chức năng của giới trong sản xuất, chính trị cũng như trong cộng đồng. Ở đây không còn thấy hình ảnh của người phụ nữ “tam tòng- tứ đức”, quanh năm chỉ biết đến phụng sự gia đình, mờ nhạt cũng như không có tiếng nói trong sinh hoạt cộng đồng. Bà đồng xuất hiện trong đời sống tín ngưỡng đóng vai trò khá quan trọng, không chỉ là người thực hành lễ nghi tôn giáo mà còn đóng vai trò định hướng, truyền bảo các mệnh lệnh của các Mẫu. Có đi xem một lễ hầu đồng mới thấy các bà đồng oai nghiêm, khí phách. Lúc nhập vai, bà đồng có thể sai khiến những con nhang đệ tử, mặc dù trong cuộc sống rất gia trưởng, đối xử với vợ không ra gì. Khi lên đồng, không còn hình ảnh người phụ nữ cam chịu, chấp nhận hy sinh cả cuộc đời phục vụ chồng con mà là hình ảnh một bà chúa, bà thánh. Phải chăng đây phù hợp với nguyên lý Mẹ trong triết lý ứng xử của người Việt, theo quan điểm của GS Trần Quốc Vượng. Theo GS Vượng, trong tâm thức người Việt, người phụ nữ có vẻ như “thấp” song lại rất “cao”, phụ nữ Việt Nam đóng vai trò chủ động trong công việc gia đình và xã hội. Ví dụ như trong tiếng Việt, cái gì to lớn đều được mang giống Cái như Sông Cái, đường Cái, thúng Cái, ngón tay Cái… Trong Đạo Mẫu, bà Đồng đã thoát ra khỏi bốn bức tường, đã tham gia các hoạt động cộng đồng một cách chủ động và tiếng nói được mọi người tôn trọng.

Như vậy, dưới góc nhìn bình đẳng giới, người phụ nữ trong Đạo Mẫu mang tính tiến bộ sâu sắc. Mặc dù xuất hiện sau các tôn giáo lớn khác tại Việt Nam nhưng Đạo Mẫu đã tiếp thu những giá trị nhân văn, những khát vọng chân chính của người phụ nữ đòi bình quyền, được thừa nhận cũng như sẵn sàng tham gia đóng góp vì sự tiến bộ chung của xã hội.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *