Góc nhìn Phong Thủy Thuật Cầu Đảo


Thuật cầu đảo, cầu cho quốc thái dân an hoặc cầu mưa cho đất nước, cho một vùng thời xưa chẳng phải là hiếm. Nhưng người chủ lễ là Vua làm cho toàn dân, là Quan làm cho một vùng mình cai quản. Phép cầu đảo là phải chọn ngày lành, giờ tốt, lập đàn cúng tế linh đình, cái này phải theo nghi thức đàng hoàng. Nếu không phải là Vua, thì người chủ tế, người đứng ra làm lễ cầu đảo phải là người có đức độ, được nhân dân kính trọng, đâu phải ai cũng làm được, mà cũng đâu phải ai cũng “trèo được lên cái đàn tế” ấy. Trong truyện Tây du ký ta có thấy một đoạn nói về cầu mưa. Thầy trò Đường tăng đi lấy kinh gặp nơi khô hạn, dân tình đói rét, gặp quan phủ thì quan bảo đã làm hết cách rồi, cầu hết rồi mà chẳng có mưa. Tôn Ngộ Không sau đã biết là do ông quan này làm việc sai trái, nên bị trời trách phạt (đại loại thế), do đó ông ta có cầu cũng không ứng. Trong Thái Ất hình như cũng có nói rằng “Vận xấu thì cầu đảo tất qua”.


Ảnh minh họa: Thiên Phù


Thực chất của việc cầu đảo là dùng năng lượng ý chí, năng lượng tinh thần của người “Đức độ”, kết hợp với năng lượng ý chí toàn dân, giống như (hò dô ta kéo pháo) ấy, một người liệu làm có đặng? phải có hợp sức thì mới mạnh, mới cảm ứng, mới thông được tới “Thần minh”, “có cầu tất ứng”, hay “sở cầu tất ứng, sở nguyện tất thông” là thế. Vẽ vời mấy thứ, lễ lạt linh đình, cốt là cái mồi để dẫn dắt ý chí hướng tới một mục đích, năng lượng hướng về một việc mà sức mạnh được nêng lên. Như trong truyện huyền bí ở Tây tạng, các sư ngồi niệm chú mà đá bay từ dưới đất lên hang động trên cao (Cái này mình nghe thôi, chưa biết thực hư).  Thuật cầu đảo là dùng sức mạnh ý chí, tinh thần. Như kinh sách có nói: “Thiên động thì nhân ứng, nhân động thì thiên ứng, địa động thì thiên liền ứng theo”. Đó là nói rằng nếu có một cái động, tất thiên địa nhân ứng hòa theo. Bởi vậy xưa kia nhìn thiên tượng mà biết có biến, nhìn nhân vật mà biết họa phúc, …

Ảnh minh họa


Sách có chép rằng: “Luận về việc cầu mưa làm sao cho đúng phép, thời trước hết phải làm sao cho lòng mình được thẳng thắn, lòng có thẳng thắn mới hợp với lòng trời. Sau đó phải làm cho cái khí của mình được thuận, mới có thể hòa đồng với cái khí của trời đất. Vì thế trong lời tiểu thú của sách trung dung có nói: Lòng của ta chính thời lòng của trời đất cũng chính, khí của ta thuận thời khí của trời đất cũng thuận. Người đời gặp nghịch cảnh, ý muốn thay trời hành đạo, phò tá mọi người mọi vật. Muốn như vậy, trước hết phải làm cho lòng mình đoan chính, và trong lúc bình sinh không bao giờ làm điều sai quấy. Hết thảy mọi việc phải đúng theo thiên lý, nhân tâm, lấy nhân đức mà chứa âm công. Dù có gặp được sự lợi ích ngoài ý muốn cũng không nên tham lam vơ vét cho mình. Giữ được cái tâm chính thuận như thế mới có thể gọi là chính nhân. Đã là chính nhân, thời nói ra một lời là trời đất tin, làm một cử động là quỷ thần sợ, dẫu có tà ma yêu quái, nghe thấy tiếng của ta là sợ hãi thu mình rút thể, thấy mặt ta là rút xương tróc da. Được như thế, thời đối với việc cầu mưa tất nhiên là phải cảm ứng”.


VẬY ĐẤY, ĐỦ THẤY CẦU ĐẢO ĐÂU PHẢI DỄ DÀNG GÌ, ĐÂU PHẢI AI CŨNG LÀM ĐƯỢC, MÀ CŨNG ĐÂU PHẢI KHÓ KHĂN.

FB: Tuan Duong LaiDo
Ghi chép này phỏng theo ”Tang thương ngẫu lục” nên cũng có thể gọi là ”Tang thương ngẫu lục vậy”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *