Khắc Phục Nhà Ở Theo Phong Thủy 1

Nhà ở là một vấn đề quan trọng liên quan đến đời sống của chúng ta, một căn nhà tốt về mặt phong thủy đảm bảo cho gia đình được êm ấm hạnh phúc, tiền bạc làm ra tích lũy được, con cái ngoan hiền hiếu thảo. Trái lại một căn nhà có khuyết điểm về phong thủy thường mang lại nhiều trở ngại và bất ổn trong cuộc sống. Khi mua nhà hay thuê nhà ai ai cũng mong muốn có được một căn nhà hoàn chỉnh về phong thủy. Thế nhưng trên thực tế hiếm khi các bạn có được cơ hội đó bởi nhiều yếu tố sau:
– Căn nhà hợp với chủ cũ khác tuổi tác của mình nên vấn đề phong thủy cũng có phần sai biệt.
– Sự thiết kế của căn nhà không phù hợp với nhu cầu hạnh phúc của gia đình trong mỗi giai đoạn cuộc đời.
Vì thế khi vào ở một căn nhà chúng ta phải biết rõ khuyết điểm của căn nhà và khoa phong thủy có tác dụng điều chỉnh hay hóa giải những khuyết điểm kể trên để cuộc sống ngày càng tươi đẹp hơn.
Phương cách hóa giải thì nhiều và đa dạng phong phú. Thế nhưng để chọn lựa phương cách hóa giải phù hợp với mức độ ảnh hưởng xấu để không gây ra những ảnh hưởng phụ khác đó là điều nên thận trọng. Và để hóa giải phong thủy của một căn nhà chúng ta cần phải nghiên cứu từng bước một.

I/- Nghiên cứu toàn bộ khuyết điểm căn nhà:

Ðây là bước đầu tiên cũng là bước quan trọng nhất quyết định thành công hay thất bại trong việc hóa giải. Nếu công việc này làm không hiệu quả hay thiếu sót thì việc hóa giải chỉ nửa vời không đạt được kết quả mong muốn.
Nhiều người cho rằng gia chủ có một căn nhà hợp hướng là tốt đủ rồi, không cần quan tâm đến những điều khác. Ðây là một điều sai lạc vô cùng. Một căn nhà tốt phải hội đủ và hài hòa tất cả yếu tố phong thủy trong căn nhà chứ không chỉ riêng phương hướng là đủ. Ví dụ một căn nhà đúng hướng nhưng tọa tạc trên một mảnh đất tam giác, đất nghiên trủng, hay là ở trong nhà có bếp lò, nhà cầu, cầu thang nằm ngay giữa nhà thì cũng không tốt. Tóm lại có rất nhiều điều cần phải quan tâm đến khi muốn biết một căn nhà hợp phong thủy hay không.
Khi xét phong thủy một căn nhà là phải tổng hợp tất cả các yếu tố trong và ngoài căn nhà chứ không nên dựa vào một vài đặc điểm nào đó mà bỏ quên đặc điểm khác.
Tìm biết hết tất cả khuyết điểm của căn nhà là một điều cần thiết, vì có như vậy chúng ta mới có thể hóa giải triệt để những ảnh hưởng xấu đối với căn nhà. Có thể tạm phân loại các khuyết điểm về phong thủy như sau :

– Âm dương: Một căn nhà gặp khuyết điểm về âm dương thường rơi vào trường hợp cô dương hay cô âm: Trường hợp cô dương (hay dương thịnh) như sáng quá, chói lòa, màu sắc rực rỡ, ồn ào, náo nhiệt. Hay cô âm (hay âm thịnh) như u tối, thiếu ánh sáng, trống vắng, thiếu sinh khí, màu sắc ảm đạm, âm u, ẩm mốc bẩn thỉu mang nhiều âm khí đều không tốt cho gia chủ, ảnh hưởng đến hạnh phúc vợ chồng.

– Ngũ hành: Một căn nhà phạm khuyết điểm về ngũ hành thường do việc bố trí phòng ốc hay trang trí không thích hợp như là phối trí màu sắc, bông hoa, cây cỏ, bàn thờ, bếp, bồn cá, lò sưởi không đúng phương vị. Nếu có sự xung khắc thường mang lại sự xung đột bất hòa trong cuộc sống.

– Hình thể nhà và đất : Do khuyết điểm của thế đất không bằng phẳng, hình dáng khuyết tật, nhà cửa xây dựng mất cân đối, các cung vị bát quái bị lồi lõm.

– Phòng ốc: Sự bố trí phòng ốc trong căn nhà được hài hòa thuận vị là điều tốt đẹp. Thế nhưng nếu bố trí nghịch vị thì cần phải có sự hóa giải đúng mức và kịp thời. Ví dụ như cửa phòng ngủ trực diện với phòng tắm; phòng ngủ nằm ngay trên bếp, bàn thờ; cầu thang trổ ra cửa vv. Phòng tắm nằm ngay trên, phía trước cửa chính; cầu thang đổ ra cửa; ba cửa nhà thông thương; nhà hay phòng có hai lối rẽ; nền nhà cao thấp hay khuyết góc.

– Những tác hại xấu do bên ngoài: như là ngã ba đâm vào, đòn dông, cột đèn, cây cổ thụ, biển báo, độ dốc, ao hồ sông rạch, núi đồi cản trở.

– Những tác hại xấu từ bên trong: Thường do sự bài trí không đúng phương cách như là kê bàn, ghế, tủ, góc nhà tạo nhiều cạnh đâm vào cửa chính, phòng ngủ, xà nhà chắn ngang đầu… Những yếu tố xấu này thường ảnh hưởng đến sức khỏe của những người sống trong nhà.

II/- Nhu cầu hạnh phúc của gia đình:

Ðây là bước thứ hai cũng không kém phần quan trọng. Cần biết đâu là nhu cầu hạnh phúc của gia đình trong đại vận hiện tại thì mới có thể đề ra những biện pháp hóa giải hữu hiệu. Ví dụ : Một gia đình lớn tuổi nhu cầu hạnh phúc chính yếu nhất là sức khỏe và tuổi thọ. Nếu có hóa giải khuyết điểm căn nhà thì phải chọn lựa những biểu tượng mang tính hòa hợp tươi vui nhưng trầm mặc như là rùa, hồ lô, sáo trúc, tùng, tượng ngư tiều canh độc. Nhà cửa có cửa chính hay nằm ngủ chọn hướng Thiên Y.
Trái lại vợ chồng son trẻ có làm ăn ở nhà, không muốn bị quấy nhiễu hạnh phúc có thể hóa giải phong thủy bằng những biểu tượng mang thể loại mạnh mẽ hơn như thú dữ, xương rồng, thanh kiếm, mũi tên sắc, súng đại bác.
Trường hợp vợ chồng gay cấn, xung đột mong muốn có hạnh phúc thì nên chọn những biểu tượng phong thủy như Long Phụng hòa minh, đôi chim tỉa cánh, bông hoa mang màu sắc tươi mát và thích hợp với ngũ hành của hai người.
Trở lại ví dụ đầu tiên, nếu căn nhà xấu đối với người lớn tuổi mà dùng các biểu tượng như thú dữ, hay vật dụng hung hãn, chẳng những không có tác dụng tốt lại còn gây thêm áp lực nặng nề hay tạo thêm cảm giác lo ngại cho người lớn tuổi.
Chúng ta có thể phân loại nhu cầu hạnh phúc của gia đình như sau : – Tiền tài, – hạnh phúc – sức khỏe, tuổi thọ – con cái . Tùy theo nhu cầu hạnh phúc của gia đình để chọn lựa những biểu tượng hóa giải thích hợp.

III/- Phương cách hóa giải:

Có nhiều phương cách hóa giải thế nhưng trước khi quyết định chọn lựa một phương cách hóa giải thích hợp cần phải quan tâm đến 2 điểm:
1)- Khi dùng hóa giải tại cung nào nên chú ý đến ngũ hành của cung đó, để sử dụng các biểu tượng phong thủy thích hợp với hành của cung đó. Ví dụ khi muốn thay đổi hay phát triển công việc, thì công việc đầu tiên phải tăng cường cung Quan Lộc tại hướng Bắc căn nhà, thì ta phải chú ý hướng Bắc thuộc hành thủy. Do vậy những vật dụng tăng cường cung này phải tương sinh với hành thủy như màu trắng, vật dụng kim loại, tranh sơn thủy, hồ cá, thác nước.
2)- Khi hóa giải một khuyết điểm của căn nhà nên sử dụng đúng mức biện pháp hóa giải, để tránh những ảnh hưởng phụ do hóa giải quá độ gây ra. Ví dụ: khi hóa giải một phòng tắm xấu ở giữa nhà (trung cung) có thể che kiếng là đủ, chứ không nên vừa dùng kiếng, lại thêm cây kiểng hay dùng súng đại bác để bắn tiêu khuyết điểm này.
Ngoài hai yếu tố trên, chúng ta cũng không phải dễ dàng để chọn lựa một biểu tượng thích hợp vì rằng có nhiều biểu tượng hóa giải có cùng tác dụng thì biết chọn biểu tượng nào. Vì thế một biểu tượng hoàn hảo nhất để hóa giải phong thủy phải đạt được các tiêu chuẩn sau đây:
· Hợp Phong Thủy: Ðây là tiêu chuẩn quan yếu đầu tiên, cần phải đạt được. Trong trường hợp có nhiều biểu tượng có cùng tác dụng thì biết chọn lựa thứ nào. Ví dụ: để hóa giải một cái đòn dông đâm vào cửa chính chúng ta có thể dùng nhiều biểu tượng như là mũi tên sắt, súng đại bác, bát quái, kính lồi, trụ phun nước, dời cửa chính và chúng ta chỉ nên chọn lựa một biểu tượng thích hợp nhất mà thôi. Do vậy trước khi quyết định chúng ta phải dựa đến tiêu chuẩn thứ hai.
· Hợp nhu cầu hạnh phúc gia đình: Như trên đã nói, đối với người lớn tuổi mong muốn bình an dĩ hòa vi quý thì nên chọn lựa những biểu tượng nhẹ nhàng, không gây tác hại cho người khác mà cũng có thể đạt mục đích yêu cầu của mình. Trở lại ví dụ trên, chúng ta có thể chọn lựa biện pháp treo hình bát quái, kính lồi hay trụ phun nước. Thay vì chúng ta chọn những biểu tượng công phá có thể gây hại cho người khác chỉ thích hợp đối với gia đình trẻ tuổi mà thôi. Trường hợp có nhiều biểu tượng đạt được hai tiêu chuẩn trên thì biết chọn biểu tượng nào. Chúng ta nên chọn biểu tượng phù hợp với tiêu chuẩn thứ ba.
· Hợp thẩm mỹ, nhu cầu văn hóa gia đình: Ngoài những biểu tượng căn bản chúng ta cũng có thể sáng tạo những biểu tượng khác đạt được mục đích trên lại phù hợp với nhu cầu thẩm mỹ, hay địa vị gia chủ trong xã hội nữa. Ví dụ : ở khu vực kinh doanh người Mỹ có khi chúng ta dùng hình bát quái không thích hợp bằng kính soi hay những vật dụng phản chiếu đầy thẩm mỹ khác chẳng hạn.

V/- Những biểu tượng hóa giải phong thủy:

A/- CHỐNG LẠI NHỮNG MŨI TÊN ÐỘC TỪ BÊN NGOÀI:

1. Bát quái: Bát quái từ lâu được sử dụng để tiêu trừ hay chống đỡ các ảnh hưởng xấu đi vào nhà. Bát quái có hai loại: Tiên Thiên Bát Quái và Hậu Thiên Bát Quái. Hình dáng hai loại này tương tự nhau nhưng phương hướng định vị khác nhau. Tám quái được bố trí xung quang hình lưỡng nghi (Âm dương). Hình Tiên Thiên Bát Quái thường được sử dụng trừ tà khí, hữu hiệu hơn hình Hậu Thiên Bát Quái. Hình bát quái chỉ nên treo phía ngoài nhà chứ không treo ở trong nhà.
Ngày nay do nhu cầu sử dụng đa dạng, nên hình lưỡng nghi ở giữa tấm bát quái được thay thế bằng tấm kiếng. Trên thương trường hiện nay có bán nhiều loại bát quái, và mỗi loại đều có tác dụng khác nhau cần phải thận trọng khi sử dụng.

a)- Loại trơn không có kính: Phía giữa có hình lưỡng nghi âm dương: Chỉ có tác dụng hóa giải hướng xấu của một căn nhà.
b)- Loại ở giữa có kính phẳng: Ngoài tác dụng hóa giải hướng xấu, cũng có thể đối kháng lại những tác động xấu nhẹ từ bên ngoài vào cửa chính như biển quảng cáo, tên đường, cây hay trụ che chắn trước cửa.
c)- Kính lồi: Ngoài tác dụng chuyển đổi hướng xấu của bát quái, kính lồi có tác dụng phân hóa và phản hồi những mũi tên độc mạnh mẽ vào nhà như bị đòn dông, ngã ba đâm vào nhà, cây cầu, mũi súng, hay các vật bén nhọn mũi tên, đao kiếm. vv
d)- Kính lõm: Trước một căn nhà sai hướng nhưng lại có những biểu tượng tốt như hồ nước, tiền án, sa sơn tốt đẹp thì nên dùng bát quái kính lõm để có thể hóa giải hướng xấu mà lại thu hút những biểu tượng tốt vào nhà.
2. Phong linh: Có thể dùng phía trong hay ngoài nhà: Có tác dụng dẫn khí dọc theo hành lang, mời gọi sinh khí đến nhà, xua đuổi tà khí đi nơi khác. Phong linh được chế tạo bằng nhiều loại vật liệu khác như như là những thanh kim loại đặt hay rỗng ruột, đá, vỏ ốc, thủy tinh, gỗ, tre, trúc, vải về hình dáng cũng đa dạng như những hình ống, hình trụ, hình tam giác, tứ giác, nhiều cạnh, chùm chuông, hình con cá, con chim.
Khi sử dụng phong linh nhằm tác dụng dẫn sinh khí dọc hành lang thì nên dùng loại rỗng ruột thông khí. Trái lại khi dùng xua đuổi tà khí thì nên dùng loại đặt ruột. Phong linh trước gió thường lay động phát ra những âm thanh, điệu nhạc vui tai, để sử dụng phong linh có hiệu quả các bạn cần phải biết phân loại âm thanh theo ngũ hành Kim Thủy, Mộc Hỏa Thổ tương ứng với các âm trong cổ nhạc là: THƯƠNG – VŨ – DỐC – CHỦY – CUNG dựa trên căn bản âm thanh do phong linh phát ra trước gió. Do vậy khi sử dụng phong linh có tiếng phát ra hợp với hành bản mệnh của mình cũng là điều tốt đẹp mang lại nhiều hiệu quả mong muốn.
3. Ðèn: Có thể dùng bên ngoài và cả bên trong,.
· Trường hợp sử dụng bên ngoài nhằm điều chính thế đất thấp lõm hay hóa giải sự khiếm khuyết của một góc nhà thì dùng đèn phải chú ý đến nguyên tắc là đèn càng sáng càng tăng cường hiệu quả.
· Trường hợp nhằm hóa giải âm dương, đem lại sinh khí cho gia đình thì khi dùng đèn phải hội đủ các tiêu chuẩn sau:
– Nếu dùng đèn màu thì phải thuận hợp với ngũ hành bản mệnh của chủ nhà.
– Trường hợp dùng nhiều bóng đèn cùng một lúc thì phải chú ý đến số lượng được tính như sau : sinh, lão, bệnh, tử do vậy chỉ nên dùng những chùm đèn 1, 2, 5, 6, 9, 10 bóng là những loại đèn sinh hay đèn lão mới tốt.
Súng Ðại Bác: Trước những mũi tên độc lớn như là cây cầu, trụ ăn ten, tháp nhọn, ngã ba đường thì kính lồi bát quái không đủ sức chống lại thì có thể dùng súng đại bác, đặt trước cửa chỉ ngay những tà khí bắn vào nhà mình. Trên đất nước ta có những cây súng Thần công nổi tiếng, không ai là không biết một khi đã đặt chân đến đất thần kinh Huế. Ðó là những cây súng THẦN CÔNG ở nội thành Huế.
Vào thời vua Gia Long sau khi chiến thắng Tây sơn đã cho gom lại những chiến cụ và vật dụng bằng đồng để đúc 9 khẩu súng đại bác vào năm 1804 còn gọi là súng Thần công, được vua phong là THẦN OAI VÔ ÐỊCH THƯỢNG TƯỚNG. Chín (9) cây súng này được đặt trong hai dãy nhà phía ngoài cửa Ngọ Môn mũi súng hướng ra biển nhằm chống ngoại xâm và nội loạn. Súng này thực sự chưa sử dụng đến chỉ có tính cách thiêng liêng và đặt ở vị thế bảo vệ triều đình và đất nước nên còn có tên khác nữa đó là “CỬU VỊ HỘ QUỐC THẦN CÔNG”. Thế nhưng đến thời vua Khải Ðịnh năm 1917 không biết vì lý do gì lại cho dời chín (9) cây súng này vào phía trong thành nội đặt phía trước và hai bên cửa Ngọ Môn gần hai cửa Thể Nhơn và Quảng Ðức. Ðiều đáng nói thay vì chín (9) mũi súng hướng ra phía trước để bảo vệ triều đình như trước, thì lại cho chín (9) cây súng này đối đầu bắn vào nhau. Do vậy cho dù bào chữa lý do nào đi nữa thì vị trí của chín (9) cây súng này gây nhiều tác hại xấu về mặt phong thủy. Sự việc này có thể đem lại nhiều tranh luận và nghi vấn về phong thủy đối với kinh thành Huế nói riêng và đất nước nói chung.

Thật vậy, các cây súng được mệnh danh là Hộ Quốc Thần Công mà mũi súng lại không hướng về phía giặc ngoại xâm hay phản loạn, mà lại hướng đối đầu bắn vào nhau là dấu hiệu nội loạn. Thứ nữa sự đối đầu này diễn ra trước cửa Ngọ Môn Triều đình cũng là dấu hiệu an nguy cho triều đình, cũng như mang lại sự ly tán của người dân xứ Huế để tránh vòng lửa đạn.
Ðứng tại cửa Ngọ Môn nhìn ra cột cờ bên tay trái, Thanh Long thuộc về dòng nội chỉ có 4 cây súng. Trong khi tay mặt là Bạch Hổ thuộc về dòng ngoại lại đặt 5 cây súng. Ðấu nhau sau lưng cột cờ chính nghĩa, phải chăng đây chính là mầm mống Bắc Nam phân tranh mà ưu thế nghiêng về phía Bạch Hổ?
Mũi tên sắt: thường đặt trên mái nhà hướng vào những mũi tên độc bắn vào nhà như đòn dông, cầu cống, ngã ba đường. Cây xương rồng cũng có tác dụng chống lại sha khí, nên chưng phía ngoài nhà, khi chưng bày xương rồng nên chú ý một điều là xương rồng thuộc hành hỏa vì thế những người hành mộc hay hành kim không nên chưng loại xương rồng này. Nhiều người thường đặt hai chậu xương rồng trên hai lưng voi phục trước nhà nhằm chống lại tà khí ngoại xâm. Tượng thú dữ: Theo khoa phong thủy cửa chính là một trong những vị trí quan trọng của căn nhà cần được bảo vệ và ngăn chận những mũi tên độc hay những yếu tố xấu khác xâm nhập vào nhà. Có nhiều phương cách bảo vệ cửa chính, việc đặt thú vật hai bên cửa chính cũng là một trong những phương cách bảo vệ hữu hiệu. Hiện nay trên thị trường có bán rất nhiều loại thú ở những kiểu dáng khác nhau rất đa dạng và phong phú như là long, lân qui, phụng, sư tử, ngựa, voi, nai, gấu, rắn, chim, sóc, chó, mèo, dơi, gà … Vì thế trước khi quyết định chọn lựa một biểu tượng sử dụng cần phải chú ý đến các điểm sau đây: a)- Ý nghĩa: Mỗi loại thú vật thường mang một ý nghĩa và đặt tính khác nhau ví dụ:
a. Chó là vật trung tín, hiền hòa dễ điều khiển nhưng sức chiến đấu phản công yếu ớt.
b. b. Voi: Chỉ sự khôn ngoan, có khả năng chịu đựng cao, lịch làm giang hồ, kinh nghiệm.
c. c. Voi hay sư tử thì hung hãn, tấn công mãnh liệt nhưng khó điều khiển.
d. d. Rắn tuy rằng không hung dữ nhưng thâm độc.
e. Nai hiền hòa báo hiệu tin lành tiền bạc nhưng chẳng bảo vệ được ai.
f. Long Lân Qui Phụng cũng là những linh vật bảo vệ tốt nhưng đòi hỏi người được bảo vệ có chân mạng lớn như vua, quan. Những người có chân mạng yếu kém sử dụng các linh vật này không có hiệu quả. Long, Lân, Qui, Phụng: Rồng chỉ sự giàu có, phát triển, nếu đi chung với Phụng chỉ sự hòa hợp hạnh phúc.
g. g. Con Rùa chỉ sự trường thọ sống lâu, sức chịu đựng bền bỉ, chậm mà chắc.
h. h. Con Dơi biểu thị sự may mắn.
i. Ngựa, biểu thị sự lanh lợi tháo vát, xông xáo. Mã đáo thành công.
Do vậy tùy theo mục đích của gia đình mà chọn một loại thú thích hợp.
b)- Hướng đặt: Tùy theo loại thú mà có những hướng đặt khác nhau. Theo nguyên tắc chung thì không nên đặt các thú hướng vào nhà mà nên đặt hướng ra phía ngoài hay đối diện nhau. Ví dụ như chó mèo chim, khỉ, gấu có thể đặt hướng ra ngoài hay đối diện nhau. Riêng các loại thú dữ như rắn, cọp, sư tử, voi, chó sói thì nên hướng ra phía ngoài. Nếu đặt nghịch hướng sẽ đem lại tác dụng xấu cho chủ nhà.
c)- Vị trí: Các nghệ nhân khi thực hiện những tượng thú còn kỹ lưỡng phân biệt giới tính đực và cái nữa. Vì thế khi chưng bày hai con thì phải chú ý chọn đúng con đực và con cái mới có sự hòa hợp âm dương. Ngoài ra theo nguyên tắc NAM TẢ NỮ HỮU thì nên đặt con đực về phía trái và con cái về phía phải theo vị trí đứng tại cửa nhìn ra đường.
d)- Kiểu dáng: Cần phải phân biệt hai loại kiểu dáng khác nhau:
· Phủ phục: Trường hợp gia đình muốn yên ổn, có làm ăn ở nhà, chỉ mong đón tiếp khách mời, nhưng muốn ngăn cản kẽ ngoại nhập không mời thì nên dùng những thú vật có phong cách phủ phục như là voi có vòi thòng xuống đất, sư tử, chó ở vị thả nằm.
· Tấn công: Trường hợp gia đình muốn hoàn toàn riêng tư, yên ổn, không thích bất cứ người nào đến quấy nhiễu dù là người lạ mặt hay quen thân, thì có thể sử dụng các thú ở vị thế tấn công như là sư tử chồm cao, há miệng, voi đưa vòi cao lên, chó đứng hay chạy…
Một điểm sau cùng cần quan tâm trước khi đặt thú vật bảo vệ căn nhà, đó là phản ứng phụ của sự việc này. Nếu trước cửa nhà đặt những loại thú dễ điều khiển và hiền hòa thường đem lại cho gia đình không khí vui tươi nhẹ nhàng thoải mái. Trường hợp đặt tượng thú dữ nhất là ở vị thế tấn công dễ đem lại sự căng thẳng tinh thần, không khí trầm mặc, khó thơ,Ư không thích hợp cho những gia đình có con trẻ, hay vợ chồng son trẻ đang cần không khí ấm cúng, trẻ trung.

B/- CHỐNG LẠI MŨI TÊN ÐỘC TỪ BÊN TRONG:

1. Quả cầu thủy tinh: Có hai loại: loại trơn láng và loại có mặt cắt. Hình dạng rất phong phú như hình tròn, trái tim, giọt nước.. Có loại có đế dùng để trên bàn; có loại được treo lên cao bằng sợi chỉ hay vải đỏ.
Quả cầu thủy tinh có tác dụng lưu giữ sinh khí thoát ra khỏi nhà, tập trung sinh khí như để ở bàn giấy thì nên sử dụng các loại quả cầu trơn láng.
Ngoài ra cũng có tác dụng hóa giải tà khí thành sinh khí, phản hồi ánh sáng độc hại, thích hợp để sử dụng quả cầu có nhiều mặt cắt hình tam giác.
Trái cầu thủy tinh treo ở cửa sổ dễ tạo nên ánh sáng 7 màu đem lại sinh khí cho gia đình.
2. Kính thủy: là vật dụng quan trọng, được sử dụng nhiều nhằm hóa giải những khuyết điểm về phong thủy có thể dùng phía trong nhà hay ở ngoài nhà. Gương soi rất đơn giản nhưng có rất nhiều công dụng, chúng tôi có thể liệt kê như sau:
· Tác dụng phản chiếu: Khi sử dụng gương soi đối diện với những lực xấu như ngã ba, cột đèn, biển báo thì gương soi có tác dụng phản hồi các lực này.
· Tác dụng vượng dương khí: Ðối với những nơi tối tăm, ảm đạm nhiều âm khí có thể treo gương soi làm căn phòng sáng sủa hơn với dương khí nhờ sự khuếch tán ánh sáng.
· Tác dụng nhân rộng diện tích, đối với căn phóng trần thấp hay nhỏ hẹp ta có thể gắn kiếng vào những nơi đó làm cho căn phòng có cảm giác rộng rãi hơn.
· Tác dụng nhân nhiều vật dụng: Gương soi trong khoa phong thủy cũng được tận dụng để nhân lên nhiều biểu tượng tốt. Trong một căn phong hay tủ hàng có gắn kính soi các mặt sẽ đem lại cho ta cảm giác nhiều hoa hay hàng hóa chưng nơi đó. Trong phòng ăn có gắn kiếng sẽ tăng cường thực phẩm và hoa trong phòng cảm thấy ấm cúng hạnh phúc hơn.
· Tác dụng làm mất khuyết điểm căn nhà: Trường hợp trong nhà có nhiều góc cạnh lồi gây tác hại có thể gắn kiếng các mặt của góc cạnh đó có tác dụng làm biến mất góc cạnh này. Hoặc những căn nhà có bếp hay phòng tắm ở giữa nhà cũng có thể gắn kiếng xung quang phòng này cũng có hiệu lực biến mất khuyết điểm này. Kiếng soi cũng có thể dùng làm biến mất các vật án ngữ như cây trước nhà, cột trụ trong nhà bằng cách treo kiếng xung quanh các trụ này.
Ðể sử dụng kiếng cho có hiệu quả thì phải chú ý các điểm sau đây:
– Kiếng lớn hay nhỏ đều có tác dụng, kiếng càng lớn tác dụng càng hữu hiệu.
– Không nên dùng kiếng mờ, kiếng dị dạng hay kiếng do nhiều mảnh ghép lại.
– Treo kiếng ở vị trí thích hợp nhằm thu hút đầy đủ trọn bộ hình ảnh không nên bị cắt đầu hay cắt chân.
– Khi kiếng bị ố, nứt bể thì phải thay ngay vì đó là biểu tượng không may mắn nếu tiếp tục sử dụng.
– Không nên sử dụng kiếng cũ để tránh hiện tượng chồng hình hay trùng hình với người sử dụng trước. Trường hợp phải sử dụng kính cũ thì phải dương hóa kính này bằng cách lau chùi sạch sẽ và nên phơi nắng một ngày trước khi dùng.
– Trong phòng ngủ không nên dùng nhiều kính soi, vì phòng ngủ có kinh cũng như là có người thứ ba xâm phạm chốn riêng tư của mình. Ngoài ra kính soi có tác dụng phân tán sinh khí, nên sử dụng kính soi trong phòng ngủ dễ gây tác hại đến sức khỏe của mình.
3. Thanh kiếm: Có tác dụng trừ tà.
4. Ống sáo trúc với sợi chỉ đỏ thường được treo dưới sà của mái nhà, có công dụng hóa giải tà khí do sà nhà phát sinh, cũng như luân chuyển khí trong nhà. Cách thức treo sáo thường có độ nghiêng 45o miệng và đầu sáo đối với nhau, 2 thân sáo mở rộng ra.
5. Cối xay gió: Luân lưu sinh khí
6. Ba đồng tiền: Ðồng tiền cổ xưa hình tròn tượng trưng cho trời, lỗ vuông ở giữa tượng trưng cho đất. người hoa thường treo ba đồng tiền cổ bằng sợi chỉ đỏ ở quày tính tiền của cơ sở thương mại. Cũng có thể gói trong tờ giấy đỏ chôn ở nền nhà để tạo may mắn về tiền bạc.
7. Quạt giấy: Có tác dụng luân lưu sinh khí
8. Hoa và cây cảnh:
Hoa và cây cảnh được sử dụng nhiều trong khoa phong thủy nhằm vào các tác dụng sau:
– Ðem lại sinh khí cho gia đình
– Hóa giải những góc cạnh xấu, trường hợp trong nhà có những góc cạnh xấu có thể đặt chậu hoa cây cảnh để che lấp khuyết điểm này.
– Hóa giải xung khắc gia đình: Trường hợp vợ chồng có hành bản mệnh xung khắc nhau có thể dùng màu sắc của hoa để hóa giải. Ví dụ một người hành thủy xung khắc với người hành thổ thì nên dùng nhiều bông hoa màu trắng thì tốt đẹp.
– Làm vượng các cung theo ý muốn: trở lại ví dụ cung quan lộc nói trên muốn vượng cung quan ở hướng Bắc cũng có thể sử dụng hoa trắng chẳng hạn.
9. Bồn cá: Ðược sử dụng nhiều trong hy vọng mang lại tiền bạc cho gia chủ, thích hợp với người mạng thủy hay mạng mộc. Khi sử dụng bồn cá nên chú ý các điểm sau dây: Vị trí – số lượng cá – màu sắc.
· Vị trí: Hồ cá thích hợp nhất để đặt tại hướng Ðông, Tây Nam.
· Số lượng : Nên nuôi số cá lẽ như 5, 9 con. Trường hợp nuôi 8 con, (người Ðài Loan) theo phát âm của người Hoa Bát là phát thì nên nuôi loại cá màu. 6 con màu đỏ và 2 con màu đen.
10. Thác nước: biểu tượng mang may mắn về tiền bạc. Khi sử dụng thác nước nên quan tâm đến vi trí và tiếng ồn do thác nước gây nên. Thác nước gây nên tiếng ồn tức là động thì không nên đặt phía bên phải căn nhà. Riêng về vị trí phải tùy theo tuổi của chủ nhà và vị thế căn nhà mới có thể định vị được thác nước.
Hiện nay có nhiều người sử dụng dễ dãi các biểu tượng phong thủy và tùy tiện gây nhiều tác hại cho mình mà không biết. Ví dụ: với tuổi trẻ mong muốn làm ra nhiều tiền bạc là một định hướng tốt đẹp, để thực hiện mong ước này trong phòng ngủ chưng quá nhiều biểu tượng về tiền bạc như ông thần tài, con cóc, hồ cá, cây phát tài, đồng tiền cổ chẳng những không đem lại hiệu quả mong muốn có nhiều tiền mà lại chịu hậu quả xung đột bởi những biểu tượng này. Một ví dụ khác một người mua căn nhà đúng hướng thấy người ta treo cái bát quái mình cũng mua cái bát quái về treo, hoặc là treo nhiều bát quái cả trong lẫn ngoài cho chắc ăn. Thực tế đem lại bất lợi cho gia chủ vì hành vi này.
Tóm lại, biểu tượng dùng để hóa giải khuyết điểm phong thủy rất đa dạng và phong phú, vì thế trước khi quyết định sử dụng một biểu tượng nào cần phải tìm hiểu rõ tác dụng chính cũng như tác dụng phụ của nó mới có thể đem lại hiệu quả mong muốn, không nên sử dụng tùy tiện, dư thừa, không thích hợp thì chẳng những không có kết quả tốt mà còn gây tác hại xấu nữa.

Khắc phục góc khó theo phong thủy
Cần chú ý những khu vực có hai cửa cạnh nhau.Việc sắp xếp nhà cửa hài hòa phong thủy luôn đặt nguyên tắc giảm hung khí, tăng cát khí lên hàng đầu. Trong một ngôi nhà dù lớn hay nhỏ, hung khí luôn tồn tại và luân chuyển dưới nhiều dạng, nhiều hơn cả là tại các vị trí có luồng đi lại đâm thẳng, xuyên suốt và các “góc chết”. 
Với điều kiện nhà đất đô thị chật hẹp, các góc khuất thường gặp do hình thể miếng đất méo hoặc do cấu trúc của nhà, và phải khắc phục bằng nhiều cách khác nhau.
Vùng âm dương và những góc khuất trong nhà
Trong không gian sống luôn có cả vùng âm và dương. Trong nhà ở, vùng âm (đặc trưng là trạng thái tĩnh, gián đoạn, góc khuất) là những nơi cố định, không bị đi xuyên qua hoặc chỉ nhìn thấy mà ít sử dụng. Bóng tối và lạnh, ẩm thấp tiêu biểu cho tính âm. Còn vùng dương (đặc trưng là mặt cong, tròn, trạng thái động, liên tục) tồn tại ở những khu vực hoạt động thường xuyên như cổng, cửa ra vào, cửa sổ, chỗ trống có thể đi qua, cầu thang, hành lang, phía ngoài vật dụng… Ánh sáng, sự ấm áp tiêu biểu cho tính dương. Theo dịch lý, mỗi ngôi nhà cần bố trí hài hòa âm dương để tạo sự cân bằng khí, tránh để âm thịnh dương suy hoặc ngược lại. Ví dụ ở một phòng ngủ, nên đặt giường ở gần hoặc ngay trong vùng âm để tránh luồng giao thông và gió thổi trực xung, tức là cũng tránh được cửa đi, tránh mở cửa sổ rộng có nhiều dương quang (ánh sáng mặt trời) chiếu thẳng vào đầu giường. 
Ngôi nhà dù có nhiều cửa rộng, ánh nắng chan hòa thì vẫn cần bình phong, màn che để làm dịu đi phần dương quang vào ban ngày và bổ sung đèn chiếu sáng vào ban đêm. Sự kết hợp giữa các yếu tố âm dương như vậy sẽ tạo nên cân bằng trong trạng thái động, tức là cân bằng tương đối với khả năng thay đổi tùy hoàn cảnh, và kích thích nguồn khí lưu chuyển. Những góc khuất trong nhà (vốn thuộc âm) vì thế cũng không hẳn hoàn toàn là xấu nếu được khai thác sử dụng đúng mức. Nhiều khi có những ngôi nhà rất vuông vức, nhưng cách sắp xếp đồ nội thất cũng có thể gây ra những góc khuất ít được chăm sóc. Vì thế cách khắc phục cần phải bắt đầu từ nhận định hình thế và “kịch bản sử dụng” của chủ nhân.



Những góc thừa (kẹt) nên đặt tủ.

Khi mặt bằng của nhà đất không được vuông, các góc nhọn sẽ thành chỗ khó sử dụng. Bụi bặm, ẩm thấp hay dồn vào đó và tác động xấu tới môi trường sống. Các góc nhọn nếu lồi ra hay chĩa vào không gian sinh hoạt sẽ cản trở đi lại, gây va chạm và tạo cảm giác khó chịu trong tâm lý người ở. Phong thủy gọi đó là những góc xung sát và đặc biệt kỵ những góc chết tồn tại trong phòng trẻ em, người già những như các phòng ngủ, vì các phong này đòi hỏi độ an toàn trong sử dụng, không gian tĩnh và gọn, nếu có góc cạnh nhiều sẽ bất lợi. Cách khắc phục là làm tủ trang trí lấp vào góc kẹt, hoặc đặt cây xanh, đồ vật chắn ở đỉnh nhọn, tách biệt với phạm vi thường sử dụng.
Cần lưu ý, những cánh cửa mở không hết cũng tạo ra những mũi nhọn và góc chết trong nội ngội thất. Nhiều nhà khi mở cửa đón khách, thường cánh cửa va luôn vào khách hoặc chĩa ngược vào mình. Đó là do không chú ý lùi lại thềm nhà, tiền sảnh để cửa có chỗ tựa vào. Do đó, khi thiết kế xây dựng cần chú ý xem cửa phòng mở ra hoặc vào có ép sát tường được không. Đối với hai cửa đi nằm gần nhau, phải chú ý khoảng mở đồng thời tránh bố trí đồ vật sát cửa sẽ gây vướng víu trong sử dụng. Cửa mở hé cũng làm gió lùa mạnh hơn và dễ bị sập, gây tai bạn nhất là đối với trẻ em.
Xử lý theo phương đứng
Dưới gầm thang chỉ nên đặt tiểu cảnh.

Nhìn trong mặt cắt nhà ở thì cầu thang và mái dốc là những chỗ hay tạo ra “góc chết”. Gầm cầu thang vì tối và thấp, có tính âm nhiều hơn dương, nên có thể làm phòng vệ sinh nhỏ, kho chứa đồ, chỗ để xe hay thậm chí là để trống, mở cửa sổ lấy ánh sáng nếu có thể, để bổ sung tính dương. Cần lưu ý, tại những chổ dễ đụng đầu (chiều cao thông thủy khoảng 1,7 m) chỉ nên bố trí các chức năng có tần suất sử dụng thấp như tủ để đồ lặt vặt, máy bơm nước hoặc tiểu cảnh trang trí đơn giản. Tránh đặt giường ngủ hoặc chỗ làm việc dưới cầu thang vì luồng di chuyển bên trên sẽ gây tiếng động và bụi bặm, xáo trộn trường khí, nhất là đối với các kiểu thang hở bậc hay dạng “xương cá”.
Khi nhà làm mái dốc nghiêng, đóng trần là cách hữu hiệu nhất để tránh góc chết trên cao, vốn thường là nơi bám bụi và không sử dụng. Nếu có bố trí phòng tại gian áp mái thì khoảng xiên sát tường nên đặt tủ đồ, còn giường ngủ hoặc bàn làm việc nên đặt ở khoảng trần dã cao và tránh dầm xà phía trên. Cách đóng trần cong, giật cấp hoặc uốn khúc cũng là thủ pháp chuyển tiếp không gian hữu hiệu, giấu đi các khiếm khuyết do mái nghiêng tạo ra. 
Các cửa sổ lật nghiêng cũng gây ra dạng lưỡi nhọn không an toàn khi sử dụng nên phải chú ý đặt cao quá đầu người. Trường hợp cửa là loại lật thấp thì phía dưới nên là bồn hoa hay mái hắt, tránh để luồng đi lại hay sinh hoạt dát dưới những cánh cửa lật nghiêng.
Không ngôi nhà nào mà không có các góc khuất, góc chết. Vấn đề là khai thác hiệu quả những góc khó ấy và giảm thiểu các trở ngại trong sử dụng, tạo nên ngôi nhà hợp phong thủy.


Còn tiếp……

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *