CHUYỆN HUYỀN BÍ KIM CỔ SƯU TẦM . BÀI 14

MUÔN MA HỜI SỜ SOẠN DẮT NHAU ĐI .


Tôi mở chủ đề này sẽ lượm lặt về những huyền thoại về nền văn hóa Chăm pa đã mất. Và cũng mong mem nào ở miền trung cùng cố gắng thu thập tài liệu và chia sẻ lên đây.

Miền trung nơi mà xưa kia là thủ đô của người Chăm pa rải dài từ Đà Nẵng cho đến Bình thuận. Chả biết vô tình hay hữu ý mà bây giờ dự báo thời tiết trên VTV luôn gộp lại 1 dải từ Đà Nẵng đến Bình Thuận như vố tình nhắc lại 1 thời vang bóng của 1 vương quốc mà vết tích để lại không phải là nhỏ. Những tháp Chàm lững lững chỉ vào trời xanh tồn tại qua bao cuộc bể dâu của đât nước và ghi dấu ấn vào nền văn hóa nhận loại qua chứng chỉ UNESCO như là bằng chứng công nhận 1 nền văn minh rực rỡ của Châu Á bị biến mất

Huyền lực của 1 nền văn hóa bị biến mất vẫn tồn tại trong dân gian qua những truyền thuyết, huyền thoại và thậm chí ghi dấu ấn phi vật thể lên rất nhiều thứ theo thời gian. Ví như bút danh Chế Lan Viên của nhà thơ Phan Ngọc Hoan được hình thành qua những cảm nhận hoài niệm về 1 nền văn hóa Chăm Pa tại Bình Định. Có lẽ Chế Lan Viên đã ngoại cảm được huyền lực Chăm Pa đến nỗi ông lấy bút danh họ Chế ( Tưởng nhớ về  Chế Bồng Nga, hay Che Bonguar, (tên thật là Po Binasor hay Po Bhinethuor) là niên hiệu của vị vua thuộc vương triều thứ 12 của nhà nước Chiêm Thành. Trong thời kỳ ông cầm quyền, nhà nước Chiêm Thành rất hùng mạnh, từng đem quân nhiều lần xâm phạm Đại Việt của nhà Trần. Không rõ ngày tháng năm sinh cũng như ngày tháng mất của ông, chỉ biết rằng ông bị giết năm 1390 khi đang đem quân tấn công Thăng Long lần thứ 4.) và viết những vần thơ ngoại cảm :

Đây, những cảnh ngàn sâu cây lả ngọn,

Muôn Ma Hời sờ soạng dắt nhau đi.

Những rừng thẳm bóng chiều lan hỗn độn,

Lừng hương đưa, rộn rã tiếng từ quy.

Tôi vốn dĩ là người miền trung, sống cạnh những tháp Chàm. Tôi cũng bị ám ảnh rất nhiều từ câu thơ

Muôn ma Hời sờ soạn dắt nhau đi

Vậy ma Hời là ma gì, xin trích tư liệu nghiên cứu của Nguyễn Trọng:

Ma Hời là hồn ma của ai?

Trước khi tìm hiểu về Ma Hời mà rất ít sử liệu đề cập tới, chúng tôi muốn nói về từ ngữ Hời bởi đâu mà ra. Theo ông Nguyễn văn Huy, một nhà nghiên cứu công phu về Chiêm Thành thì từ ngữ Hời xuất phát từ ngôn ngữ Chàm: “Danh xưng Hời rất ít được nhắc đến, người ta chỉ thấy chữ này xuất hiện một vài lần trong tập thơ Điêu Tàn năm 1937, của Chế Lan Viên. Hời là cách đọc trại đi từ chữ Hroi (H’roi hay Ho Roi), tên của một bộ lạc sơn cước sinh sống trên vùng rừng núi phía Tây các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định ( Chế Lan Viên sinh quán tại Bình Định). Người Hời thực ra cũng là người Champa, vì trước kia là thần dân của vương quốc Chiêm Thành di cư đi tận lên Tây Nguyên tránh loạn rồi định cư luôn ở đấy, họ vẫn còn giữ ngôn ngữ và một số phong tục tập quán của người Chàm đồng bằng trong những sinh hoạt thường nhật”.

Trong cuốn “Linh Địa Trà Kiệu”, ông Lê Công Đắc, sinh quán tại đây, đã viết nhiều về Ma Hời và Thành Hời. Ma Hời ở đây, như đã nói ở trên, là Ma Chàm. Còn Thành Hời tức là thành Trà Kiệu, tiếng Chàm là Sinhapura, đế đô của vương quốc Chàm trong nhiều thế kỷ, cho đến giữa thế kỷ VIII thì dời về Ninh Thuận, rồi Quảng Nam, và sau cùng là Trà Bàn Vijaya ở Bình Định. Trà Bàn là nói toàn vùng tỉnh Bình Định ngày nay, còn Đồ Bàn là kinh đô, nói theo tài liệu của một vài nhà khảo cổ ngoại quốc.

Năm 1471, kinh đô Đồ Bàn bị thất bại và tàn phá khi vua Lê Thánh Tôn đem quân chinh phạt Chiêm Thành, theo bài của ông Nguyễn Đức Hiệp ngày 4/12/04 phổ biến trên Internet. Theo ông này thì nhà vua đã dùng chính sách phá huỷ văn hóa để tiêu diệt dân tộc Chiêm Thành và năng lực tinh thần nước Chàm: đền đài, cung điện, tháp, bia ký, tư liệu phản ảnh đặc trưng của văn hoá Chàm đều bị phá huỷ, quân nhân và nghệ nhân bị tàn sát hay bị bắt đi. Có tài liệu khác lại nói rằng vua Lê Thánh Tông đã đem một đoàn thuyền và lục quân hùng mạnh đánh Vijaya. Sau khi chiếm được, nhà vua Lê Thánh Tông ra lệnh phá huỷ thành Đồ Bàn, giết hơn bốn chục ngàn quân Chàm và bắt đưa về Thăng Long hơn ba chục ngàn tù binh, trong đó có nhiều cung nữ biết ca hát và nhảy múa. Thời điểm này chưa phải là ngày vương quốc Chiêm Thành bị tiêu diệt hoàn toàn, biến mất trên lãnh thổ duyên hải miền Trung. Những cuộc nổi dậy và đánh phá lẻ tẻ của vương quốc Chàm bị thu hẹp còn kéo dài cho mãi tới năm 1692 thì Chúa Nguyễn đã đại thắng, đổi tên nước Chiêm Thành là Trấn Thuận Thành, gồm có Phan Rang, Phố Hải và Phan Rí. Trấn ngày xưa rộng như một tỉnh bây giờ.

Người viết sẽ có bài nói về ảnh hưởng nhạc Chiêm Thành đối với các điệu Nam Ai, Nam Bình của xứ Huế. Mảnh đất sông Hương núi Ngự này, đổi bằng giá của mối tình Huyền Trân Công chúa và Trần Khắc Chung, lúc nào cũng u buồn lai láng, như tiếng cầu kinh của nàng công chúa góa chồng, ngày đêm niệm Phật, mong cho chóng đến ngày thoát khỏi cõi đời trần tục tái ngộ cùng người yêu trong mộng…

Còn chuyện Ma Hời và Thành Hời thì sao? Người viết có phỏng vấn một vài đồng bào lớn tuổi gốc Trà Kiệu định cư ở Hoa Kỳ thì họ đều nói rằng chuyện Ma Hời đã được các cụ ngày xưa kể lại nghe như một chuyện cổ tích. Còn chính họ chưa bao giờ gặp Ma Hời hay bị Ma Hời quấy phá hay đe dọa. Nhưng theo tác giả cuốn Linh Địa Trà Kiệu, chuyện về Ma Hời có thật và xem ra ghê gớm, rùng rợn lắm! 

Ma Hời là những hồn người Chiêm Thành hiện về để nhìn lại thành xưa lối cũ, nhìn lại những cung điện và tháp cao do họ và tổ tiên của họ xây cất, để lại muôn đời về sau. Những tháp này được xây bằng đất nung, không phải bằng đá cho nên không kiên cố và tồn tại lâu dài với thời gian và qua bao nhiêu cuộc chiến tương tàn, đẫm máu.

Câu chuyện thứ nhất :

Không hợp tác với mày vì mày là kẻ đào mồ mả người ta.

Xung quang làng tôi sinh sống không những có hệ thống Tháp Chàm mà còn có rất nhiều mộ Chàm. Hình dáng các ngôi mô này là giống như cái mai rù lù lù 1 đống đen sì vì rong rêu qua thời gian. Kích thước khung của mộ bề ngang khoảng 2m, bề dài khoảng 3,5m, bề cao khoảng 0,8m được làm bằng hợp chất Ô dước. Hợp chất này hiện tại dân làng tôi có biết công thức của nó đó là hỗn hợp của Vôi, Mật mía đường và các loại lá cây giã nát pha trộn vào. Trong đó lá cây chành rành là chủ yếu. 

Dù trải qua hàng trăm năm nhưng các mộ này không hề sứt mẻ theo thời gian chỉ có rêu phong làm cho nó đen sì sì thôi và rất cứng, cứng như là đá. Vào khoảng những năm thập kỷ 80 thế kỷ trước lúc mà người dân đói khổ quá chứ trước đó không ai dám rờ vào các mộ này. Vì đói người ta sẵn sàng đục đá phá rừng để kiếm miếng ăn thì kiêng nể chi những cái mộ Chàm vô chủ mà lại nghe lời đồn đãi có vàng. Thế là đám thanh niên chúng tôi tụ tập lại và bàn bạc ra quyết định đào các mộ ấy tìm vàng. Tại sao chỉ có thanh niên, vì chỉ có chúng tôi mới ngông cuồng, phiêu lưu máu nóng và vô đạo đức tức thời chứ người già thì lúc nào cũng nghiêng mình kính cẩn trước Tháp và Mộ Chàm vì những gì họ đã chứng kiến là quá đủ để họ sợ 1 huyền lực từ nền Văn minh biến mất này. Rải rác quanh làng chúng tôi có khoảng vài chục ngôi mộ Chàm. Sau 1 thời gian bàn bạc kín và chuẩn bị sẵn đồ nghề cuốc xẻng búa đục…Và chúng tôi quyết định ra tay. Lịch trình hoạch đình  rõ ràng, chỉ hàng động buổi tối có trăng vì ban ngày sợ các bô lão ra ngăn cản, đào buổi tối và khi kết thúc 1 buổi đào thì lấp trả lại và ngụy trang y như cũ như chưa có gì xảy ra.  


Ngôi mộ thứ nhất: 2 cái chết rụng rời .

Theo lịch trình được phân công thì buổi chiều hôm ấy 3 cậu đươc phân công đi tiền trạm, tập kết dụng cụ đào, điều nghiên hình dáng để đào như thế nào và sẽ ngụy trang như thế nào. Ra tới nơi thì quái lạ, cái mộ ấy chần dần bao lâu nay trẻ chăn bò trèo lên trèo xuống thậm chí chơi cầu tuột mà có thấy gì đâu. Mà bây giờ bỗng nhiên lại thấy 1 cặp rắn đen sì to bằng cổ chân đầu có mồng lòng vòng quanh mộ. Thời ấy không có phong trào bắt rắn nhậu như bây giờ nên trong nhóm có 2 cậu lấy cây quơ quào chọi đất đá hù dọa cho cặp rắn bỏ đi. Cậu còn lại vì dát nên đứng cách xa. Cặp rắn rồi cũng bỏ đi và mọi thứ cũng chuẩn bị xong. Tất cả cùng về nhà cơm nước và chuẩn bị cho 1 buổi tối đào trộm mộ. Nhóm chúng tôi khoảng 10 người, mạnh thằng nào thằng ấy cơm tối xong và tụ họp lại theo 1 địa điểm hẹn trước với lòng háo hức vừa phiêu lieu vừa cảm giác mạnh của kẻ trộm, cảm giác sợ sệt về những huyền bí mộ Chàm…Nhưng chờ mãi chẳng thấy 2 thằng lúc chiều đi tiền trạm ra điểm hẹn. Quá lâu, quá trễ chúng tôi cho người về nhà hắn tìm. Vô tới sân nhà nhà thì vẫn thấy nhà bình thường mọi người đang tụ tập giữa sân nhà dưới ánh trăng sau bữa cơm tối cười đùa vui vẻ sau 1 ngày làm đồng cực nhọc. 

Dạ, Bác ơi cho con tìm thằng A ạ, nó có nhà không Bác

Ờ nó nằm trong nhà nè con

Nó ngủ hả Bác, sao mà ngủ sớm thế

Ừ, hông biết nó làm sao, chiều về lúc dọn cơm ra thì nó kêu mệt không muốn ăn và đi nằm trước. Chắc nó mệt muốn ngủ đó con, vào mà kêu nó dậy

Ở quê, người ta không có tài sản gì quí giá nên người trong làng có thể ra vổ nhà bất kỳ ai đó 1 cách thoải mài mà không sợ mất mát hay gán ghép tội trộm cắp gì. 

Thế là cái chết của 2 cậu đuổi rắn giống như nhau, cùng 1 thời điểm. Và bí mật chỉ có nhóm thanh niên chúng tôi biết…

Rụng rời tất cả. Và kế hoạch đào mộ được hoãn vô thời hạn cho đến 1 ngày….

Khám phá thung lũng huyền thoại

Núi Chúa, ngọn núi được xem là kỳ bí nhất Quảng Nam, đang lưu giữ những câu chuyện hoang đường trong tâm trí người dân vùng tây Quế Sơn và thượng nguồn sông Thu Bồn. Những dấu tích văn hóa độc đáo khu vực này đã từng manh nha trong một tour leo núi mạo hiểm của những du khách quốc tế… 

Có thể xem núi Chúa là một ngọn núi kỳ bí nhất của vùng đất Quảng Nam. Theo tín ngưỡng của người Chăm xưa, núi Chúa hay còn gọi Hòn Đền (Kasula) là đỉnh núi thiêng tượng trưng cho đấng tối cao Shiva- vị thần sáng tạo và hủy diệt. Sông Thu Bồn là sông Mẹ Ganga tượng trưng cho sông thiêng gắn liền với tín ngưỡng của những nền văn minh lúa nước.

Âm dương giao hòa, cảnh sắc gợi mở cho những liên tưởng độc đáo chung quanh đời sống của con người ở xứ sở này. Những ngày nắng đẹp, từ dưới thung lũng Mỹ Sơn, nơi có khu đền tháp lộng lẫy được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới nhìn lên dỉnh trông như một chiếc mỏ của chim đại bàng khắc họa khắc họa vào trời xanh uy nghi hoành tráng. Nhưng lạ lùng thay, từ thung lũng Tây Viên bên kia núi Chúa thuộc vùng  Trung Lộc của huyện Quế Sơn nhìn lên, đỉnh núi Chúa tròn đều đặn như một bầu sữa mẹ. Một ngọn núi, đứng ở những góc nhìn khác nhau sẽ có những dáng vẻ khác nhau như các góc cạnh phức tạp trong tính cách và đời sống tâm hồn của con người đất này.

Thuở thiếu thời chăn trâu cắt cỏ ban đêm trong thung lũng sau ngọn  Hòn Đền, thỉnh thoảng chàng mục đồng bắt gặp những ánh sao băng không phải màu xanh ánh chớp mà là màu máu xẹt từ đỉnh núi này đến đỉnh núi Cà Tang. Người lớn trong làng thường cấm trẻ con “quở” đến ánh lửa này. Trong tâm tưởng của họ, đó là lúc ông Ông đi thăm bà. Núi Ông chính là núi Chúa, núi Bà là núi Cà Tang nằm cách nhau chừng 10 cây số theo đường chim bay ở hai hướng Đông- Tây nối nhau tạo thành thung lũng Trung Lộc.

Một vùng đất nhỏ nhưng có số phận kỳ lạ nhất trong lịch sử xứ Quảng Nam đã từng được khâm sứ Jean Baille nhắc đến trong cuốn sách Souvenir d’ Annam từ cuối thế kỷ XIX gắn liền với những người anh hùng thảo dã đứng lên chống Pháp trong phong trào Nghĩa Hội. Trí tưởng tượng của con người sống trong thung lũng huyền bí này quả là phong phú khi dựng lên câu chuyện tình yêu thiêng liêng giữa hai …ngọn núi trong những đêm trời quang mây tạnh, hay xuân thu nhị kỳ có nắng đẹp mây lành tình tứ.

Người làng Tây Viên bên kia núi Chúa còn gọi tên ngọn núi này là núi Aán. Đây không phải là một câu chuyện huyền thoại hay hoang đường  bởi yếu tố thật, đáng tin cậy mà các nhà nghiến cứu hoặc điền dã hay thám hiểm (rất ít ở Việt Nam) phải lưu tâm. Những người thợ rừng lâu năm cả quyết rằng đã tận mắt nhìn thấy trên một vách đá dựng đứng, cao 30 mét ở gần đỉnh núi Chúa có một dấu ấn son đỏ chót hình tròn ở giữa là hình vuông tồn tại từ bao đời nay trước nắng dội mưa dầm. Không biết bằng cách nào, người xưa, ai đó đã khắc biểu tượng Âm- Dương, linga-yoni được cách điệu vào vách đá dựng ngược đến mức con người không thể dùng phương tiện nào trèo lên được. Một vòng tròn bên ngoài bao bọc một hình vuông cũng chính là biểu tượng của tổ chức UNESCO hiện nay!


Logo của Unesco


Dưới chân núi Chúa, cuối làng Tây Viên có hai vũng nước nóng quanh năm sôi sùng sục, tương truyền gọi là vũng Ông và vũng Bà. Vũng Ông nhỏ nhưng sôi nhiều hơn vũng Bà rộng và nhiệt độ thấp hơn chút ít. Tây Viên nay thuộc xã Quế Lộc huyện Quế Sơn là đại bản doanh của căn cứ Tân Tỉnh của Nguyễn Duy Hiệu lập nên thời chống Pháp với ý chí “thay trời hành đạo” nhưng mưu sự bất thành. Đó cũng chính là quê hương của  cụ Nguyễn Đình Hiến trong “tam hùng” của xứ Quảng. Nằm sau lưng Khu di tích Chăm Mỹ Sơn, thung lũng huyền thoại này có thể là hậu cứ của vương quốc Chămpa trước kia với nhiều dấu tích còn lại như những ngôi mộ cổ bằng đá bên triền núi Cà Tang cùng một vài ngôi tháp nhỏ đã đổ nát và hoang phế. Những năm 40 của thế kỷ trước, trung niên thi sĩ Bùi Giáng trốn đời lên ngụ ở đất này để làm chàng Tô Vũ chăn dê.

Nếu các bạn muốn một lần thử làm Tô Vũ ở nơi “ đồi tăm tắp chạy về ôm chân núi” thơ mộng và huyền hoặc này thì có thể vượt con đường độc đạo qua đèo Le hoặc xuống thuyền từ phố cổ Hội An để lên mạn ngược Thu Bồn. Tuy nhiên, leo núi Hòn Đền đầy mạo hiểm và hấp dẫn để đến đấy thật thú vị hơn! Khách du lịch Việt Nam chưa ai hề có ý tưởng đấy trong khi nhóm đua thuyền buồm quốc tế đến Việt Nam đã từng có ý định thực hiện hồi tháng 7-2005 vừa qua. Tuy nhiên, giờ cuối, có sự trục trặc gì đó về thời gian nên tour vượt Hòn Đền phải hoãn lại.

Sau khi cái chết của 2 người bạn đã làm cho nhóm chúng tôi mặc cảm tội lỗi không thể tưởng tượng nỗi. Và cái sợ bị trừng phạt tiếp theo làm cho nhóm chúng tôi mất ăn mất ngủ, ám ảnh dằn vặt, nhất là cậu thứ 3 cùng đi tiền tạm hôm đó. Cậu ấy nghĩ rằng sớm muộn gì cũng đến lượt cậu. Chúng tôi sợ đến mức có đi đâu ra ngoài đồng ruộng cũng né tránh không dám đi gần các Tháp Chàm và các mộ Chàm. Nhưng tuyệt nhiên không dám hé lộ điều gì cho người lớn trong làng biết

Thế rồi thời gian trôi qua cũng được gần 2 năm sau khi 2 người bạn chúng tôi mất. Nỗi sợ hãi cũng vơi dần. Nhóm chúng tôi cũng tản mác, bỏ quê đi xa xứ làm ăn cũng gần phân nửa, trong đó có những người vì không chịu nổi nỗi sợ mà bỏ quê ra đi.

Bỗng một hôm cả làng chúng tôi xôn xao về 1 đoàn người lạ, lạ từ cách ăn mặc, tiếng nói, cử chỉ…vào làng chúng tôi dò hỏi ( sau này tôi mới biết đó là người Chăm)  các khu mộ ấy. Lập tức nhóm chúng tôi xung phong dẫn đường và không quên theo dõi sát sao mọi cử chỉ hành động của họ. Vừa đi tìm các ngôi mộ, họ vừa trải tấm bản đồ vẽ trên vải cũ mèm nhàu nát theo năm tháng và trao đổi với nhau bằng Tiếng Chăm nên chúng tôi không biết gì cả. Nhưng nhìn trên bản đồ, các ký hiệu chúng tôi cũng không hiểu gì, ngoại trừ các chỉ điểm về các mộ là chúng tôi hiểu vì địa hình chúng tôi nắm rõ trong lòng bàn tay

Cơn khát vàng của chúng tôi lần nữa lại ập đến, cứ y như là tài sản khổng lồ của mình đang sắp mất vào tay nhóm người Chăm này. Chúng tôi lo lắng thật sự, lo lắng như người sắp mất của và cảm giác rằng nhóm người Chăm đang đến để ăn cắp. Nhưng lạ thay, sau khi chỉ chọ hết tất cả các mộ, họ vẫn không làm gì cả đến các mộ ấy thậm chí cũng không thèm bước lại gần mộ đến tầm 1m, mà họ chỉ quan tâm vào cái bản đồ, tụm năm tụm ba họ bàn tán suy tư thậm chí là cãi lộn với nhau. Họ dò xét được 2 ngày, lục lạo từ lùm tre bụi rậm mà kg hề đào bới 1 cái gì, cuối cùng rồi họ cũng ra đi mà không lấy được thứ gì. Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm vì dù sao họ cũng không có lấy cái gì cả. Sau khi họ đi, cả làng tôi không ngớt bàn tán xôn xao về vụ này, Vàng, Vàng và Vàng từ ông đang cày ruộng cho đến bà bán rau ngoài chợ tất cả cùng 1 chủ đề. Khoảng 10 ngày sau, ở làng kế bên chúng tôi có 1 ông thầy Pháp (chuyên chữa trị tà ma cho dân xung quanh để kiếm cơm thôi chứ cũng chẳng giàu có gì vì vào thời buổi ấy tất cả cùng nghèo cùng ăn cơm độn với lá khoai ngòai vườn luộc chấm muối ) qua làng chúng tôi rủ rê mọi người: 

Đào Vàng

Đào tất cả các cái mộ ấy đề lấy vàng. Vàng tấn ở dưới đó đó…

Đào vàng, đào vàng. Điệp khúc ấy được nhắc đi nhắc lại trên miệng mỗi người và cả dân làng tôi từ ban đầu sợ sệt, tò mò sau đó sôi nổi lên vì thầy Phát tuyên bố:

Ăn thua gì mấy con ma hời này, tui búng ngón tay nó chạy hết ráo. An tâm đi mấy người bỏ sức ra đào để tui lo vụ kia cho. Nếu chết thì tui chết trước chớ, có gì đâu mà lo…

Và thật tình là dân quê có khác, họ thật thà nông cạn cộng với cái đói khổ làm họ mờ cả mắt mà tin lời thầy Pháp. Suy nghĩ của họ không vượt được cái đọt chuối sau vườn. Họ không hề đặt dấu hỏi là Thầy Pháp chết trước rồi họ chết sau hay thầy Pháp chỉ chết có 1 mình còn họ không sao khi quyết định đào mộ Chăm

Bàn tán khoảng 1 tuần thì trong làng tôi chia làm 2 phe: Một bên quyết định đào, một bên ra sức ngằn cản. Mà nhóm chúng tôi lại đứng về phe thứ 2, và dù rất muốn đưa ra bằng chứng để ngăn cản nhưng chúng tôi không đủ can đảm để nói

( Tại sao dân tình ở tôi lại ám ảnh về Vàng của người Chăm đến thế, vì đã có rất nhièu người vô tình nhặt được vàng và có nhiều huyền thoại về vàng chăm tôi sẽ kể ở các bài sau)

Thế rồi việc gì đến phải đến. Dẫn đầu là thầy Pháp, theo sau khoảng 15 người lực lưỡng với mâm lễ và dụng cụ đào tiến ra mộ Chăm

Sau 1 hồi khua nhang lẩm bẩm đủ thứ, mọi người bắt đầu đào. Mọi việc diễn ra rất suông sẻ, nhưng vì mộ cứng quá họ đục đẽo đâu mất 3 ngày 3 đêm mới phá được. Khi đào xuống dưới thì chẳng có gì ngoài những lớp vôi và than hoạt tính, đào hết lớp vôi và than thì gặp đất nguyên thổ và vẫn không cò gì. Cái cảm giác hồ hởi ban đầu mất dần và thay vào đó là hụt hẫng và mệt mỏi, họ phải chia ca đào cả đêm vì sợ nghỉ đêm nhỡ có nhóm nào tới đào lượm mất thành quả của họ.Sau khi kết thúc 1 ngôi mộ không có gì, cũng giống như dò vé số khi trật cái giải 7 giải sáu, năm …lần lượt thì người dò lại càng hy vọng mình sẽ vào giải đặc biệt. Họ bàn luận tiếp tục đào cái thứ 2 sau khi nghỉ ngơi vài ngày và họ ra về.

Nhóm chúng tôi cũng lien tục tụ tập bàn tán và theo dõi sát sao tiến trình đào mộ. Chúng tôi thầm khen cha thầy Pháp này cao tay thật. Nhưng ngờ đâu trong vòng 2 ngày nghỉ thì được tin Thầy Pháp đã ra đi bán muối sau 1 bữa cơm chiều bỏ ăn. Cả dân làng tôi hoảng loạn, nhất là những người tham gia đào mộ, vơ con khóc như ri cứ như chuẩn bị tiễn biệt chồng con của họ ra đi tiếp theo. Lúc đó nhóm phản đối được mặt dạy đời:

Thấy chưa, đồ tham lam

Thằng thầy Pháp nó nói nó chết trước chứ có nói tụi bay không chết đâu…

Các bô lão thì :

Thất đức thất đức. Động trời động trời. Cả cái làng này xưa giờ ăn ở hiền lành sao mà sinh ra cái đám đi phá mồ phá mả người ta như thế này không biết. Chết toi cả cái làng này rồi

Và bắt đầu một cuộc chạy đua ra mộ chăm mà cúng, thơi thì họ vái lạy đủ tứ phương, rầm rập suốt ngày. Có bà vợ còn mua thức ăn ngon về cho chồng ăn vì ảnh không còn biết sống đến ngày nào…

Nhưng cuối cùng thì tất cả đều sống khỏe, bây giờ gặp lại nhắc những chuyện cũ thì vừa sợ vừa bắt cười. Những người trải qua cảm giác sắp chết trở về thì sống hiền lành hẳn ra và các bà vợ thì bẽn lẽn khi hỏi vào lúc đó mua đồ ăn ngon về cho ảnh ăn vậy tối có tranh thủ không…Và nhóm chúng tôi đến lúc đó mới dám công bố ra sự thật về cái chết của 2 cậu bạn. Cả làng lại được 1 phen chưởi bới cho bõ tức vì chúng nó biết mà nó không nói

Còn về các ngôi mô chăm vẫn còn và lâu lâu lại có nhóm người Chăm đến tìm, trải tấm bản đồ ra chỉ chỉ chỏ  chỏ rồi về. Tuyệt nhiên dân làng tôi không thèm quan tâm đến họ nữa…

Và tại sao tôi mở đầu câu chuyện này bằng cái câu : Tao không hợp tác với mày vì mày là kẻ đào mồ phá mả người ta

Vào năm 2001 tôi và người bạn thân người Hoa dự định mở công ty chung để làm ăn. Mọi việc bàn tính đến nơi đến chốn và sắp chuẩn bị tiến hành thì nhân trong lúc trà dư tửu hậu với nó, tôi cũng kể cho nó nghe về chuyện này. Thế là, 1 cách nghiêm túc nó từ chối hẳn với 1 câu phán xanh dờn như vậy.


HUYỀN THOẠI VỀ KHO BÁU CHĂM Ở THÁP CỔ BÌNH ĐỊNH .



Vương quốc Chămpa (192-1822) đã sáng tạo ra một nền văn hóa độc đáo, mang đậm sắc thái riêng biệt. Đến nay, tỉnh Bình Định đã phát hiện khoảng 117 cổ vật thời Chămpa và 414 sản phẩm làm bằng gốm cổ thuộc nhiều giai đoạn khác nhau. Đáng chú ý là kỹ thuật xây dựng tháp Chàm – một trong những đề tài được đưa ra khảo luận khoa học… 


Bí ẩn của tháp Chàm .

Theo Viện Khảo cổ học Việt Nam, di tích văn hóa Chăm được phân bổ đều khắp trên dải đất các tỉnh duyên hải miền Trung, từ vĩ tuyến 11 đến 18, từ Quảng Bình vào đến Bình Thuận. ở Tây nguyên, các di tích Chăm cũng xuất hiện rải rác ở các địa phương như: Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk, Lâm Đồng. Bình Định xưa kia từng là kinh đô của Vương quốc Chăm, hiện ở đây vẫn còn lưu lại 14 ngôi tháp cổ. Những cuộc khai quật tự phát của cư dân đã tìm thấy nhiều di vật cổ có giá trị như buồng cau, lá trầu, những vật thờ cúng bằng vàng… nằm sâu dưới lòng đất từ cả ngàn năm nay. Bình Định thuộc vùng Vijava từ thế kỷ X đến XV, từng là kinh đô của Chămpa (1000-1471). Cùng với thành Chà Bàn, hàng loạt công trình tôn giáo cũng đã được xây dựng ở đây. Khác với di tích Chăm ở Quảng Nam rất tập trung, các di tích ở Bình Định lại được xây dựng rải rác khắp nơi. Hiện có 14 công trình kiến trúc tập trung tại 8 địa danh: Bánh ít, Dương Long, Hưng Thạnh, Cánh Tiên, Phú Lốc, Phú Thiện, Bình Lâm và Hòn Chuông. Ngoài ra, còn có 4 tòa thành cổ gồm Thị Nại, Đồ Bàn, An Thành, Uất Trì và hàng loạt tác phẩm điêu khắc – những phế tích của tháp Chàm như giếng cổ hình vuông, rắn Naga, trụ văn bia, tượng thần điểu Garuđa, phù điêu Lăng Ông, tượng tu sĩ, khu mộ cổ… đều được phát hiện tại Bình Định. Trong tất cả các cổ vật phát hiện được, đáng chú ý là di vật tượng tu sĩ ở chùa Linh Sơn thuộc thôn Hải Giang, xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn. Những cư dân ở đây trong khi canh tác đã phát hiện bức tượng chôn sâu dưới lòng đất và đã đào lên đem hiến cho chùa. Dân địa phương gọi là chùa Phật Lồi. ở Quy Nhơn, hiện vẫn còn dấu vết các lăng mộ cổ của người Chăm tại xã đảo Nhơn Châu. Lịch sử Vương quốc Chămpa từ thời hoàng kim đến lúc suy vong đã lưu lại cho hậu thế hàng chục ngôi tháp cổ với những kiểu kiến trúc, chạm trổ độc đáo, bí hiểm. Ở khu vực duyên hải miền Trung hiện có trên 19 khu tháp với hơn 40 ngôi tháp cổ lớn nhỏ. 



Và con tàu gặp nạn… 

Ch. Lemire đã mô tả các tháp cổ Chămpa phân bố ở tỉnh Bình Định trong tác phẩm Les Tours kiames de la Province de Binh Dinh như sau: “Trong các tháp có các tượng, rất có thể chúng bằng vàng hoặc bằng bạc, có mắt bằng ngọc và răng bằng kim cương. Chúng đã bị lấy mất ngay từ đầu. Những tượng bằng đá có thể bị lấy đi ngay sau đó. Người ta đã đào các bức tượng để bóc gỡ các tranh thánh đã được gắn vào đó. Các tháp Bạc (người Việt Nam quen gọi là tháp Bánh ít) phô bày hàng loạt công trình đáng lưu ý, phần lớn các tượng đều bằng vàng hoặc bằng đá thếp vàng. Tượng cuối cùng che vòm đã được mang sang Pháp năm 1886. Gần 80 tấn đá chạm được dành cho Bảo tàng Lyon đã được tàu Mêkông chuyển về Pháp dưới sự coi sóc của Tiến sĩ Maurice. Tàu Mêkông bị đắm ở Hồng Hải và những người Somalis tưởng rằng đã tìm thấy kho báu nên đã đem vào bờ một số lớn những hòm nặng này, nhưng họ chỉ tìm thấy đá và đá…”. 

Bức màn bí mật bao quanh số phận của con tàu Mêkông đã thách đố các nhà khoa học, giới săn lùng cổ vật và cả những kẻ hiếu kỳ hơn 100 năm. Trong số những người tìm cách sở hữu kho báu trên tàu Mêkông có giáo sư Robert Stenout (Pháp). Đến tháng 10.1995, sau hơn 30 năm mày mò nghiên cứu ở hàng trăm thư viện, sở lưu trữ văn khố, các hải cảng, nhiều hãng tàu biển…, R. Stenout đã khoanh vùng một cách chính xác vị trí mà tàu Mêkông bị đắm tại mũi Guadaqui ở biển Hồng Hải. Theo R. Stenout, Mêkông là một con tàu lớn được thiết kế với hai chức năng chở khách và chở hàng nhưng điều này không làm ảnh hưởng đến sự thanh nhã của nó. Những năm đầu thế kỷ XX, do còn hạn chế về kỹ thuật, hành trình Đông Dương – Pháp là một hành trình dài, mất nhiều ngày, nên Mêkông được xây dựng, bài trí hoàn hảo, sang trọng và nguy nga như một cung điện di động trên mặt biển. Chuyến đi định mệnh của tàu Mêkông vào năm 1906 chở theo 180 sĩ quan, thủy thủ, 66 hành khách cùng hàng tấn cổ vật bằng vàng và một khoang bí mật chứa đầy hàng mà theo khảo sát ban đầu của đội thợ lặn thuộc tàu Scorbio do thuyền trưởng Campell chỉ huy (tàu Scorbio là con tàu mà Stenout sử dụng trong cuộc khai quật của mình) thì hàng trăm nghìn thỏi vàng có trong khoang hàng bí mật này như huyền thoại về Mêkông đã lan truyền là có thật. 

Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau khi định vị được tàu Mêkông và kho báu bí mật thì nước có chủ quyền trên vùng lãnh hải mà tàu Mêkông bị đắm đã nổ ra một cuộc nội chiến khốc liệt, việc thu hồi kho báu trên tàu Mêkông đành dừng lại… kho báu mà tàu Mêkông có nhiệm vụ đưa về Pháp chủ yếu được thu gom trên khu vực Vijava từ Quảng Nam đến Bình Thuận và chắc chắn đây chưa phải là kho báu duy nhất của Vương quốc Chămpa. 


Những thỏi vàng ròng biến mất .

Theo một truyền thuyết thì trên chóp đỉnh của Tháp Đôi, cụm tháp gồm hai chiếc nằm ở thành phố Quy Nhơn, có 2 quả cầu lớn làm bằng vàng ròng. Cả hai khối vàng này đã bị các thủy thủ người da trắng của một chiếc tàu châu Âu đến cướp đoạt và mang xuống tàu sau một cuộc tấn công chớp nhoáng. Người Chăm cổ không quá đề cao giá trị của vàng và sử dụng chúng với khối lượng lớn một cách khá phổ biến trong các công trình kiến trúc đền tháp của mình. Có thể lý giải rằng, đó là do dân tộc này được tạo hóa ưu đãi quyền sở hữu nhiều mỏ vàng có trữ lượng phong phú. Vàng được đem đi đúc tượng thần để thờ, đúc phù điêu và dát lên các tượng thờ để trang trí… Truyền thuyết cũng cho biết rằng, người Chăm sau khi dựng tượng vàng ở các đền tháp thường quét lên thân tượng một lớp sơn đặc chế. Kho báu Chămpa được các nhà khoa học Pháp nhắc đến từ khá lâu. Kho báu cuối cùng – nơi lưu giữ những gì còn lại của vương triều Chămpa đã được đề cập trong tác phẩm Un royaume disparu – Les Chams et leur art – 1923 (Pháp). Sự giàu có đầy bí ẩn của Vương quốc Chămpa có thể đúng như các công trình nghiên cứu khoa học đã công bố. Nhưng ngay cả khi sự thật không phải là như thế thì với việc thừa hưởng 14 quần thể tháp Chàm cổ còn lại đến nay, có thể khẳng định rằng: Bình Định đang sở hữu một phần kho báu của nhân loại. 


Ngàn năm còn một chút này… 

Tháp Đôi được xây dựng vào cuối thế kỷ XII còn được gọi là tháp Hưng Thạnh. Vào ngày 10.7.1980, Tháp Đôi được Nhà nước xếp vào danh mục những di tích lịch sử – văn hóa quốc gia. Tháp Đôi được các nhà nghiên cứu xếp vào loại di sản độc đáo của nghệ thuật kiến trúc Chămpa. So với các ngọn tháp khác trong vùng, Tháp Đôi không hề giống bất kỳ một ngôi tháp cổ nào hiện có. Thế nhưng, đến nay các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra lý do của sự khác thường này. 

Cùng với di tích Tháp Đôi, chúng ta ngược lên vùng “Tây Sơn hạ đạo” để chiêm ngưỡng cụm tháp Dương Long. Ngày xưa người Pháp gọi đây là Tháp Ngà, dân địa phương thì gọi là tháp An Chánh. Tháp Dương Long có 3 tòa tháp cổ với chiều cao từ 29 đến 36 m. Các hệ thống cửa phần lớn đã bị sụp đổ, hư hỏng. Tuy vậy, nhìn vào các tác phẩm điêu khắc còn sót lại, chúng ta liên tưởng đến những nghệ nhân Chăm đã từng dày công sáng tạo một nền văn hóa độc đáo. Nhiều nhà nghiên cứu hiện nay đã xác định niên đại của tháp vào khoảng nửa sau thế kỷ XII. Đây là cụm di tích thứ 2 được Bộ Văn hóa xếp hạng cùng lúc với Tháp Đôi Quy Nhơn. Sau hai cụm Tháp Đôi, tháp Dương Long là tháp Cánh Tiên và tháp Bánh ít. Tháp Cánh Tiên được người Chăm xây dựng ngay ở trung tâm thành Đồ Bàn, nay thuộc địa phận xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Theo tài liệu của người Pháp, tháp Cánh Tiên còn được gọi là Tháp Đồng, nhưng vì sao có tên gọi này thì vẫn chưa xác định được. Tháp cao khoảng 20 m, trông xa giống như đôi cánh của nàng tiên trong chuyện cổ tích đang bay lên trời xanh. Tháp Cánh Tiên được xây dựng một phần bằng chất liệu đá sa thạch, xung quanh có nhiều phù điêu chạm khắc tạo cho ngôi tháp cổ một dáng vẻ độc đáo. Khác với tháp Cánh Tiên, cụm tháp Bánh ít có đến 4 tòa tháp lớn nhỏ khác nhau. Gọi là tháp Bánh ít bởi vì khi đứng từ xa nhìn lại, cụm tháp giống như những chiếc bánh ít lá gai – một sản vật thường thấy trong các dịp cúng lễ, giỗ chạp ở miền Trung. Người Pháp gọi đây là Tháp Bạc. Tất cả đều nằm trên một đỉnh đồi thuộc địa phận xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 20 km. 4 ngôi tháp cổ này đều có các tượng thờ, hình vũ nữ đang múa, hình voi, hình các vị thần linh. Kiểu trang trí làm cho ta có cảm giác như đang lạc vào thế giới thần bí của người Chăm cổ xưa. Cũng tại Bình Định còn có tháp Bình Lâm nằm ở xã Phước Hòa (Tuy Phước). Người dân ở đây kể lại rằng, thôn Bình Lâm là nơi có những cư dân người Việt lần đầu tiên đến đây khai phá mở mang vùng đất phì nhiêu này. Trong hệ thống tháp Chàm Bình Định, thì tháp Bình Lâm là nhóm tháp cổ có niên đại sớm nhất. Một cụm di tích khác có tên là tháp Thủ Thiện ở xã Bình Nghi (Tây Sơn) nằm bên Quốc lộ 19. Năm 1995, ngọn tháp này đã được Nhà nước xếp hạng di tích. Tuy vậy, cũng giống như các cụm di tích tháp Chàm khác ở Bình Định, ngọn tháp Thủ Thiện hiện đang bị đổ nát nghiêm trọng. Nhiều di tích, cấu trúc của ngọn tháp đã bị thời gian và con người phá hủy. Di tích cuối cùng được xếp hạng cùng lúc với tháp Thủ Thiện là tháp Phú Lốc. Người Pháp đặt tên là Tháp Vàng. Phú Lốc nằm giáp ranh giữa 2 huyện An Nhơn và Tuy Phước. Tháp nằm trên đỉnh một quả đồi cao 76 m so với mực nước biển. Ngọn tháp đã bị đổ nát khá nhiều, tuy nhiên, nhìn một cách tổng quát vẫn thấy được dáng vẻ bề thế, uy nghi của một công trình kiến trúc cổ. Ngoài 7 cụm tháp ở Bình Định đã được Nhà nước xếp hạng, hiện nay vẫn còn một số di tích tháp cổ khác chỉ còn chân đế, hoặc đã bị sụp đổ do người dân đào bới tìm vàng, trong đó có tháp Hòn Chuông ở huyện Phù Cát. Ngôi tháp cổ này cùng nhiều tháp Chàm khác đang đòi hỏi có sự trùng tu. 

Có thể nói rằng, 8 cụm tháp với tổng số 14 tòa tháp cổ còn lại trên đất Bình Định được xem như một loại tài sản vô giá mà lịch sử đã ban tặng cho miền Trung nước ta. Những bí ẩn về tháp Chàm mặc dù đã được tìm hiểu nghiên cứu từ cả chục năm nay, tuy vậy cũng chỉ là những nghiên cứu bên ngoài. Chúng ta tin rằng ở đó còn khá nhiều điều kỳ lạ, nhiều huyền thoại lý thú cần được làm sáng tỏ. 

Nguồn:Tạp chí hoạt động khoa học

Như bài trên tôi đã nói Vàng người Chăm lúc hiện lúc ẩn. Như thế vẫn chưa là gì so với những chuyện tôi kể ra đây

Vàng của người Chăm có nhiều hình dạng. Nhưng loại vàng mà người ta gặp được khi đào đất thì chỉ là Vàng hình dáng các loại đồ vật, trái cây, vàng lá chứ tuyệt nhiên không bao giờ gặp được loại Vàng có hình dáng thú. Vàng hình dáng thú bao gồm : bầy Trâu, bầy Ngựa, Bầy gà ( mẹ và con). Không có hình của Bò và Lợn.

Điều đặc biệt là Vàng loại này ban đêm tối trăng thường hay xuất hiện dưới dạng vật thể sống. Ví dụ người ta thấy được bầy ngựa Vàng vừa đi vừa hú hí, tiếng vó ngựa len keng, Gà mẹ dắt đàn con đi với đầy đủ âm thanh chim chíp như 1 bầy gà sống thật sự. Các đốm vàng chớp sáng và di chuyển trong đêm. Theo truyền thuyết kể rằng khi chôn vàng Người Chăm đã chôn luôn người sống đồng trinh theo để canh giữ, chăn giắt. 

Hiện tượng này dân làng tôi quá rành, rất thường hay gặp và điều đó trở nên hết sức bình thường. Ngay nhà tôi cũng có 1 bầy gà vàng ban đêm hay xuất hiện khu vực gần giếng nước, trong dòng tộc tôi cũng có 2 người được gà Vàng. Gà mẹ to tầm ngón chân cái, 1 bầy trên 10 con gà con to tầm ngón tay cái ( số lượng kg đều nhau).Có lẽ từ lâu đời dân làng tôi đã biết cách săn bắt loại Vàng này. Bạn không chạy theo rượt bắt nó được dù là có đông người. Kinh nghiệm là nếu thấy nó vào khu vực vườn nhà mình thì mình cứ bình tĩnh vào lấy nhang đốt khấn cầu xin . Nếu như số mình được thì tự ắt nó chạy lại trước mặt mình và hiện nguyên hình, mình cứ việc lượm mà thôi. Cũng có vài người được nhưng không biết giữ, ôm bầy gà cất vào tủ sáng dậy nó chạy mất tiêu. Ấy là sau khi được, phải lập tức bắt bếp lửa lên cho nó vào mà rang lên cho thật nóng sau đó đem ra đập dập cho mất hình dạng thì mới giữ lại được.

Theo kinh nghiệm dân làng tôi thì mức độ độc tính của Vàng ngựa là cao nhất sau đó đến Trâu và cuối là Gà. Được Vàng bầy ngựa mà không biết cách cúng kiếng làm từ thiện thì ra đi vài ba mạng người trong gia đình như chơi. Làng tôi cũng có 1 người được 1 bầy Ngựa nhưng vì sợ dân làng bà con biết xin tiền nên ém nhẹm. Không cúng kiếng, từ thiện gì cả, thế là bà Vợ ra đi tích tắc, các đứa con sau khi lập gia đình thì tàn tạ, điên khùng và chết rất thảm. Nói chung khi được Vàng Chăm thì phải từ thiện khoảng 1 nữa số Vàng thì mới mong được an toàn

Hiện tại Làng tôi vẫn còn 4 bầy gà xuất hiện, 1 con ngựa độc đi lang thang, 1 cặp Trâu nhưng cặp Trâu này luôn có người theo chăn dắt vì còn nghe được người chăn hát đồng dao như sau:

Mong cho hết tháng hết ngày

Trâu này dắt lại trao tay họ Đoàn.

Cặp Trâu này chỉ xuất hiện vào những đêm tối trời mưa nhiều.

Nhà Ngoại tôi là họ Đoàn, nhưng thấy Vàng Trâu và Ngựa thì thật chẳng ai tham.

Tôi vốn là người mê cây Mai Vàng từ hối còn bé. Tôi đi lang thang khắp nơi để mua mai về trồng. Tình cờ cũng gặp được 1 anh Bạn cùng sở thích cách nhà tôi khoảng 7km. Cả 2 đi lang thang tìm mua mai và cũng lắm câu chuyện bà tám với nhau trong đó cũng có đề tài Vàng Chăm. Quả thật những chuyện tôi kể trên đây không ăn thua gì với anh ta vì làng anh ta nằm ngay trên khu “Đô Thị” Chăm ngày xưa thì phải, bây giờ dân làng xây nhà, đào giếng gặp phải rất nhiều vết tích xây dựng cũ của Chàm. Gà Vàng Trâu Vàng Ngựa Vàng biết đi ban đêm là điều bình thường, anh ta còn bảo trong vườn nhà anh ta còn có 1 tấm phản ngựa bằng Vàng biết bay vào ban đêm nhưng không tài nào săn nó được…


LỜI NGUYỀN TRÊN CÁC KHO BÁU CHĂM (1) 



Tượng sư tử hiện đang trưng bày trước cổng Bảo tàng tổng hợp Bình Định. Đẹp thế này mà bảo vệ rất lỏng lẻo, mỗi khi đi ngang qua đây ta lại thót ruột nhè nhẹ vì sợ nó bị kẻ trộm rinh mất.

Những tượng cổ, kho vàng, báu vật của dân tộc Chăm luôn luôn là mơ ước của những người săn lùng cổ vật. Cơn sốt săn tìm báu vật, vàng Chăm đã bắt đầu từ mấy thế kỷ trước, đặc biệt là trên vùng kinh đô Vijaya (tức Bình Định ngày nay) và hạ nhiệt từ rất lâu, nhưng dứt hẳn thì chưa bao giờ. Chúng âm ỉ mãi cho đến nay với những huyền thoại hư ảo nhưng hấp dẫn.

Theo nhiều tư liệu khoa học, lịch sử thì người Pháp chính là những người đầu tiên phát hiện và đánh giá tầm vóc của văn hóa Chăm. Cũng chính họ là những người đầu tiên săn tìm, khai quật, vét cạn những cổ vật Chăm quý giá.

Năm 1886 gần 80 tấn đá chạm, phù điêu, tượng cổ các loại… đã được các chuyên gia Pháp gom lại từ Tháp Bánh Ít (tức Tháp Bạc theo cách gọi của người Pháp) để chuyển về Bảo tàng Lyon bằng tàu Mekong dưới sự giám sát của Tiến sĩ Maurice.

Trên đường vận chuyển, đến Hồng Hải, không rõ vì lý do gì con tàu này bị đắm. Những thổ dân Somalia nghĩ rằng đây là con tàu chở vàng bạc châu báu nhưng họ đã thất vọng khi những chiếc hòm vớt được chỉ có đá và đá… Sau này người ta không sao tìm lại được những thùng cổ vậy ấy và một bí mật bao trùm lên con tàu Mekong bởi hồ sơ con tàu, danh sách hàng hóa cũng bị thất lạc. [ít lâu sau khi phóng sự này đăng trên Thế giới Mới, có người cung cấp cho mình thông tin về con tàu này, đổi lại là mình copy dù người ta hai cuốn sách ở Thư viện Bình Định. Sở dĩ có việc này là vì những cuốn sách được bảo vệ rất kỹ. Mình “phô” được là vì có quan hệ riêng, và trước đó có tặng cho Thư viện phó bản môt cuốn sách mà thư viện tìm đã lâu mà không thấy]. 



Phù điêu tượng nũ thần Mahisamandhi – niên đại thế kỷ XII. Hiện vật này đã được tỉnh Bình Định đề nghị công nhận là bảo vật quốc gia. Năm 2005 nó đã được Nhà nước Việt Nam cho Bảo tàng Dân tộc học Vương quốc Bỉ mượn để trưng bày. Riêng chi phí để mua bảo hiểm của nó không thông thôi đã là 50.000 USD.

Bên cạnh các mà khoa học, ngày ấy có nhiều người khác đã biết đến các gọi là Kho báu Chămpa. Những kho báu này càng trở nên hấp dẫn khi nhiều học giả trong đó có ông De Lagreé đã công bố những khám phá trong đó có những đoạn mô tả đại loại – ở khu vực đền Tháp Chămpa người ta đặt nhiều tượng kim loại, tượng đá dát vàng, bên trong tháp có nhiều vật quý, tượng nhỏ, phù điêu bằng vàng, bạc….

Nhiều năm sau đó do tình hình xã hội Việt Nam chưa ổn định, những năm tháng chiến tranh liên miên không cho phép người ta đi sâu tìm hiểu những bí mật còn chôn giấu trong lòng đất. Tuy vậy, những gì đã phơi ra dưới ánh mặt trời cũng đủ làm các nhà khoa học thán phục văn hóa Chăm, trình độ văn minh của dân tộc này.

Jeanne Leuba, một học giả Pháp chuyên nghiên cứu lịch sử, văn hóa Chămpa đã viết: “Một trong số rất nhiều những chủng tộc bí hiểm ở phương Đông cho đến ngày nay vẫn còn rất ít người biết đến, một trong những chủng tộc lý thú nhất mà nguồn gốc chính thức của họ vượt khỏi sự hiểu biết hiện nay của chúng ta, một dân tộc mà sự phát triển qua một thời đại đã bị xáo trộn bởi các dân tộc lớn, một dân tộc mà cho ngày nay chúng ta đang nghiên cứu các di tích…. Đó là dân tộc “Chăm” (Một quốc gia bị diệt vong). Cùng với những đánh giá trang trọng như vậy, các nhà nghiên cứu cũng không quên đưa ra nhận định gây nhiều hệ lụy cho các thế hệ sau này – Chămpa một quốc gia rất giàu có!

Sau ngày miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, cơn sốt đi tìm kho báu Chăm hay như một cách gọi khác là đi tìm vàng Hời lại bộc phát, lần này do chính hậu duệ của dân tộc Chămpa tiến hành.

Quãng những năm 1976-1978 ở Quy Nhơn xuất hiện vô số người Chăm ngồi bốc mạch bán thuốc dọc các đường phố Lê Hồng Phong, Trần Hưng Đạo, Phan Bội Châu… Những người này dần dần di chuyển địa bàn hoạt động về những vùng in đậm dấu ấn văn hóa Chăm như An Nhơn, Hoài Nhơn, Tuy Phước, Hoài Ân… Anh Nhị – cán bộ UBND huyện Hoài Ân kể: “Từ xa xưa ở vùng này đã tồn tại những truyền thuyết về vàng Hời. Trên thực tế người ta cũng đã nhặt được khá nhiều đồ dùng bằng vàng, bạc, nhiều thứ trong số này sau đó được xác nhận là của người Hời (tức người Chăm). Thỉnh thoảng sau mùa lụt, những người sống ở ven bờ sông Kim Sơn (con sông được mệnh danh là con sông Vàng do có nhiều vàng sa khoáng) thường nhặt được một số mảnh vỡ của bát đĩa, bình đựng …. bằng vàng bạc và cả bằng gốm đất. Chính tôi cũng đã chứng kiến cảnh những người Chăm đi tìm mộ tổ tiên như họ nói, cảnh họ cúng tế, đào bới một cách bí mật và biến mất đột ngột như kiểu họ xuất hiện….”.

Hoài Ân là vùng trung du có nhiều di chỉ văn hóa Chăm đến nay vẫn còn lưu danh Mả Lỏi, Mả Bà Cóc…, rất có thể những mảnh vỡ ấy là do nước lũ xói lở cuốn trôi đi từ các di chỉ như vậy. Ông D ở Ân Tín, một người xác nhận là đã từng cầm trong tay nhiều buồng cau, lá trầu, con cóc bằng bạc và đồng (không có cái nào bằng vàng) kể rằng: “Nhiều người đã tìm cách đào bới các ngôi mộ cổ, những nơi nghi có chôn giấu báu vật nhưng tôi chưa nghe ai nói đã tìm thấy vàng. Riêng đồ bạc, đồ đồng như tôi thì có khá nhiều. Tuy thế, không hiểu sao khi giữ những vật ấy tôi bị đau ốm liên miên, mãi đến lúc nghe lời người ta mách – vứt trả những thứ ấy xuống sông, tôi mới khỏi bệnh. Thật bí hiểm!”

 Tương tự như Hoài Ân, ở vùng suối vàng thuộc Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, nhiều người già  xác nhận với chúng tôi rằng đã có nhiều người nhặt được chén vàng, đĩa vàng bên bờ suối này, nhưng những thứ thu lượm được ở đây chẳng thấm tháp gì so với kho báu ở Hố Giang.

Hố Giang là một dãy núi chứa nhiều huyền thoại về… kho báu trong đó đáng lưu ý nhất là tảng đá chữ. Đó là một tảng đá cao khoảng 2m3 dài gần 5 m trên mặt có những dòng chữ Sankrit mang ý nghĩa bí mật của người Chăm. Tân – người dẫn đường, đưa tôi đến bên tảng đá chữ chứa nhiều bí ẩn ấy và cho biết: Cách đây chừng vài tháng, ông X, một tay chuyên rà phế liệu kim loại đã đào được một pho tượng Chăm đúc bằng kim loại màu vàng, nghe đây đã bán được với giá 200 triệu đồng. Có rất nhiều nhóm rà phế liệu sau đó đã quần nát vùng này nhưng được gì hay không chưa nghe ai tiết lộ, riêng dân địa phương người ta rất ngại vì tương truyền rằng kho báu Hố Giang đã bị đè lên bởi một lời nguyền độc địa của người Hời bí hiểm.

Lịch sử còn ghi rằng vào khoảng thế kỷ XII-XIII, Vương quốc Chămpa phải đối phó với cuộc chiến tranh kéo dài suốt trăm năm với những người Khơme phương Nam, cùng với việc phải dời đô sang bờ Bắc của một nhánh sông Côn, một phần kho báu của vương quốc đã được chuyển về chôn giấu rải rác ở khu vực rừng núi cách xa kinh đô Vijaya mà ngày nay có thể thuộc địa bàn các huyện Hoài Ân, Hoài Nhơn.

Đến năm 1282, trong âm mưu tiêu diệt nước Đại Việt, Toa Đô – một viên tướng của đế quốc Nguyên Mông đã chỉ huy một cánh quân theo đường thủy tấn công vào Chămpa, nhằm tạo gọng kìm thứ hai kẹp chặt lấy Đại Việt. Vua Chăm và triều đình đã bỏ trống kinh đô Vijaya, chạy lên vùng Hoài Nhơn ngày nay để cố thủ. Nhiều sử sách còn ghi lại rằng Toa Đô đã chiếm một kinh đô trống rỗng, kho tàng đã được sơ tán từ rất sớm. Người Chăm vốn e ngại sự hung hãn của đế quốc Nguyên Mông nên sau chiến tranh vẫn cất giấu một phần kho báu ở xa kinh đô, phòng khi lỡ vận. Sự thật lịch sử cũng như việc phát hiện những mẫu nhỏ của những vật dụng bằng vàng đã chứng minh được phần nào cho luận cứ kể trên.


LỜI NGUYỀN TRÊN CÁC KHO BÁU CHĂM (2)



Tháng 4.1997 nghe tin có người rà được một khối lượng lớn vàng bạc của huyện Phù Cát (Bình Định) lập tức chúng tôi tìm hiểu và được Thế Hà, một đồng nghiệp ở Đài Truyền thanh huyện cho biết: “Ngày 5.4.1997 anh Trần Văn An – người ở xã Cát Tân khi rà sắt để tìm phế liệu tại thôn Hưng Mỹ thuộc xã Cát Hưng đã phát hiện một hũ bằng đồng chứa nhiều đổ cổ (chén đĩa bằng vàng và bạc)… reo mừng vì sự giàu có bất ngờ An đã ôm chiếc hũ chạy đi mất. Những người đang làm cỏ mía quanh đó vội ùa lại và hợp sức khoét rộng cái hố, đào sâu hơn và vận may đã mỉm cười với họ. Ở độ sâu hơn 1,5m nhóm người này đã tìm thấy một hũ lớn bằng sành bên trong chứa nhiều vật dụng bằng vàng như bình đựng, đĩa, tô chén, một số khác trông như đồ trang sức với khối lượng ước tính khoảng 3kg. Những người này đã dùng rựa để chia đều số vàng này ra. Những gì mà ông An và nhóm người kia khai quật được nếu tính theo giá trị của vàng ước được 400 triệu đồng. Nhận được tin Công an Phù Cát đã tìm cách thu hồi, nhưng kết quả chỉ được 1 hũ, 6 bình đựng, 9 đĩa và vẻn vẹn có 5 lạng vàng…”

 Sự kiện này đã gieo vào những người chuyên rà tìm phế liệu giấc mộng tìm thấy kho báu của người Hời. Nhưng cứ như một trò cút bắt bí hiểm, hàng trăm nhóm với nhiều máy dò tìm kim loại chia nhau rà nát những cánh rừng, đồng ruộng, ven sông… nhưng “vàng Hời” vẫn im lặng không chịu lên tiếng. Khi nhiều nhóm chán nản bỏ cuộc thì cuối tháng 10.1997 ông Lê Văn An (trú ở thôn Phú Thọ, xã Tây Phú, huyện Tây Sơn) cùng một người đàn ông tên Liêm gốc gác ở Thanh Hóa đã gây chấn động khi khai quật được một số lượng lớn cổ vật bằng vàng.

Nơi mà hai ông tìm được “kho báu” nằm trên núi Hòn Gà (xã Bình Thành, huyện Tây Sơn). Số lượng cổ vật tìm thấy theo ông An gồm: 5 pho tượng cổ cao khoảng 35cm, đường kính thân tượng khoảng 5cm, 4 tượng khác cao khoảng 30cm, đường kính thân tượng khoảng 4cm, 4 lục bình có kích thước lớn hơn một chút, điều đặc biệt là toàn bộ số cổ vật này đều được chế tác bằng vàng ròng. Hai ông An- Liêm đã bán số cổ vật khai quật được cho một người lạ mặt trước khi cơ quan an ninh, các nhà nghiên cứu khoa học, bảo tàng kịp can thiệp. Theo lời ông H, một chuyên gia đồ cổ mà chúng tôi đã tới tham vấn thì người mua được số đồ cổ ấy đã trúng một cái giá rất hời – khoảng hơn 1 tỷ đồng. 

 Trước khi cơn sốt vàng Hời trở lại, những người chuyên đi rà sắt phế liệu coi đây là nghề chính của mình, việc rà được vài chục ký được coi là trúng mánh. Mọi việc trở nên khác hẳn khi rải rác đây đó trên địa bàn tỉnh Bình Định một vài nhóm thay vì tìm thấy sắt phế liệu đã gặp vàng, đồ cổ. Biết tôi đang tìm những thông tin mới xung quanh những chuyện kho báu của người Hời, Hải – một người bạn thuở thiếu thời đã tiết lộ: “Thật ra những người đi tìm sắt phế liệu chỉ là những kẻ gặp may mà thôi, xác suất gặp được cổ vật của họ rất thấp. Cách đây chừng 4 năm ở tỉnh Bình Định đã có khoảng 5 nhóm người lẳng lặng săn tìm cổ vật Chăm dưới danh nghĩa là đào cây dại trên núi, đồi để làm bonsai, cây kiểng thế. Họ đã xới tung nhiều đồi núi ở Tuy Phước, An Nhơn, Hoài Ân…

Thời ấy máy dò tìm kim loại không được phổ biến như bây giờ, những tay săn đồ cổ vì vậy phải dựa vào thư tịch cổ, các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học mà họ sưu tầm được. Tớ đã được một nhóm như vậy thu nạp, nhóm này quần miết ở khu rừng ở gần Tháp Bánh Ít, vùng Đồi Bạt lân cận và khi có điều kiện cũng không quên xoi thử một vài hố ở gần chân tháp. Những tay đầu lĩnh có đạt được mục đích hay không thì tớ không được biết nhưng chắc chắn họ đã thu được ít nhiều đồ cổ. Chỉ đến khi xảy ra một vài tai nạn trong việc đào tìm cổ vật, cùng với lúc câu chuyện về những lời nguyền có vẻ như đang trở thành sự thật thì nhóm này tự rã đám. Vàng bạc thì không chắc chứ đồ cổ thì chắn chắn có rất nhiều bởi Thập Tháp Di Đà Tự là ngôi chùa vốn được xây trên khu đất ngày xưa đã từng tồn tại 10 ngôi tháp Chăm mà người ta đã phá đi mất để lấy vật liệu làm chùa. Cổ vật chắc vẫn còn nhiều, chỉ có điều chúng nằm rất sâu trong lòng đất mà thôi. Mới đây một số người đã dùng máy rà kim loại để tìm vàng ở vùng Tháp Cánh Tiên (An Nhơn) nghe đâu khi gần đạt kết quả thì bị công an giải tỏa, các chuyên gia của Bảo tàng Bình Định đã tiếp tục công việc và thu được khá nhiều hiện vật….”

Sở dĩ những cuộc săn lùng kho báu Chăm không bị lụi tàn như những cuộc săn lùng tương tự ở Bình Thuận, Đồng Nai những năm trước, hoặc như cuộc săn lùng kho báu của Vua Hàm Nghi mới được một số báo đài nói đến gần đây là vì khác với chúng, kho báu Chăm không chỉ có huyền thoại mà thỉnh thoảng còn hé ra một vài “ví dụ” thực tế có sức hấp dẫn, quyến rũ lớn. Mặt khác Chămpa là một quốc gia có thật, tư liệu lịch sử, khảo cổ về nó cũng nhiều hơn hẳn. Tuy nhiên sẽ vô cùng thiếu sót nếu chúng tôi không nói đến hậu quả thảm khốc, những hệ lụy đau lòng mà những người theo đuổi giấc mộng vàng Hời đã gặp phải.

Ngày 29.11.1996 nhóm thanh niên gồm 4 người là Trần Văn Đông, Võ Văn Ngọc, Cao Thành Trọng, Huỳnh Công Báu tổ chức đào “phế liệu” ở thôn Hội An, xã Ân Thạnh, Hoài Ân. Nhóm này đã rà được một quả đạn pháo 81 ly và Trọng, Ngọc, Báu đã chết ngay tại chỗ khi tìm cách…đập quả đạn ra để lấy thuốc nổ. Đông- người may mắn thoát chết kể lại- lúc mới cào ra lớp đồng bên ngoài vỏ đạn đứa nào cũng tưởng là vàng, khi phát hiện đó là đạn pháo cả nhóm mới bàn rằng sẽ bán quả đạn này đi để lấy tiền tổ chức rà tiếp biết đâu sẽ gặp may. Ai ngờ… 

Nhưng đây vẫn chưa phải là kết cục thảm khốc nhất, ngày 18.01.1997 tại cơ sở buôn bán phế liệu kim loại của mình, ông Nguyễn Thanh Phong (An Nhơn – Bình Định) đã thuê anh Sang một người chuyên rà phế liệu cưa quả bom 500 ký. Bom nổ, vợ và 2 con ông Phong, anh Sang và một người bán kem gần đó đã tan xác, máu của những kẻ xấu số nhuộm đỏ cả rặng me tây cách đó khá xa. Ông Phong may mắn thoát chết do không có mặt ở nơi cưa bom, nhưng 4 cái chết bị thảm kia đã giáng vào ông một đòn chí mạng.

Những nhóm rà phế liệu là dân An Nhơn đang hoạt động rải rác khắp nơi trong tỉnh vội vã trở về do quá kinh hãi! Câu chuyện đáng cười ra nước mắt nhất lại sảy ta ở huyện An Lão, một nhóm 3 người đi rà chung với nhau khi vừa thấy ánh vàng hấp dẫn lóe lên trong hố, cả 3 đã xông vào “dần” nhau một trận chí tử, hai người yếu hơn đã thua cuộc, người chiến thắng – kẻ khỏe nhất đã xông lại đào tiếp để sở hữu riêng kho báu đã trọng thương, bị mất một cánh tay, một bàn chân vì kho báu phát nổ bởi đó là một quả đạn M79.

Người ta bảo đó là kết quả của những lời nguyền trên kho báu Chăm và hy vọng điều đó sẽ cảnh tỉnh những ai có giấc mộng giàu xổi từ những di chỉ văn hóa Chăm chứa đầy những mối hiểm nguy. Nhưng không, cơn sốt cổ vật thậm chí còn làm dấy lên một nỗi buồn mà sau này tôi đã gọi là Nỗi buồn cổ vật Việt Nam, gọi như thế một phần còn vì sự thờ ơ của những người giữ trọng trách trong tay

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *