Vào làng thêu trang phục hầu đồng

Xưa, trang phục là cách để vua chúa, quan lại thể hiện uy quyền. Ở một khía cạnh khác, mỗi bộ trang phục trở thành một tác phẩm nghệ thuật với sự kết hợp nhuẫn nhuyễn giữa mỗi đường kim may, vẻ cầu kì của từng nét chỉ thêu. Giờ đây “làng thêu rồng phượng” xưa đã trở thành làng thêu trang phục hầu đồng được nhiều khách hàng tìm đến.

Nghệ nhân làng nghề thêu truyền thống Đông Cứu. ảnh: Vũ Trần. 

Làng nghề độc đáo

Đó chính là làng nghề thêu truyền thống Đông Cứu, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, Hà Nội. Không phải bây giờ làng mới trở nên nổi tiếng mà suốt bao năm qua, nơi đây đã trở thành một địa chỉ tin cậy để những người muốn phục chế long bào cho vua hay áo thờ cho thành hoàng làng tìm đến.

Và muốn thêu một bộ khăn chầu, áo ngự để hầu đồng thì cũng không nơi nào có thể làm đẹp hơn những nghệ nhân ở Đông Cứu. Đó cũng chính nguyên nhân để từ hàng trăm năm qua làng vẫn giữ nguyên được truyền thống làng nghề với nhiều kĩ thuật thêu cổ mà chẳng nơi đâu có được.

Danh xưng “làng thêu rồng phượng” được gắn liền với làng nghề thêu long bào, áo mão cho quan tước, quý tộc cho các triều đại phong kiến Việt Nam.

Tuy nhiên, trong cơn lốc của thời buổi kinh tế thị trường, nghề thêu long bào ở làng Đông Cứu có thời điểm dần bị mai một, người dân cũng bắt buộc phải chuyển sang làm các mặt hàng thị trường với những sản phẩm phục vụ lễ hội như làm hia, hài, lọng, tán, nhất là trang phục của giới hầu đồng.

Một buổi hầu đồng muốn thành công ngoài phần âm nhạc không thể không nhắc đến trang phục hầu đồng. Bởi chính những bộ sắc phục lộng lẫy sẽ góp phần làm cho người có “căn” nhà Thánh và người trực tiếp tham gia nghi lễ cảm thấy hứng khởi hơn.

Trong quan niệm dân gian thường có 36 giá đồng tương ứng với 36 giá Thánh sẽ có 36 bộ trang phục dành riêng cho mỗi giá. Các bộ trang phục hết sức phong phú, đa dạng nhưng dù thế nào vẫn có sự thống nhất về kiểu cách, màu sắc, phục sức đi kèm.

Để có thể làm nên những bộ trang phục này, người thợ thêu phải am tường, tuân thủ các kĩ thuật thêu, các hoạ tiết thêu, từ vảy rồng sẽ khác vảy ra như thế nào, đi kèm với hình rồng thường sẽ là mây với những chấm tròn to nhỏ khác nhau ra làm sao.

Một bộ trang phục hầu đồng bao giờ cũng có 5 màu sắc cơ bản như xanh, đỏ, trắng, vàng, lam. Nhưng để tạo ra các màu sắc khác, các thợ thêu cần phải biết phương pháp nhuộm và phối màu. Khi nói đến việc may vá thêu thùa người ta thường nghĩ đến những người phụ nữ nhưng ở thôn Đông Cứu thì những người đàn ông lại tỏ ra khéo léo hơn. Ở đây, nam, phụ, lão, ấu ai cũng biết thêu thùa.

Họ khéo đến mức, chỉ cần vẽ phác thảo những đường mẫu nổi vần vện trên vải bằng bụi phấn mờ là người thợ có thể cầm kim thêu liền. Mỗi bản vẽ mẫu đều có hồn riêng thể hiện bản sắc, dấu ấn phong cách của từng người thợ.

Gìn giữ di sản

Nhiều năm qua khi văn hoá tín ngưỡng thờ Mẫu được cộng đồng quan tâm, đặc biệt là từ khi Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại, việc phục dựng trang phục cổ đã trở thành hướng mới để làng nghề thêu Đông Cứu phát triển.

Chị Tạ Thị Thuý Duyên, chủ một xưởng thêu cho biết: Mấy năm trở lại đây, khách hàng về làng mua đồ thường tập trung vào 3 tháng lễ hội đầu năm.

Theo chị Duyên, bây giờ, dù công nghệ thuê bằng máy đã rất phát triển nhưng nhiều khách hàng vẫn thích các sản phẩm thêu tay hơn, bởi theo họ những sản phẩm thủ công có nét độc đáo, hấp dẫn mà không loại máy nào có thể thay thế được.

Những người thợ thêu theo thời vụ được trả 20 ngàn đồng/giờ, ngày làm 8 tiếng, thu nhập cũng được khoảng gần 200 nghìn/ một ngày. Những năm trước đây, làng có khoảng 200 mẫu ruộng, mỗi năm bình quân thu được 400-500 tấn thóc, bán đi giá thành cũng không bằng làm nghề thêu. Vì vậy, trong làng, hầu như nhà nào cũng chuyển sang nghề thêu.

Hiện, làng Đông Cứu có trên dưới 15 người mở xưởng thêu tư nhân tại nhà. Mỗi xưởng bình quân có khoảng gần 30 người thợ thêu, làm việc hết công suốt từ sáng đến tối. Một số hộ gia đình làm sẵn các loại áo sau đó đem ra bán trực tiếp ở phố Hàng Quạt, Hà Nội. Có người làm theo sở thích nhưng phần lớn các hộ đều làm theo đơn đặt hàng, nhu cầu thị hiếu của thị trường.

Cuối năm 2016, nghề thêu Đông Cứu được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Cùng với tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, thì hướng phát triển nghề thêu may trang phục truyền thống của người làng Đông Cứu càng có điều kiện phát triển hơn.

Đây cũng là động lực khích lệ người dân Đông Cứu không ngừng trao truyền và gìn giữ bản sắc văn hóa làng nghề truyền thống do cha ông để lại. Trong tương lai không xa, làng phấn đấu trở thành một điểm du lịch hấp dẫn từ chính sản phẩm thêu này.

Vũ Phúc

Theo Đại Đoàn Kết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *