Đường về vô cực

Nguồn gốc Âm Dương:
Vì không gian 3 chiều, mặt phẳng trong thế giới thực khá phức tạp cho phép mô tả nên tôi dùng một tập xác định đơn giản hơn là đường tròn (không phải hình tròn). Đường tròn giãn rộng và thu gọn vô tận có thể biến hình thành mặt phẳng, mặt phẳng liên tiếp xếp lớp có thể biến hình thành không gian 3 chiều. Cho nên hình đơn giản nhất thể hiện sự tuần hoàn là đường tròn.
Đường tròn là vô cực khi không có vật thể chuyển động trên đường tròn, không có gì để phân biệt các điểm khác nhau trên đường tròn. Khi xuất hiện vật thể a chuyển động trên đường tròn. Vẫn không thể mô tả mọi điểm của đường tròn qua điểm a, vì a trên mọi điểm của đường tròn là như nhau. Cần một điểm mốc để xác định vị trí của a trên đường tròn, từ đó có thể xác định mọi điểm của đường tròn. Điểm mốc đơn giản nhất là một điểm Ao, quy ước là vị trí của a tại thời điểm a xuất hiện trên đường tròn, thời gian lúc đó quy ước là t=0, tại thời điểm t, vị trí của a gọi là At. Ao và At tạo thành một cặp âm dương. Ao tĩnh còn At động. Khi đó có thể mô tả mọi điểm của đường tròn. Nói cách khác khi có âm dương, có thể mô tả vạn vật bằng âm dương. Thời gian là lưu ảnh của không gian và ngược lại không gian là mô tả của thời gian. Không Thời tạo thành một cặp âm dương.
Đây là tiền đề quan trọng để mô tả bản chất của can chi phía dưới.
Vạn vật quy tâm:
Một câu hỏi xuất hiện là khi nào a thoát khỏi sự tồn tại của mình. Trả lời đơn giản là khi a thoát khỏi tất cả mọi sự mô tả của a. Nói cách khác, không có gì có thể mô tả được a, không có lưu ảnh của a thì không có thời gian. Không có thời gian thì không có không gian.
Khi đó a chuyển động song song cùng mô tả của a, hay a chuyển động song song cùng Ao. Điều này là không thể vì Ao là cố định. Chỉ có một cách duy nhất là a thoát khỏi đường tròn và đứng vào đúng tâm O của đường tròn, khi đó a là đồng đẳng với mọi điểm trên đường tròn, nói cách khác đường tròn không thể mô tả a. Phía trên đã giới hạn tập xác định là đường tròn, nay lại cho a thoát khỏi đường tròn đứng về tâm, nghe chừng có vẻ vô lý. Nhưng do phép biến hình đã mô tả phía trên, tâm O có thể đạt được nếu thu nhỏ phía trong của đường tròn (vành tròn) đến vô tận. Nói cách khác, vạn vật có thể quy về một tâm O nếu chuyển động của vũ trụ là tuần hoàn quanh tâm O đó.
Tóm lại: Động Tĩnh, Không Thời hay các cặp Âm Dương khác có thể mô tả toàn bộ vũ trụ. Không Gian và Thời Gian là một và hoán đổi cho nhau, mô tả lẫn nhau.
Nguồn gốc Ngũ Hành:
Khi con người quan sát thế giới, nhận biết 4 phương Đông Tây Nam Bắc trong không gian, nhận biết 4 mùa luân chuyển của thời gian. Do không thời là một cặp âm dương hỗ, mô tả không gian sau đó dùng lưu ảnh của không gian thì có thể mô tả được thời gian. Nên trước hết không gian được mô tả theo quan sát của con người. Lúc này Không Gian được giới hạn là một mặt phẳng vô tận. Muốn mô tả mặt phẳng vô tận này trước hết có Đông Tây Nam Bắc, trong đó Nam Bắc là một cặp âm dương (phương Nam nóng, phương Bắc lạnh), Đông Tây là một cặp âm dương (phương Đông là rừng xanh, phương Tây là núi cao). Như vậy vẫn chưa đủ một đơn vị để mô tả mặt phẳng với 4 hình vuông đơn vị ở 4 phương, muốn đầy đủ phải có 1 hình vuông đơn vị nửa ở Trung Ương. 5 hình vuông này tạo thành hình chữ thập cân +. Hình chữ thập + này là đơn vị nhỏ nhất, xếp liên hoàn cạnh nhau có thể mô tả toàn bộ mặt phẳng. Một vấn đề nảy sinh là: Đông Tây, Nam Bắc là 2 cặp âm dương nên thỏa lý âm dương, nhưng Trung Ương liệu có đứng ngoài âm dương ? nếu TW đứng ngoài âm dương thì coi như thuyết ngũ hành này độc lập hoàn toàn với âm dương. Nhìn kỹ lại, TW hoàn toàn có thể biểu diễn qua Đông Tây Nam Bắc, nói cách khác TW là giao điểm của hai trục ĐT và NB, nói cách khác TW là một hàm f(Đông, Tây, Nam, Bắc), hay TW đã hàm chứa âm dương. Nói cách khác Ngũ Hành là cách biểu diễn khác của Âm Dương, Ngũ Hành và Âm Dương là một.
Can Chi:
Vậy thế nào là Can và Chi ?
Nối tiếp phần trên, sau khi đã mô tả được không gian bằng ngũ hành. Cho ngũ hành lưu chuyển để mô tả thời gian. Bản khí phương Bắc lạnh, quy là thủy. Phương Nam nóng quy là hỏa. Phương Đông quy là mộc. Phương Tây quy là kim. TW quy là thổ. Từ lập luận phía trên có thể thấy Thổ là tập hợp của 4 khí còn lại.
Khí là a. Khí là gì ? Khí là sự tồn tại.
Phần khí động (chính là At mô tả bên trên) gọi là Can lưu chuyển 5 phương tạo nên 4 mùa, phần tĩnh đồng thời xuất hiện cùng với phần động gọi là Chi trụ ở 5 phương là điểm sinh ra, là điểm mốc của khí (chính là Ao mô tả bên trên). Do có sự lưu chuyển của khí mà tạo thành thời gian, thành 4 mùa.
Nhất khí lưu chuyển 5 phương dùng lưu ảnh tại 5 phương để mô tả nhất khí. Nên nhất khí có thể biến thành ngũ khí là Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ, nên tuy 5 nhưng là một khí lưu chuyển 5 phương mà ra.
Ngũ khí Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ để thỏa tính âm dương của chính nó (chính ngũ khí) nên có thập thiên can, trong đó Giáp là dương mộc, Ất là âm mộc, Bính là dương hỏa, v.v… đến Nhâm Quý. Vậy thập thiên can chẳng qua chỉ là âm dương của ngũ khí, là 10 lưu ảnh của nhất khí trên 10 thời điểm mà ra.
Chi là gì ? chi là 5 phương Đông Tây Nam Bắc TW ban đầu biến hình thành vòng tròn, để thỏa tính âm dương của 4 phương mà ra con số tối giản là 12, Thổ là sai số được cài vào 4 phương.
Chi là 5 phương tại thời điểm khai sinh ban đầu Ao của ngũ khí.
Lục thập hoa giáp là lưu ảnh chuyển động của thập thiên can trên thập nhị địa chi mà thành. Giáp Dần là khí dương mộc tại điểm Dần (phương khai sinh của Bính hỏa). Nên lục thập hoa giáp tưởng là ngũ hành kép nhưng thực chất cũng chỉ là ngũ hành đơn được mô tả trên 12 phương mà thành.
Giáp Ất tưởng là hai khí nhưng chỉ là âm dương của mộc khí mà thành.
Ngũ khí tưởng là 5 khí độc lập nhưng cũng chỉ là lưu ảnh của khí lưu hành ngũ phương mà thành.


Tóm lại nhất khí (sự tồn tại) lưu hành 5 phương hay nói cách khác lưu hành khắp vũ trụ mà thành can chi và lục thập hoa giáp.


Phần tới tôi sẽ trình bày tiếp cái lý của: Ngũ Dương tòng khí bất tòng thế, Ngũ Âm tòng thế vô tình nghĩa. Và ngũ hành nạp âm của lục thập hoa giáp.
Ngũ dương tòng khí bất tòng thế, ngũ âm tòng thế vô tình nghĩa:
Phần trước đã nói về lý Can động lưu chuyển khắp nơi tương sinh hình tròn tượng cho trời tròn, Chi tĩnh có 4 phương khác biệt không hoán chuyển không thay đổi mang thế vững chãi của đất tượng là hình vuông. Can Chi cùng sinh cùng diệt, vận chuyển hòa hợp mà sinh ra vạn vật. Vạn vật mang cái động của thiên can cái tĩnh của địa chi, thuận thế thì sống nghịch thế thì chết.
Ngũ khí tuy năm khí mà là một khí di chuyển biến hóa qua ngũ phương nên còn gọi là ngũ hành. Khi gọi ngũ khí tức là đã hàm chứa ngũ phương ở trong đó. Ngũ khí phần động là Can, phần tĩnh là Chi.
Trong ngũ can lại chia thành phần âm và dương gọi là âm can dương can, tuy âm dương nhưng là nhất khí. Phần dương do chuyển động sinh hóa mà thành. Giáp mộc sinh ở Hợi, lộc ở Dần nên sinh Bính hỏa, Bính hỏa sinh Mậu thổ, Bính Mậu đến Tỵ sinh Canh kim, Canh kim đi đến Thân mà sinh Thủy, Thủy đi đến Hợi mà sinh Mộc. Ngũ dương can do ngũ hành chuyển hóa tương sinh mà thành, do 5 phương luân chuyển mà nên, khí chuyển hóa hoàn toàn. Từ thủy vượng sinh mộc, mộc vượng sinh hỏa thổ, hỏa thổ vượng sinh kim, kim vượng sinh thủy. Cho nên nói: Ngũ dương tòng khí bất tòng thế là vậy.
Chi là phần tĩnh của nhất khí là mốc khai sinh ra nhất khí nên tàng chứa nhân tố để tạo thành can, còn gọi là các can tàng trong chi. Ngũ dương tòng khí nên tại Dần Tỵ Thân Hợi tàng chứa khí ngũ dương. Ngũ dương tàng trong chi luôn ở thế Trường Sinh, Lâm Quan.
Nhìn ngũ âm, lấy ví dụ Ất can âm mộc. Ất tàng trong Mão, Thìn, Mùi là những vị trí Đế Vượng, Suy, Mộ của Giáp tức dương mộc, tức phần dương của mộc. Như vậy Ất tàng chi tại các vị trí Giáp vượng nhất (Mão), sau khi Giáp cường vượng (Thìn), và khi Giáp nhập mộ. Chứ Ất không từ Nhâm thủy vượng sinh ra, Ất không từ Quý thủy vượng sinh ra như các chuyển hóa ngũ dương can phía trên. Cho nên nói: Ngũ âm tòng thế vô tình nghĩa. Thế ở đây là thế vượng thế quy tàng mộ của can dương đồng khí với nó. Tình nghĩa là chuyển hóa tương sinh ngũ hành. “Vô tình nghĩa” có nghĩa là: không do chuyển hóa tương sinh ngũ hành mà ra. Nói cách khác, ngũ dương tòng khí nghĩa là có tình nghĩa.
Đến đây thì bản chất âm dương của can lộ rõ. Dương đi trước thiết lập và do khí chuyển hóa mà thành, bất kể khí sinh ra nó có vượng, nó cũng không theo, có hóa thì mới có dương. Còn Âm xuất hiện khi dương cực. Theo Dịch Lý dương cực sinh âm, và âm cực thì sinh dương. Như vậy, một khí có hai phần âm dương. Phần Dương thể hiện thời xuất hiện, thời hành động, thời thịnh của khí đó. Phần Âm chính là mô tả thời suy thời quy tàng của khí. Dương chủ tán thì âm chủ hợp.
Nhậm Thiết Tiều đại ca bình chú Trích Thiên Tủy làm cho đàn em phía sau đọc mà phát chán. Mới đọc còn nghĩ đời sau giấu bài nhưng đọc đến phần Nhậm Thiết Tiều kêu oai oái vì sao Ất lại tử địa ở Hợi đất thủy vượng thì thấy thà không đọc bình chú còn đỡ nhầm, bất kể do Nhậm đại ca u tối hay đời sau chơi xấu. Ất mộc đâu do thủy sinh thành mà phải kêu oai oái vậy.
Lướt qua phần Luận Thiên Can thì thấy tinh thần dụng ý của Lưu Bá Ôn đại ca cho các can âm, rất rõ ràng: không ngại khắc chế, chỉ sợ thế yếu.


Giáp mộc tham thiên
Thoát thai yếu hỏa
Xuân bất dung kim
Thu bất dung thổ
Hỏa sí thừa long
Thủy đãng kỵ hổ
Địa nhuận thiên hòa
Thực lập thiên cổ.


Ất mộc tuy nhu
Khuê dương giải ngưu
Hoài đinh bão bính
Khóa phượng thừa hầu
Hư thấp chi địa
Kỵ mã diệc ưu
Đằng la hệ giáp
Khả xuân khả thu
Giả sử đây là nguyên bản, xem Lưu Bá Ôn đại ca dùng từ thế nào cho hai can âm dương. Với Giáp: tham, bất dung, bất dung, thực lập, toàn những động từ mạnh chủ động của can dương. Với Ất không thấy khắc, không thấy không tha, không thấy sáng lập chỉ thấy: khuê, giải, hoài, bão, khóa, thừa, và câu đằng la hệ giáp (buộc theo Giáp, gắn với Giáp) thể hiện rõ nhất “ngũ âm tòng thế”. Âm can cũng không có vị trí Kình Dương cũng là vậy.
Tóm lại Dương theo khí sinh ra, Âm theo Dương mà có, quy về đúng Dịch Lý.
Vậy mới thấy cách luận âm can dương can sinh khắc chế hóa thoải mái như nhau quả là kinh dị trong kinh dị.
Bổ sung thêm:
Vì sao người ta nói Dương Tử Âm Sinh, Dương Sinh Âm Tử, phía trên lại không nhắc đến. Thứ nhất, thuyết này nghe thì hay nhưng ngẫm ra không có cơ sở. Về Dịch Lý thì đúng vậy, nhưng là xét cho một cặp đôi âm dương sinh tử thuần túy, tức là không sinh thì tử không tử thì sinh. Nhưng hai vị trí Sinh và Tử trên vòng trường sinh thì không phải một cặp đôi âm dương hoàn toàn, mà chỉ là 2 trong 12 trạng thái của vòng trường sinh nên không thể hiện hoàn toàn Dịch Lý.
Hơn nữa, về Dịch Lý thì dương cực sinh âm âm cực sinh dương, tức dương chưa tử âm đã sinh trong dương và ngược lại. Âm và Dương không có ranh giới rõ rệt như sống chết. Ngoài ra, dụng Trường Sinh của can âm cần lưu ý thủ pháp khác biệt với can dương.
Bổ sung:
Ngũ hành tương sinh, sinh thành, sinh hóa, hay sinh mà không sinh
Năm xưa đọc sách thấy ngũ hành tương sinh Kim Thủy Mộc Hỏa Thổ tuần hoàn, trong đầu đột nhiên có ý nghĩ phải tìm điểm khởi nguyên của ngũ hành, hành nào có trước sau đó mới sinh ra các hành khác. Sau này trong 0.93 sát na đốn ngộ ra rằng 5 hành cùng sinh cùng diệt chuyển hóa không ngừng nhưng không có trước sau đầu cuối tạo thành thế viên mãn của tự nhiên vậy, rồi từ đó tiệm ngộ ra vô số chiêu thức, đao chiêu lệ không hư phát liên miên bất tuyệt như dòng thời gian vậy.
Vậy vì sao người xưa nói rằng: Thiên nhất sinh Thuỷ, Địa lục thành chi, Địa nhị sinh Hỏa, Thiên thất thành chi, Thiên tam sinh Mộc, Địa bát thành chi, Địa tứ sinh Kim, Thiên cửu thành chi, Thiên ngũ sinh Thổ, Địa thập thành chi. Đọc lời vậy mà đi theo lời như vậy thì không tài nào hiểu nổi ý người xưa.
Trước tiên, quay lại vì sao có thứ tự thủy trước rồi hỏa rồi mộc rồi kim, năm xưa theo dòng sinh khắc ngũ hành luận mãi không ra, sau này mới biết lúc này ngũ hành chưa có sinh khắc. Ngũ hành mô tả 5 phương, có mặt đất là có 5 phương, 5 phương cùng xuất hiện, không phương nào trước sau. Nhưng dòng thời gian tuôn chảy không ngừng, nếu để 5 phương đứng yên cứng đơ thì không thể mô tả được cái gì, yêu cầu bức thiết phải đưa thời gian vào thể hiện sự thay đổi của 5 phương, thời gian đại diện là thứ tự trước sau, nên phải đặt thứ tự cho ngũ phương để mô tả vậy. Do đó mà có số 1. Còn vì sao 1 quy cho thủy hoàn toàn là yếu tố kỹ thuật. Nếu có đầu tiên 1 trong 5 phương phải là đầu tiên. Phương nào làm đầu không thay đổi bài toán, vấn đề là đặt tiền đề một cách hợp Lý, nên không bàn ở đây.
Từ Thiên nhất sinh thủy, nhảy ngay sang Địa lục thành chi càng không hiểu gì. Từ từ quay lại thứ tự rồi mới thấy: từ 1 thủy đi đến 2 hỏa đến 3 mộc đến 4 kim, khi đó đầy đủ khí của 4 phương đã xuất hiện. Đây gọi là lúc Sinh. Bốn phương khi đó mới quy về trung ương gọi là nhập Thổ, sau khi nhập Thổ mới Thành. Sau khi nhập thổ Khí mới thành Chất, Thể mới thành Dụng. Sau khi nhập thổ mới có 6 7 8 9, 4 phương hình thành. Vậy mới có thể hiểu.
Lưu ý là thưở này ngũ hành đã thành nhưng vẫn chưa có sinh khắc. Thổ đóng vai trò TW, đóng vai trò cơ sở sản xuất chung cho cả 4 khí thành 4 chất. Không chỉ Hỏa khí quy tàng ở Thổ mà toàn bộ 4 khí đều quy tàng ở Thổ. Vì nhu cầu biểu diễn ngũ hành theo vòng tròn tuần hoàn mới đặt ra sinh khắc. Khi đưa thổ từ TW vào vòng tròn, lập tức có sinh khắc luân chuyển, nhưng cũng đồng thời với việc đó mà Thổ thành sai số của ngũ hành, Thổ thành sai số của 4 phương.
Cho nên sau này khi hậu học luận sinh khắc ngũ hành thỉnh thoảng lại gặp ngoại lệ, phải đặt là phản sinh phản khắc ngoại sinh ngoại khắc là vậy. Vì sinh khắc không phải bản chất của ngũ hành mà là mô tả tuần hoàn của ngũ hành. Bản chất của ngũ hành là 4 phương và TW.
Sai số sinh khắc này về sau thể hiện trên vòng 12 địa chi tại vị trí Hỏa Kim, theo bốn phương luân chuyển Đông Nam Tây Bắc thì sau Nam đến Tây không trái với tự nhiên, nhưng sau Hỏa đến Kim là sai lý tương sinh ngũ hành, nên mới có biệt lệ phải chấp nhận Kim Trường Sinh ở đất Hỏa là vậy. Đây là ngoại lệ duy nhất của nhà Ngũ Hành, cha mẹ (Thổ) đi vắng (về TW) mà ông bà (Hỏa) phải chăm sóc con cháu (Kim) vậy.
Bản chất âm dương của thiên can
Quay lại phần Sinh Thành để nói lên bản chất âm dương của Thiên Can. Nói ngắn gọn, 10 con số từ 1 đến 10 chính là 10 thiên can (tạm bỏ qua vấn đề thứ tự ở đây). Khí một phương phải do sinh rồi mới thành. Thiên can mô tả khí nên cũng phải sinh rồi mới thành, nên thiên can phải chia thành âm dương hai phần, phần đại diện cho sinh và phần thể hiện thành. Vậy bản chất âm dương của thiên can là SINH và THÀNH chứ không phải sinh tử sinh diệt. Phần Sinh là dương can, phần Thành là âm can. Nên dương can tòng khí, chủ động sáng lập 4 phương, sau đó quy tàng về thổ mà thành chất là âm can. Âm can xuất hiện do dương can quy tàng thổ mà có chứ không phải đợi dương can chết đi mới có. Âm Dương ở đây là SINH THÀNH chứ không phải SINH TỬ, là KHÍ THẾ chứ không phải SINH DIỆT.
Nhìn lại 12 chi tàng can thì thấy rõ biểu hiện này. Đất tứ mộ ngoài Mậu Kỷ sai số của thổ đặt vào còn lại tất cả đều chứa âm can, tức phần THÀNH của khí, phần TĨNH của khí, phần DỤNG của khí. Khí đã nhỏ đi mà thành Chất.
ẢO VÔ CỰC
Bản nhạc nghe kèm siêu phẩm ẢO VÔ CỰC: He’s a pirate.
1. Bất khả định nghĩa:
Nghe âm dương quen quen, nhiều sách vở nhắc đến, nay định nghĩa xem âm là cái gì, dương là gì mà được nhắc đến nhiều như vậy, là gì mà được coi là thành tố cơ bản của vạn vật. Loay hoay một lúc mới thấy không định nghĩa được, vì sao ? Vì không rõ âm là gì dương là gì mà định nghĩa. Hơn nữa, muốn định nghĩa phải dùng các khái niệm khác như: số chẵn là số chia hết cho 2. Muốn định nghĩa “số chẵn” phải viện đến các khái niệm : “chia hết” và “2”. Nhưng âm dương đã là khởi thủy của muôn vật thì làm gì còn cái gì có trước nó để định nghĩa nó. Nên âm dương là bất khả định nghĩa và được dùng như một tiên đề.
2. Gán tên âm dương:
Nếu gọi đây là bánh mỳ, ta hiểu ngay vì bánh mỳ là tên gọi tuyệt đối. Bánh mỳ không vì bánh bao mà xuất hiện, bánh mỳ không vì bánh chưng mà biến mất. Nhưng âm vì dương mà tồn tại, âm vì dương mà biến mất. Âm vì giấc mơ A me di ca mà ra đi bỏ dương tại ga Tokyo trong mưa tuyết lạnh lùng. Nếu gọi bất cứ sự vật nào là âm hay dương, ta thấy ngay sự vô nghĩa của cách gọi này. Ví dụ: A là âm. ok man, A là âm thì sao ? thì A phải mang các thuộc tính âm như mềm lạnh ngắn v.v… ok, vậy sao anh biết A là âm ? vì tôi thấy A mềm mà mềm là âm nên tôi gọi A là âm. Vậy sao anh không gọi A là mềm cho nhanh ? tôi chịu thôi, hỏi gì mà ghê. Cho dù có thêm B. A nóng B lạnh. Nói A dương còn B âm. Vậy sao không nói ngược lại ? A âm còn B dương, đơn giản là quy ước bất khả chứng minh. Đến đây thì thấy ngay sự vô nghĩa khi gọi Mệnh là âm còn Thân là dương và ngược lại. Âm thì sao Dương thì sao ? Là động tĩnh thì gọi là động tĩnh cho nhanh còn hiểu được. Là trước sau thì gọi trước sau cho nhanh còn hiểu được. Nhưng tôi gọi âm dương để bao hàm mọi thuộc tính của âm dương cho mệnh thân. Có chắc mệnh thân bao hàm mọi thuộc tính của âm dương không ? vì sao ? Có biểu hiện thì mới có ứng dụng còn gọi chung chung chỉ vô nghĩa.
3. Sự tương đối của âm dương:
a/ Vì sao trong âm có dương trong dương có âm:
Vì hai chiều không gian và thời gian là tương hỗ. Ví dụ âm dương của thời gian có 4 mùa, ví dụ âm dương về không gian có trong ngoài trên dưới.
Giả sử trong âm không có dương và ngược lại. Áp dụng luật dương cực sinh âm và âm cực dương sinh sẽ thấy. Nếu coi hai con cá âm dương trong đĩa có thể phình to về thể tích. Cái con cá cùng phình to phình to cuối cùng đến cực điểm thì bụp một cái cá đen chuyển thành cá trắng và cá trắng chuyển thành cá đen. Điều này thứ nhất phá vỡ tổng thể âm dương vì cùng phình to, thứ hai phá vỡ tính liên tục của âm dương vì các bước chuyển âm dương xảy ra tức thì.
Nếu hai con cá âm dương trong đĩa không phình to mà lặng lẽ chuyển hóa tức biến đổi theo thời gian. Vì trong âm không có dương và trong dương không có âm nên chuyển hóa chỉ xảy ra ở khu vực biên giới âm dương. Khi dương chuyển hóa thành âm thì âm cũng phải chuyển hóa thành dương dẫn đến việc biên giới bắt đầu xoay, vùng đen dần dần thành vùng trắng và vùng trắng dần dần thành vùng đen. Cách chuyển biến này đảm bảo tính liên tục nhưng thực ra âm dương không biến hóa về bản thể mà xoay tít thay đổi như chong chóng. Nói cách âm không chuyển hóa thành dương mà thay đổi vị trí tương ứng với dương.
Cho nên trong âm cần có dương và ngược lại vì khi chấp nhận trong dương có âm trong âm có dương thì diễn hóa âm dương có thể diễn ra tại bất cứ nơi đâu trong âm và dương chứ không còn giới hạn ở đường biện.
b/ Vì sao âm dương không thể phân biệt rạch ròi:
Âm dương không thể phân biệt rạch ròi vì phải biến hóa, đơn cử một ví dụ của không gian vật chất:
Giả sử âm và dương là hai phần tử rời rạc tuyệt đối như hạt vật chất hoặc nóng và lạnh. Khảo sát tính chất trong âm có dương và trong dương có âm, không gian thời gian tương đương nhưng để dễ hình dung tôi chọn không gian để biểu diễn. Bất cứ hạt vật chất nào cũng có thể phân chia thành các hạt vật chất nhỏ hơn. Điều này phá vỡ tính nguyên thủy của âm dương, tức là không có nguyên thủy. Nếu chấp nhận thế giới vật chất là hữu hạn không thể chia nhỏ vô tận thì âm và dương không thể phân biệt rành mạch như hai hòn bi mà phải chấp nhận âm không hoàn toàn âm và dương không hoàn toàn dương tức là chẳng có âm rõ rệt mà cũng không có dương rõ rệt. Chính tính chất trong âm có dương trong dương có âm này của âm dương xóa sổ sự tuyệt đối rạch ròi của âm và dương.
Có cách hiểu khác với từ “trong”: “trong” không được hiểu là “hàm chứa”, “cấu tạo nên” hay bất cứ ngôn từ nào có ý nghĩa chứa đựng của không gian vật chất. Vậy cũng ok, vì nếu “trong” không được hiểu bằng ngôn từ của không gian vật chất rạch ròi như: hòn bi, cát, vàng, gạch, ngói, v.v… thì “trong” không thể biểu diễn cho không gian vật chất rạch ròi. Nói cách khác: khi nói trong âm có dương thì lập tức âm và dương không còn là vật chất rạch ròi.
4. Sự tương đối của vô cực:
Từ vô cực thành phân cực mà có âm dương, theo thuyết âm dương thì có đi cũng phải có lại ngay lập tức có bước chuyển từ âm dương về vô cực. Hai bước chuyển ngược chiều này lập thành một cặp âm dương. Như trên ta đã nói âm không hoàn toàn âm và dương không hoàn toàn dương hay nói cách khác hai bước chuyển này không thể phân biệt rõ ràng. Cho nên trạng thái vô cực là một trạng thái tương đối.
Giả sử hai bước chuyển được phân tách rõ ràng. Và trạng thái vô cực tồn tại một cách trọn vẹn và độc lập với trạng thái âm dương. Xét trạng thái vô cực, khi đó không có âm dương, không có không gian cũng chẳng có thời gian. Nhưng nói vậy rất khó tưởng tượng nên tôi sẽ thiết lập lại trạng thái vô cực.
Trạng thái vô cực không có nghĩa là không có gì, ngược lại trạng thái vô cực là trạng thái đồng nhất, không có sự phân biệt. Toàn bộ không gian tại mọi vị trí là như nhau về vật chất. Hai điểm bất kì trong trong gian là giống nhau. Khi không gian giống nhau thì thời gian cũng không thể phân biệt nên cũng không có thời gian, vì thời khắc này và thời khắc khác đâu có gì khác nhau mà phân biệt. Không gian này dẫn đến một hệ quả là không có giới hạn. Vì giả sử không gian này có giới hạn thì giới hạn sẽ trở thành tiêu chuẩn để phân biệt các điểm trong không gian mà có xa gần.
Từ không gian này xét bước chuyển ngược lại trạng thái phân cực tức là có âm dương. Nếu không có một xung lực tạo ra sự khác biệt ban đầu thì không gian vô tận đó mãi mãi không thay đổi nên không thể trở thành trạng thái phân cực. Còn nếu có xung lực thì xung lực đó ở đâu mà ra trong không gian đồng nhất như vậy.
Để giải quyết vấn đề này có hai cách: một là không tồn tại trạng thái vô cực một cách rõ rệt so với trạng thái âm dương, hai là vũ trụ cực kì rộng lớn nhưng có giới hạn, vùng trung tâm vũ trụ có thể coi là vô cực vì quá xa vùng biên, nếu trường hợp này tồn tại thì trạng thái vô cực cũng chỉ tồn tại ở trung tâm của vũ trụ tức là vô cực tương đối. Cả hai trường hợp đều dẫn đến vô cực tương đối.
5. Sự tương đối về quá khứ và tương lai:
Có một điểm cực kì thú vị là chúng ta đang đứng ở hiện tại về mặt thời gian, trước chúng ta là quá khứ và sau chúng ta là tương lai. Mới nhìn, chúng ta không thể quay về quá khứ nhưng có vẻ như chúng ta đang tiến về tương lai một cách tự do như chúng ta trèo cầu thang để lên tầng 2. Nghĩ lại mới thấy, kinh dị hơn cả phim kinh dị là chúng ta không hề được bước về tương lai một cách tự do như di chuyển không gian. Không thể nhẩy cóc sang ngày mai ngày kia hay năm tới. Kì thực chúng ta đang đứng yên về mặt thời gian. Thuyết không gian bốn chiều tưởng chừng bế tắc vì không thể ngược chiều thời gian nhưng đến đây chúng ta thấy rằng không có gì xuôi mà cũng chẳng có gì ngược. Đơn giản là chúng ta đang đứng im. Áp thuyết âm dương vào đây còn thấy kinh dị hơn. Coi quá khứ là âm thì tương lai là dương không cần bàn cãi nhưng chúng ta đang đứng ở đâu. Chúng ta ở hiện tại tức là chúng ta đứng giữa âm và dương. Thật kì lạ, ngoài âm và dương lại còn có một trạng thái là giữa âm và dương. Điều đó lần nữa khẳng định âm và dương không hề tuyệt đối.
6. Giới hạn ngôn từ:
Khi đặt ra hai từ “âm” và “dương” để gọi âm dương. Về mặt ngôn từ, từ “âm” hoàn toàn khác từ “dương” nhưng như trên ta thấy âm và dương là hai trạng thái không thể phân biệt rạch ròi. Điều đó cho thấy hai từ “âm” và “dương” không mô tả chính xác cái mà nó cần mô tả. Hay nói cách khác, khi gọi tên thì âm dương đã không còn là âm dương nữa rồi. Giới hạn về ngôn từ là một ví dụ cho thấy giới hạn khi muốn cụ thể hóa hay muốn tính toán âm dương. Biểu thức hóa hay tính toán âm dương đều mang đến kết quả không chính xác như đời thực nhưng vẫn có ý nghĩa về mặt lý thuyết. Nói cách khác, về lý thuyết có thể biểu diễn trạng thái vô cực bằng phương trình nhưng phương trình đó chỉ chính xác tương đối trong thực tế.
Thêm một ví dụ về giới hạn của ngôn từ: Con gà đẻ ra quả trứng, quả trứng lại nở ra con gà. Vậy con gà hay quả trứng có trước ? Có người hỏi ngược lại: từ khi nào con gà được gọi là con gà ? từ khi nào quả trứng được gọi là quả trứng ? Người hỏi trước ngơ ngác: từ khi nào nhỉ ? từ khi nào con gà được gọi là con gà vì nó vốn từ trứng ra thời điểm chính xác nào nó thành gà mà không còn là trứng ? từ khi nào quả trứng được gọi là quả trứng ? Oh come on man. Từ khi nào âm được gọi là âm, từ thuở nào dương được gọi là dương ? Từ khi nào tôi được gọi là tôi ? Từ khi nào được gọi là khi nào ?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *