Tín ngưỡng thờ mẫu hậu vinh danh

GD&TĐ – Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đã được UNESCO vinh danh. Đây thực sự là niềm tự hào của người dân Việt Nam tuy nhiên nỗi lo biến tướng hậu vinh danh luôn thường trực trong giới nghiên cứu khoa học cũng như những người đang hoạt động thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ.

[​IMG]

Mới đây Bộ VHTTDL đã có Công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ về việc triển khai Chương trình hành động Quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.

Nỗi lo hiện hữu

Rất nhiều nhà khoa học cùng lo ngại cho rằng: Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ sau khi được vinh danh di sản nhiều người sẽ lạm dụng để mở Phủ, lên đồng và coi việc được UNESCO vinh danh di sản để “bảo hiểm” cho việc này. Và hệ lụy của nó về vấn đề này sẽ là không phân biệt được đâu những giá trị thật và giả của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Từ đây đòi hỏi vai trò quản lý không chỉ của Bộ VHTT&DL mà của tất cả các cấp. Đặc biệt là các cấp địa phương, vùng sâu, vùng xa.

Có thể nói, hậu vinh danh Tín ngưỡng thờ Mẫu đang đưa ra những thách thức và nếu không kiểm soát tốt sẽ bị phản tác dụng. Việc vinh danh di sản để rồi không được thực hành tốt thì chắc chắn sẽ làm xấu đi hình ảnh của Việt Nam. Ngành văn hóa nói chung và xã hội nói riêng cần có sự cảnh giác cao độ bởi song hành với sự tự hào là những nguy cơ bị bóp méo, thực hành sai.

Sau vinh danh, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt cũng phải đối diện với nỗi lo “buôn thần bán thánh” hay “thương mại hóa hầu đồng”. Những năm gần đây, hầu đồng diễn ra sôi nổi ở khắp các di tích lịch sử văn hóa. Các canh hầu không chỉ tổ chức ở những đền thờ thánh nữa mà mở rộng cả ở đình, chùa, tư gia…

Điều này gióng lên hồi chuông về những “biến tướng” của nghi lễ hầu đồng. Trong các giá hầu, nhiều người lợi dụng việc hầu đồng để buôn thần, bán thánh hay việc người hầu sử dụng quá nhiều vàng mã, đồ lễ hay tiền bạc… Tất cả đã làm mất đi giá trị đích thực của tín ngưỡng này. Với những vấn hầu tiêu tốn đến tiền trăm triệu, thậm chí cả tiền tỷ thì cần phải xem xét.

GS.TS. Ngô Đức Thịnh từng chỉ ra sự biến đổi của tín ngưỡng thờ Mẫu Tham phủ: nếu ngày xưa, chỉ cần một cái khăn là có thể lên đồng, quà phát lộc chỉ vài quả táo tượng trưng… thì ngày nay, mỗi giá đồng một bộ quần áo, mỗi ông đồng bà cốt mỗi lần lên đồng có hàng chục bộ trang phục cầu kì đẹp mắt và đắt đỏ hay đồ lễ cái gì cũng phải to, phải lớn, ngay như ngựa, voi làm bằng mã cũng phải đúng kích cỡ như thật, tiền phát lộc không còn là “bạc lẻ” gọi là tượng trưng nữa mà mệnh giá tiền phải lớn. Lễ vật phải nhiều…

Hoặc trong nghi lễ hầu đồng, vai trò của cung văn đặc biệt quan trọng. Họ là những người dâng cung đàn, tiếng hát cho Thánh hưởng. Ở mỗi giá đồng, lời văn lại có ý nghĩa riêng, mang đậm chất thơ, chất tình. Chính Cung văn đã tạo thêm dòng cảm hứng cho các ghế đồng.

Ngày nay, vào thời buổi kinh tế thị trường, đất nước có sự hội nhập, nhiều dòng nhạc phương Tây du nhập vào nước ta, phần nào làm mất đi chất nhạc truyền thống trong bài diễn tấu của Cung văn, những giai điệu sập sình của nhạc Rock xuất hiện, hỗ trợ cho điệu nhảy khác lạ trên chiếu hầu. Những câu hát văn cổ xưa bị pha tạp bởi những câu hát hiện đại. Tiêu biểu nhất là khi hát văn hầu giá Cô bé điệu Cô múa ô, cung văn có pha thêm lời bài ca Đi học của nhạc sỹ Bùi Đình Thảo.

Các cung văn trong thời buổi nền kinh tế phát triển, cũng không tránh khỏi cám dỗ của đồng tiền nên học hát văn một cách cẩu thả, không bài bản, đi hát cho các buổi lễ Thánh thì kén Đồng. Thậm chí nhiều Cung văn đề ra tiêu chí với Đồng: Đồng nghèo không hát, chỉ hát cho Đồng giàu. Có những người đang hát cho Đồng, nhưng hầu đến giá Thánh không đủ tiền phát lộc, sẵn sàng dẹp đồ nghề đi về.

Ở một khía cạnh nào đó, nếu chúng ta suy nghĩ sâu xa mới thấy hết cái cách ứng xử của con người vì đồng tiền mà tính toán vụ lợi ngay trong cả việc Thánh. Song hành với nghi lễ hầu đồng là sự xuất hiện của vô số những dịch vụ ăn theo nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng là những tín đồ đạo Mẫu.

Hiện nay, trên nhiều trang website quảng bá rầm rộ các dịch vụ tư vấn, mua sắm, trang trí, phục vụ trọn gói vấn hầu đồng từ A đến Z, chân đồng chỉ việc đi không đến hầu; dịch vụ đi phụ giúp đồng với giá khoảng 500 nghìn/1 người; dịch vụ thuê múa phụ họa… muôn hình muôn vẻ.

Bảo vệ và phát huy giá trị di sản

Bộ VHTTDL đã công bố Chương trình hành động Quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt giai đoạn 2017 – 2022 với 5 nội dung cơ bản.

Trong đó nhấn mạnh tới việc tiếp tục nhận diện giá trị, nghiên cứu, kiểm kê, tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt và các tập quán, nghi lễ, lễ hội truyền thống tốt đẹp gắn với di sản; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, uống nước nhớ nguồn, tinh thần hòa hợp dân tộc và trân trọng vai trò của người phụ nữ trong cộng đồng.

Tạo điều kiện cho việc thực hành, sáng tạo và truyền dạy di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trong cộng đồng; khuyến khích những nghệ nhân hát văn cao tuổi truyền dạy những bài bản cổ cho thế hệ trẻ; tăng cường các hình thức giáo dục phù hợp trong và ngoài trường học.

Tôn vinh các cá nhân, cộng đồng có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, thực hành, truyền dạy, bảo vệ và phát huy giá trị di sản; có chính sách, khen thưởng và phong tặng danh hiệu vinh dự nhà nước cho các nghệ nhân có nhiều đóng góp trong hoạt động bảo vệ, trao truyền những giá trị văn hóa của di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.

Thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước nhằm gìn giữ, bảo vệ và phát huy những giá trị tốt đẹp của di sản, đồng thời ngăn ngừa, loại bỏ các hủ tục và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng di sản để trục lợi, làm sai lệch di sản và có tác động tiêu cực tới đời sống cộng đồng, xã hội.

Phối hợp với các cơ quan truyền thông, hội nghề nghiệp tổ chức các chương trình giới thiệu, quảng bá về giá trị di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt dưới nhiều hình thức tới công chúng trong và ngoài nước, gắn bảo tồn di sản văn hóa với phát triển du lịch bền vững.

Để chương trình hành động Quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đi vào thực tiễn đời sống, trước hết cần sự chủ động, tích cực triển khai của các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan ở các địa phương có di sản này.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *