Vinh danh Thực hành Tín ngưỡng Tam phủ của người Việt: Để tín ngưỡng lan tỏa lành mạnh

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được biết đến là hình thức thờ cúng người Mẹ hóa thân ở các miền trời, sông nước, rừng núi, hình thành trên nền tảng của tín ngưỡng thờ Nữ thần.
Theo hồ sơ Việt Nam trình UNESCO, tín ngưỡng này đã hình thành ở Việt Nam từ thế kỷ 15, việc thực hành tín ngưỡng rất phổ biến trong các cộng đồng người Việt ở các vùng Tây Bắc, Đông Bắc, châu thổ Bắc Bộ, Bắc Trung bộ và nhiều địa phương khác.

Riêng tại Nam Định hiện có khoảng gần 400 địa chỉ gắn với tín ngưỡng này, trong đó lớn nhất, quy mô nhất, hình thành sớm nhất là Quần thể di tích Phủ Dầy thuộc xã Kim Thái, huyện Vụ Bản. Việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt bao gồm các nghi lễ cúng bái và nhiều hoạt động khác được tổ chức trong nhiều lễ hội. Trong các nghi lễ cúng bái, nghi lễ chầu văn (hầu đồng, hát văn) là một trong những nghi lễ chính, nghi lễ trung tâm, được biết đến là một hình thức diễn xướng (tích hợp nhiều giá trị nghệ thuật, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, từ âm nhạc đến thời trang, hát múa…) thể hiện đức tin về sự giáng nhập của các vị thần linh.

Một giá đồng tại Phủ Dầy

Thông qua hình thức diễn xướng này, những người thực hành tín ngưỡng tin rằng họ có thể giao tiếp được với các vị thần để gửi gắm những mong muốn, khát vọng của mình thông qua các thanh đồng – người đóng vai trò trung gian giữa con người và thần linh. Trong các lễ hội, việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu cũng được nhiều cộng đồng, địa phương thể hiện thông qua nhiều hoạt động mang nhiều giá trị văn hóa, ý nghĩa tâm linh khác. Như ở Lễ hội Phủ Dầy (Nam Định), diễn ra vào tháng 3 âm lịch hằng năm không khi nào thiếu hai hoạt động biểu diễn “Hoa trượng hội” (xếp chữ) và nghi lễ rước Mẫu lên chùa thỉnh kinh, do cộng đồng địa phương thực hiện…

Làm sao để tín ngưỡng thờ Mẫu sau khi được vinh danh được phát triển, lan tỏa một cách lành mạnh? Dùng hình ảnh “ngựa phải có dây cương”, ông Nguyễn Văn Thư – Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định, thành viên tham gia giúp tỉnh Nam Định chuẩn bị hồ sơ trình UNESCO, cảnh báo: không nên hiểu việc tín ngưỡng được thế giới vinh danh như là việc được cấp thẻ hành nghề hầu đồng để rồi khắp nơi tổ chức hầu đồng, đưa hầu đồng ra cả nhà văn hóa, lên sân khấu. “Chầu văn (hầu đồng) là một nghi lễ thực hành tín ngưỡng và không phải ai cũng có thể thực hành được, nói như dân gian thì phải là những người có “căn quả” mới có thể “bắc ghế hầu thánh”.

Liên quan đến việc một số đơn vị nghệ thuật tổ chức trình diễn các giá hầu đồng trước công chúng, ông Thư nhìn nhận: Việc sân khấu hóa, cách điệu hóa hầu đồng với mục đích giới thiệu, quảng bá văn hóa là cần thiết, nhưng không được mập mờ giữa việc trình diễn, sân khấu hóa và việc thực hành tín ngưỡng

Cùng mối bận tâm này, ông Trần Vũ Toán – Thủ nhang Phủ Nguyệt Du Cung (Quần thể Phủ Dầy – Nam Định) chia sẻ: “Thực hành tín ngưỡng là việc làm cả đời không hết, cần sự thực tâm khi đến với Thánh. Có người sẵn sàng bỏ tiền, cả trăm triệu đồng để tổ chức những giá đồng, mua vui nơi đền phủ. Sau những lần “bốc đồng” như vậy lâm cảnh nợ nần, gia cảnh lục đục, quay sang oán thán, đổ lỗi cho Mẫu. Nếu thực tâm, chỉ với vài quả quýt cũng có thể ngồi hầu Thánh, hầu đồng cả buổi”. Nhìn nhận sau khi tín ngưỡng thờ Mẫu được thế giới tôn vinh, chắc chắn sẽ có thêm nhiều người, cả người nước ngoài tìm đến những địa chỉ như Phủ Dầy đây để tìm hiểu, thực hành ông Toán mong muốn thời gian tới nhà nước, chính quyền địa phương cần quan tâm đầu tư mở rộng, nâng cấp hệ thống hạ tầng để việc phục vụ được tốt hơn. Với điều kiện hạ tầng như ở Phủ Dầy hiện nay, theo ông Toán là rất chật hẹp. Ông cũng mong muốn nhà nước, chính quyền địa phương cần quan tâm, chú trọng khâu tuyên truyền, quảng bá di sản, trong đó tại một quần thể lớn như Phủ Dầy cần bố trí những hướng dẫn viên chuyên nghiệp. “Nhà đền chúng tôi vẫn thường làm việc giới thiệu, hướng dẫn. Nhưng việc chính của chúng tôi là lo việc “dầu đèn”, không thể làm tốt việc giới thiệu, quảng bá được, mà cần phải có sự chuyên nghiệp”, ông Toán nhìn nhận.

Cũng cần phải nói thêm, các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng đều phải được đặt dưới sự quản lý của nhà nước. Tuy nhiên, theo nhìn nhận của ông Trần Văn Chung – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nam Định, công tác quản lý nhà nước ở Quần thể di tích Phủ Dầy lâu nay còn nhiều hạn chế. Tại đây vẫn tồn tại những mâu thuẫn, xung đột về lợi ích giữa một số đền phủ, giữa các đền phủ và chính quyền địa phương. “Nguyên do nằm ở vấn để lợi ích. Ở di tích Đền Trần, địa phương đã thành lập riêng ban quản lý; các khoản thu chi đều được thực hiện theo quy định, bao nhiêu nộp vào ngân sách, bao nhiêu dùng để tu bổ di tích đều theo quy định, nhờ vậy Ban quản lý hoạt động rất nền nếp, hiệu quả. Tuy nhiên, khi tỉnh áp dụng mô hình quản lý này ở Phủ Dầy, ban hành quy chế quản lý thì có việc phản ứng của người dân”, ông Chung cho hay. Trên thực tế, đến nay, chính quyền tỉnh vẫn chưa thể thành lập được Ban quản lý ở quần thể di tích Phủ Dầy.

Trần Duy Hưng

Theo Đại Đoàn Kết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *