BÍ ẨN LĂNG MỘ TẦN THỦY HOÀNG

Khám phá những bí ẩn lăng mộ Tần Thủy Hoàng?

   Được chôn sâu dưới một ngọn đồi ở trung tâm Trung Quốc đại lục, bao quanh là những hào sâu chứa đầy thủy ngân, vị Hoàng đế nhà Tần nằm yên nghỉ tại lăng mộ xa hoa của mình trong hơn hai thiên niên kỷ.

                                  Một trong hàng ngàn chiến binh đất nung trong lăng mộ

   Lăng mộ ẩn chứa vô số những dấu hỏi về vị Hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc cổ đại – Tần Thủy Hoàng, ông mất vào ngày 10 tháng 9, năm 210 trước Công nguyên ở tuổi 49. Câu trả lời cho những bí ẩn này nằm dưới lăng mộ, nhưng liệu chúng ta có thể tiến sâu vào lăng mộ và tìm ra chúng?

   “Không có người sống ở ngọn đồi nơi Hoàng đế được chôn.” Nhà khảo cổ học Kristin Romey, người phụ trách giám sát những chiến binh đất nung tại một triển lãm trưng bày ở New York, nói. “Một phần là do chúng ta tôn trọng người đã khuất, nhưng thực sự là với những dụng cụ công nghệ kỹ thuật như hiện nay, không ai có thể tiến hành khai quật toàn bộ khu mộ.”

Cuộc đời và An táng

   Tần Thủy Hoàng được sinh vào năm 259 trước Công nguyên tại đô thành Hàm Đan nước Triệu, một trong những vương quốc độc lập ở vùng Trung Quốc đại lục bấy giờ. Chiến tranh đã nổ ra trong hơn 200 năm, nhưng thông qua một sự kết hợp tài tình về sức mạnh quân sự và chiến lược, Tần Thủy Hoàng đã chế ngự tất cả, thống nhất Trung Quốc, tuyên bố rằng mình không những là vua mà còn là Hoàng đế, lập ra nhà Tần.

   Cho đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi về chiến lược độc đáo mà Hoàng đế nhà Tần đã sử dụng để đoạt lại chiến thắng tưởng như không thể.

   Sau khi qua đời, Tần Thủy Hoàng được chôn cất trong khu mộ sang trọng nhất, phức tạp nhất từng được xây dựng ở Trung Quốc, một quần thể những hang động rộng lớn với kích thước bằng cả một thành phố, bên trong lưu giữ tất cả những thứ Hoàng đế cần cho cuộc sống ở bên kia thế giới. Người Trung Quốc cổ đại, và nhiều nền văn minh khác bao gồm người Ai Cập cổ đại, đều tin rằng đồ vật, thậm chí cả người được chôn cùng với người đã khuất có thể theo họ cùng sang thế giới bên kia.

   Nhưng thay vì chôn vùi quân đội, thê thiếp, quan lại và người hầu với mình, Hoàng đế nhà Tần đã lựa chọn một giải pháp thay thế khác: sử dụng bản sao đất sét.

Phát hiện gây sửng sốt

   Vào năm 1974, một nhóm nông dân đi đào giếng khoan ở gần Tây An, Trung Quốc, đã vô tình tìm thấy một trong những khám phá khảo cổ quan trọng nhất mọi thời đại. Bức tượng đất nung có kích cỡ bằng người thật họ đào được chỉ là một trong hàng ngàn những chiến binh của đội quân đất nung. Mỗi bức tượng đều có những chi tiết độc đáo riêng với quần áo, tư trang cá nhân và trạng thái biểu cảm khác nhau.

   Trong gần 4 thế kỷ, các nhà khảo cổ học đã cố gắng khai quật di tích. Cho tới thời điểm này, họ đã tìm thấy hơn 2000 chiến binh đất nung, nhưng theo các chuyên gia ước tính, có tổng cộng khoảng hớn 8000 bức tượng trong lăng mộ.

   “Có lẽ họ sẽ phải tiếp tục đào thêm vài thế kỷ nữa.” Romey dự đoán.

Làm sao để mở được lăng mộ?

   Quyết định thời điểm để khám phá khu mộ là tùy thuộc vào Chính phủ Trung Quốc, mặc dù có nhiều khả năng nó sẽ phụ thuộc vào sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật.

   “Trong việc bảo tồn di tích khảo cổ, mỗi năm lại có thêm nhiều phát hiện mới”, Romey nói. “Khi chúng tôi bắt đầu khai quật đội quân đất nung ở những năm 70, vào giây phút chúng tiếp xúc với không khí và ánh sáng, từng mảng sơn bắt đầu tróc ra và những bức tượng phai màu dần. Ngày nay chúng tôi đã tìm ra một kỹ thuật mới để bảo vệ màu sơn khi khai quật.”

   Nếu khoa học có một bước tiến vượt bậc, khi khai quật sẽ không gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng cho lăng mộ, và cuối cùng lăng tẩm chính cũng có thể được mở ra.

   Mặc dù mong muốn lớn nhất của các nhà khoa học là bảo tồn những báu vật thế giới cổ đại để lại, họ vẫn không thể kìm nén trí tò mò về khu mộ trung tâm của Tần Thủy Hoàng và những gì được ẩn sâu trong đó.

Những dòng sông thủy ngân

   Những tài liệu cổ có chép rằng Hoàng đế đã cho xây dựng cả một vương quốc và đền đài, cung điện ngầm dưới lòng đất, trần hang động được mô phỏng theo bầu trời đêm với những vì sao làm từ ngọc trai. Những chiếc hố chôn những phi tần đất nung cũng được nhắc đến, mặc dù hiện nay các nhà khảo cổ vẫn chưa tìm ra chúng.

   Lăng Tần Thủy Hoàng được bao vây bởi những con sông thủy ngân lỏng, theo tín ngưỡng của người Trung Quốc cổ, có thể ban cho con người cuộc sống trường sinh bất tử.

   “Có lẽ thủy ngân là lý do Tần Thủy Hoàng chết.” Romey nói. “Ông có thể đã nuốt thủy ngân với ước muốn trường thọ, nhưng kết quả là nó đặt dấu chấm hết cho cuộc đời ông ở tuổi 49.”

   Những con hào chứa đầy thủy ngân là một lý do khác khiến các nhà khoa học phải bất đắc dĩ dừng việc khám phá. Thủy ngân ở đây có nồng độ cực cao, làm như vậy sẽ rất nguy hiểm, có thể gây xói mòn, sạt lở đất ở khu vực xung quanh và gây ô nhiễm thủy ngân.

Cuối cùng, các nhà khoa học và sử học vẫn phải cân nhắc những thiệt hại có thể xảy ra trước mong muốn khám phá của họ.

   Nhìn chung, trừ khi chúng ta tìm ra cách để gạt bỏ lớp đất trên khu mộ trung tâm, những bí ẩn về Tần Thủy Hoàng cũng như lăng mộ của ông vẫn mãi là dấu hỏi để ngỏ.

Theo LiveScience

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *