Tiếng vọng về từ nơi Thoải phủ

Tiếng vọng về từ nơi Thoải phủ …
Các anh chị em bạn đạo thân mến , tháng 6 đã về , tiếng trống giục giã vang lên khắp nơi , các đồng anh lính chị tung tăng kéo về dự hội Thoải phủ . Tháng 6 qua đi , để anh chị em bạn đạo xa gần lại tiếp tục chuẩn bị cho tháng 7 sắp tới , chuẩn bị cho mùa vu lan báo hiếu hay còn gọi là tháng mở cửa ngục , Tháng xá tội vong nhân .
Các a.c.e bạn đạo thân mến , tôi xin được không bàn đến vấn đề phân biệt tôn giáo hay đạo pháp trong phạm vi bài viết này . Bởi lẽ , nếu xét một cách riêng biệt thì tiệc tháng 6 Thoải phủ là theo tín ngưỡng của Đạo Mẫu , còn tháng 7 , tháng xá tội vong nhân lại là theo quan điểm của Đạo Phật .
Trong phạm vi bài viết này , tôi sẽ đứng trên quan điểm của đạo học nói chung để chỉ ra sự kế tiếp đặc biệt giữa tháng 6 và tháng 7 .
Thoải phủ vốn là nơi chứa đựng những sinh linh mang đầy trong mình sự u uất lạnh lẽo , buồn tủi …
Thoải phủ trong Đạo Mẫu dường như không nhắc nhiều những sinh linh nơi miền biển , mà chủ yếu là những sinh linh cư trú nơi ao , hồ , sông , ngòi …
dường như ở nơi biển cả xa xăm kia , là một thế giới khác , nơi các cung cõi khác ngự trị .
Thoải phủ trong tứ phủ được biết đến trong phạm vi những công dân nơi vùng nước ao hồ , sông ngòi và vùng ven biển .
Nếu như những công dân miền thoải phủ mang nặng tập khí của con người thì có vẻ như những công dân nơi đại dương xa xăm lại có một thế giới tách biệt , ít ảnh hưởng bởi tư tưởng của con người . Có thể chỉ là cảm giác chủ quan , nhưng tôi cảm thấy , ở nơi ấy , những công dân ấy không hề biết đùa cợt , lạnh lùng và rất coi trọng lời hứa .
Người đời thường nói , những người có căn Thoải phủ , đặc biệt là căn cô Bơ thường có những nét rất chung chung như : Cuộc đời gian truân , vất vả , nhiều oan trái , hay buồn tủi một mình ….Hoặc như ”căn ”Ngài quan đệ Ngũ tuần Tranh thì cuộc đời người đó sẽ rất oai danh lừng lẫy nhưng sẽ bị hàm oan nhiều …
Tôi sẽ mở rộng về điều này hơn một chút …
Người ta nói căn cô Chín thì rất xinh đẹp , tài giỏi nhưng …đành hanh .
Căn quan Hoàng Bảy thì phong lưu , lãng tử ….nhưng rất mê cờ bạc , lô đề .
Căn quan Hoàng Mười thì rất thanh cao , giỏi thi phú , cầm kì thi họa đủ cả .
Và số đông trong xã hội ngày nay chủ yếu là những người mang ” căn mệnh ” của những vị này , còn những vị mang ” căn ” Chầu , ”căn ” Chúa , ” căn ” quan lớn … dường như rất ít , vì sao vậy ? Và vì sao những người mang ” căn ” của những vị Thánh ấy lại mang những nét đặc trưng phân biệt rất rõ như vậy . Ở đây có rất nhiều luận điểm khác nhau :
Có người cho rằng : Họ là ” con cái ” của những vị Thánh thần ấy nên mang những nét đặc trưng giống cha mẹ họ là điều đương nhiên .
Có người lại cho rằng : các vị Thánh ảnh bóng lên cơ thể họ – một trạng thái tác động – nhập đồng – nên tính cách và cuộc đời của họ đương nhiên là giống vị Thánh ấy .
Còn về vấn đề vì sao lại có rất ít người mang ” căn ” Chầu , căn Chúa , ” căn ” quan lớn .. mà chủ yếu là hàng ” căn ” cô , cậu .
Có người cho rằng vì những người mang căn mệnh của những vị Chầu , vị chúa kia hẳn là những người có căn cao số nặng , phước lớn , mạng lớn hơn người khác , và đó hẳn là số ít trong xã hội này .
Hoặc như có người lại cho rằng vì hàng các cô các Cậu là người thường được mẫu sai xử đi chấm đồng , bắt lính .
Tôi thì không hoàn toàn cho là như vậy .
Để lí giải về hiện tượng này , tôi xin có vài lời giải thích như sau :
Tất cả mọi lí sự trong nhân gian đều qui về chữ ” nghiệp – quả ” , Hệ thống tứ phủ là một tổ chức rất nghiêm ngặt , bao gồm các vị Thánh rất đỗi anh minh và có công phu tu tập rất cao . Trong hệ thống các vị Thánh lại chia ra nhiều cấp bậc , như mọi người được biết : Trên cao nhất là các vị Thánh Mẫu và Vua Cha , tiếp theo là hàng Chầu , các quan , các cô , Cậu …
Và ở tương ứng với các cấp thì mỗi vị Thánh lại đảm nhận một chức phận và công việc khác nhau .
Nói như người đời rằng : Các cô , cậu , các quan là người thường được Mẫu sai xử đảm nhận công việc chấm lính , bắt đồng , điều này là chính xác .
Các cô , các cậu , các quan là những vị Thánh có chức phận và công việc là quản cai những công dân có duyên nợ với tứ phủ và giáo hóa họ .
còn những công việc mang tính quốc gia đại sự hoặc giữ yên bờ cõi vốn sẽ được giao cho những vị Thánh khác trong tứ phủ đảm nhận , đây vốn là nhiệm vụ chung được hầu hết các cung cõi khác tham gia mà không riêng gì tứ phủ hay Trần triều .
Còn vì sao vẫn xuất hiện các ” căn Chầu , căn Chúa ” , ( tôi sẽ không bàn đến trường hợp các bạn bị bệnh ảo tưởng ) , sở dĩ vẫn có tồn tại các loại Căn này , mặc dù công việc chính của chư vị ấy không bao gồm nội dung này , nhưng vì một số căn duyên đặc biệt như : tiền thân đồng nhân đã từng có căn duyên tu tập nơi cửa Chúa , cửa Chầu , từ nhiều kiếp tu trước , thì nay vì mối nhân duyên này , lại sẽ được tiếp tục được chư vị trực tiếp chỉ dạy , hoặc giả như , thân đồng ấy có gia tiên tiền tổ đang hầu hạ nơi cửa Chúa , sẽ được gia tiên xin cho được chư vị gia ơn để phái cử các hạ bộ của Ngài về tiếp phúc trợ duyên . Bởi lẽ tất cả những việc này đều không ngoài mục đích giáo hóa chúng sanh của chư vị Phật Thánh .
Tiếp theo , chúng ta sẽ bàn tới lí do vì sao căn cô Bơ thường hay bị hàm oan , buồn tủi , gian truân ….hoặc như căn quan Hoàng Bẩy thì mê cờ bạc , rượu chè ………………………………………………………………………………………………………..
……………………………………………………………………………………………………………
Lí do thì hoàn toàn không như dân gian thường nghĩ :
Các vị Thánh mà chúng ta thường được nghe danh như Cô bơ , cô Chín , Quan tuần , quan Hoàng …đều đã có quả vị tu tập rất cao . Các ngài đều đang hành bồ tát đạo . Đã không còn cái hỉ , nộ , ái , ố như người trần gian . Cái giận của chư vị là giận cho người trần quá tham lam mà đánh mất tính người , cái buồn của chư vị là buồn cho người trần gian tranh giành cấu xé miếng ăn với nhau …chứ đó không hề là cái giận , cái buồn như kẻ phàm phu thường nghĩ .
Công việc chính của các tiên cô , tiên cậu được giao là cai quản công dân nước mình và tùy duyên mà giáo hóa họ . Trong nước tứ phủ , các công dân tùy theo định nghiệp và hạnh nguyện sẽ được chia theo các nhóm khác nhau . Và đứng đầu mỗi nhóm công dân này là một vị Thánh , sẽ có trách nhiệm với họ . Mỗi nhóm công dân này sẽ có những đặc điểm rất chung về nghiệp quả mà họ phải trả , chính nghiệp quả mà họ phải trả này sẽ tạo ra những nét rất chung về số phận , cuộc đời , tính cách của con người họ .
Điều này hoàn toàn hợp với cái lí nhân quả ” ai làm , nấy chịu ” , những người giống nhau sẽ được gom về một nhóm , kiểu như ngưu tầm ngưu , mã tầm mã là vậy .
Chính điều này , vô tình do sự thiếu hiểu biết mà tạo ra cho rất nhiều người cái sự lầm tưởng như trên . 
Thoải phủ , một miền sông nước bao la , tạo cho người ta một cảm giác chống chếnh , mênh mang , đìu hiu , lạnh lẽo , u ám …
Chẳng phải vô cớ mà người ta ví chốn ấy là chốn Diêm la , nơi có địa ngục tồn tại .
Anh chị em bạn đạo đã bao giờ bắt gặp một xác chết đuối chưa nhỉ ? đó là những cái xác trương phềnh , nhợt nhạt , các hốc mắt , miệng ứa máu , vô cùng đáng thương . ..
các vong chết đuối cũng như vậy , tóc tai lõa xõa , hốc mắt thâm quầng , môi tái nhợt , ho run lên vì lạnh …đáng thương vô cùng .
Rất nhiều những công dân của thoải phủ là như vậy , nghiệp quả đã khiến họ phải chịu cảnh đày đọa như vậy ! Cái sự đớn đau này , đau khổ này , thật chẳng khác cảnh địa ngục được miêu tả trong Phật pháp là bao nhiêu , bởi nó chính là một , thật không khác !
Tháng 6 , tiệc Thoải phủ , gia tiên tiền tổ các họ hoan hỉ vô cùng , đây chính là dịp gia tiên tiền tổ các họ thúc giục con cháu mình báo ân chư vị . Bởi lẽ , khi ở trong cái cảnh khổ đau vô cùng ấy …rất rất nhiều gia tiên các họ đã được chư vị Phật thánh gia ân cứu giúp thoát khỏi cảnh đọa đày đau khổ nơi Thoải phủ diêm la , địa ngục . Một sự hoan hỉ vô ngần .
Nối tiếp tháng 6 , tháng 7 , chư vị Phật Thánh tiếp tục mở tiệc ban ân , những chúng sanh đang chịu cảnh đày đọa nơi địa ngục được phép trở về thúc giục con cháu mình tu tập để cứu dỗi , giải thoát cho họ . Chốn diêm la thoải phủ lại một lần nữa được mở ra , tạo cơ hội cho các linh hồn đau khổ . Để rồi khi đã được cứu dỗi thì gia tiên các họ lại trở về và thúc giục con cháu mình tu tập để báo ân chư vị . Nó sẽ như một vòng quay không ngừng nghỉ , chỉ đến khi nào chốn diêm la Thoải phủ không còn những linh hồn tội lỗi đau khổ nữa thì chư vị sẽ không còn cần ban đặc ân ” mở cửa ngục ” nữa , khi đó chỉ còn sự tu tập của các linh hồn để báo ân chư vị mà thôi .
Ơn đức của chư vị thật to lớn vô ngần không tài nào tả xiết .
Đệ tử con chỉ biết cúi đầu cúc cung tận tụy , cố gắng tu tập , tự lợi – lợi tha để báo ân chư vị cùng tổ tiên công đức mà thôi .
Kính mong anh chị em bạn đạo cảm được lời tôi nói mà gắng công tu tập .
Kính chúc anh chị em bạn đạo thân tâm an lạc
Nam mô chuẩn đề vương bồ tát ma ha tát .
Đệ tử Vạn Lợi kính ghi .

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *