CHUYỆN HUYỀN BÍ KIM CỔ SƯU TẦM . BÀI 11

MỘT
SỐ TƯ LIỆU VỀ HOÀNG CAO KHẢI.

( Tiếp
theo )

Hoàng
Cao Khải – Phan Đình Phùng .

Nhắc đến
Hoàng Cao Khải không thể không nói tới Phan Đình Phùng và ngược lại – hai con
người cùng thời đại, cùng quê, có quan hệ họ hàng, nhưng đối lập nhau về lí
tưởng. Một người vương giả hiển vinh, một người vì lí tưởng mà mồ mả tổ tiên bị
quật lên, rồi sau này chính thân xác chính mình cũng bị thiêu thành tro, trộn
với thuốc súng bắn xuống dòng sông La

 Trích từ Việt Nam Thư
Quán….

Người hạ bút viết
bức thư khuyên nhủ Phan ra hàng, chính là người đồng hương, đồng thời với cụ,
lại có tình thông gia với nhau nữa: ông Hoàng Cao Khải.

Lúc này họ Hoàng đang làm Bắc kỳ Kinh lược sứ tôn nghiêm
hiển hách; người Pháp gọi là “phó vương” (vice roi). Thiếu gì người làng Đông
Thái muốn tránh hoạ phải chạy ra Bắc, núp dưới bóng che chở và đầu thân làm môn
hạ của họ Hoàng, ngay đến người trong thân tộc cụ Phan cũng
có. 

Xuất thân chỉ là một thầy cử nhân
đậu trẻ, rồi ở nhà nhàn cư vô sự, cờ bạc chơi bời, đến đỗi bán hết gia viên điền
sản, chỉ còn một nước tự tử đến nơi, họ Hoàng bỏ nhà đi ra Bắc hà, gặp được
người tri kỷ, rồi cỡi voi đánh giặc, tuỳ thế lập công danh, thấm thoát không mấy
năm mà làm tới kinh lược, phong tới Quận công, ai cũng phải chịu là người có tài
lớn.  

Nếu cụ Phan là anh hùng muốn tạo
lại thời thế mà tạo không được, thì họ Hoàng chính là anh hùng bởi thời thế tạo
ra. 

Cùng thời, cùng làng, hai người đi
khác hẳn con đường chí hướng, mà cùng đến chỗ cực đoan, cùng có tên tuổi lớn
trong lịch sử. Đối với thời thế, mỗi ông là một đại biểu cho một trào lưu tư
tưởng hành vi của Việt Nam: có họ Hoàng nên khí tiết họ Phan càng rõ rệt, có họ
Phan nên sự nghiệp họ Hoàng càng vẻ vang, ấy là một chỗ sắp đặt của lịch sử éo
le khôn khéo lắm vậy. 

Cuối tháng 10
năm Giáp Ngọ, Hoàng Cao Khải viết thư rồi sai chính người nội đệ (em vợ) mình
vừa là ông anh con nhà bác của cụ Phan là Phan Văn Mân đêm lên núi Vụ Quang.
Không ai khác hơn ông này mà dám lĩnh mệnh đi sứ, nhất là đi sứ chiêu hàng, vì
nếu người khác chắc là nghĩa binh làm thịt.
 

Mặc lòng là bà
con thân quyến, Phan Văn Mân phải trải nhiều lớn gian nan nguy hiểm mới vô đến
đại doanh. Mới thấy ông đường huynh thò mặt vô, cụ Phan cả cười và
nói: 

– Anh đi làm thuyết khách cho
Hoàng Cao Khải khó nhọc lắm hè! 

Vì cụ
đã được tin báo trước cho biết. 

Cụ xem
thư rồi thở dài:  

– Không dè người
khuyên nhủ tôi ra hàng là cố nhân Hoàng Cao. Tôi thề quyết làm việc tôi làm đây
tới cùng, dầu sấm sét búa rìu cũng không làm sao cho tôi thay lòng đổi chí được,
anh về nói giùm cho Hoàng Cao biết như thế. Nếu tôi không làm xong được công
việc vua uỷ thác, dân trông mong và không rửa hận cho khô cốt của tổ tiên ở dưới
đất, thì chỉ có một cách là chết theo hoài bão tâm chí mình mà
thôi. 

Rồi tức thời, cụ cầm bút viết
thư trả lời, trao cho ông Phan Văn Mân đem về. Lúc anh em từ biệt, cụ ân cần dặn
với: 

– Cũng may phước cho người đem
thư chiêu hàng chính là anh, nếu là ai khác thì bộ hạ của tôi chắc làm tương mắm
để gửi biếu Hoàng Cao nếm thử. Lần sau y có sai đi, anh đừng lãnh mệnh nữa
nghe! 

Ta đọc cả hai bức thư dịch ra
dưới đây, tức như hai bức tranh phóng đại tâm tích chí khí của hai ông cùng một
làng với nhau, mà hai đàng xa cách nhau tuyệt mù không thế nào gặp nhau được là
phải. 


Bức thư của Hoàng Cao Khải   

Đồng ấp Phan
Đình Nguyên đại nhân túc hạ.   

Tôi với ngài xa cách nhau, xuân thu đắp đổi trải đã mười
bảy năm nay rồi. Dâu bể cuộc đời, bắc nam đường bụi, tuy là mỗi người đi một ngả
khác nhau, nhưng mà trong giấc mộng hồn vẫn thường thấy nhau không phải xa xôi
gì. Ngồi nghĩ lại ngày trước chúng ta còn ở chốn quê hương giao du với nhau, cái
tình ấy đằm thắm biết là dường nào?  

Từ lúc ngài khởi nghĩa đến giờ, nghĩa khí trung can, đều
rõ rệt ở tai mắt người ta. Tôi thường nghe các quý quan (là các quan Pháp) nói
chuyện đến ngài, ông nào cũng phải thở than khen ngợi và tỏ ý kính trọng ngài
lắm. Xem như thế thì tấm lòng huyết khí tôn nhân, tuy là người khác nước cũng
chung một tâm tình ấy thôi, không phải là người cùng thanh khí với nhau mới có
vậy. 

 Ngày kinh thành thất thủ, xe giá nhà vua bôn ba, mà ngài
mạnh mẽ đứng ra ông nghĩa, kể sự thế lúc bấy giờ, ngài làm vậy là phải lắm,
không ai không nói như thế. Song le, sự thế gần đây đã xoay đổi ra thế nào, thử
hỏi việc đời có thể làm được nữa không, dầu kẻ ít học thức, kém trí khôn, cũng
đều trả lời không được. Huống chi như ngài lại là bậc người tuấn kiệt, chẳng lẽ
không nghĩ tới đó hay sao? Tôi trộm xét chủ ý của ngài, chắc cũng cho rằng: ta
cứ làm theo việc phải ta biết, cứ đem hết tài năng ta có, một việc nên làm mà
làm là ở nơi người, còn nên được hay không nên là ở nơi trời, ta chỉ biết đem
thân này hứa cho nước, đến chết mới thôi. Bởi thế, cho nên ngài cứ việc làm tới
cùng, không ai có thể làm biến đổi cái chí ấy đi được.   

Có điều tôi thấy tình trạng ở quê hương chúng ta gần đây,
lấy làm đau lòng hết sức. Nhân đó, tôi thường muốn đem ý kiến hẹp hòi, để ngỏ
cùng lượng cao minh soi xét; nhưng mấy lần mở giấy ra rồi, mài mực xong rồi, đã
toan đặt bút xuống viết rồi lại gác bút thở dài, không sao viết được. Vì sao? Vì
tôi liệu biết can tràng của ngài cứng như sắt đá, không thể lấy lời nói mà
chuyển động nổi. Đã vậy, lại còn khác tình, khác cảnh, xa mặt xa lòng, vậy thì
lời nói của tôi, chắc gì thấu tới được nơi ngài; mà dầu cho có thấu tới nơi ngài
chăng nữa, đã chắc gì lọt vào tai ngày chịu nghe giùm cho, chẳng qua chỉ để cho
cố nhân cười mình là thằng ngu thì có.  

Nay nhân quan Toàn quyền trở lại, đem việc ở tỉnh ta bàn
bạc với tôi, có khuyên tôi sai người đến ngỏ ý cùng ngài biết rằng: ngài là bậc
người hiểu biết nghĩa lớn, dầu không bận lòng tưởng nghĩ gì đến thân mình, nhà
mình đi nữa, thì cũng nên tưởng nghĩ cứu vớt lấy dân ở trong một địa phương mới
phải. Lời nói đó, quan Toàn quyền không nói với ai, mà nói với tôi, là vì cho
rằng: tôi với ngài có cái tình xóm làng cố cựu với nhau, chắc hẳn tôi nói ngài
nghe được, vậy có lẽ nào tôi làm thinh không nói?  

Ngay thử nghĩ xem: quan Toàn quyền là người khác nước,
muôn dặm tới đây, mà còn có lòng băn khoăn lo nghĩ tới dân mình như vậy thay,
huống chi chúng ta sinh đẻ lớn khôn ở đất này, là đất của cha mẹ tôn tộc ở đó,
có là đâu mình làm lơ đành đoạn, thì trăm năm về sau, người ta sẽ bảo mình ra
làm sao? Ôi! Làm người trên phải có lòng thương yêu dân làm cốt, chưa từng có ai
không biết thương dân mà bảo là trung với vua bao giờ. Việc của ngài làm từ bấy
lâu nay, bảo rằng trung thì thiệt là trung, song dân ta có tội gì mà vướng phải
nông nỗi lầm than thế này, là lỗi tại ai? Nếu bảo là đã vì thiên hạ thì không
thiết chi tới nhà nữa cũng phải, nhưng một nhà của mình đã vậy, chứ còn bao
nhiêu nhà ở trong một vùng cũng bỏ đi cả, sao cho đang tâm, Tôi nghĩ nếu như
ngài cứ không không làm tràn tới mãi, thì e rằng khắp cả sông Lam núi Hồng đều
biến thành hồ cá hết thảy, chứ không phải chỉ riêng lo ngại cho cây cỏ một làng
Đông Thái chúng ta mà thôi đâu. Đến nỗi để cho quê hương điêu đứng xiêu tàn,
tưởng chắc bậc người quân nhân quân tử không lấy gì làm vui mà làm thì phải.
 

Tôi suy nghĩ đắn đo mãi, vụt
lấy làm mừng rỡ mà nói riêng với mình: Được rồi, lời nói đó tôi có thể đem ra
nói cho ngài nghe lọt tai, để xin ngài chỉ bảo cho biết như vậy có phải hay
không?  
 

Tuy nhiên, sự thế của ngài như cỡi trên lưng cọp đã lỡ
rồi, bây giờ muốn bước xuống, nghĩ lại khó khăn biết bao!
  

Nếu như tôi không có chỗ tự
tin chắc chắn nơi mình, thì quyết không khi nào dám mở lời nói liều lĩnh để mang
luỵ cho cố nhân về sau. Nhưng may là tôi với quan Toàn quyền, vốn có tình quen
biết nhau lâu, lại với quan Khâm sứ ở Kinh, và quan Công sứ Nghệ Tĩnh, cùng tôi
quen thân hiệp ý nhau lắm, cho nên trước kia Trần Phiên sứ (tên là Khánh Tiến,
làm Tuần phủ, nên gọi là Phiên sứ) Phan Thị Lang, (tên là Huy Nhuận), cũng là
chỗ thân trong tỉnh, trong làng hoặc bị tội nặng, hoặc bị xử đày rồi, thế mà tôi
bảo toàn cho hai ông ấy đều được yên ổn vô sự. Lại như mới rồi, ông Phan Trọng
Mưu ra thú, tôi dẫn đến yết kiến các đại hiến quý quan, thì các ngài cũng tiếp
đãi trân trọng như đãi khách quý, và tức thời điện về tỉnh nhà, bắt trả lại mồ
mả, và tha cả ba con về, như thế tỏ ra nhà nước Bảo hộ khoan dung biết chừng
nào! Cứ xem vậy đủ biết lẽ ấy, lòng ấy, dầu là người nghìn dặm xa nhau, vẫn là
giống nhau vậy.  

Bây giờ, nếu
ngài không cho lời tôi nói là dông dài, thì xin ngài đừng ngần ngại một điều gì
khác hết tôi không khi nào dám để cho cố nhân mang tiếng là người bất trí đâu.
 

Hoàng Cao
Khải 

đốn
thư” 

Bức thư cụ Phan trả lời:
 

Hoàng quý đài các hạ,  

Gần đây, tôi vì việc quân, ở mãi trong chốn rừng rú, lại
thêm lúc này tiết trời mùa đông, khí hậu rét quá, nông nỗi thiệt là buồn tênh.
Chợt có người báo có thư của cố nhân gửi lại. Nghe tin ấy, không ngờ bao nhiêu
nỗi buồn rầu lạnh lẽo, tan đi đâu mất cả. Tiếp thư liền mở ra đọc. Trong thư cố
nhân chỉ bảo cho điều hoạ phước, bày tỏ hết chỗ lợi hại, đủ biết tấm lòng của cố
nhân, chẳng những muốn mưu sự an toàn cho tôi thôi, chính là muốn mưu sự yên ổn
cho toàn hạt ta nữa. Những lời nói gan ruột của cố nhân, tôi đã hiểu hết, cách
nhau muôn dặm tuy xa, nhưng chẳng khác gì chúng ta được ngồi cùng nhà nói chuyện
với nhau vậy.   

Song le tâm sự
và cảnh ngộ của tôi có chỗ muôn vàn khó nói hết sức. Xem sự thế thiên hạ như thế
kia, mà tài lực tôi như thế này, y như lời cổ nhân đã nói “thân con bọ ngựa là
bao mà dám giơ cánh tay lên muốn cản trở cỗ xe” sao nổi không biết; việc tôi làm
ngày nay, sánh lại còn quá hơn nữa, chẳng phải như chuyện con bọ ngựa đưa tay ra
cản xe mà thôi.   

Nhưng tôi
ngẫm nghĩ lại, nước mình mấy ngàn năm nay, chỉ lấy văn hiến truyền nối nhau hết
đời này qua đời kia, đất nước chẳng rộng, quân lính chẳng mạnh, tiền của chẳng
giàu, duy có chỗ ỷ thị dựa nương để dựng nước được, là nhờ có cái gốc vua tôi,
cha con theo nghĩa vốn có chỗ đủ cho mình tự có thể trông cậy dựa nương lắm vậy.
Đến nay người Pháp với mình, cách xa nhau không biết là mấy muôn dặm, họ vượt bể
tới đây, đi tới đâu như là gió lướt tới đó, đến nỗi nhà vua phải chạy, cả nước
lao xao, bỗng chốc non sông nước mình biến thành bờ cõi người ta, thế là trọn cả
nước nhà, dân nhà, cùng bị đắm chìm hết thảy, có phải là riêng một châu nào hay
một nhà ai phải chịu cảnh lầm than mà thôi đâu.  

Năm Ất Dậu, xe giá thiên tử ngự đến sơn phòng Hà Tĩnh,
giữa lúc đó tôi đang còn tang bà mẹ, chỉ biết đóng cửa cư tang cho trọn đạo,
trong lòng há dám mơ tưởng đến sự gì khác hơn. Song, vì mình là con nhà thế
thần, cho nên đôi ba lần đức Hoàng thượng giáng chiếu vời ra; không lẽ nào có
thể từ chối, thành ra tôi phải gắng gổ đứng ra vâng chiếu, không sao dừng được.
Gần đây, Hoàng thượng lại đoái tưởng lựa chọn tôi mà giao phó việc lớn, uỷ thác
cho quyền to; Ấy, mệnh vua uỷ thác như thế đó, nếu cố nhân đặt mình vào trong
cảnh như tôi, liệu chừng cố nhân có đành chối từ trốn tránh đi được hay không?
  

Từ lúc tôi khởi nghĩa đến
nay, đã trải mười năm trời, những người đem thân theo việc nghĩa, hoặc đã bị
trách phạt, hoặc đã bị chém giết, vậy mà lòng người trước sau chẳng hề lấy thế
làm chán nản ngã lòng bao giờ; trái lại, họ vẫn ra tài, ra sức giúp đỡ tôi, và
lại số người mạnh bạo ra theo tôi càng ngày càng nhiều thêm mãi. Nào có phải
người ta lấy điều ta vạ hiểm nguy làm cho sự sung sướng thèm thuồng mà bỏ nhà
dấn thân ra theo tôi như vậy đâu. Chỉ vì họ tin cậy lòng tôi, lượng xét chí tôi,
cho nên hâm hở vậy đó thôi. Ấy, lòng người như thế đó, nếu như cố nhân đặt mình
vào cảnh của tôi liệu chừng cố nhân có nỡ lòng nào bỏ mà đi cho đành hay không?
 

Thưa cố nhân, chỉ vì nhân tâm
đối với tôi như thế, cho nên cảnh nhà tôi đến nỗi hương khói vắng tanh, bà con
xiêu dạt, tôi cũng chẳng dám đoái hoài. Nghĩ xem, kẻ thân với mình mà mình còn
không đoái hoài, huống chi là kẻ sơ: người gần với mình mà mình còn không bao
bọc nổi, huống chi người xa. Vả chăng hạt ta đến đỗi điêu đứng lầm than quá,
không phải riêng vì tai hoạ binh đao làm nên nông nổi thế đâu. Phải biết quan
Pháp đi tới đâu, có lũ tiểu nhân mình túa ra bày kế lập công, thù vơ oán chạ;
những người không có tội gì chúng cũng đâm thọc buộc ràng cho người ta là có
tội, rồi thì bữa nay trách thế nọ, ngày mai phạt thế kia; phàm có cách gì đục
khoét được của cải của dân, chúng nó cũng dùng tới nơi hết thảy. Bởi đó mà thói
hư mối tệ tuôn ra cả trăm cả ngàn, quan Pháp làm sao biết thấu cho cùng những
tật khổ của dân trong chốn làng xóm quê mùa, như thế thì bảo dân không phải tan
lìa trôi giạt đi sao được?

Cố
nhân với tôi, đều là người sinh đẻ tại châu Hoan, mà ở cách xa ngoài muôn ngàn
dặm, cố nhân còn có lòng đoái tưởng quê hương thay, huống chi là tôi đây đã từng
lấy thân chịu đựng và lấy mắt trông thấy thì sao? Khốn nỗi cảnh ngộ bó buộc, vả
lại sức mình chẳng làm được theo lòng mình muốn, thành ra phải đành, chứ không
biết làm sao cho được. Cố nhân đã biết đoái hoài thương xót dân này, thì cố nhân
nên lấy tâm sự tôi và cảnh ngộ tôi thử đặt mình vào mà suy nghĩ xem, tự nhiên
thấy rõ ràng, có cần gì đến tôi phải nói dông dài nữa ư?
 

Phan Đình
Phùng

phúc
thư”

Bức thư cụ Phan trả
lời, viết thật nhẹ nhàng mà đau đớn, tử tế mà cương quyết, tỏ ra mình chết thì
thôi, không chịu bãi binh quy hàng. Cụ lại khéo đem quân mạng và dân tâm ra làm
nòng cốt để hỏi cố nhân họ Hoàng nếu gặp cảnh ngộ ấy thì làm thế nào? Hình như
cụ Phan có ý chận đường rào ngõ không để họ Hoàng viết cho mình tới bức thư thứ
hai nữa. 

Thiệt, lúc ông Phan Văn Mân
đem bức thư phúc đáp ra Hà Nội, họ Hoàng xem rồi biến sắc, nếu lúc ấy có bệnh
nhức đầu chống mặt gì, tất cũng tiêu tan như hồi Tào Mạnh Đức đọc bài hịch của
Trần Lâm vậy. 

Họ Hoàng sai dịch bức
thư ra chữ Pháp, đưa trình Toàn quyền De Lanessan, luôn với tờ báo cáo của mình,
trong đó có câu đại ý: “Bản chức đã lấy hết sự thế lợi hại để tỏ bày khuyên
nhủ Phan Đình Phùng ra hàng, nhưng y vẫn tỏ ý hôn mê bất ngội (mê mẩn tối tăm
không tỉnh), giờ xin Chính phủ Bảo hộ vì dân mà dùng binh lực tiễu trừ cho hết
văn thân loạn phỉ.
..” 

Ấy là lẽ cố
nhiên. Đào mả không núng; khuyên hàng không nghe; văn chương không cảm; thôi thì
chỉ còn võ lực. Giờ, quan văn trở vô buồng để cho tướng võ lại ra sân
khấu.

 ẤP THÁI
HÀ.

Trên rất nhiều bức bưu ảnh thời
Pháp bắt gặp dòng chú thích Village du Kinh Luoc. Bạn biết gì về vị quan đầu
triều thời Nguyễn và khu thái ấp của ông
ta? 



Công trình
trong hai bức bưu ảnh trên giống nhau đến mức người ta dễ kết luận chúng là một
nếu không để ý đến những dòng chú thích “La pagode de Vua Le” và “Monument
funéraire du Kinh Luoc”.

Kiến trúc nhà
bia và trụ đá đặt tượng vua Lê bên hồ Hoàn Kiếm được sao chép và đưa vào một
công trình được xây dựng để suy tôn chính mình của một nhân vật đã đi vào lịch
sử với tội danh hợp tác đắc lực với thực dân Pháp trong việc đàn áp các phong
trào khởi nghĩa – Kinh lược sứ Bắc Kì  Hoàng Cao Khải (vice roi – phó vương –
theo cách gọi của người Pháp.  

Ấp Thái
Hà 
Theo TS Bùi Xuân
Đính trên trang Đông Tác ấp Thái Hà là phần thưởng của thực dân Pháp dành cho
Hoàng Cao Khải. Dù đã có dinh thự trong thành phố (entry trước), vị phó vương
muốn lập một khu thái ấp để nghỉ già. Ấp được xây dựng năm 1893, gồm rất nhiều
công trình kiến trúc dinh thự, lăng mộ, đình chùa…nằm rải rác trên một không
gian rất rộng phía bên trái gò Đống Đa, kéo dài từ phố Đặng Tiến Đông ngày nay
tới tận Trường cán bộ Công Đoàn Hà Nội.

 Vì khu ấp nằm trên thế trũng, chủ
nhân cho đào mương máng ngang dọc, xung quanh để tiêu nước, đất đào lên để tôn
nền, rồi chia thành vài chục lô vuông vắn. 
Khu dinh cơ của Hoàng Cao Khải chiếm một phần tư ấp, ở góc
Đông Nam đường cái gồm tư dinh nằm sâu trong cổng chính, cổng phụ, cầu bắc qua
hào, tường bao. Phần đất ngoài tư dinh được chia thành lô bán cho các quan lại
cao cấp người Việt xây nhà cửa để biến thành một khu quý
tộc.

Dân chúng được khuyến khích làm nhà ở xung quanh chùa Đồng
Quang, dọc hai bên đường cái, tạo nên một đoạn đường phố tấp nập. Đường tầu điện
chạy ngang khu thái ấp dẫn vào tận Ngã Tư Sở. Từ đầu thập kỷ 10 của thế kỷ XX,
nhiều cơ quan thuê nhà trong ấp để đặt trụ sở, như Viện Đại lý Pháp, Sở Địa
chính Bắc Kỳ, Phòng Thí nghiệm vi trùng học. Năm 1927, người Pháp cho lập một
trại thu nhận trẻ lang thang tại đây. 

 Nhiều công trình trong ấp hiện diện trên các bức bưu ảnh
chụp từ cuối thế kỉ XIX đến những năm 30 thế kỉ XX giúp ta hình dung về sự huy
hoàng của nó
Sau CMT8, khu
thái ấp về tay chính quyền nhân dân, dù được xếp hạng là di tích lịch sử cấp
quốc gia, nhưng trên thực tế nó đã không được bảo quản, nhiều công trình kiến
trúc có giá trị nghệ thuật đã bị phá, những chiếc cổng, bờ tường cao không cản
được làn sóng người “nhảy dù” vào đây sinh sống . Cùng với thời gian, quần thể
kiến trúc “Village du Kinh Luoc” gần như đã biến mất hoàn toàn giữa một biển dân
cư phường Trung Liệt. 
Lối vào khu lăng mộ
Hoàng Cao Khải, đối diện với trường Đại học thuỷ lợi, giờ là con hẻm ngoắt
nghéo, bị ép chặt bởi những ngôi nhà dị dạng. Khi được hỏi, những sinh viên chờ
xe bus không hề biết cách chỗ mình đứng không xa có một khu lăng mộ được các nhà
sử học Việt Nam gọi là thành nhà Hồ thứ hai, còn người Pháp đánh giá là một
trong những đỉnh cao của kiến trúc đá phương Đông.
Lăng Hoàng
Cao Khải 
 Tuy không sánh được với lăng
tẩm các vị vua triều Nguyễn ở Huế về quy mô, nhưng lăng Hoàng Cao Khải được đánh
giá là công trình kiến trúc đá đặc sắc. Vì những giá trị của quần thể di tích
kiến trúc này, ngày 25-11-1945, trong Sắc lệnh bảo vệ di tích cổ vật, Chủ tịch
Hồ Chí Minh chủ trương giữ nguyên hiện trạng khu ấp. Bộ Văn hóa Thông tin cũng
đánh giá: Đây là chứng tích duy nhất của nước ta về một quần thể các công trình
lăng tẩm, dinh thự của một phó vương…Nhưng trên thực tế sự lẫn lộn trong việc
đánh giá một nhân vật trong quá khứ với giá trị văn hoá lịch sử của một công
trình kiến trúc là nguyên nhân làm cho khu di tích này mất tích.
 Những đoạn tả khu lăng mộ Hoàng Cao Khải của những thế hệ
người khác nhau từng sống tại nơi này.
 “Bước qua
cổng ấp, thẳng trước mặt chúng tôi và ở tít tận đằng xa là Dinh cụ Quận – Trong
“Ăn Tết bên ngoại” Văn Ngọc kể về những kỉ niệm thời thơ ấu trước CMT8 – Nhưng
trước khi tới đó, chúng tôi còn phải đi qua một chỗ có cái đài bằng đá hoa cương
nhẵn bóng, màu thẫm, bệ hình tròn, cao độ 60cm, đường kính độ dăm thước, có bậc
để đi lên, ở giữa đài là một cây cột trụ đúc bằng gang, có đường chỉ trang trí
như một thức cột. Bao giờ chúng tôi cũng dừng lại để trèo lên đây đùa nghịch một
lúc, bắt mẹ chúng tôi phải chờ đợi. Nhưng đi mấy bước nữa, đến gần dinh cụ Quận,
thì chúng tôi chẳng còn dám ho hoe, nghịch ngợm nữa. Không hiểu sao, cái không
khí lạnh lẽo toát ra từ nơi này luôn luôn làm cho chúng tôi hãi sợ, có lẽ vì
hình ảnh cái chiêng và cái trống nằm ở hai đầu hiên vắng ngắt, và đã phủ một lớp
bụi thời gian, khiến cho chúng tôi không khỏi liên tưởng đến những vụ xử trảm
rùng rợn đã từng xảy ra ở nơi này thời cụ Quận còn sống. Người dân ở đây đồn
rằng, đêm đêm vẫn nghe thấy tiếng chiêng rất bi ai từ trong dinh ngân
ra!”

Cây cột
Văn Ngọc nhắc đến hiện diện trên rất nhiều bức bưu ảnh thời ấy, chủ nhân thái ấp
có ý gì khi sao chép và dựng trong khu lăng mộ của mình một bản sao trụ đá đặt
tượng vua Lê , nhưng trái với mong muốn, cây cột đã không tồn tại với thời gian,
không rõ công trình này bị phá bỏ khi nào vì không thấy bóng dáng nó trong đoạn
hồi kí của một người Hà nội tả khu lăng thập kỉ 60.
 
“Đối diện với
cổng trường đại học Thuỷ Lợi ngày nay là cổng chính vào lăng Hoàng Cao Khải.
Phía ngoài đường cái (đường Nguyễn Trãi ngày nay) là một bức tường rào phía
trước lăng, cao đến hơn 4 mét, dài cả trăm mét, ở chính giữa là cổng vào lăng
làm bằng sắt rất lớn với những hoa văn đúc bằng gang, hai cánh mở ra hai bên
rộng đến mức ô tô tải vào được. Qua cổng là một con đường lát gạch đinh rộng
khoảng 4 mét dẫn vào bên trong, hai bên là vườn nhãn và thảm cỏ xanh tốt quanh
năm. Ngay lối vào lăng ở phía bên trái là mộ của con gái út Hoàng Cao Khải, cạnh
mộ có hai cây roi to, quả rất ngon. Quá một chút là mộ con gái thứ của ông ta
xây bằng gạch và xi măng. 
Con đường
dẫn vào thẳng đến một cái hồ bán nguyệt tuyệt đẹp ở trung tâm của lăng, vòng
cung hướng ra ngoài, có bờ gạch xây cao lên cách mặt đất 40 cm rất sạch sẽ, bờ
bao quanh hồ xây gạch đinh xuống đến tận đáy, trên thành hồ có những hốc thoát
nước hình vuông cách đều nhau khoảng 30 mét để thoát nước ra ngoài khi hồ quá
đầy vì một lý do nào đấy. Dưới hồ trồng sen, nước trong hồ trong suốt và rất
sâu. Chỉ có một lối xuống hồ duy nhất là ở chính giữa bờ thẳng phía bên trong
nơi người dân ở quanh vùng đến gánh nước về ăn, không ai được phép rửa ráy hay
tắm giặt ở đây. Người ta có thả cá chép trong hồ, không phải để ăn mà là để kiểm
tra chất lượng nước. 
Đối diện với
lối lên xuống hồ là lăng chính của vợ chồng Hoàng Cao Khải hoàn toàn bằng đá cẩm
thạch trắng, rất lớn và hoành tráng, trần cách sàn hơn 4 mét, ở giữa có một cái
bàn đá màu trắng rộng và rất mát, trẻ con leo lên đó ngồi dăm bảy đứa thoải mái.
Mộ của Hoàng Cao Khải ở bên trái, của vợ ông ta ở bên phải, đều bằng đá cẩm
thạch trắng cực đẹp, chạm trổ tinh vi, có khắc những dòng chữ Hán sắc
xảo. 
Phía trước mộ là hai hàng lính
đá mỗi bên 4 người bồng gươm, cao gần bằng người thật, đầu đội mũ nhỏ có tua
đứng gác.” 






Để ý các
bức ảnh trên sẽ thấy ban đầu mộ (hoặc mộ chờ) của vợ chồng Hoàng Cao Khảo để lộ
thiên trên một nền đá có tường bao, bờ tam cấp dẫn lên được trang trí bằng hai
khối đá tạc hoa văn cách điệu hình rồng, về sau một toà lăng được dựng bên trên,
toà lăng này còn tồn tại tới ngày nay.
 Tiếp tục
lời kể: “Phía sau mộ là một quả đồi khá cao, trên đỉnh đồi dựng một nhà tam quan
để hóng mát. Từ trên đồi có thể nhìn thấy toàn cảnh một vùng rất rộng. Có một
bậc thang xây bằng gạch đinh màu đỏ rộng đến 8 mét từ chân đồi thẳng lên đến tận
nhà tam quan trên đỉnh đồi, tổng cộng có 108 bậc. Có một dạo người ta lấy nơi
đây làm nhà mẫu giáo. Ngày hai buổi sáng, chiều các bé cùng phụ huynh phải leo
bậc thang mệt đứt hơi, sau vì bất tiện mới bỏ. Bên phải mộ Hoàng Cao Khải là mộ
Hoàng Trọng Phu, con trai trưởng của Hoàng Cao Khải xây bằng đá xanh, đẹp và uy
nghi không kém.”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *