MỞ ĐẦU XUẤT PHÁT TỪ THỰC TẠI

Một thực tế trong đời sống xã hội hiện nay, tồn tại âm ỷ như một niềm tin ăn sâu vào tâm thức nhiều người, mặc cho sự phát triển của khoa học kỹ thuật ngày càng rầm rộ, đó là tục xem ngày tốt xấu. Nếu được hỏi một gia đình, một cá nhân nào đó khi tiến hành tổ chức những sự kiện quan trọng như cưới hỏi, tang ma, xây cất nhà cửa…có chọn ngày giờ tốt hay không? Thì đa phần câu trả lời là có. Rồi có những người kỹ tính hơn thì ngày khai trương, mở hàng, khởi đầu làm việc gì đó cũng kén ngày lành tránh ngày dữ… 


Mặc dù có thể không khó để nhận thấy, việc chọn ngày lành tháng tốt có thể nói là khá phổ biến hiện nay, tuy nhiên tâm lý tiếp cận của mỗi người lại không giống nhau. Với những người tín tâm, thường rất coi trọng việc chọn ngày giờ tốt vì cho rằng mọi việc làm vào thời khắc tốt sẽ cát tường, thuận lợi, xuôi chèo mát mái. Với những người trung lập, dù không quá coi trọng việc kén chọn này nhưng cũng mang tâm lý: ”có thờ có thiêng có kiêng có lành”. Với những người không thật sự để ý lắm, thậm chí không tin, nhưng ít nhiều cũng vì chiều theo ý nguyện của người tín tâm (thường là người thân), nên thôi thì chọn ngày cũng được, nó cũng chẳng xấu gì, lại thỏa mãn được ý nguyện của người thân, mai này nhỡ có xảy ra chuyện gì thì cũng không bị trách là không để ý chọn ngày giờ nên mới ra cơ sự như vậy…
Dù mỗi người có một quan điểm riêng nhưng tựu chung thì tục chọn ngày tốt xấu âu cũng xuất phát từ mong ước của con người: cầu lành tránh dữ, mong sao mọi việc được thuận buồm xuôi gió, đúng như ý nguyện. Hơn nữa nếu thực hiện theo thì chỉ tốt mà không hại gì. Chính vì thế những học thuyết về định ngày tốt xấu được ra đời từ thời cổ xưa vẫn còn sức sống tới tận bây giờ ít nhất cũng bởi tính nhân văn của nó. Nhưng cũng chính yếu tố thời gian cũng làm cho những lý luận, phương pháp chọn ngày tốt xấu cũng ngày một nhiều thêm, rồi chồng chéo lên nhau, rồi rơi rụng, rồi mâu thuẫn lẫn nhau…Cũng bởi lẽ xuất phát điểm, thế giới quan của mỗi phương pháp vốn không đồng nhất nên ai cũng mạnh sức bảo vệ phương pháp của mình, làm cho sự việc trở lên ngày một rối rắm, mơ hồ…
I. Tóm lược một số phương pháp xem ngày tốt xấu phổ biến hiện nay.
Nếu xét từ ngày xa xưa có thể nói là những học thuyết về chọn này giờ cũng đã vô cùng phong phú và đa dạng. Thời cổ bên Trung Hoa, trong cuốn “Sử ký- Nhật giả liệt truyện” có ghi lại câu chuyện:
Hán Vũ Đế (năm 23-56 sau CN) triệu các nhà chiêm tinh hỏi ngày, tháng x, cưới vợ được hay không? Người theo thuyết ngũ hành bảo được, người theo thuyết “Kham dư” bảo không được, người theo thuyết “Kiến trừ” bảo xấu, người theo thuyết “Tùng thời” bảo rất xấu, người theo thuyết “Lịch gia” bảo hơi xấu, người theo thuyết ”Thiên thân” bảo tốt vừa, người theo thuyết “thái nhất” bảo đại cát. Tranh cãi nhau hồi lâu, đỏ mặt tía tai không ai chịu ai. Cuối cùng Hán Vũ Đế phán: Mọi điều nên hay kiêng, phải lấy thuyết “Ngũ hành” là chính, kết thúc buổi tranh luận. Kế từ đó thuyết ngũ hành được phát triển.
Ở Việt Nam ta, dưới thời nhà Nguyễn, học thuyết xem ngày, kén giờ đã khá hoàn chỉnh, hàng năm nhà vua ra lệnh cho tòa Khâm Thiên giám, căn cứ trên tính chất tốt xấu của các vì sao soạn ra kỷ yếu lịch hàng năm, ban xuống cho người dân lấy đó làm căn cứ để sắp xếp mùa vụ sản xuất, cũng như định này tốt xấu để làm những việc hệ trọng. Đây cũng chính là nội dung cuốn “Ngọc Hạp Thông thư” triều Nguyễn được lưu truyền và ứng dụng khá phổ biến hiện nay.
Trong cuốn “Phong tục Việt Nam” tác giả Phan Kế Bính có viết ” Kén thì phải xem đến lịch. Sách lịch do toà khâm thiên giám soạn ra. Mỗi năm vào ngày mồng một tháng chạp, Hoàng Đế ngự điện khai trào, các quan Khâm thiên giám cung tiến Hiệp Kỷ Lịch, rồi khâm mạng vua mà ban lịch khắp nơi… Ban lịch (trọng thể nhất) là để cho thiên hạ biết chính xác nhất tiết khí, tháng thiếu tháng đủ, ngày tốt ngày xấu, để tuân hành được đều nhau…”
Bên cạnh đó, hiện nay, khi chọn ngày tốt ngoài xem xét tính chất các sao, người ta còn căn cứ tính chất tốt xấu của ngày Trực hôm đó, tính chất tốt xấu của Nhị Thập Bát Tú. Ngoài ra trong dân gian còn truyền miệng những câu rất phổ biến liên quan tới việc chọn ngày tốt, tránh ngày xấu như: Mùng năm, mười bốn, hai ba/ Đi chơi còn nhỡ nữa là đi buôn. Hay chớ đi ngày bảy, chớ về ngày ba… cũng được lưu tâm để ý.
Tiếp thu, kế thừa những phương pháp đó, (tôi gọi là những phương pháp phổ biến) thông thường khi xem ngày tốt xấu. Sau khi đã xác định được việc cần làm người ta thường xét đến các yếu tố chính là:
– Loại bỏ những ngày xấu hay được truyền tụng trong dân gian;
– Cân nhắc Trực ngày;
– Cân nhắc tính chất của Nhị Thập Bát tú;
– Căn cứ vào tính chất số lượng sao chiếu tốt xấu theo ngày ( theo lịch vạn niên và các tài liệu khác);
-…
Dựa Trên những có sở đó để tìm ra một ngày phù hợp nhất. Ngoài ra có người kỹ hơn còn xét tới tránh ngày xung tháng, xung năm, xung tuổi…

Trong các yếu tố được xét đến đó thì mức độ ảnh hưởng của từng yếu tố chủ yếu phụ thuộc vào cách nhìn nhận chủ quan của người xem. Có người rất coi trọng các câu phú được truyền tụng trong dân gian. Có người lại xem trọng Trực ngày, người lại coi trọng Nhị Thập Bát tú. Có người lại chỉ chú trọng vào tính chất, số lượng sao tốt xấu trong ngày đó theo các sách được truyền lại: Ngọc Hạp Thông thư, Vạn Toàn bảo thư, Đổng Công Tuyển nhật trạch, Thần bí cát trạch… Sự khác nhau đó, có lẽ đơn giản vì mỗi người có những trải nghiệm riêng, có những cách hiểu khác nhau cũng như niềm tin khác nhau vào mỗi phương thức.
Có thể nói rằng, nếu không tính đến các phương pháp bí truyền, các phương pháp được đề cập nhiều trong các sách xuất xứ từ Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông…thì các phương pháp xem ngày tốt xấu hiện phổ biến ở Việt Nam cũng đã đủ rắc rối cho một nguời muốn tìm được 1 ngày tốt theo ý mình.
Tuy nhiên dưới đây, tôi cũng xin được giới thiệu nội dung của một số phương pháp xem ngày tốt xấu như ở trên. Vẫn biết sự hiểu biết của tôi về lĩnh vực này còn rất nông cạn, những kiến thức, sự suy luận có nhiều chỗ có thể còn chưa rõ ràng, hết ý, cũng mong các bạn rộng lượng bỏ qua cho.
II. Thế nào là ngày tốt xấu.
Một thực tế là, trong cuộc sống, có những lúc, có những thời điểm, những ngày, mà mọi việc diễn ra thuận lợi, tốt đẹp. Và cũng có những ngày gặp trắc trở, khó khăn. Nhìn một cách trực quan thì những ngày mọi việc thuận lợi gọi là ngày tốt, gặp trắc trở gọi là ngày xấu.
Theo quan điểm cá nhân tôi cho rằng: Ngày tốt xấu là thời gian, khoảng thời gian thuận lợi hay bất lợi cho quá trình diễn biến của sự vật hiện tượng, trong đó có cả con người. Nói cách khác ngày tốt xấu có thể coi như một dấu mốc, đánh dấu thời điểm tác động của các yếu tố xung quanh tới một yếu tố chủ thể. Trong đó, yếu tố chủ thể chính là sự vật hiện tượng cần quán xét. Các yếu tố xung quanh nhìn theo diện hẹp của phương pháp luận ngày tốt xấu (ứng dụng cho con người) thì là những yếu tố như: trực, nhị thập bát tú, sao chiếu, …đã tương tác năng lượng lên con người tạo ra những khoảng thời gian thuận lợi hay bất lợi.
Nhìn theo diện rộng thì ngày tốt xấu là tổng hòa của rất nhiều các yếu tố tương tác tạo nên cục diện phát triển của sự vật hiện tượng. Cùng hiểu theo nghĩa rộng thì ngày tốt xấu, thời điểm tốt xấu mô tả tính chất vận khí (vận số) của sự vật, hiện tượng trong khoảng thời gian đó.
III. Tại sao lại có ngày tốt xấu
Theo chủ nghĩa duy vật biện chứng thì khoảng thời gian tốt xấu chỉ mang tính ngẫu nhiên nằm trong quy luật phổ biến là Tất yếu và Ngẫu nhiên. Nhưng trong mối quan hệ này cũng chỉ rõ, trong cái tất yếu cũng có cái ngẫu nhiên và ngược lại. Lý luận là như vậy, nhưng cụ thể thì con người muốn rằng liệu một cách nào đó tìm ra được sự tất yếu trong những cái gọi là ngẫu nhiên đó hay không! Tất nhiên là có, từ xưa:
Những người tin có những quy luật để tìm ra ngày tốt xấu thì cho rằng: có ngày tốt xấu bởi có những yếu tố chi phối, ảnh hưởng tới hành động việc làm của ngày hôm đó. Nếu những yếu tố ảnh hưởng là tốt sẽ tạo nên ngày tốt. Cụ thể nếu sao chiếu ngày đó tốt, trực tốt, tránh được các điểm chuyển giao năng lượng… thì ngày đó được coi là tốt, và ngược lại. Đó là hiểu theo diện hẹp. Còn theo diện rộng, có thể hiểu có ngày tốt xấu là do sự tổng hòa của nhiều yếu tố tạo nên vận khí của sự vật hiện tượng.
Cụ thể xét trên diện hẹp, nếu đối tượng tốt xấu của một ngày được coi như một chủ thể thì chủ thể ấy bị chi phối và tương tác đồng thời bởi các yếu tố như hình biểu diễn dưới đây.


1. Dòng năng lượng Trực ngày
Có tất cả 12 trực, mang tên và sắp xếp theo trình tự như sau: 


Cách sắp xếp 12 trực có quan hệ đến sao Phá Quân (còn gọi là Diêu quang tinh) tức là sao đứng đầu trong hình cán gáo thuộc chùm sao Đại Hùng Tinh.
Vào tiết lập xuân, lúc hoàng hôn sao cán gáo đó chỉ vào hướng Đông Bắc hợp với cung Dần, nên gọi là tháng Giêng (lập xuân) Kiến Dần tức trực Kiến vào ngày Dần. 
Đến tiết Kinh Trập (tháng 2), sao cán gáo đó cũng đúng lúc hoàng hôn chỉ chính hướng đông hợp với cung Mão nên gọi tháng 2 Kiến Mão tức Trực Kiến vào những ngày Mão… Rồi các trực lại lần lượt quay vòng nối tiếp nhau, sau 12 tháng trở lại ban đầu.
Theo kiến thức thiên văn học và lịch tiết khí thì: một năm trái đất luân chuyển với 24 tiết khí, tương đương với 12 trực. Thời kỳ đầu 12 trực dùng để chỉ tên 12 tháng trong năm, nhưng về về sau lại được chuyển hoá dùng để chỉ tên gọi cho 12 ngày kế tiếp nhau kèm theo những tính chất tốt xấu.
Vấn đề phân chia 12 trực có mối liên hệ mật thiết với quỹ đạo chuyển động của trái đất xung quanh mặt trời. Trái đất chuyển động xung quanh mặt trời, mỗi một khoảng thời gian lại chuyển động được một góc nhất định xung quanh mặt trời, ứng với mỗi góc chuyển động là 15 độ ta có một tiết khí. Như vậy tiết khí có thể hiểu như một điểm đánh dấu mốc chuyển động của trái đất trên quỹ đạo (xung quanh mặt trời) của nó. Không những vậy độ nghiêng của trái đất với mặt trời lại thay đổi theo những mốc đó, tạo ra khí hậu, mùa trên trái đất. Chính vì thế 24 tiết khí hay 12 trực chính là điểm mốc đánh dấu sự thay đổi trong tương tác vũ trụ mà chủ yếu là mặt trời với trái đất. Và biểu hiện dễ nhận ra nhất đó chính là sự thay đổi của thời tiết, khí hậu trong năm trên hành tinh xanh.

Trên quan điểm như vậy nếu xét một cách cục bộ, thì tiết khí, hay trực tháng (ngày) chính là mốc đánh dấu thời những điểm ảnh hưởng của mặt trời với trái đất. Nó mô tả (quy định) tính chất tương tác giữa hai thiên thể này. Mà biểu hiện của những thời điểm này chính là điểm thay đồi của thời tiết, khí hậu, mùa trong năm. Sự biến đổi đó sẽ ảnh hưởng bao trùm lên toàn bộ sự vật, sự việc, trong đó có cả con người
Tóm lại, xét trên những tính chất mà trực quy định thì có thể nhận thấy. Xem xét trực ngày trong việc chọn ngày tốt xấu rất có thể là xem xét thời điểm tác động của các thiên thể trong vũ trụ (gần nhất là mặt trời) đối với sự vận hành của sự vật hiện tượng trên trái đất.
Tính chất của 12 trực


2. Dòng năng lượng Nhị thập bát tú.
Nhị thập bát tú là 28 ngôi sao có thực thuộc 4 chòm sao lớn, do Khoa thiên văn cổ đại quan sát phát hiện và định danh. Những ngôi sao đó ở kề đường Hoàng đạo xích đạo. Đó là những ngôi sao chính, mỗi sao kéo theo một chùm sao khác theo quỹ đạo của nó. Khoa thiên văn cổ đại cho đó là những định tinh, đứng nguyên một chỗ, nên có thể dùng làm mốc để tính vị trí chuyển dịch của mặt trời, mặt trăng và năm sao Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ thuộc hệ mặt trời. 28 ngôi sao đó chia thành bốn phương trên bầu trời:
Phương Đông chùm sao Thanh Long có 7 sao: Giác, Cang, Đê, Phòng, Tâm, Vĩ, Cơ.
Phương Bắc chùm sao Huyền Vũ có 7 sao: Đẩu, Ngưu, Nữ, Hư, Nguy, Thất, Bích.
Phương Tây chùm sao Bạch Hổ gồm có 7 sao: Khuê, Lâu, Vi, Mão, Tất, Chuỷ, Sâm.
Phương Nam chùm sao Chu Tước có 7 sao: Tỉnh Quỷ Liễu, Tinh, Trương, Dực, Chấn.
Các nhà thiên văn còn dựa vào vị trí các sao để tính ngày tiết khí bốn mùa. Nhị thập bát tú đi vào Thuật chiêm tinh được quy vào Ngũ hành, can chi lại biến thành 28 vị thần sát, mỗi thần sát quản một ngày đêm có sao tốt sao xấu.
Nếu xét trên phương diện thuần thiên văn (giống như xem xét trực ngày) thì rất có thể sự vận hành của ngày theo Nhị thập bát tú cũng là những điều mốc đánh dấu các thời điểm tương tác của vũ trụ xuống trái đất. Những thời điểm tương tác đó được mã hóa và ký hiệu bằng tên những vì sao.
Theo quan điểm thẩn bí một chút thì 28 vì sao này chính là đại diện cho 28 vị thần tiên có những quyền năng, nhiệm vụ ban phúc, giáng họa xuống cho nhân gian. Mỗi vị quản một ngày luân phiên vận hành.


Luận về tính chất tốt xấu của 28 ngôi sao, giữa các tài liệu còn có nhiều điểm mâu thuẫn, các tài liệu đó đều từ Trung Quốc truyền sang Việt Nam: “Thần Bí Trạch Cát”, “Lịch thư của Thái Bá Lệ” và “Hứa Chân Quân Tuyển trạch thông thư” (in tại Việt Nam triều Khải Định). Khảo cứu 3 cuốn chỉ có 11 trong 28 ngôi sao được các tài liệu thống nhất, còn 17 sao khác hẳn nhau…. Chỉ có 11 sao trong 28 (dấu+) ở 3 tài liệu giống nhau (trích Tân Việt, Thiều phong. Bàn về lịch vạn niên, Văn hoá dân tộc,Hà Nội,1997)


3. Năng lượng sao chiếu theo lịch vạn niên
Theo lịch vạn niên triều Nguyễn ghi lại thì có khoảng 46 vì sao tốt và 57 vì sao xấu, vận hành theo thiên can, địa chi của từng ngày. Mỗi một vì sao đại diện cho một tính chất nhất định. Đồng thời một ngày lại chịu sự tác động của rất nhiều các vì sao cả tốt lẫn xấu tạo ra một hỗn cục tính chất tốt xấu của ngày đó.
Trong những sao tốt thì những sao như: Thiên đức, Nguyệt đức, Thiên Quý, Thiên Xá, Thiên Thành, Nguyệt Ân, Ngũ Phú, Thanh Long, Minh Đường, Ngọc Đường, Kim Đường…được coi là những đại cát tinh quan trọng, có khả năng ảnh hưởng tốt tới mọi việc.
Đồng thời trong những sao xấu thì có những vì sao được người xưa chú ý hơn như: Kiếp Sát, Thọ Tử, Trùng Tang, Sát Chủ…có vẻ như những sao này gây tang tóc cho con người.
Đến nay chưa có một tài liệu nào giải thích rõ ràng quy luật vận hành cũng như tính chất của những vì sao này. Tất cả mới dừng lại ở mức độ thống kê quy luật vận hành và mặc định tính chất của của từng vì sao. VD sao Thiên hỷ (tốt mọi việc, nhất là giá thú): tháng giêng đóng ở ngày Tuất, tháng hai ở ngày Hợi…
Hơi suy diễn một chút, nếu mỗi vì sao được coi là nguồn phát những dòng năng lượng (hoặc là ký hiệu mã hóa của một dòng năng lượng), và một ngày liên tục bị ảnh hưởng bởi các nguồn năng lượng ấy, đồng thời mỗi nguồn năng lượng này có khả năng tạo thuận lợi hay bất lợi với mỗi một việc cụ thể. Từ đó can thiệp vào tính chất tốt xấu của một ngày.
4. Năng lượng điểm chuyển giao.
Trong dân gian thường truyền tụng những câu phú về chọn ngày, trong đó có những câu được nhiều người biết hơn cả là: chớ đi ngày 7, chớ về ngày 3, hay mồng 5, 14, 23 đi chơi còn lỗ nữa là đi buôn… Tưởng chừng như những câu phú đó là kinh nghiệm của người xưa đúc kết lại. Nhưng kỳ thực đằng sau nó dường như lại ẩn chứa một nguyên lý nào đó.
4.1. Ngày Tam Nương sát.
Quay lại với hai câu phú trên thì câu phú thứ nhất nêu ra chính là ngày Tam Nương sát, ngoài mồng 3 và mồng 7 thì hàng tháng còn có các ngày 13, 18, 22, 27. Ngày Tam Nương sát gây một nỗi ám ảnh lớn nên trong dân gian còn truyền tụng nhau bài thơ về ngày này.
Tạo môn, kiến ốc vô nhân trú
Nghinh hôn giá thú bất thành song
Hành thuyền hạ thủy tao trầm lịch
Thương quan phó nhậm, bất hoàn hương.
Vì sao người xưa lại coi trọng việc cần phải tránh ngày Tam Nương đến vậy?
– Theo các nhà lý học Trung Hoa thì Tam Nương là ba trang tuyệt sắc Muội Hỉ, Đát Kỷ và Bao Tự đã làm khuynh đảo, sụp đổ các triều đại cùng thời. Ngày Tam Nương được cho là ngày sinh và ngày mất của 3 người đàn bà này, nên một tháng có 6 ngày Tam Nương. Khởi đầu làm việc gì đó đều bị cho là xấu, dễ trắc trở.
– Theo tương truyền trong dân gian của Việt Nam thì vào những ngày Tam Nương, Ngọc Hoàng thượng Đế cử ba cô gái xinh đẹp (Tam nương) xuống hạ giới để làm mê muội và thử lòng con người làm cho bỏ bê công việc, đam mê tửu sắc, cờ bạc v.v. Chính vì thế công việc làm trong những ngày này dễ bê trễ, khó thành.
– Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh thì…”ngày Tam Nương tương tự như điểm chết của bánh xe kéo tàu hỏa. Nó kết thúc một chu kỳ vận động để tiếp tục một vòng quay mới. Sáu ngày Tam Nương chính là đỉnh của sáu cực qui ước, trong bố cục liên kết của Bát Quái Hậu Thiên Lạc Việt”. Chính sự thay đổi giữa các điểm chuyển giao này đã ảnh hưởng lên tính chất tốt xấu của ngày Tam Nương.
– Có người dựa theo kiến thức của thiên văn học, thấy rằng có sự liên hệ giữa các ngày Tam Nương và pha của Mặt trăng.

– Những giai đoạn mặt trăng mang một hình thái cụ thể khác biệt được gọi là pha của mặt trăng (cụ thể ở đây là diện tích phần sáng của mặt trăng). Thiên văn học chia một chu kỳ mặt trăng ra làm các pha: trăng mới, trăng non, bán nguyệt đầu, gần tròn, trăng tròn, giảm tròn, bán nguyệt sau, trăng khuyết. Điểm đặc biệt ở đây là những thời khắc giao nhau (chuyển đổi) giữa các pha khá khớp với các ngày Tam nương trong tháng, như hình minh họa. Các ngày chuyển pha gần khớp với vị trí các ngày Tam Nương: ngày mùng 4, 7, 14, 18, 22, 26 ( ngày Tam nương là 3, 7, 13, 18, 22, 27). Nếu thật sự có một mối liên hệ giữa pha của mặt trăng và ngày Tam Nương thì rất có thể sẽ có 2 ngày “ Tam Nương” nữa đó là ngày mồng 1( 29,30), mồng 10 âm lịch hàng tháng. Điểm chuyển giao giữa các pha của mặt trăng đã đánh dấu (hoặc tương tác) đến trái đất gây ra những xáo trộn, thay đổi nào đó lên con người. Và được đánh dấu bằng 6 ngày Tam Nương như hiện tại.
Dẫu thiên về quan điểm nào đi nữa thì thực sự ngày Tam Nương có thể được coi là điểm đánh dấu những giai đoạn chuyển giao năng lượng giữa các chu kỳ. Chính bởi là điểm chuyển giao lên gây ra tính bất ổn về mặt năng lượng. Điều này tương tác, ảnh hưởng với các vật mang năng lượng khác. Tính gây ảnh hưởng chung này được biểu thị một phần qua quy ước ngày xấu Tam nương.
4.2. Ngày Nguyệt kỵ
Mỗi tháng đều có ba ngày nguyệt kỵ là 5, 14, 23, dân gian còn gọi là ngày “nửa đời nửa đoạn”. Tức là đi đâu làm việc gì cũng dở dang, khó thành. Một vài lý do kiến cho ba ngày này bị coi là ngày xấu. Nhìn vào 3 ngày này thì chúng đều cách nhau 9 đơn vị và tổng các chữ số đều là 5 (5=1+4=2+3). Cũng bởi con số 9 mà người ta thường nghĩ đến vòng luân chuyển của cửu cung phi tinh ( 9 cung- ứng với 9 số- 9 ngôi sao liên tục vận chuyển gồm Nhất bạch, nhị hắc, tam bích, tứ lục, ngũ hoàng, lục bạch, thất xích, bát bạch, cửu tử). Trong đó thì sao ngũ hoàng – số 5 được coi là rất xấu, đi đến đâu gieo dắt tai họa đến đó. Ngoài ra thì vòng vận chuyển của 9 ngôi sao này (lượng thiên xích) cũng bắt đầu từ sao ngũ hoàng- số 5. Rất có thể bí ẩn của ngày Nguyệt kỵ liên quan mật thiết tới điểm chuyển giao năng lượng của vòng vận chuyển mang tên 9 ngôi sao. Mà bản chất là tác động của năng lượng vũ trụ trong đó có các hành tinh trong thái dương hệ lên trái đất.


4.3 Dương công kỵ nhật.
Trong một năm có mười ba ngày gọi là ngày Dương công kỵ nhật, khởi làm công việc gì cũng phải tránh những ngày ấy.
Những ngày ấy là: Ngày 13 tháng giêng; ngày 11 tháng hai; ngày 9 tháng ba; ngày 7 tháng tư; ngày 5 tháng năm; ngày 3 tháng 6; ngày 1 (8?), 29 tháng bảy; ngày 27 tháng tám; ngày 25 tháng chín; ngày 23 tháng mười; ngày 21 tháng mười một; ngày 19 tháng chạp.
Mỗi tháng 1 ngày bắt đầu từ ngày 13 tháng giêng, lùi liên tiếp 28 ngày ta có các ngày dương công kỵ nhật tiếp theo.
Hiện tại chưa có một lý giải nào hợp lý cho sự kiêng cữ này. Các giải thích đều muốn xoay vào vận hành của nhị thập bát tú ( tức 28 ngôi sao- tương đương vòng chu kỳ của ngày dương công kỵ). Nhưng chưa ai hiểu được vì sao lại khởi đầu từ ngày 13 tháng giêng. Mặc dù vậy nhìn một cách tổng quan thì cũng có thể coi những dương công kỵ là điểm chuyển giao một chu kỳ năng lượng nào đó.
4.4 Ngày Tứ ly, Tứ Tuyệt.
Hầu hết các xem xét ngày tốt xấu đều sử dụng ngày âm lịch riêng ngày tứ ly, tứ tuyệt có thể dùng lịch dương để tính. Đây là những ngày bị coi là xấu, khởi làm việc gì cũng nên tránh.
Ngày tứ ly bao gồm 2 ngày trước và sau các ngày Xuân phân, Hạ Chí, Thu phân, và Đông chí. Tổng cộng 8 ngày trong 1 năm.
Ngày tứ tuyệt bao gồm 2 ngày trước và sau các ngày Lập xuân, Lập Hạ, Lập thu, Lập đông. Tổng cộng cũng 8 ngày trong 1 năm.
Xét về mặt thiên văn thì đó là những ngày trước và sau thời điểm giữa một mùa hoặc bắt đầu một mùa mới. Hình ảnh thiên văn là vị trí tương đối của trái đất với mặt trời và góc nghiêng trục xoay trái đất có sự biến đổi mạnh. Về mặt năng lượng thì có thể coi đây là những thời điểm chuyển giao những chu kỳ năng lượng mới ( thoái trào của mùa, mùa mới). Chính là thời điểm chuyển giao nên năng lượng mang sự thay đổi (xáo trộn) lớn, ảnh hưởng đến sự vật, con người. Nên trong chọn ngày tốt xấu người ta cũng tránh chọn ngày này.
4.5 Ngoài ra còn có nhiều các ngày có thể được coi là điểm chuyển giao năng lượng khác như: ngày sóc, ngày con nước…
4.6 Một số ngôi sao dị biệt.
Hiện tại trong quá trình chọn ngày tốt xấu, có một số vì sao được chú trọng hơn, xuất hiện dải rác ở một số tài liệu về chọn ngày còn lưu truyền tới ngày nay.
– Một số sao không có trong bảng kê trong lịch vạn niên triều Nguyễn nhưng cũng được dân gian cũng nhắc tới như: Kim thần thất sát, Thập ác đại bại (phải chăng đây là sao hoạt động theo từng năm mà bảng kê sao lịch vạn niên thì thống kê sao hoạt động theo ngày của tháng nên không đưa vào); sao Ly Sào ( có trong Vạn Toàn bảo thư)…
– Đặc biệt một số sao cũng không hề có trong bảng kê sao lịch vạn niên triều Nguyễn nhưng vẫn được mọi người nhắc đến như Hồng sa sát; Tam sa thất kỵ; Thiên Lôi, Thiên Đả, Thiên Ma ( hoạt động theo chi ngày của từng tháng); Tu la đoạt giá ( theo từng ngày của tháng). Nếu cần thiết thì vẫn xếp được vào bảng thống kê sao theo lịch vạn niên. Tuy nhiên chúng không hề được ghi vào.
– Một vài ý kiến cá nhân: Triều đình nhà Nguyễn là triều đại phong kiến cuối cùng ở nước ta, đó cũng là khoảng thời gian cuối cùng để những lý thuyết về Nho, Y, Lý, Số được thực hành rộng rãi. Có thể thấy rằng các nhà Lý học thời này đã tổng hợp, chỉnh lý, hoàn thiện các nội dung về các phương pháp xem ngày được sử dụng trước đó. Thiển nghĩ, nếu đối chiếu sử dụng tất cả các tài liệu về xem ngày tốt xấu hiện nay quả thực là quá phức tạp, chồng chéo. Nên chăng, quy về lấy lịch vạn niên triều Nguyễn làm tài liệu quan trọng trong việc ứng dụng coi ngày tốt xấu trong giai đoạn hiện nay, vừa mang tính “chính thống”, loại bỏ được được tính phức tạp, chồng chéo của nhiều loại tài liệu được truyền lại tới ngày nay.
IV. Lời kết
Dù có tin hay không tin việc tồn tại ngày tốt và ngày xấu, thì sự hiện diện của chúng vẫn đã, đang và sẽ tồn tại, ít nhất là trong ý niệm của một bộ phận quần chúng nhân dân. Thật khó có thể bác bỏ, hay công nhận sự vô lý hay có cơ sở khoa học của những phương pháp này. Xét trên bình diện phát triển, những gì tốt, những gì có lợi cho con người thì nên được bảo tồn phát huy. Chỉ cần riêng yếu tố này thì việc chọn ngày lành tránh ngày dữ cũng đáng để cho mọi người lưu tâm và gìn giữ. Biết đâu một ngày nào đó, nó lại trở thành một nét văn hóa chứa đầy tính minh triết của người xưa.
Lời cuối: Ngay từ khi định hướng hoàn thành tiểu luận này, chưa bao giờ tôi có ý niệm sẽ rao giảng, truyền bá hay định hướng cho mọi người về việc chọn ngày tốt xấu. Mà chỉ nghĩ dừng lại ở mức độ “giới thiệu”. Giới thiệu với mọi người về những phương cách chọn ngày tốt xấu trong dân gian hiện nay. Theo đó một số chỗ tôi thử giải thích theo ý hiểu của mình, tất nhiên dưới nhãn quan năng lượng. Hy vọng bạn nào có ý muốn tìm hiểu sâu về vấn đề này cũng có thể xem đây là một cách hiểu có thể tham khảo được.

( Bài hoàn chỉnh)

Tài liệu tham khảo:
1. Tân Việt- Thiều Phong: Bàn về lịch vạn niên, nhà xuất bản Văn hóa dân tộc, 2007
2. Đổng Trọng Thư: Đổng công tuyển trạch nhật yếu dụng, người dịch Lê Văn Sửu
3. Thái Kim Oanh: Kim Oanh Ký, nhà xuất bản Lao Động, 2008.
4. Nguyễn Vũ Tuấn Anh: Tìm về cội nguồn Kinh Dịch, nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin, tái bản 2002.
5. Vũ Xuân Quang: Hình vẽ độ ngắn dài của các tiết khí.
6. Và các nguồn thông tin tham khảo khác từ mạng internet