ĐỊA LÍ TẢ AO PHẦN 2

ĐỊA LÍ TẢ AO PHẦN 2

Nhẽ ra, ông phải nhờ những nhà địa lý chuyên môn đề tựa cuốn sách này mới phải, nhưng ông lại muốn nhờ tôi, vì xưa nay ông vốn dành cho tôi một tấm thịnh tình, nên tôi cũng nhận lời, là vì muốn lấy thịnh tình mà đền đáp lại.
Nơi đây, tôi không muốn nêu lên những vấn đề nan giải như khoa địa lý đúng hay sai, còn hợp thời hay không còn hợp thời. Bàn cãi về những vấn đề ấy ngày nay, theo thiển ý tôi, vừa quá muộn, vừa quá sớm.
Quá muộn, vì mấy nghìn năm nay, khoa địa lý đã có một tầm ảnh hưởng quan trọng, sâu xa vào trong đời sống dân gian Việt Nam, và không may ai phủ nhận giá trị nó.
Quá sớm, vì khoa học hiện thời cũng chưa đủ khả năng, đủ thẩm quyền để quyết đoán về giá trị của khoa địa lý. Biết đâu trong tương lại, với sự tiến triển của khoa học, khoa địa lý lại chẳng được sùng thượng trên hoàn võ như khoa châm cứu hiện nay.
Sở dĩ tôi nhận đề tựa sách này là vì thấy tác giả tha thiết với những vấn đề có liên quan mật thiết với nền văn hóa cổ truyền đông phương chịu lặn lội tìm tòi học hỏi, sưu tầm kỳ thư, bảo điển.
Nhờ sự tha thiết tìm cầu ấy, mà ông đã tìm ra được cuốn “Địa đạo diễn ca” của cụ Tả Ao.
Khoa địa lý, trước mắt thế nhân, vốn là một khoa học bí truyền, khó học, khó biết. Thế mà cụ Tả Ao chỉ tóm lại trong có 120 câu thơ, vừa lục bát, vừa song thất lục bát, với một lối hành văn bình dân, giản dị. Thực là một kỳ công.
Tuy nhiên, hiểu được 120 câu thơ không phải dễ.
Giúp ta hiểu tập Địa Đạo Diễn Ca của cụ Tả Ao chính là công trình của ông Cao Trung.
Sau nhiều năm suy tư và nghiên cứu, tác giả đã dùng phương pháp khoa học để trình bày, phân tích, giải thích, các lời lẽ trong quyển Địa Đạo Diễn Ca một cách sống động.
Ông lại có những sơ đồ để trình bày về các thế đất cát một cách hết sức giản dị, mạch lạc.
Chúng ta chỉ cần để một ít giờ là có thể đọc hết quyển sách và có thể thâu lượng được nhiều kiến thức.
Tóm lại, tôi muốn viết mấy hàng để giới thiệu với độc giả một ký thư, đó là quyển Địa Đạo Diễn Ca của cụ Tả Ao, và một công trình biên khảo giá trị của tác giả Cao Trung.
Chúc tác giả thâu lượm được nhiều thành quả tốt đẹp trên con đường sưu tầm, khảo cứu, và ước mong quyển sách này gặp được sự hoan nghênh của các vị độc giả.
Tiểu Sử Cụ Tả Ao
Cụ Tả Ao được tôn là Thánh Địa Lý Tả Ao là người Việt Nam thứ nhất học được khoa Địa lý Chính Tông ở Trung Quốc, và là thầy Địa lý giỏi nhất Việt Nam xưa kia. Tên cụ là Nguyễn Đức Huyên người làng Tả Ao Huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh (Trung Việt).
Cụ sinh vào thời vua Lê chúa Trịnh. Nhà nghèo, cha mất từ hồi còn nhỏ, mẹ lòa. Cụ có một anh cũng nghèo, là người con có hiếu, thấy mẹ mù lòa lúc nào cũng buồn, luôn luôn cầu mong, tìm được thầy thuốc hay, chữa cho mẹ khỏi.
May thay gần nơi cụ ở có một thầy thuốc người Tàu chữa mắt rất giỏi. Nhiều người đau mắt đã lâu, mà sau một thời gian được thầy đó chữa trị, lại trông được.
Có thầy hay nhưng chữa chạy rất tốn kém và nhà cụ nghèo không thể theo đuổi được việc thuốc thang. Cụ bèn nhất quyết xin phép mẹ đến giúp việc cho thầy chữa mắt này để học nghề và tìm cách chữa cho mẹ.
Sau hai năm kiên trì làm việc để chờ thầy truyền nghề. Cụ được vị thầy thuốc này nhận xét là người có cơ trí, đức hạnh nên truyền cho ít phép chữa bí truyền. Tuy chưa phải là hoàn toàn giỏi, nhưng liệu sức có thể chữa cho mẹ khỏi nên cụ xin phép về săn sóc bệnh trạng của mẹ. Sau một thời gian chữa cho mẹ được khỏi lòa, cụ trở lại chỗ thầy cũ tiếp tục học nghề chữa mắt và sau đó cụ theo thầy chữa mắt về Tàu tiếp tục học nghề và giúp đỡ thầy.
Khi ông thầy già yếu, thấy cụ quán xuyến được mọi khách hàng cho mình, liền đem nốt kinh nghiệm bí truyền dạy cụ.
Gần đó có một thầy địa lý chính tông nhà giàu bị đau mắt không nhìn thấy gì, nhờ cụ chữa và hứa nếu chữa khỏi sẽ hậu tạ riêng cụ 50 lạng vàng. Sau khi chữa khỏi mắt cho thầy Địa lý, cụ không nhận tiền và chỉ năn nỉ xin dạy cho cụ khoa Địa lý.
Vì ơn nghĩa nên thầy Địa lý dạy cụ Tả Ao khoa Địa lý chính tông của mình.
Sau nhiều năm thành tài, cụ xin về nước, Thầy Địa lý muốn thử sự hiểu biết của cụ, bèn làm một trăm mô hình đất kết trên một bãi cát, dưới mỗi huyệt kết có yểm một đồng tiền, rồi đưa cụ 100 cây kim, bảo ra điểm huyệt.
Cụ đã cắm được 99 cây kim vào 99 lỗ đồng tiền và một cây vào mép lỗ đồng tiền thứ 100.
Cây kim mép lỗ đồng tiền thứ 100 này là một kiểu đất quá lớn rất nhiều hình thể khó khăn, ẩn áo.
Thầy Địa lý chính tông thấy vậy than rằng: “Nghề Địa lý chính tông của ta đã được người Việt Nam học hết rồi.
Cụ từ tạ thầy về nước tiếp tục chữa mắt làm phúc. Cụ từ chối rất nhiều việc để đất. Cụ chỉ làm những việc để đất rất hạn chế trong những trường hợp đặc biệt mà thôi, tuy vậy danh làm địa lý của cụ cũng nổi và được tôn là Thánh Địa lý.
Người ta không gọi tên thực của cụ nữa mà chỉ gọi là cụ Tả Ao (tên làng Tả Ao của cụ ở huyện Nghi Xuân)
Hình như cụ Tả Ao không truyền nghề cho ai, xong có để lại cho đời sau 2 bộ sách Địa lý quý giá:
1. Bộ Địa Đạo Diễn Ca có 120 câu văn vần, tức bộ này.
2. Bộ Dã Đàm Tả Ao bằng văn xuôi (chúng tôi sẽ cho xuất bản sau)
Sách Địa lý của cụ phát xuất từ môn Địa lý chính tông nên đi từ căn bản lên phần chi tiết. Phần căn bản chú trọng tìm cho thấy Long chân Huyệt đích. Phần chi tiết nói cho thêm những điều phụ vào điều căn bản. Đi từ gốc đến ngọn bao giờ cũng ít lầm hơn đi từ chi tiết trở lại gốc; vì vậy sách Địa lý của cụ được các cụ xưa kia cho là quý giá nhất.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *