Căn đồng số lính

GS Ngô Đức Thịnh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam cho biết: “Văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu tứ phủ của người Việt, hạt nhân là hầu đồng, một thời bị coi là mê tín dị đoan xóa bỏ, bây giờ đã được Nhà nước nhìn nhận đúng, nhưng hiện nay cũng bị biến tướng nhiều. Nhiều người lợi dụng để kiếm tiền trục lợi chuyện hầu đồng. Hầu đồng có hai loại. Một là người có căn quả, người ta gọi là “người có căn đồng số lính” họ phải ra trình đồng thì họ mới sống được, còn bây giờ có một dạng nữa mà dân gian gọi là đồng đua, đồng đú, đó là hiện tượng ra đồng để giải tỏa những dồn nén của kinh tế thị trường xã hội hiện đại”.

Đúng như những gì Giáo sư Ngô Đức Thịnh, người đã cả đời dành tâm huyết về đề tài khoa học, đạo Mẫu trong tín ngưỡng thờ cúng của người Việt đã nói, có một nghệ sĩ là diễn viên chèo, anh hát văn hay nức tiếng trong giới hầu đồng kể: Người ra đồng thì đủ cả, người làm ăn thua lỗ, muốn kiếm được lời họ cũng ra đồng để mong thánh thiêng, thánh ban lộc phát tài.

Người lấy vợ, gả chồng lâu năm, thuốc nam thuốc bắc, chữa đông tây kim cổ, thụ tinh nhân tạo mãi từ bệnh viện Từ Dũ, Thành phố Hồ Chí Minh cho đến bệnh viện Phụ sản Hà Nội không có được mụn con nào cũng ra hầu đồng, mong thánh thương thánh giúp cho nhà thêm con, thêm cháu.

Người cầu quan, cầu chức, cầu lộc, cầu tài cũng muốn ra hầu đồng. Người kinh doanh thích mua một bán mười, mua may bán đắt cũng ra hầu đồng trình thánh để xin lộc rơi lộc vãi. Hay người cao số khó lấy chồng, lấy vợ cũng bắc ghế ra hầu đồng xin thánh. Thậm chí người chẳng làm sao chỉ muốn khoe mình lắm của nhiều tiền, múa giỏi, lễ hay cũng hầu đồng ở đền to, phủ lớn…

Trong kì Hội thảo “Bảo tồn và phát huy tín ngưỡng thờ Mẫu Tam – Tứ phủ của người Việt” ở Hải Phòng, cậu đồng Nghĩa nức tiếng trong giới mở đồng ở miền Bắc cho biết: “Hầu đồng ai cũng muốn oai, oai cái gì và oai đến đâu. Oai phải là phong thái lên đồng.

Các cụ bảo: “Đồng khôn bóng ngoan, đồng sang bóng lịch sự”. Lịch sự không phải là nhiều tiền, lịch sự là cung cách biết xử sự, thánh (người hầu đồng) biết cho ai trước ai sau, thánh biết nghe hát nghe văn thế nào. Đấy là lịch sự. Chứ bây giờ lên đồng lại cứ nhảy loạn lên bảo tôi sang tôi nhiều tiền thì không phải. Bây giờ các vị đồng đền rất nên cho ai ra đồng và không nên cho ai ra đồng. Vì đồng bây giờ người ta chả làm sao, thua cờ bạc nó cũng ra đồng?

Hồi xưa các cụ bảo “Sạch sành sanh mới được anh áo đỏ”. Không ốm đau, không điên rồ làm sao ra đồng? Không chiêm bao báo mộng làm sao mà ra đồng? Nhà tôi một năm mở phủ có 200 người. Ba năm nay tôi chỉ mở phủ có 40 người. Tôi chả mở nhiều. Mở nhiều làm gì?! Nó cờ bạc, lô đề, bóng bánh, nó thua nó lại bảo thánh không thiêng rồi nó lại đi thay thầy khác, thế thì hơi đâu mà mở? Có người đến gặp tôi nằng nặc: “Con phải ra đồng”.

Tôi can: “Không có căn có mạng con ạ, chờ ba năm sau hãy ra đồng”. Ba năm sau người ta làm ăn được thì ra đồng, không làm ăn được thì họ bỏ. Bây giờ ông đồng bà đồng nào cũng thích đi mở phủ kiếm được vài triệu bạc cứ tưởng là to thì tự nhiên mất tiếng của thánh đi, lại không đúng. Tôi kính mong nhất các vị đồng đền, các vị thủ nhang, các vị thanh đồng giữ làm sao chấn chỉnh việc hầu thánh”.

Nhớ lại lời của GS Ngô Đức Thịnh, ông bảo: “Không có tín ngưỡng nào trên đời này dạy con người làm những điều xấu xa, chỉ có con người lợi dụng nó cho những mục tiêu xấu xa. Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt của nó, ở đâu đó thì hầu đồng đang bị biến tướng, nhiều người lên đồng vì những lợi ích vật chất, và sự biến tướng này có nguy cơ trở thành môi trường kiếm tiền, làm giàu, trục lợi…”

Mỹ Trân 

Theo ANTG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *