Hiển hiện một thảm họa bảo tồn

 Chùa Trăm Gian lâu nay nổi tiếng bởi kiến trúc cổ kính và độc đáo, những ngày qua chùa trở nên “nổi tiếng” hơn khi nhà Tổ, gác Khánh bị đập đi, xây mới hoàn toàn. Lạ ở chỗ, trong cả mấy tháng trời ròng rã xây dựng công khai, nhưng không một cơ quan chức năng nào biết. Sự việc khiến cho dư luận không khỏi bức xúc và lo ngại về thực trạng bảo tồn di sản văn hóa vật thể của dân tộc.

Ngỡ ngàng và xót xa!

Ngay khi thông tin trên được báo chí đăng tải, rất nhiều bạn đọc đã bày tỏ sự ngỡ ngàng, nhiều người không giấu được sự bức xúc khi phản hồi loạt bài viết trên Báo An ninh Thủ đô về sự việc này.

“Đầu năm nay tôi có dịp đến thăm chùa và tôi rất lấy làm tự hào vì chúng ta đã gìn giữ được một di tích ngàn năm tuổi còn khá nguyên vẹn. Nay biết chùa đã bị phá dỡ một phần để làm mới tôi thực sự ngỡ ngàng và bức xúc”, bạn đọc Trần Thanh Tâm bức xúc.

Bạn đọc Nam Trung chia sẻ: “Đọc mà thấy buồn quá. Người hiểu biết hay không hiểu biết giá trị của ngôi chùa nghìn năm tuổi, cũng chỉ vì lợi ích của bản thân mà quên đi giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc. Đây được coi là hành động phá hoại”. 

Trong khi đó, bạn đọc Đỗ Hiền tâm sự trong nỗi xót xa: “Một nhà máy, một công xưởng mất đi, có thể xây dựng lại được, một di tích mất đi thì không bao giờ làm lại được. Tôi muốn hỏi những nhà chức trách đã ở đâu?” Cùng quan điểm đó, bạn đọc Trần Thùy cho biết: “Ở nước ngoài để trùng tu một công trình người ta phải bỏ công sức vẽ lại, nghiên cứu các vật liệu đã được sử dụng, tìm hiểu các họa tiết đặc trưng được làm như thế nào, công nghệ ra sao… để rồi người ta làm từng khâu để đảm bảo gần như nguyên trạng. Còn như chùa Trăm Gian phá tan rồi thì trùng tu kiểu gì?”.

Bạn đọc Duy Nghĩa còn viện chứng ra nhiều di tích cổ sau khi được trùng tu đã mất đi giá trị văn hóa, tinh thần vốn có: “Ô Quan chưởng qua việc trùng tu xong thì còn đâu gạch cũ với rêu phong??? Thành cổ Tuyên Quang trùng tu xong thành 1 cái lò gạch nằm giữa phố??? Nay đến chùa Trăm Gian gần nghìn năm tuổi với các bức phù, tượng… được sơn bằng công nghệ mới. Bây giờ các di sản đó gọi là gì ? Xin thưa: 1 lò gạch mới theo kiểu cổ, 1 ô Quan Chưởng giả cổ… Các nhà quản lý thì ngồi bàn giấy bàn chuyện… xin kinh phí. Nghĩ mà nản quá!”.

Làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm
Chùa Trăm Gian cách trụ sở xã Tiên Phương (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) không xa, việc xây dựng cũng diễn ra trong cả mấy tháng, nhưng khi được hỏi có biết việc xây dựng này hay không, các cấp lãnh đạo ở đây đều: “không biết” hoặc “không để ý”… Bạn đọc Minh Huyền bày tỏ: “Quá đau xót! Cả một công trình văn hóa gần 1000 năm tuổi bị phá huỷ và vứt bỏ không thương tiếc, vậy mà các cấp chính quyền lại không hề hay biết”. Bạn đọc này cũng yêu cầu phải làm rõ và “xử lý nghiêm toàn bộ những người có liên quan”, đồng thời mong muốn ngành chức năng cố gắng phục chế lại toàn bộ những gì có thể của di tích cũ.

Bạn đọc Phi Sơn cũng lên tiếng: “Không thể để tình trạng “phá chùa cũ xây chùa mới” hiện nay trở thành một trào lưu mới trong xã hội được. Cần phải xử lý thật nghiêm, bởi vì tài sản của quốc gia mà họ coi như của nhà mình là không chấp nhận được. Có thể khép họ vào tội cố tình phá hủy tài sản quốc gia, cần xử lý hình sự một số người để làm gương”.


Chân tảng của gác Khánh còn lại tại chùa Trăm Gian


Hoàn thành kiểm kê ở chùa Trăm Gian

Việc kiểm kê các vật liệu kiến trúc tại công trình tu bổ gác Khánh và nhà Tổ chùa Trăm Gian đến nay đã hoàn tất. Cấu kiện gỗ còn 519 đơn vị với: hoành, xà, câu đầu, nóc, cột cái, đấu, kẻ bẩy chưa kể dui mèn; đá còn 25 đơn vị; ngói còn khoảng 21.000 viên. Viện Bảo tồn di tích đề nghị chính quyền địa phương và nhà chùa chuyển toàn bộ cấu kiện gỗ vào nơi bảo quản có mái che và giao UBND xã Tiên Phương bảo vệ. Sau khi hoàn tất báo cáo chi tiết về đợt kiểm kê, các bên liên quan cùng Hội đồng tư vấn xem xét và lên phương án phục hồi hạng mục nhà Tổ, gác Khánh, bậc cấp trước Tiền đường tại chùa. Những cấu kiện còn tốt có thể đưa vào việc phục hồi các hạng mục. Riêng các cấu kiện đã mục, gãy sẽ được lấy làm cơ sở để phục chế lại.

Quỳnh Vân


ANTĐ Điện tử

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *