Theo đó, phương vị của thư phòng nói riêng, trường học nói chung không nhất thiết phải xác định trên cơ sở tuổi – mệnh của chủ nhà hoặc người sử dụng; điều quan trọng là phải tương ứng với phương vị, quỹ đạo của chòm sao Văn Xương – được coi là chủ về nghiệp nghiên bút, công danh. Đồng thời, thư phòng cũng cần đáp ứng các yêu cầu về ánh sáng – thông khí, màu tường, phương hướng và độ cao của bàn ghế…

Trong thực tế sử dụng, nếu có thể tính toán, thay đổi theo nguyên lí phong thủy Huyền Không thì hiệu quả học tập, công tác càng được cải thiện.
Trong các gia đình, căn hộ…, thư phòng bố trí ở hướng nam hoặc đông nam là tốt nhất. Cửa sổ, ban công cũng phải mở ra hướng nam hoặc đông nam. Những đơn vị, nghề nghiệp liên quan đến sổ sách giấy tờ như trường học, cơ quan nghiên cứu, cơ quan quản lí hành chính hoặc phòng văn thư, thư viện… đều lấy hướng nam hoặc đông nam làm đắc địa. Thư tịch cổ về phong thủy – địa lí đều cho rằng, hai hướng nói trên là tốt nhất đối với thư phòng. Các sao Văn Xương, Văn Khúc, Thái Dương… – chủ về học vấn, văn thư, khoa cử, quan vận – đều thường chiếu ở khu vực từ 950 – 1950 theo đường thiên xích.
Thư phòng ở hướng nam, trường học quay hướng nam, người ngồi đọc – học quay về hướng nam sẽ đạt hiệu quả cao nhờ ảnh hưởng của hệ sao Văn Xương. Theo dịch học (tiên thiên), trời ở phương nam – ở trên, cao và sáng; đất ở phương bắc – ở dưới, thấp và tối. Ngồi ở dưới đất mà nhìn lên trời, ở chỗ tối mà nhìn ra chỗ sáng thì muôn việc trong thiên hạ không gì không thấy rõ. Bởi vậy, hoàng đế (bất luận là tuổi gì) đều nhất định phải ngồi quay về hướng nam để cai quản thiên hạ.
Do “ngồi ở nơi thấp và tối” thuộc âm, nên một trong những yêu cầu quan trọng khác của thư phòng là phải yên tĩnh, thoáng mát và biệt lập (nếu điều kiện không cho phép, có thể bố trí không gian đọc sách, làm việc trong phòng ngủ). Diện tích phòng có thể rộng – hẹp khác nhau tùy điều kiện, nhưng phải đảm bảo ít nhất mỗi người đọc – viết có không gian từ 2m2 trở lên. Phòng phải đảm bảo đầy đủ ánh sáng và thông khí. Khi đọc hoặc viết, mắt và não phải làm việc với cường độ cao nhất. Theo Hải Thượng Lãn Ông, mắt vừa là biểu lí của gan (thuộc mộc) vừa là biểu thần của lục phủ ngũ tạng. Thiếu ánh sáng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến mắt, “mẹ” của mắt là gan và lục phủ ngũ tạng. Tiếng ồn, gió, màu sắc, mùi vị… là những nhân tố trực tiếp gây mất tập trung trong hoạt động của não, làm giảm hiệu quả công việc, thậm chí gây tổn hại đối với não. Nên cố gắng tối đa sử dụng ánh sáng tự nhiên trong phòng. Đồng thời, thiết kế cửa sổ để thông khí là tốt nhất, hạn chế đặt quạt hoặc các loại thiết bị thông gió gây tiếng động, làm khí trường trong phòng thay đổi liên tục.
Hạn chế tối đa ánh mặt trời chiếu rọi vào thư phòng. Nếu không gian phía ngoài cửa sổ rộng lớn, nên làm cửa chớp hoặc mái che, vừa đảm bảo đủ sáng – thông gió, vừa hạn chế tác động của ngoại cảnh đối với người đọc. Chiếu sáng thư phòng cần hạn chế tối đa sử dụng các loại đèn ánh sáng trắng – lạnh, như đèn huỳnh quang, bóng đèn neon. Tốt nhất dùng đèn ánh sáng trắng chiếu chung cho cả gian phòng, đồng thời bố trí đèn bàn ánh sáng đỏ cho người đọc, viết.
Tường phòng nên sơn màu xanh dịu, có thể điểm xuyết những bức tranh hoặc rèm màu đỏ sẫm, nâu đỏ. Xanh lục là loại màu sắc rất tốt đối với mắt, gan và dưỡng thần. Không nên sơn tường bằng các loại màu sắc u ám, trắng lạnh hoặc quá lòe loẹt. Hải Thượng Lãn Ông cho rằng, những nơi ẩm thấp, màu trắng lạnh lẽo, dược liệu quá rắn chắc, vị cay hoặc đắng… đều bất lợi với gan, mắt. Khi chữa bệnh về gan, mắt phải ưu tiên dùng những loại dược liệu, màu sắc có lợi cho mộc và hỏa. Bởi vậy, phong thủy không khuyến khích sơn tường thư phòng màu trắng, lạnh.
Bàn ghế trong phòng đọc cần có chiều cao và màu sắc thích hợp. Bàn đọc quá cao sẽ gây dị hình ở vai, đau mỏi ở eo lưng. Các huyệt và xương sống ở vùng eo lưng có vai trò gìn giữ và dưỡng thận. Đau mỏi eo lưng gây tổn hại trực tiếp đến thận khí, tinh khí hao tổn, sức đề kháng bệnh tật của cơ thể giảm sút.
Bàn đọc quá thấp gây mỏi lưng, ảnh hưởng trực tiếp đến mắt, phổi và não bộ. Do bàn thấp nên người đọc – viết thường xuyên phải cúi, phổi bị chèn ép hoặc không thể hít thở thoải mái khiến não thiếu ôxy. Những người vừa ngồi đọc một lát đã bị hoa mắt, chóng mặt chủ yếu là do bàn thấp dưới mức cho phép.
Bàn đọc – viết có thể rộng tùy thích, nhưng chiều rộng mặt bàn không nên dưới 45cm. Chiều cao trung bình của bàn đọc theo nguyên tắc phong thủy là 58 – 65cm, tính từ mặt nền nhà đến mép trên mặt bàn. Chiều cao ghế ngồi phải đảm bảo khi ngồi đọc – viết, khoảng cách từ mắt đến mặt bàn đạt 30 – 40cm. Không nên sử dụng loại mặt ghế lõm hoặc lõm xuống dưới 5cm khi ngồi.
Nên sử dụng ghế có vai và độ cao của vai ghế ít nhất phải tương ứng với vị trí xương đầu vai người ngồi. Bàn ghế ưu tiên sơn màu nâu, nâu đỏ, màu cánh gián, màu càphê, hạn chế tối đa các loại bàn ghế màu trắng, ghi, bạc… Trên mặt bàn, ngoài giấy tờ, sách báo, có thể bày thêm lọ hoa, ống bút, tranh ảnh; nhưng phải hạn chế tối đa đồ kim loại, đồ vật màu đen hoặc lợi về thủy.
Trong thực tế sử dụng, nếu điều kiện cho phép, có thể thay đổi hướng bàn đọc – làm việc theo quỹ đạo của Cửu tinh trong phong thủy Huyền Không để tăng hiệu quả công việc. Chẳng hạn, năm 2015, sao Tứ Lục – Văn Khúc phi nhập hướng tây bắc, kê bàn đọc quay hướng tây bắc sẽ giúp nâng cao hiệu quả học tập. Tuy nhiên, cần lưu ý hạn chế tối đa ngồi đọc quay lưng về phía cửa.