Hầu cũng dăm bảy loại… đồng

Chả biết tự bao giờ người ta lại có một loại thuật ngữ để phân biệt ra những thanh đồng (người ra hầu đồng) thành “đồng sang” (đồng giàu), “đồng nát” (đồng nghèo), “đồng đua”, “đồng đú” hay thậm chí cả “đồng non” (đồng trẻ tuổi) với “đồng già” (đồng nhiều tuổi)… Kể cũng lạ, tưởng thế là hết rồi, vậy mà mới đây một nghệ sĩ hát văn nức tiếng, anh cũng hay ra hầu đồng bảo giới hầu đồng có nhiều tên gọi khác nhau cho những thanh đồng như đồng khôn, đồng giỏi, đồng điên, đồng rồ, đồng hâm, đồng rởm…

 Thanh đồng phát tài ban lộc cho mọi người. 

Giới hầu đồng giờ đây lắm lúc thật như là một cái chợ hỗn tạp mà ở đấy có đa dạng người từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền ngược, từ người trẻ tuổi đến người già, với nhiều tính cách khác nhau. Những thanh đồng có tài chính khá giả, lập đàn dâng lễ mâm cao cỗ đầy, cầu kì kén chọn ban hát văn phải là những người có tiếng, hay đến khi những thanh đồng lên đồng, nhịp nhàng động tác uyển chuyển có hồn, được kính trọng yêu quý thì được gọi là đồng sang, đồng giàu.

Đồng ít tiền, kinh tế còn eo hẹp, dâng đàn lễ tùng tiệm, sơ sài người ta gọi là đồng nghèo, đồng nát. Người ra hầu đồng đủ các lứa tuổi, chỉ cần mở trên mạng xã hội thì người ta thấy có nhiều em bé chỉ 5, 6 tuổi đã ra hầu đồng, hay những thanh thiếu niên 9X ra hầu được gọi là đồng non. Thanh đồng nhiều tuổi, tóc bạc da mồi, hay có thâm niên lâu năm ra nhập đồng gọi là đồng già.

Đồng khôn ăn nói chừng mực, tỉnh táo. Đồng rồ, đồng hâm, đồng điên, đồng dại, bốc đồng một tấc lên đến trời cao, có hành động cử chỉ lời nói khác thường trở thành dị thường. Đồng rởm là không hiểu về đạo tam – tứ phủ, không am tường về đạo Mẫu nhưng vẫn ra hầu đồng. Thế còn tại sao lại còn gọi là đồng đua, đồng đú? Theo như giải thích của những thầy đồng (mở phủ và hướng dẫn thanh đồng vào những ngày đầu tiên ra hầu đồng) thì người ra hầu đồng phải có căn, có cốt chứ không có căn cốt mà thấy người ta hầu đồng mình cũng đi theo để hầu đồng, ra hầu đồng chỉ để cho vui, cho oai thì gọi là đồng đua, đồng đú.

Và có vẻ như xã hội càng phát triển thì người ra hầu đồng lại càng nhiều như nêm cối thế. Mỗi năm đến mùa xuân thu nhị kì, vào đầu năm bắt đầu từ tháng giêng đến tháng ba âm lịch và cuối năm vào từ tháng 8 đến hết tháng 12 âm lịch hầu đồng gọi là trả lễ.

Phủ Giày, TP Nam Định được coi là “đại bản doanh” của các thanh đồng, hay “Công Đồng Bắc Lệ” ở Lạng Sơn cũng được coi là thủ phủ của những người hầu đồng, đền Mẫu Đông Cuông Tuần Quán (Yên Bái), Đền Sòng Sơn, Đền cô Chín giếng, đền cô Bơ (Thanh Hóa), đền ông Hoàng Mười (Nghệ An), đền ông Hoàng Bẩy (Bảo Hà), đền Trần (Nam Định), đền Rừng, đền Núi, đền Mẫu Thoải (Gia Lâm – Hà Nội)… khắp làng mạc, chỗ nào có đền phủ, ban thờ Mẫu trong chùa vào những ngày đầu xuân năm mới, hay những tháng cuối năm là thấy người hầu đồng ra vào tấp nập chốn đèn nhang, nơi tâm linh hương khói để dâng tâm thành lễ mọn, múa hát hầu dâng thánh

Mỹ Trân

Theo ANTG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *