Bí ẩn ngôi đền “bắt ma”, nuôi hàng trăm người điên lạ lùng nhất Việt Nam

Hàng trăm bệnh nhân tâm thần “lâu năm” đang sống bình thường trong ngôi đền cổ này. Hàng ngày, người dân thường bất chợt nghe thấy tiếng gào rú phát ra từ trong khuôn viên ngôi đền. Mọi chuyện bí ẩn kỳ lạ bắt nguồn từ việc ngôi đền chỉ mở cửa đón người điên.

 Bí ẩn ngôi đền “bắt ma”, nuôi hàng trăm người điên lạ lùng nhất Việt Nam 

Những lời đồn ma mị 

Đền Thó (xã Lương Tài, Văn Lâm, Hưng Yên) đang là nơi lưu trú của rất nhiều người tâm thần. Trong đó, hàng chục người đã “điên thâm niên” đến mức gia đình họ không còn phương cách gì để chữa trị nên mới gửi họ tới ngôi đền nằm lọt thỏm giữa khu dân cư này.


 Đền Thó ở xã Lương Tài, Văn Lâm, Hưng Yên 

Bà con xung quanh ngôi đền đã chứng kiến những bệnh nhân tâm thần lột hết quần áo, gào thét điên cuồng khi được người thân “áp giải” đến đền Thó. Cũng có những bệnh nhân gương mặt trắng bệch, ánh mắt đỏ ngầu, miệng lẩm bẩm đòi giết cả nhà, giết những ai dám đến gần. Vì thế, đối với người dân thôn Lương Tảo C, đền Thó là nơi vừa bí ẩn, vừa đáng sợ.

Do không hiểu rõ, nên người dân nơi đây nảy sinh những đồn đoán thiếu căn cứ về ngôi đền này. Người ta cam đoan đền Thó là nơi tụ tập của ma quỷ hoặc vị thần linh nào đó đã trấn giữ qua nhiều thế kỷ. Bởi đền Thó tồn tại đã hàng trăm năm (thần phả không biên rõ ngôi đền được dựng lên từ năm nào, nhưng theo truyền miệng, ngôi đền có từ thời Bắc thuộc).

Dòng họ được giao nhiệm vụ thủ đền hàng ngày đều tiến hành những nghi lễ khá lạ lùng, bí mật. Những nghi lễ này chỉ được truyền cho người trong họ, nên càng gây ra sự tò mò.

Bà Trần Thị T. (66 tuổi) là người sống sát vách với đền Thó từ lúc bé. Lúc mới biết nhận thức, bà đã phát hoảng khi hàng ngày chứng kiến không biết bao nhiêu người điên ra vào đền Thó. Họ ăn ở trong đền và được cho ra ngoài lao động như người bình thường. Lạ một nỗi, những người điên ấy đều hết sức nghe lời thủ nhang của đền, họ chăm chỉ làm việc, không quấy phá đến người dân trong làng.

Bà T. phỏng đoán: “Tôi nghĩ rằng nhà đền đã trấn yểm một thứ gì đó lên người những bệnh nhân tâm thần khiến cho họ phải phục tùng, phải nghe lời. Chắc là bùa chú gì đấy, vì tôi nghe kể là những người trong dòng tộc nhà đó thường bắt người điên tụ tập trong đền Thó và đọc kinh, rồi thực hiện nhiều nghi thức, động tác quái lạ lắm”.

Người dân ở thôn Lương Thảo C còn thỉnh thoảng giật mình với những tiếng thét gào man dại phát ra từ bên trong đền Thó. Đấy là lúc người bệnh tâm thần không kiểm soát được bản thân, họ kêu gào như thể bị một thế lực thần bí nào đó giam cầm, đầy ải.

Còn việc bệnh nhân tâm thần phát rồ, đòi giết ông thủ nhang cũng xảy ra không ít lần. Mới đây, bệnh nhân tên M. (ở Bắc Ninh, 21 tuổi) đã cầm thanh sắt dài cả mét đứng nấp ở cửa đền, nhằm lúc ông thủ nhang về đến nơi liền lao ra đòi đập chết. Trong lúc hành động, M. không ngớt lảm nhảm: “Tao đánh chết mày vì mày nhốt tao”. Những sự việc ấy, người dân đều chứng kiến cả.

 Ông Tự, thủ nhang đền Thó kể về cách điều trị bệnh tâm thần 

Cùng ăn bữa cơm của người tâm thần

Thủ nhang của đền Thó, ông Nguyễn Văn Tự, không phủ nhận chuyện anh M. đòi “đánh chết” mình. Với ông Tự, chuyện đối mặt với những nguy hiểm khi chung sống cùng người tâm thần đã là điều quen thuộc, bởi ông sinh ra và lớn lên cùng với họ.

Ông Tự nói bình thản: “Từ xa xưa, đền Thó không tiếp khách vãng lai, vì đây là ngôi đền của gia đình. Điều đặc biệt là đền Thó thờ cả Phật và Thánh. Theo quy định của các cụ truyền lại, ngôi đền này chỉ được mở cửa vào những thời điểm nhất định và người vào đền là các bệnh nhân tâm thần.

Quyền trông nom ngôi đền được truyền cho trưởng nam trong dòng họ, những nam nhân khác trong họ – dù lớn tuổi và vai vế cao hơn – vẫn chỉ đóng vai trò người giúp việc. Thêm nữa, các cụ căn dặn ngặt nghèo là mọi giấy tờ, sổ sách đều phải đốt hết mỗi khi truyền cho đời thủ nhang mới. Vì thế, cả bản thân tôi cũng không rõ ngôi đền có từ bao giờ, tuổi thọ là một vài trăm năm hay là ngàn năm. Chỉ biết rằng, ông tôi truyền lại ngôi đền cho bố tôi. Từ lúc biết nhận thức, tôi đã thấy mình lớn lên trong môi trường toàn người điên”.

Bản thân ông Tự và các cụ cao niên trong dòng họ cũng không lý giải được vì sao đền Thó lại chỉ đón tiếp người điên. Qua truyền miệng, họ biết rằng xưa kia có một vị thần đầu thai xuống hạ giới để làm việc kỳ lạ, đấy là trị bệnh cho người tâm thần. Khi vị thần hóa về trời, con cháu dựng ngôi đền để thờ vị thần, đồng thời tiếp tục công việc chữa bệnh. Xưa kia, bệnh viện tâm thần không có, nên người điên quanh vùng đều đến đền Thó và rất nhiều người đã khỏi bệnh.


 Những bệnh nhân tâm thần nhẹ được phân công nấu ăn 

Hôm chúng tôi tới đền Thó, đúng dịp ngôi đền đang được tu sửa, tôn tạo. Ông Tự chỉ thuê một nghệ nhân đắp phù điêu, còn bao nhiêu công việc xây dựng đều giao cho các bệnh nhân. Trong khuôn viên chừng 1000m2 của đền Thó, hàng chục người đang chăm chỉ làm việc. Một người đàn ông trung niên, râu ria tỉa tót cẩn thận, tất bật với công việc trộn vữa.

Ông ta hành động khéo léo, chỉn chu, ra dáng thợ lành nghề. Bên kia, chàng trai thư sinh (vốn là sinh viên đại học danh tiếng, vì học hành quá độ mà sinh ra hoang tưởng) bận rộn bê gạch để phục vụ xây dựng tường bao. Tay chân anh ta lẻo khẻo, mỗi lần bê chỉ được 4 viên gạch, nhưng rất đều đặn, không nghỉ.


 Chàng trai thư sinh vốn là sinh viên đại học danh tiếng, vì học hành quá độ mà sinh ra hoang tưởng 

Tất cả nhịp nhàng như một công trường chuyên nghiệp! Ngoại trừ anh chàng tên M., bị giữ chân bằng một cùm sắt nặng. Anh ta cứ ngồi cười hềnh hệch ở góc vườn, tay chân chỉ trỏ như ông chủ thầu xây dựng điều khiển đám công nhân.

Ở trong bếp, mấy chị phụ nữ đang làm cơm rất nhộn nhịp. Ông Tự giảng giải: “Những người được phân công làm bếp là bệnh nhân “say” nhẹ (ý là bệnh tâm thần nhẹ) hoặc đang phục hồi tốt. Nếu người điên nặng làm bếp thì chết cả nhà như chơi! Chúng tôi mua đồ ăn, còn gạo là của gia đình bệnh nhân đóng góp khi họ mới đến. Người tỉnh và người điên ăn chung”.


 Dù mang bệnh tâm thần những người ở đây vẫn ăn uống bình thường, sạch sẽ 

Đến trưa, ông Tự cho bệnh nhân nghỉ tay ăn cơm. Mấy chục bệnh nhân tâm thần tự biết ngồi vào bàn ghế đàng hoàng, ngay ngắn. Họ vừa ăn vừa rủ rỉ tâm sự. Có người chòi đũa tranh phần ăn của bạn, nhưng ông Tự lập tức nhắc nhở ngay. Kỳ lạ, những bệnh nhân tâm thần từng điên loạn đòi chém, đòi giết người này đều sợ và nghe lời răm rắp vị thủ nhang mới hơn 40 tuổi.

Ông Tự tiết lộ: “Chữa bệnh tâm thần cũng phải có tập hợp nhiều yếu tố, cả khoa học cũng như tâm linh. Ở đây, chúng tôi không cho bệnh nhân dùng thuốc, nhưng họ khỏi bệnh rất nhiều. Thế mới đặc biệt!”.

Hoài Sơn 

Theo Báo Tuổi trẻ & Đời sống

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *