CHUYÊN ĐỀ: ĐI LỄ ĐẦU NĂM VÀ TẠ LỄ CUỐI NĂM Ở ĐÂU, CÁCH HÀNH LỄ SAO CHO ĐÚNG ĐẠO CỦA NGƯỜI VIỆT ?…
Trước hết, cần tìm hiểu Ý nghĩa của việc đi Lễ Chùa – Đền – Đình – Phủ… sao cho đúng. Các Cụ xưa vẫn có câu: *Thứ nhất TU TẠI GIA, Thứ nhì TU CHỢ, Thứ ba TU CHÙA*, chúng ta có thể hiểu ngắn gọn như sau:
+ TU TẠI GIA: Không phải là lễ tại nhà mà đó là mối quan hệ giữa người với người trong huyết tộc. Ví dụ: Một gia đình sinh được 4 người con. Tuy nhiên Bố mẹ lại chỉ thích ở với người con Thứ 3, và nếu người con Thứ 3 đó nuôi Mẹ thì đó là Nhân Duyên theo cái lý của nhà Phật. Những lúc khỏe Bố mẹ trông nhà cho người con đó là Duyên, còn lúc ốm thì là Nợ. Nếu người con Thứ 3 đó ngộ Đạo thì họ sẽ làm bằng sự tự nguyện và họ được công đức bởi khi đó đương nhiên nhân tài, vật lực, công hạnh, bản thân họ phải cống hiến 70% còn ba người con còn lại chỉ có 30% thôi. Đó mới là tu. Còn nếu vô Đạo, người con Thứ 3 đó sẽ bảo: *Bố mẹ đẻ ra được 4 người chứ đâu phải mình tôi, các anh chị chia nhau ra mà chăm sóc Bố mẹ chứ !*.
+ TU CHỢ: Là mối quan hệ ngoài huyết tộc nhưng diễn ra sắc tục. Ví dụ: Khi đi chợ thì phải trung thực, khi đến cơ quan thì đừng nghĩ đến chuyện lật đổ mà phải lượng sức mình mà làm việc chân chính. Nếu hiểu số mệnh mình chỉ là quân xe thì làm sao mình lên tướng được vì theo Nhân Quả của nhà Phật: Vốn của mình nó thế, nó phải thế rồi. Còn nếu hiểu, kiếp này mình rất giỏi nhưng chỉ làm trợ lý, làm quân xe thì mình làm hoàn thành công việc của xe tức là mình đã đắc Đạo rồi.
+ TU CHÙA: Có nghĩa là Tu ở nhà cho Tâm sáng, ứng xử ở ngoài cho Đức rộng thì ta đến Chùa là báo công với người Mẹ thiên nhiên mà thôi. Mà trong đó: một là công, hai là tội.
Cũng cần phải hiểu thêm: *TU* là phải TU LUYỆN( rèn luyện kỹ năng hướng thiện) – TU SỬA( gọt, đuổi, diệt những thói hư tật xấu được cài đặt trong con người chúng ta) rồi cuối cùng mới đến TU LỄ. Hiện nay nhiều người vẫn quen miệng nói đi Lễ cần có Tâm là đủ, Tâm chính là ý thức và Tâm sáng hay Tâm tối đều có quyền vào Chùa. Nhưng ít người hiểu được đi Lễ chúng ta cần phải có: ĐỨC+ PHÚC+ TRÍ TUỆ GIÁC NGỘ mới gọi là có VỐN để đi Lễ( giống như đi Chợ phải có tiền). Bởi vậy mới có câu nói* Đức năng thắng Số* và *Phúc chủ Lộc thầy*.
Khi đã hiểu được Ý nghĩa ở trên rồi thì chúng ta mới tìm hiểu xem những Địa điểm nào chúng ta cần đến Lễ mà ở đó sẽ có những nguồn Năng lượng tốt đẹp nhất. Chắc bất kể ai cũng đều biết rằng đất nước Việt Nam chúng ta chịu ảnh hưởng của Đa tôn giáo gồm: Đạo Phật, Đạo Nho, Đạo Lão…và đặc biệt là Đạo Mẫu – đây được coi là Đạo Bản Địa của Việt Nam, cũng còn gọi là Đạo Thánh. Vì vậy cấu trúc Chùa của nước ta thường là Tiền Phật – Hậu Thánh. Tuy nhiên Chùa được xây dựng với 3 dạng vị trí sau:
1. Đặt tại những nơi Linh thiêng để Trấn yểm cho Quốc gia.
2. Đặt tại những vị trí có nhiều người chết do chiến tranh hoặc thiên tai
3. Đặt tại Làng xã để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng cho nhân dân
Như vậy, nếu hiểu Tâm Linh chắc ai cũng muốn đến những nơi Linh thiêng nhất để Lễ Cha mẹ Phật thánh rồi! Thông thường, chúng ta hay đi Dâng lễ đầu năm và Tạ lễ cuối năm theo quy trình: LỄ CHÙA rồi mới LỄ ĐỀN PHỦ… theo thứ tự từ Cao xuống Thấp. Có thể chia làm 2 trường hợp là:
+ Trường hợp 1: Với những người không có điều kiện đi lễ xa mà chỉ lễ những nơi Linh thiêng( nằm trên Huyệt Đạo) ở Hà Nội thì nên theo quy trình như sau:
– Chùa Trấn Quốc( thờ Phật – Mẫu – Thánh)
– Phủ Tây Hồ( thờ Tam tòa Thánh Mẫu và Vua cha Ngọc Hoàng cùng Hội đồng các quan, Chúa, Các Cô Cậu…)
– Đền Ngọc Sơn( thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo và các Thần)
– Tứ Trấn Thăng Long( Đền Bạch Mã – Đền Voi Phục – Đền Kim Liên – Đền Quán Thánh).
Ngoài ra còn có thể đi thêm các địa điểm khác thờ các vị Thánh Thần… tại nơi mình sinh sống và những nơi Linh thiêng khác trên khắp cả nước tùy theo điều kiện của mỗi người.
+ Trường hợp 2: Với những người có điều kiện đi lễ những nơi Linh thiêng( nằm trên Huyệt Đạo) nhưng ở xa ngoài phạm vi Hà Nội thì nên theo quy trình như sau:
– Chùa Yên Tử và Chùa Hương
– Tứ Thánh Bất Tử( Đức Thánh Tản Viên – Đức Thánh Gióng – Đức Thánh Chử Đồng Tử và Tiên Dung – Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh)
– Đền Kiếp Bạc( nơi thờ chính Đức Thánh Trần Hưng Đạo và Quan Nam Tào + Quan Bắc Đẩu)
Ngoài ra, có thể tùy theo căn số của mỗi Phật tử hợp Duyên tại cửa nào ở những nơi thờ Cha Mẹ Phật Thánh trên khắp địa bàn cả Nước thì đi Lễ tại cửa đó hoặc những nơi thờ tự ngay tại nơi mình sinh sống sao cho phù hợp văn hóa của từng Địa phương.
> MỘT SỐ ĐIỀU KIẾN PHONG XIN LƯU Ý LẠI VỚI QUÝ VỊ PHẬT TỬ KHI ĐI LỄ CHÙA – ĐỀN- ĐÌNH – PHỦ…ĐỂ CHÚNG TA TIỆN THEO DÕI( vì Vấn đề này đã được trình bày trong Chuyên đề khác):
1 . Về diện mạo của Người đi Lễ: Ăn mặc phải chỉnh tề, gọn gàng, kín đáo, thể hiện sự tôn trọng Bề Trên cũng như người xung quanh ở nơi Tôn Nghiêm (nên tránh mặc váy vì với bất cứ kiếu váy nào cũng sẽ có thể gây bất tiện cho chúng ta khi hành Lễ trước ban thờ, không ném tiền hoặc nhét tiền vào tay Tượng…).
2. Về thứ tự làm Lễ tại các Ban Thờ :
+ Vào CHÙA: Chúng ta vào Lễ Ban ĐỨC ÔNG trước ( vì ĐỨC ÔNG có vai trò như THỔ ĐỊA trong ngôi nhà ), sau đó vào Lễ Ban TAM BẢO, rồi sang Ban MẪU và cuối cùng Lễ tại nhà TỔ.
+ Vào ĐÌNH – ĐỀN – PHỦ: Lễ các NGÀI ở 2 bên CỔNG và CỬA trước, khi vào trong chúng ta Lễ tại BAN CÔNG ĐỒNG rồi đến BAN THỜ riêng các NGÀI (tùy theo mỗi mơi THỜ VỊ NÀO ).
3. Về vấn đề ĐỒ LỄ: Không nhất thiết lúc nào cũng phải sắm mâm cao cỗ đầy hoặc phải 1 đĩa đồ lễ, nếu chúng ta THÀNH TÂM thì chỉ cần đặt chút tiền lẻ (nhiều ít tùy tâm – gọi là giọt dầu) thì các NGÀI đã chứng giám cho lòng thành chúng ta rồi. Và nhất là, chúng ta không nên đặt vào tay tượng hay cố gắng “với” để “ném” bằng được đồng tiền lên đĩa, hãy nhẹ nhàng từ tốn, vuốt thẳng tờ tiền rồi cho vào hòm Công đức thì đẹp biết bao !!!…
4. Về vấn đề Khấn Lễ: Kiến Phong chắc chắn trong chúng ta không ít bạn đã từng rất ngưỡng mộ khi thấy một ai đấy( hoặc một thầy cúng) đọc vanh vách một bài Khấn, nghe rất lọt tai, làm mình phân tâm quên hẳn những gì mình đang định khấn. Tuy nhiên, dài nhưng chưa chắc đã đúng và đủ, các bạn chỉ cần tham khảo cách khấn theo 5 điều sau một cách chân thật nhất, toàn tâm toàn ý nhất thiết nghĩ đã là tốt lắm rồi. Sau khi xưng Họ tên – tuổi – địa chỉ… thì chúng ta thực hiện theo thứ tự khấn lễ đó là: TẠ ƠN – SÁM HỐI – CẦU – HỨA – XIN
+ TẠ ƠN: Tạ ơn Cha Trời – Mẹ Đất, Cha mẹ Phật Thánh, Các bậc Tiên Đế Đại Vương, Anh hùng Liệt sỹ, Gia Tiên Tiền Tổ… đã cho chúng con có được ngày hôm nay…
+ SÁM HỐI: Những tội lỗi chúng ta đã gây ra từ tiền kiếp cho đến nay, do Tham – Sân- Si …, mong được các Chư vị đại xá…
+ CẦU: Cầu cho Quốc Thái Dân An – Đất nước ngày càng hưng thịnh phát triển, người người được 2 chữ: BÌNH AN, cầu cho các chân linh Gia tiên tiền tổ họ…(đôi bên nội ngoại là họ gì, VD : Nguyễn, Trần …) sớm được siêu thăng siêu thoát lên cảnh giới cao hơn…
+ HỨA: Sẽ tu học chữ Đạo để làm rạng danh Tiên tổ, nguyện làm nhiều việc thiện để giải Nghiệp cho dòng họ và tạo Phúc cho thế hệ sau…
+ XIN: Dâng lễ và xin cho bản thân mình hoặc gia đinh (tùy việc của mỗi người).