Đôi điều về sự tiếp xúc giữa phật giáo và tín ngưỡng thờ Mẫu qua truyền thuyết Phật Mẫu Man Nương và

Qua hàng ngàn năm lịch sử hình thành và phát triển, xã hội nói chung, đời sống tâm linh nói riêng, của người Việt đã có những thay đổi rất mạnh mẽ. Bên cạnh những tôn giáo được du nhập vào Việt Nam như Kito giáo, Phật giáo, Nho giáo hay những tôn giáo được hình thành ở Việt Nam như Cao Đài, Hòa Hảo, còn tồn tại và phổ biến rất nhiều những hình thức tín ngưỡng dân gian, mà sức sống và sự lan tỏa của nó trong dân chúng đã được rất nhiều nhà nghiên cứu tiến hành tìm hiểu.

Có thể thấy rằng, tín ngưỡng dân gian nói chung, tín ngưỡng thờ Mẫu nói riêng là sản phẩm văn hóa của người Việt trong mối quan hệ với tự nhiên và xã hội mà nền tảng của nó chính là phương thức sản xuất nông nghiệp lúa nước, gia đình tiểu nông phụ quyền làm trung tâm trong một môi trường làng xã khép kín. Trên cơ sở những đặc trưng về văn hóa và tư duy của mình, người Việt trong quá trình phát triển đã thu nhận không ít những giá trị văn hóa, tinh thần ngoại sinh để bồi đắp nên một sản phẩm tinh thần của riêng mình, khẳng định được bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam. Chúng ta có thể tìm thấy nhiều lớp văn hóa khác nhau được tích hợp hoặc chồng lấp lên nhau ngay trong một loại hình tín ngưỡng cụ thể. Chính sự tiếp nhận ấy đã giúp các loại hình văn hóa dân gian có khả năng điều chỉnh cao, luôn vận động, thích ứng và bám sát cuộc sống, trở thành một bộ phận quan trọng trong đời sống tâm linh người Việt.

Tín ngưỡng thờ Mẫu có thể được hiểu là một loại hình tín ngưỡng dân gian được tích hợp bởi các lớp tín ngưỡng thờ nữ thần, thờ Mẫu thần và thờ Tam phủ-Tứ phủ với niềm tin thiêng liêng vào quyền năng của Mẫu, bảo trợ cho sự tồn tại và sinh thành ra con người.

Nữ thần được thờ có thể là nhiên thần như: Thần sấm, thần Mây, thần Mưa, thần Chớp (Tứ pháp), Mẹ Lúa, Mẹ Chim, Mẹ Cá…có thể là nhân thần như Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Âu Cơ, Ỷ Lan,Bà Trưng, Bà Triệu… Thờ Mẫu thần là sự phát triển từ thờ Nữ thần, trong đó chỉ có những Nữ thần là chủ thể của sinh nở mới được tôn là Mẫu. Danh xưng Mẫu gắn với chức năng sinh đẻ, chăm sóc và nuôi dạy con cái. Trong thờ Nữ thần có các nữ thần không bao hàm yếu tố này như các “bà cô” (những người phụ nữ không có chồng, con hoặc chết trẻ). Thờ Tam phủ- Tứ phủ, chính là mức phát triển cao về nhiều mặt từ thờ Mẫu thần. Ở tín ngưỡng Tam phủ- Tứ phủ đã có sự “chưng cất” (hay chăt lọc) từ tín ngưỡng đa thần về một số vị nữ thần cơ bản và gọi là Mẹ, Mẫu, bao gồm: Mẫu Cửu Thiên Huyền Nữ, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải (Thủy), Mẫu Địa (Địa Tiên Thiên Thánh Mẫu). Bốn vị Mẫu trên đại diện cho bốn không gian địa lí khác nhau, trong đó mẫu Cửu Thiên Huyền Nữ cai quản vùng trời, Mẫu Thượng Ngàn cai quản vùng rừng núi, Mẫu Thoải cai quản ở vùng sông nước, Mẫu Địa cai quản miền đất.

Trong quá trình hình thành và phát triển, tín ngưỡng thờ Mẫu không ngừng nhận sự ảnh hưởng từ các loại hình tín ngưỡng, tôn giáo khác như tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng thờ thần tự nhiên, Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo.

Phật giáo vào nước ta từ những năm đầu thế kỉ I, bằng con đường hòa bình. Những tư tưởng từ bi, hỉ xả… trong giáo lí của nhà Phật khá gần gũi với tinh thần vị tha, bao dung, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau trong đạo lí truyền thống của người Việt. Vì vậy, Phật giáo đã nhanh chóng hòa nhập với tín ngưỡng bản địa như tục thờ Mẹ hay tục thờ Nữ thần để trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người nông dân Việt. Hình ảnh Man Nương trong Cổ Châu Phật bản hạnh đã phản ánh sinh động sự gặp gỡ và kết hợp này[SUP](1)

[/SUP]
Với sự tiếp nhận Phật giáo, những vị nữ thần nông nghiệp (Bà Dâu, Bà Đậu, Bà Tướng, Bà Dàn) đã trở thành những vị Phật bà (Tứ Pháp) với những yếu tố cầu mong sự sinh nở trong nền văn hóa nông nghiệp lúa nước vẫn còn đậm nét: Pháp Vân (thần Mây), Pháp Vũ (thần Mưa), Pháp Điện (thần Sét), Pháp Lôi (Thần Sấm). Sự ảnh hưởng của Phật giáo đối với tín ngưỡng thờ Nữ thần được biểu hiện trước hết ở không gian ngôi chùa Tứ Pháp. Trong điện thần của các ngôi chùa Tứ Pháp, cách bài trí các pho tượng Phật không giống các ngôi chùa bình thường sau nay. Tại đây, pho tượng được thờ ở vị trí trung tâm, chính điện không phải là pho tượng Phật Thích Ca Mầu Ni mà lại là tượng các nữ thần Mây, Mưa, Sấm, Chớp. Tượng các nữ thần được đặt ngồi trong khám và được làm to hơn cả. Chùa cũng có những tượng phật Thích ca, La Hán, Bồ Tát, Kim Cương nhưng kích thước nhỏ hơn nhiều và chỉ đặt ở bên cạnh, phía ngoài, trước mặt các tượng Tứ Pháp. Như vậy, bên cạnh niềm tin vào các nữ thần, người dân cũng bắt đầu đặt niềm tin vào các vị Phật Bà. Đây là cơ sở ban đầu để Phật giáo có thể xác lập niềm tin ở cộng đồng người Việt. Trung tâm của hệ thống chùa Tứ Pháp là Chùa Tổ, nơi thờ Phật Mẫu Man Nương, người mà nhiều học giả đã ví như hình ảnh một bà “Mẹ xứ sở” của người Việt. Ở hình ảnh Man Nương, chúng ta không chỉ tìm thấy tình thương, sự cứu giúp của bà đối với dân làng trong hoàn cảnh khó khăn (hạn hán) hay có thể chỉ huy các hiện tượng tự nhiên mà tượng trưng chính là các vị thần Tứ Pháp, mà còn hơn thế khi coi Bà là Mẫu, một vị Phật với tư cách là mẹ, rất gần gũi với con người, luôn bao dung, độ lượng, che chở cho con người. Có thể thấy rằng sự hình thành và phát triển của hệ thống chùa Tứ Pháp chính là sự khẳng định sức sống và xu hướng đề cao vai trò nữ thần, đề cao vai trò của cac bà mẹ trong tín ngưỡng bản địa của cư dân nông nghiệp lúa nước trươc sự du nhập của Phật giáo vào Việt Nam. Cũng có nhiều tác giả cho rằng sự xuất hiện của hình tượng Man Nương trong truyền thuyết cũng như trong hệ thống chàu Tứ Pháp trong thực tế đã đánh dấu một bước phát triển mới của Phật giáo ở Việt Nam đó chính là bước chuyển từ “Phật giáo ở Việt Nam” thành “Phật giáo Việt Nam”.

Nếu như Man Nương thể hiện cho sự giao thoa giữa Phật giáo và tín ngưỡng thờ Nữ thần của người Việt trong thời kỳ đầu du nhập vào Việt Nam thì Mẫu Liễu Hạnh cũng được coi là sự giao thoa giữa Phật giáo với tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt trong thế kỉ XVI.

Trong tâm thức dân gian của người Việt, Liễu Hạnh là một trong Tứ Bất Tử, là Mẹ, là thần chủ điện thờ Tam phủ- Tứ phủ. Nếu như Mẫu Thượng Thiên cai quản miền trời, Mẫu Thoải cai quản vùng nước, Mẫu Thượng Ngàn cai quản vùng rừng núi, Mẫu Địa cai quản vùng đất thì Mẫu Liễu Hạnh cai quản nhân gian,, cai quản thế giới của loài người. Không chỉ dừng lại ở đó, đối với người Việt, thánh Mẫu Liễu Hạnh còn hóa thân cả vào Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Địa… và từ đó, có thể sai khiến và chỉ đạo các thế lực của tự nhiên, làm cho cuộc sống của người dân Việt thuận lợi hơn bởi mưa thuận gió hòa. Vì vậy, mẫu Liễu Hạnh là một vị nhân thần được người Việt đặc biệt tôn thờ.

Nhiều yếu tố đã được các học giả đưa ra nhằm chứng minh cho sự dung hợp Tam giáo trong truyền thuyết về mẫu Liễu Hạnh. Nhưng trên hết, đó là nhu cầu tâm linh của người dân Việt. Ở Thánh Mẫu Liễu Hạnh, người Việt tìm thấy hình ảnh của một người Mẹ nhưng rất gần gũi với hình ảnh của một vị Bồ tát: người có thể ban phúc, ban lộc cho những người hiền lành, ăn ở đức độ: cứu giúp những người dân nghèo khó gặp hoạn nạn khó khăn; trừng phạt những kẻ tráo trở hay làm việc ác, kể cả quan lại triều đình. Chính vì vậy không có gì là lạ khi kết thúc câu chuyện, Thánh Mẫu đã quy y Phật pháp, trở thành một tín đồ của đạo Phật như bà đã tuyên bố: “Ta là công chúa Quỳnh Hoa ở Cung Tiên, thấy đạo Phật từ bi, nên muốn quy y tụng niệm”[SUP](2)[/SUP]. Có lẽ vì vậy mà trong các chùa làng hiện nay thường đưa bàn thờ Mẫu vào thành một gian với lí do Mẫu đã quy y theo Phật và trở thành Phật Mẫu.

Trong kết cấu của các ngôi chùa hiện nay ở đồng bằng Bắc Bộ, chúng ta thấy chùa thường gồm ba phần: phần thờ Phật (ở gian chính), phần thờ Mẫu và phần thờ thần thánh. Chùa có thể được bài trí theo hướng hoặc tiền thần hậu Phật hoặc tiền Phật hậu thần hoặc cả ba ngang hàng với nhau trong một tổng thể bình đẳng nhưng vẫn có sự phân biệt chính phụ.

Như vậy có thể thấy rằng việc Phật giáo hòa trộn với tín ngưỡng dân gian nói chung, tín ngưỡng thờ Mẫu nói riêng, bên cạnh đặc điểm về giáo lí của Phật giáo không thể không xem xét đến nhu cầu tâm linh của người Việt. Chính việc tiếp nhận tín ngưỡng thờ Mẫu vào nội dung của mình thông qua các truyền thuyết về Man Nương và Liễu Hạnh đã phần nào đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của ngôi chùa trong đời sống tâm linh ở cộng đồng người Việt.

Chú thích: (1) Xem Trần Ngọc Thêm- Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb GD 1999. (2) Bùi Hạnh Cẩn, Lê Chân- Chợ viềng và hội phủ, Nxb Giáo dục 1993, trang 8​

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *