Untitled Post

Bí ẩn khu mộ cổ ở Năm
Căn
Tài liệu xưa xác định lưu dân đặt chân khai phá ở mạn
Bắc Cà Mau cách nay hơn 300 năm. Cùng với đó, việc phát hiện khu mộ táng Năm Căn
ở phía Nam tỉnh Cà Mau có niên đại ước tính 300 năm đến nay vẫn còn là điều bí
ẩn…
Nghĩa địa cổ
Năm 1992, khi xây dựng Tượng đài Khởi nghĩa Hòn Khoai và
khách sạn Công đoàn ở đoạn gần ngã ba sông Cửa Lớn – sông Kênh Tắc (thị trấn
Năm Căn), đơn vị thi công đã làm phát lộ nhiều lớp hài cốt chồng lên nhau (tầng
văn hóa). Nhóm nhân công giải phóng mặt bằng đưa lên và chở đi 2 xuồng chứa đầy
sọ người đem chôn nơi khác.  
Nhận định đây là di chỉ cần nghiên cứu, năm 1997, Bảo
tàng tỉnh Cà Mau đã đề nghị Viện Khoa học Xã hội TPHCM (Viện KHXH) giúp đỡ việc
khảo sát di tích, di vật.
Đoàn công tác sau đó đã khảo sát, lấy hiện vật giám định
và tổ chức tọa đàm khoa học. Báo cáo khoa học cho thấy, hiện trường di tích khu
mộ cổ rất rộng. Phần mộ táng tập trung trong khoảng 10.000m2, nhưng khu vực có
di vật bị bể vỡ, rải rác trên diện tích 350m x 300m (105.000m2). Cán bộ khảo cổ
học trong đoàn khảo sát đưa ra nhận định ban đầu là niên đại khu di tích này có
từ 350- 400 năm trước.
Ở tầng cải táng trên cùng, có hàng trăm mộ chum khạp
(hình dáng nửa chum, nửa khạp) chôn ở độ sâu 0,5m. Khi nước sông cạn, có nhiều
mộ khạp lộ thiên. Mộ chum khạp chôn cách khoảng đều đặn, thẳng hàng theo hướng
Bắc – Nam. Ở tầng này hài cốt được chứa trong chum khạp tròn, có đường kính
miệng từ 30-35cm, đáy từ 28-32cm, chiều cao từ 50 – 55cm. Đa số còn nắp, được
gắn với thân bằng chất dính giống như vữa hồ xây dựng. Khạp được xác định là
loại gốm bán sành sản xuất ở Bình Dương. Đây là hình thức cải táng (chôn lại lần
2).
Hài cốt bên trong đều của người trưởng thành, được sắp
đặt cẩn thận theo hai cách. Hộp sọ ở dưới cùng, các xương chi lớn và xương thẳng
xếp đứng hoặc xiên, các xương nhỏ còn lại xếp xung quanh. Hoặc xương chi, lớn
xếp dọc trước, xương nhỏ xếp sau, trên cùng là hộp sọ. Mỗi chum khạp chứa một bộ
xương đầy đủ.
                             Lu khạp chứa hài cốt đang
được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Cà Mau.
Tầng địa táng thứ hai nằm ở độ sâu khoảng 1m. Đây là
tầng có các hài cốt đựng trong quan tài, nhưng qua thời gian lâu ngày, phần gỗ
đã mục nát. Tầng địa táng thứ ba ở độ sâu khoảng 1,5m, phát hiện hài cốt có kích
cỡ xương ống lớn hơn. Xương mục nát nhiều do lâu ngày bị phân hủy. Tầng này
không phát hiện dấu tích hòm quách. Ở cả 3 tầng đều không tìm thấy hiện vật tùy
táng.

Bảo tàng tỉnh Cà Mau lúc đó đã mang về một mộ chum khạp
còn đầy đủ xương cốt, hiện đang được bảo quản nguyên vẹn.

Giám định khoa học bước đầu
Viện KHXH khi đó mang về TPHCM 1 chum khạp để đo đạc,
giám định xương. Kết quả cho thấy đây là xương của người đàn ông, độ tuổi 20 –
30, còn đủ răng (trắng). Theo bác sĩ Phan Bảo Khánh (Phó chủ nhiệm Khoa giải
phẫu, Trường Đại học Y – Dược TPHCM, thành viên trong đoàn khảo sát) đã xác định
xương thuộc chủng người Việt cổ (Ê Đê, Ba Na) hoặc Indonésien.  
Viện KHXH đánh giá rất cao về phát hiện này. Đây là di
tích khảo cổ học lịch sử đích thực. Di tích có mật độ mộ dày, nơi mai táng của
một cộng đồng lớn, phân bố trên diện tích rộng có khả năng thu nhận hàng ngàn
cốt sọ. Đây là bộ sưu tập sọ người lớn nhất ở Việt Nam và Đông Nam Á. Phần kết
luận trong báo cáo của Viện KHXH ghi: “Ngoài giá trị nghiên cứu về hình thái
người, về nhân chủng học, bệnh lý học, chúng còn cung cấp tư liệu mới và hiếm
cho việc nghiên cứu đầy đủ về văn hóa, xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng và tư duy
mai táng của tiền nhân, những lớp người đầu tiên khai phá, chiếm cư, sinh tụ và
lao động sáng tạo văn hóa rồi yên nghỉ vĩnh viễn ở Năm Căn. Niên biểu của các
hoạt động dài lâu ấy, chúng tôi tạm ước định khoảng từ 2 đến 3 thế kỷ trước…
Báo cáo này chỉ nhằm khắc họa giá trị khoa học nhiều mặt của di tích khảo cổ học
lịch sử đã bị phá hủy nhiều và có khả năng bị hủy hoại hoàn toàn”.
Đi tìm lời giải 
Chúng tôi tra tìm các thông tin, tư liệu liên quan đến
chủng người Ba Na, Ê Đê và Indonésien cho thấy:
Về chủng người Ba
Na:
 Trước đây, tài liệu của Viện KHXH
TPHCM đã xếp tộc người Ba Na thuộc cộng đồng cư dân (và ngữ hệ) Môn – Khmer gồm
21 dân tộc ở Việt Nam hiện nay. Nhóm Ba Na Bắc gồm các tộc người Ba Na, Giẻ
Triêng, Xơ Đăng, Co, Hrê, Brâu, Rnăm có mặt ở vùng Tây Nguyên rất sớm. Nhóm Ba
Na Nam gồm các tộc Kơho, Mạ, Mnông, Xtiêng, Chơro (thường gọi nhóm
M’nông).
Về chủng người Ê Đê: Người Ê Đê ở Việt Nam nằm trong nhóm các tộc người sử
dụng ngôn ngữ Malayo – Polinesian, từng sống trên khắp vùng Đông Nam Á. Có nhiều
giả thiết cho rằng người Ê Đê ở Việt Nam có nguồn gốc xa xưa ở Mã Lai, Đông Nam
Á hải đảo. Người Ê Đê có hình dáng bên ngoài rất giống với người Indonesia,
Philippines và Malaysia hiện nay.
Về chủng người Indonésien: Theo một số tài liệu tin cậy thì người Pháp viết và gọi
tên như trên, nhưng ở Việt Nam còn có tên gọi khác là chủng người cổ Mã Lai. Họ
từng cư trú trên toàn bộ địa bàn Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam). Phía Bắc địa
sinh sống tới sông Dương Tử, phía Tây đến Ấn Độ, phía Đông tới Philippines và
phía Nam tới các đảo của Indonesia và vùng Nam Đông Nam Á hải đảo.
Chúng tôi chưa thấy tài liệu nào nói đến người Ba Na,
người Ê Đê cư trú ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Riêng ở vùng Năm Căn trước nay
cũng chưa từng có phát hiện nào về công trình nhà ở, tư liệu, công cụ sản xuất,
sinh hoạt, tín ngưỡng của lớp cư dân cổ đã sống ở thời điểm tương ứng 300 về năm
trước. Vậy di cốt của cộng đồng người nào với số lượng hài cốt lớn? Vì vậy nơi
đây đang chứa đựng nhiều bí ẩn, cần nghiên cứu và có lời giải đáp.
Trong khi đó, thông tin từ tiến sĩ Phạm Văn Tú (nguyên
giảng viên Trường Trung cấp Văn hóa – Nghệ thuật tỉnh Cà Mau) cho biết, vào năm
1942, viên cai quản tỉnh Bạc Liêu (người Pháp) có ra lệnh giải tỏa mặt bằng để
xây dựng chợ (khu vực Nhà máy Chế biến thủy sản đông lạnh hiện nay) nên đã cho
di dời hàng trăm hài cốt về khu vực vừa xây dựng tượng đài và khách sạn Công
đoàn để chôn lại. Người dân ở đây đã đặt mua chum khạp ở lò gốm Lái Thiêu để
chứa hài cốt. Còn xương cốt của người xưa thì những người lớn tuổi nhất ở Năm
Căn cũng không ai biết. Do đó, việc giải mã bí mật này chỉ có cơ quan nghiên cứu
khoa học mới giải đáp được.

Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Cà Mau Hồ Văn Khải cho biết,
sau khi phát hiện, UBND tỉnh đã có ý kiến chỉ đạo việc xúc tiến khoanh vùng, lập
dự án quy hoạch, bảo vệ. Nhưng thực tế công việc bảo vệ di tích khảo cổ học này
gặp nhiều khó khăn. Hiện nay trong khu vực đã xây dựng nhiều công trình dân
dụng, dân sinh nên khu mộ cổ đã bị vùi lấp gần hết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *