Tỏa Bóng

Tỏa bóng là gì ? Khi nói đến cụm từ tỏa bóng này khiến ta liên tưởng đến hình ảnh một cái cây cổ thụ to lớn đang tỏa bóng mát, che phủ cho một vùng rộng lớn xung quanh nó.
Tỏa bóng hàm nghĩa ví von các vị Phật Thánh như những cây cổ thụ to lớn, luôn che chở bóng mát cho những đứa con của Người, nhờ sự che chắn của những cành lá to khỏe ấy mà những đứa con của Người được no ấm, hạnh phúc.

Tỏa bóng là con đường để Đồng nhân tìm về với nơi phát tích của đạo, những nơi được cho là lưu dấu linh của thánh: như nơi đản sinh, nơi hóa, nơi hiển lộng thần uy, nơi tái giáng, nơi đóng quân, đánh giặc, nơi gắn kết giao hòa giữa hai cõi linh và tục để có một điểm mốc làm ảnh hưởng đến lịch sử của dân tộc. Đồng nhân muốn tìm về những nơi đó bởi nó có tiếng là linh thiêng, tức là bóng thánh hiển hiện rõ rệt ( qua truyền khẩu, báo mộng, tập tục lâu đời…) mà từ đó được gần cha gần mẹ, gần các bậc đạo sư tâm linh của mình hơn mà có thể nhờ vậy lời kêu khẩn của cá nhân, gia đình hay bản hội dễ thấu đến được bề trên, được bề trên chấp thuận và âm phù. Hoặc giả cũng có thể là vì lòng tín tâm, muốn tìm về nơi cội nguồn của đạo để tìm tòi, học hỏi, hiểu biết thêm về đạo qua đó việc phụng sự được mãn tròn quả phúc, đem lại tâm an ái cho người bề tôi từ đó tăng trưởng thêm lòng kính tín vào đạo, phát triển thêm các hạnh nguyện lành của mình. Ngoài ra cũng là do cái thú lên ngàn xuống biển, đi xa về gần mà mỗi con người đều mong muốn được đi ngao sơn ngoạn thuỷ, tìm đến những nơi sơn thủy hữu tình, nơi sơn xuyên dục tú, hay nơi ghi dấu tích lịch sử oai hùng của cha ông, của dân tộc để một lần về với cội nguồn, với tiên tổ, về với đại ngàn sông núi để tìm lại dấu linh của cha ông từ thời mở nước, dựng nước và giữ nước. qua đó có thêm nhiều bài học đạo đức, lịch sử quý giá cho mình, người thân, bạn bè.

Tỏa bóng như một phần nghi lễ ( không bắt buộc ) đối với các thanh đồng của đạo Tứ Phủ. Có điều kiện thì ta thực hiện, không có điều kiện ta an nhiên tại nơi chốn tổ hay các nơi gần gũi xung quanh cũng không phải là điều sai trái với lễ giáo nhà Thánh. Kính xin các bạn tùy hỉ và cần phải nhận thức đúng ở điểm này, tránh đặt một gánh nặng rằng: bắt buộc phải đi tỏa bóng nơi này nơi kia thì mới là không lỗi đạo. Như thế vô hình chung chúng ta tự tạo một rào ngăn cách trở trong tâm tưởng mình khiến cho tâm trí mình không được tịnh tấn, an ổn trong việc đạo, từ đó dễ làm những điều không nên, thậm chí trái đạo mà hủy báng công đức của bản thân.

Vạn pháp tùy duyên, vạn sự do duyên khởi, duyên đến đâu thì theo đến đó. Cho nên việc hầu Thánh, hay tỏa bóng thiết nghĩ cũng bởi ở duyên mà ra. Nếu anh có điều kiện hơn người, hay bản hội anh có nhiều người quý nhân đỡ đầu giúp đỡ cho anh về đền mẹ phủ cha, bắc ghế hầu hạ Ngài: đó là phúc duyên anh được hưởng. Còn như tôi không có điều kiện, duyên tôi kém hơn, tôi chỉ có điều kiện bắc ghế hầu thánh tại nơi chốn tổ, hay ở những nơi xung quanh nơi tôi sống thiết nghĩ cha mẹ cũng chẳng phiền lòng. Ở nơi tâm mình cảm biến mà ra chữ linh thôi các bạn à.

Còn về nơi tỏa bóng lần lượt thế nào? Khi nhắc đến tỏa bóng, người ta sẽ ngầm hiểu đó là qui tắc: sau 3 năm tính từ ngày bắt đầu chính thức làm lễ mở phủ, gia nhập Thánh đạo, các đồng con sẽ được Đồng Thầy đưa đi trình diện cha mẹ ở các đền to phủ lớn, gọi là cho cha biết mặt – mẹ biết tên, địa điểm đi trình lần lượt sẽ là: đền công đồng Bắc Lệ, đền Vua cha Bát Hải -Thái Bình, đền mẫu phủ Dầy – Nam Định,…và sau đó là một loạt các đền phủ khác. Nhưng dứt khoát trước tiên phải là trình tự 3 ngôi đền kia thì mới đúng phép tắc, thể hiện rõ sự cung kính cũng như hiểu biết của mình trong việc đạo. Đây chính là qui tắc bất di bất dịch mà hiện nay chưa ai dám làm sai qui tắc này cả.

Còn vì sao sau 3 năm đi hầu tỏa bóng, như chúng ta đã biết đến qui tắc: 3 năm thử lính – 9 năm thử đồng. Quãng thời gian 3 năm này là quãng thời gian bề trên dành ra để những đồng tử tự luyện sức – luyện tài, rèn giũa thân tâm. Khả dĩ có điều đó bởi 1 lí : thân xác này vốn là của mỗi người, bề trên cũng chỉ nương vào xác này để hành đạo tạo đời, chứ hoàn toàn không thể thay thế chủ nhân đinh đoạt số phận của nó được. Để rồi sau 3 năm thử thách ấy, khi mà đồng nhân: thật tâm – thật tính – thật lính – thật đồng, thì lúc này đối với các đồng nhân mà nói mới gọi là kết thúc giai đoạn 1 để trở thành lính Thánh, và bắt đầu chuyển sang giai đoạn 2: giai đoạn tỏa bóng.

Có người hỏi tại sao là 3 năm mà không phải là các mốc thời gian khác, số 3 là con số của càn khôn, một con số vô cùng đặc biệt trong vô vi.

Nói thêm một chút về đền Bắc Lệ: xứ ấy xưa tục gọi là đồi Nghè, thuộc phủ Lạng Giang, sau đổi thành Bắc Lệ từ thời Pháp thuộc. Là nơi sơn lam chướng khí, đi dễ khó về. “Voi Xô, Phú Vị, đồi Nghè / trong ba nơi ấy chớ thường vãng lai”. Khi xưa trạng Phùng đi xứ Tàu qua nơi đây đã được diện kiến công chúa Liễu Hạnh lần đầu tiên và được ngài ban dấu cho lập đền tại nơi ấy ( trong Bắc Lệ Linh Từ bi ký có viết rõ việc này ) hiện tấm bia này vẫn còn được lưu giữ tại đền. Đền Bắc Lệ là đền thờ công chúa Liễu Hạnh, sau đền phối thờ cả hội đồng Tứ Phủ. Không phải là đền thờ chính của đức thánh Lê Mại Đại Vương ( Mẫu Thượng Ngàn ). Cảnh đền được lập ở nơi sơn lâm nên khiến nhiều người lầm tưởng như vậy mà thôi.

Còn về tên gọi: đền Công Đồng Bắc Lệ là vì lý do này. Khi xưa, người Pháp làm đường tàu hỏa Hà Nội – Đồng Đăng phải xuyên núi phá rừng ( đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn hiện nay chúng ta đang sử dụng chính là tuyến đường sắt này ). Trên tuyến đường này vốn dĩ có nhiều nơi miếu đền thờ phụng chư thánh như các bạn đã biết, khi tuyến đường sắt này mở ra vô tình chạy ngay trên địa thổ của các cảnh đền này. Do vậy dân mới làm lễ xin rước tôn thánh tại các đền đó về đền Bắc Lệ, để đến khi xây dựng xong đường sắt, ổn định rồi sẽ tìm địa thế mới để lập đền rồi rước thánh ra đền mới. Do việc di dời các đền nằm trong quy hoạch đường sắt tập trung về Bắc Lệ nên dân mới thuận miệng gọi đó là công đồng Bắc Lệ ( hội tập chư vị tại Bắc Lệ ). Tên gọi này từ đó lưu truyền cho đến nay nhưng rất ít người hiểu và giải thích được cặn kẽ, đúng đắn cho nên vô hình chung làm mọi người tưởng rằng đền Bắc Lệ là đền thờ hết thảy công đồng chư Thánh. Do vậy mới có tục đi ngược về xuôi, tiền trình Bắc, hậu trình Đồng. ( trước trình Bắc Lệ sau trình Vua Cha Đồng Bằng ). Và tục này cũng chỉ mới bắt đắù có từ những năm 50, 60 của thế kỷ trước chứ không phải cố tục trong việc tỏa bóng của Bốn Phủ xưa nay.

Thanh Lam

( Xem thêm tại Page Đạo Mẫu )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *