GIAI THOẠI PHONG THỦY: KIỂU ĐẤT NGŨ PHỤNG TRIỀU DƯƠNG – 3

Nhưng qua những lời truyền tụng hay chiếu theo một vài tài liệu đã sưu tầm được, thì chúng tôi chỉ thấy hoang mang không biết đâu là sư thực, vì có người nói thế này, lại có người bảo thế khác, tam sao thất bản, khiến cho chúng tôi, càng cảm thấy thất vọng, đành chỉ còn biết : lựa chọn những giả thuyết gần sự thực hơn hết, có lý hơn hết, để nêu ra, với hy vọng ấy, mong chờ sự chỉ giáo của qúy vị cao minh, nhất là những bậc lão thành ở tỉnh Đông.
Thì sự mong chờ của chúng tôi quả đã không đến nổi thất vọng ! Mới đây chúng tôi có tiếp được bức thơ của một vị lão thành, tự nhận là dòng họ Vũ ( rất tiếc là Vũ Lão tiên sinh lại không muốn cho chúng tôi nêu rõ quý tính cao danh và địa chỉ, nên ở đây chúng tôi phải chiều ý Vũ lão tiên sinh, mong bạn đọc thân mến, lượng tình thông cảm) đã cho chúng tôi biết thêm nhiều chi tiết quý giá, mạc dù chúng tôi vẫn còn một vài nghi vấn, muốn được hầu truyên cùng Vũ Lão tiên sinh trong một kỳ sau.
Trước khi thuật lại đầy đủ những chi tiết bổ ích ấy để cống hiến quý vị độc giả thân mến, chúng tôi xin chân thành cảm tạ thịnh tình chiếu cố của Vũ Lão tiên sinh, đã không quản công phu, sốt sắng giúp đở cho chúng tôi, có những tài liệu dồi dào để hoàn thành công cuộc biên khảo này.
Một lần nữa xin Vũ Lão tiên sinh nhận cho ở đây lời cảm tạ thành thực của chúng tôi.
Trong một bài trước, chúng tôi có nói đến làng Lương Đường, sau được đổi thành Lương Ngọc.
Nay được biết đó chỉ là tên hợp nhất của hai làng Lương Đường và Ngọc Cục, cũng thuộc địa phận phủ Bình Giang, tỉnh Hải Dương Bắc Việt.
Còn ngôi mả táng treo thì thuộc phạm vi làng Vạn Nhuế, huyện Nam Sách, cũng trong địa giới tỉnh Hải Dương.
Theo gia phả của họ Vũ, được đặt ở ngôi thờ tại đình làng Vạn Nhuế, thì lai lịch của ông tổ được ghi chép như sau : ” Vũ Hồn , An Nam Đô Hộ Sứ “, và cũng chính Vũ Hồn đã tự tìm lấy được kiểu đất : ” Cửu Thập Bát tú triều dương” lúc đang đảm nhiệm trọng trách An nam Đô Hộ Sứ (chúng tôi sẽ có dịp thảo luận về nghi vấn này trong một số báo sau ).
Kiểu đất có ngôi mả treo gồm tới 98 (cửu thập bát tú) cái gò nhỏ nằm rải rác bao quanh một cái gò lớn, ở chính giữa (gò thứ 99) mà trên đỉnh gò là mả Vũ Hồn.
Điểm đặc biệt là phong cảnh quang đảng của khu vực ” Cửu thập bát tú triều dương”, vì ngoài 99 cái gò, tuyệt nhiên không còn có cây cối chi khác.
Vẫn theo gia phả của họ Vũ đã ghi chép, thì sau khi khám phá được kiểu đất tuyệt đẹp, cực kỳ quý báu đó, Vũ Hồn liền trở về Trung Quốc, xin triều đình cho phép mình được đem họ hàng con cháu, di cư sang An Nam lập nghiệp.Chính do đấy, mà hài cốt của Vũ Hồn, sau lúc ông từ trần, mới được an táng tại làng Vạn Nhuế.
Trước khi tìm được kiểu đất để dành cho việc mai hậu, Vũ Hồn còn tìm được một khu đất khác, dùng làm nơi sinh cư lập nghiệp cho bà con trong họ, theo mình từ Trung Quốc qua. Nơi đó là làng Khả Mộ, sau được cải lại là Mộ Trạch, thuộc tổng Tuyền Cử, huyện Năng An, phủ Bình Giang, tỉnh Hải Dương.
Địa hình địa thế làng Mộ Trạch cũng đặc biệt vô cùng, thu gọn trong một khu vực vuông vắn như được cắt sén, gọn gàng, không hề có chỗ nào lồi lõm hay khúc khuỷu.
Dân làng hết thảy đều là họ Vũ, con cháu của Vũ Hồn.
Ngoài ra không có một dòng họ nào khác tới cư ngụ hay tá túc cả. Ngay tại hai bên cổng ngôi đình thờ ông tổ Vũ Hồn vẫn còn có đôi câu đối :
” Vi tử tôn lập vạn thế cơ, Khanh, Tướng, Công vô trị loạn.”
” Dữ Thiên Địa dồng nhất, nguyên khí, Hoàng, Vương, Đế, Bá hữu Long ô “
dịch nôm là : Vì con cháu, lập nên cơ sở vạn năm Khanh, Tướng, Công Hầu vì thời bình hay thời loạn cũng đều có; Cùng với nguyên khí của Trời Đất, Hoàng, Vương, Đế, Bá ở thời thịnh hay suy cũng vẫn có.
Đồng thời, gia phả cũng còn ghi lại : lúc Cao Biền đuổi quân Nam Chiêu, khi đi ngang qua làng Mộ Trạch, họ Cao vốn là tay thông kim bác cổ, có chân tài, thực học về môn phong thủy, lúc ấy cũng phải ngẩn ngơ trước kiểu đất quý báu, hiếm có kia, rồi gò cương ngựa, rơ roi mà khen ngợi rằng : ” Tiến Sĩ sào ! ” (Cái tổ của các vị Tiến Sĩ).
Vì vậy tại cổng Đông làng Mộ Trạch, người ta mới thấy có tấm bia, khắc ba chữ ” Tiến Sĩ sào” để kỷ niệm lời ca ngợi một kiểu đất văn học tuyệt vời do chính một người thông hiểu địa lý như Cao Biền đã phải thốt ra.
Có lẽ cũng vì địa hình địa thế đẹp đẻ tuyệt vời của làng Mộ Trạch, và căn cứ vào lời khen ngợi “Tiến Sĩ sào” do tự miệng một nhà phong thủy kỳ tài như Cao Biền thốt ra mà số người thành đạt ở làng Mộ Trạch lại có rất nhiều, chứ không phải ” Thập Bát Tiến Sĩ, tam Tể Tướng” như chúng tôi từng đề cập đến trong một kỳ trước.
Ngoài một số đông sĩ tử thi đậu cao khoa, làng Mộ Trạch còn có nhiều người làm đến Công Hầu, Khanh Tướng.
Vì thế trong gia phả, mới thấy ghi chú ” Thập Bát Quận Công, tam Tể Tướng”. Nhưng danh tính các vị quận công hiển đạt trong dòng họ Vũ cho đến bây giờ, vẫn chưa ai tra cứu được, mặc dầu tại Văn Miếu Hà Nội còn có những danh bia Tiến Sĩ ghi danh tính những Ông Nghè ở dưới triều Lê, Nguyễn.
Muốn minh chứng sự khác biệt giữa hai làng Luơng Đường và Mộ Trạch chỉ cách nhau co trên dưới ba cây số ngàn, Vũ Lão Tiên Sinh đã cho chúng tôi biết thêm : trong gia phả của dòng họ Vũ còn thấy ghi rằng :
” Mộ Trạch quan, thiên hạ an,
” Lương Đường quan, thiên hạ loạn …”
Như thế đủ rõ hai làng không liên hệ chi với nhau hết.
Về ngôi mả táng treo, Vũ Lão Tiên Sinh cũng không cho là lạ lùng chi hết, mà đó chỉ là một cái huyệt, được đào rộng ra, bốn góc trồng bốn cây cột, đầu cột có giây xích liên lạc với nhau, hài cốt đặt trong tiểu và để trên các giây xích ấy, xong rồi cho đổ đất lấp kín như các ngôi mộ khác.
Vẫn còn nhiều nghi vấn
Với mục đích tôn trọng dư luận, chúng tôi đã trích đăng tất cả những tài liệu liên quan đến ngôi mả táng treo, do chính một bậc lão thành trong dòng họ Vũ, hiện diện ở miền Nam, nay đích thân viết cho chúng tôi, để đính chính những chi tiết chúng tôi từng đưa ra từ mấy số trước, mà Vũ Lão Tiên Sinh cho là quá hoang đường !
Sự thực, tài liệu sưu tầm của chúng tôi nếu có bị sai lạc, lầm lẩn, thì đó cũng không phải là lổi sơ sót của chúng tôi, vì chúng tôi cũng chỉ làm công việc của một người tường thuật lại những lời truyền tụng trong dân gian về ngôi mả táng treo, mà qua sự kết phát hiển hách lâu dài đã thành một giai thoại rất phô thông của quảng đại quần chúng.
Sự suy luận của chúng tôi không phải là vô căn cứ, vỉ đồng bào Bắc Việt nào, trước đây, không đã có hơn một lần, được nghe “thiên hạ đồn” về ngôi mả táng treo, cùng sự lựa chọn đứa con bé sinh đôi, nặng đồng cân hơn đứa con lớn, để đem về Trung Quốc của thầy địa lý Tàu, sau khi nhường kiểu đất quý cho Vũ Hồn – vì tự biết nhà mình bạc phước vân vân và vân vân.
Sau khi đăng tải đầy đủ những chi tiết về ngôi mả táng treo, do chính một vị lão thành, trong dòng họ Vũ đưa ra, chúng tôi xin nêu ra đây những nghi vấn đã khiến cho chúng tôi phải thắc mắc khá nhiều qua những tài liệu nói trên.
Căn cứ vào tài liệu ghi trong gia phả của họ Vũ thì Vũ Hồn là một vị đại thần Trung Quốc, không biết rõ đời nào, được bổ nhiệm làm An nam Đô Hộ Sứ, qua đây tìm được kiểu đất “Cửu Thập Bát Tú Triều Dương”, có thể phát được tới “Thập Bát Quận Công, tam Tể Tướng, nên đã về Tàu, xin Triều đình cho phép mình được đem họ hàng qua lập nghiệp tại Mộ Trạch, một địa điểm cũng vô cùng đặc biệt về phong thủy, đến nổi nhà phong thủy chính tông cừ khôi là Cao Biền từ đời nhà Đường, được cử qua An nam làm Đô Hộ Sứ khi đuổi giặc Nam Chiếu, về qua làng Mộ trạch, thấy phong cảnh kỳ tú, địa thế vuông vắn, đã phải nghi ngờ trước kiểu đất Văn Học, tuyệt vời, mà gò cương chỉ roi ngựa, khen là “Tiến Sĩ sào” !
Theo những lời ghi chú trên, thì ta có thể tin tưởng được rằng : Vũ Hồn sanh vào đời nhà Đường bên Tàu, vì sau khi chinh phục được nước ta, năm Kỷ mảo, vua Cao Tôn nhà Đường, mới chia xứ Giao Châu thành 12 Châu, 59 huyện và thiết lập An Nam Đô Hộ Phủ.
Nước ta được gọi là An Nam, bắt đầu từ đây.
Trong gia phả của họ Vũ, có ghi ” Vũ Hồn An Nam Đô Hộ Sứ.” thì lời phỏng đoán của chúng tôi trên đây, hẳn không quá xa sự thực ?
Tuy nhiên, chúng tôi vẫn còn thắc mắc, vì qua những tài liệu lịch sử còn sót lại, chúng tôi đã cố sức dò kiếm, mà trong số quan lại nhà Đường được phái sang An Nam, tuyệt nhiên không có vị nào là họ Vũ hết !
Kể từ đời Lý Uyên, vị vua dựng lên nghiệp nhà Đường xưng hiệu là Cao Tổ Hoàng Đế, trong sử cũng chỉ thấy chép : vị quan được nhà vua cử sang cai trị Giao Châu là Đại Tổng Quản Khâu Hoa.
Sau đấy là Quang Sở Khách, Dương Tư Húc, Trương Bá Nghi, Cao Chánh Biện, Triệu Vương, Cao Biền v…v…
Không có một viên quan tàu nào họ Vũ, nhất là chức Đô Hộ Sứ cả !
Ngoài nghi vấn trên, chúng tôi còn không khỏi ngạc nhiên, về đoạn nói về Cao Biền.
Như ai nấy đều biết, không những qua lời nhân dân truyền tụng từ cửa miệng người này qua cửa miệng người khác, mà còn được ghi chép trên nhiều tài liệu giấy trắng, mực đen khác về Cao Biền thì nhà chính trị kiêm quân sự Trung Hoa này, còn có biệt tài về môn phong thủy, học được dị thuật hú gió, gọi mưa, mới nghe cứ như chuyện phong thần vậy !
Về tài năng và sự nghiệp của Cao Biền thì chính sử gia, kiêm học giả Trần Trọng Kim, đã viết trong cuốn V.N. sử Lược như dưới đây :
Mùa thu năm Giáp Thân (864) Vua nhà Đường sai tướng Cao Biền sang đánh quân Nam Chiếu ở Giao Châu.
Cao Biền vốn là danh tướng của nhà Đường văn vỏ toàn tài, rất được quân sĩ mến phục. Năm Ất Dậu (865) Cao Biền cùng quan Giám quân Lý Duy Chu đem quân sang đóng ở Hải Môn. Nhưng họ Lý không ưa Cao Biền, thường tìm mưu hãm hại.
Hai người bàn định tiến binh, Cao Biền dẫn 500 quân đi trước hẹn họ Lý đi sau tiếp ứng. Nhưng họ Lý không chịu xuất binh, Cao Biền vẫn thắng được quân giặc trong lúc chúng đang gặt lúa không kịp đề phòng.
Sau đấy nhờ có tướng Vi Trọng Tề vâng mệnh vua Đường, đem 7000 quân sang tiếp viện cho Cao Biền, nên Cao Biền lại thắng luôn mấy trận nữa, khiến cho quân Nam Chiếu hoảng sợ, chỉ lo giữ gìn thế thủ, chư không dám tấn công như trước nữa.
Cao Biền thấy thế liền viết biểu gửi vể Tàu báo tin. Nhưng sứ giả về đến Hải Môn, lại bị Lý Duy Chu bắt giữ, không cho họ Cao Biền liên lạc với Triều Đình.
Vua Đường trông đợi mải, không thấy tin tức gì của Cao Biền, phải sai sứ giả sang hỏi, thì Lý Duy Chu lại tâu dối rằng : Cao Biền án binh ở Phong Châu không chịu giao binh cùng quân giặc.
Vua Đường nghe tin ấy, nổi giận lập tức, hạ chiếu sai Vương An Quyền sang làm tướng đánh Cao Biền và triệu họ Cao về triều hỏi tội.
Ngay tháng ấy, Cao Biền phá tan được quân Nam Chiếu rồi lại tiến binh vây hãm La Thành, đã được hơn mười ngày, sắp hạ thành, bỗng nhận được tin Vương An Quyền và Lý Duy Chu sẽ sang thay mình thì biết ngay mưu kế hiểm độc của bọn gian thần, liền trao phó binh quyền cho Vi Trọng Tề rồi cùng mấy tên gia nhân thân hành đi suốt đêm về triều.
Nhưng trước đó, Cao Biền cũng đã sai người bí mật lén về kinh đô dâng biểu, trần tấu về tình trạng ở phương Nam, và nhân mạnh luôn cả sự đố kỵ của họ Lý để xin nhà vua minh xét…
Vua Đường xem biểu, biết rõ sự tình cả mừng, vội xuống chiếu thăng chức cho Cao Biền và sai họ Cao trở lại phương Nam, tiếp tục cầm binh chinh phạt Nam Chiếu.
Chẳng bao lâu binh Đường đã dẹp yên quân giặc.
Đất Giao Châu lại bị nội thuộc nhà Đường, sau 10 năm bị quân Nam Chiếu phá lại.
Vua Đường phong cho Cao Biền làm Tiết Độ sứ và đổi đất An Nam làm Tỉnh Hải…
Cao Biền trị dân có phép tắc nên ai cũng kính trọng mến phục.
Vì vậy, nhiều người tôn là Cao Vương, Cao Biền đắp lại thành Đại La ở bờ sông Tô Lịch…
Sử chép rằng Cao Biền thường dùng phép phù thủy, khiến thiên lôi phá hủy những thác gềnh ở các sông ngòi trong xứ, để cho thuyền bè đi lại dể dàng.
Tục truyền rằng : Cao Biền thấy ở bên Giao Châu ta lắm đất đế vương thường cứ cưỡi diều giấy đi yểm đất, phá hủy những chỗ sơn thủy đẹp và triệt hạ mất nhiều long mạch…
Ngoài tài liệu của Trần tiên sinh, trong dân gian còn đồn đải rằng : họ Cao thường đi khắp núi cao rừng rậm, ngõ hẽm, hang cùng, thấy nơi nào địa thế kỳ khu, phong cảnh xinh đẹp, khả dỉ nghi được là chỗ quy tụ những long mạch kết phát, là tìm cách trấn yểm, phá hủy cho kỳ được.
Đó không phải là ý riêng của Cao Biền, mà chính là y đã vâng mật chiếu của triều đình : dùng mọi phương pháp yểm trừ những huyệt đế vương, cũng như những kiểu đất kết phát khác, để mong cũng cố nền móng đô hộ lâu dài trên đất nước này.
Với trọng trách ấy, một người có căn bản vững chắc về môn phong thủy như Cao Biền, một danh tướng kiêm chính trị gia lổi lạc, đã từng xây được thành Đại La lại đào cả sông Tô Lịch để cắt đứt long mạch của chốn cố đô, thì bao giờ y lại chịu bỏ qua kiểu đất ” Cửu Thập Bát Tú triều dương” và luôn cả khu quý địa làng Mộ Trạch ?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *