Thử “bóc tách” các lớp văn hóa tâm linh đền Cờn

Bài viết này được thực hiện trên một giả định khoa học, rằng: Đền Cờn tại làng Phương Cần, xã Quỳnh Phương, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An là nơi thờ gốc(*) Tứ Vị Thánh Nương.
Bài viết này được thực hiện trên một giả định khoa học, rằng: Đền Cờn tại làng Phương Cần, xã Quỳnh Phương, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An là nơi thờ gốc(*) Tứ Vị Thánh Nương.
I – VỀ NHIÊN THẦN VÀ NHÂN THẦN
– Vấn đề này được PGS Ninh Viết Giao đặt ra trong mục “Đức Thánh Tứ vị: Nhân thần hay Nhiên thần?” trong tài liệu dạng bản thảo ông gửi cho tôi (1). Tự trả lời câu hỏi này, ông khẳng định: “Tứ Vị Thánh Nương vốn là thần Nước, thần Biển, đằng sau có ẩn hiện thần Cá,…”. Như vậy, theo PGS Ninh Viết Giao, nguồn gốc xa xưa của tục thờ Tứ Vị (Nhân thần) Thánh Nương là Nhiên thần. Trên phương diện lý thuyết, đây là một kết luận đúng, dù chỉ mới là một suy luận khoa học.
Khi mới thoát khỏi loài thú, chưa biết tập hợp thành cộng đồng đủ mạnh, trí tuệ cũng chưa phát triển đủ để chinh phục những hiểm họa tự nhiên hàng ngày đe dọa sinh mạng mình, con người Nguyên thủy “bé nhỏ” hoảng sợ đã hình dung ra một thế giới hãi hùng. Bằng trí tưởng tượng, họ đã chế tác những sức mạnh tự nhiên đó thành một thế giới thần linh ngự trị muôn loài và sản phẩm để lại cho đời sau là những thần thoại suy nguyên.
Các sức mạnh tự nhiên vượt quá nhiều lần sức lực và khả năng nhận thức của người Nguyên thủy là: cái khổng lồ (cao, to, rộng lớn), cái hung dữ, mạnh mẽ (bão lụt), cái đáng sợ chết người (sấm sét), v.v… Các sức mạnh tự nhiên đó khi đi vào tâm linh con người đã được hình dung, tưởng tượng trên cơ sở mô phỏng lại dạng thức và nhận thức của con người. Vì vậy phần lớn các Nhiên thần có dạng người (nhưng khổng lồ về kích cỡ) hoặc những “sinh hoạt” giống người (nhưng phi thường về hành động). Những thần linh được họ “chế tác” ra là: các Thiên thần (Ngọc Hoàng, Thần Sét, Thần Mưa, Thần Gió,…); các Địa thần (Thổ thần, Sơn thần, Mộc thần, Thủy thần, Diêm vương,…); v.v… Các thần linh không chỉ có hình dạng giống con người mà cũng giận dữ, yêu thương, thù oán,… như con người.
– Các sức mạnh đáng sợ đối với con người từ xưa được cha ông ta đúc kết trong câu “Thủy, hỏa, đạo, tặc”. Có người cho trật tự các sức mạnh đó phản ánh mức độ tác hại của nó, nhưng theo tôi, cái trật tự đó trong câu phản ánh quá trình con người đối mặt với sự hiểm nguy của các sức mạnh từ kẻ thù bốn chân đến kẻ thù hai chân.
Ban đầu, khi chưa tìm ra lửa, người nguyên thủy tránh mưa rét trong các hang động. Tuy nhiên, những cơn mưa xối xả của rừng nhiệt đới, chỉ phút chốc có thể ngập hết các khe suối, thường xuyên là mối đe dọa tính mạng họ những lúc đi kiếm sống. Từ đó họ tưởng tưởng ra một vị thần Nước và thờ phụng vị thần đó để cầu mong sự bình yên. Như vậy cái “gốc gác” của tục thờ thần Nước đã có từ lâu, trước thần Lửa, lại càng trước đạo và tặc. Về sau, khi con người tràn xuống đồng bằng, xuống biển, thần Nước đã “hợp” với sông dài, biển rộng thành Thủy thần, Thủy vương, thần Biển (tuy có lúc thần Biển không hoàn toàn là Thủy thần). Chưa có tài liệu nào nói tới việc người Nguyên thủy bắt đầu cuộc sống từ biển, chỉ thấy nói các ngư dân đều từ rừng núi di cư xuống. Cuộc di dân đó đồng thời với việc họ mang về biển nếp sống văn hóa tâm linh đã hình thành sẵn từ khi còn ở rừng núi, đồng bằng, trong đó có tục thờ Thủy thần, Mộc thần. Như vậy tục thờ thần Biển ở Đền Cờn chắc chắn phải có sau khi đã có tục thờ thần Nước nói chung ở nhiều cộng đồng dân cư.
– Trong thế giới các thần linh, Nhiên thần có trước, Nhân thần có sau. Mãi đến khi tư duy, tình cảm con người phát triển, nhất là khi xuất hiện những anh hùng chinh phục được các sức mạnh thiên nhiên, Nhân thần mới ra đời. Càng về sau, khi có những anh hùng đủ sức bảo vệ cộng đồng trước kẻ thù hai chân (đạo, tặc) thì Nhân thần xuất hiện càng nhiều và càng phức tạp hơn, nhất là về xuất xứ.
Trong tục thờ Nhân thần, có lẽ thờ Mẫu hình thành sớm nhất. Ban đầu, sự hôn phối của con người còn ở dạng quần hôn, cho nên trong khi không thể xác định được người bố là ai thì vai trò của người mẹ đã được định rõ. Đó chính là căn nguyên quan trọng để có thời kỳ Mẫu hệ. Tình cảm với người mẹ có từ bản năng sinh vật, nhưng với con người, nó là tình cảm thiêng liêng trong khái niệm tình mẫu tử. Tuy nhiên, với người Việt, cha mẹ qua đời, được thờ phụng trong nhà, gần gũi với cuộc sống hàng ngày của họ, nên hình tượng mẹ chỉ được linh thiêng hóa, kỳ diệu hóa thành Đạo Mẫu khi gắn với việc thờ phụng các anh hùng, liệt nữ. Đến thời ngôn ngữ phát triển, nhất là khi tiếng Hán thâm nhập sâu vào người Việt thì các từ Hán – Việt như Thánh Mẫu, Đạo Mẫu, Chúa Xứ, Thánh Nương,… được thay thế cho các từ nôm thuần Việt như Mẹ, Mệ (dĩ nhiên mỗi từ có phần nghĩa riêng, xuất hiện trong những hoàn cảnh cụ thể, nhưng tục thờ thì có cùng gốc gác xa xưa).
– Một điều cần nói thêm ở đây là, tuy Nhiên thần và Nhân thần là hai thế giới thần linh khác nhau nhưng không phải hoàn toàn tách bạch lẫn nhau. Không chỉ có hiện tượng các Nhiên thần có dạng người như đã nói ở trên mà đôi khi vẫn có sự trộn lẫn giữa Nhân thần với Nhiên thần. Đó là hiện tượng người Nguyên thủy gọi nước bằng “mẹ” trong tục thờ Mẫu Thoải (Thủy). Tục thờ này có khá nhiều ở vùng biển nước ta, tuy nhiên có thể khẳng định rằng Mẫu Thoải phải có sau, cho dù Nhiên thần có trước.
Những điều vừa nói trên đây đã phát lộ dần tiến trình hình thành tục lệ thờ phụng Nhiên thần và Nhân thần ở Đền Cờn trước khi Tứ vị Thánh nương trở thành những vị thần được thờ phụng chính thống. Đó là cơ sở cho phép chúng ta “bóc tách” các lớp văn hóa tâm linh ở Đền Cờn.

II – THỬ “BÓC TÁCH” CÁC LỚP VĂN HÓA TÂM LINH Ở ĐỀN CỜN
Những suy nghĩ của chúng tôi trong phần này dựa trên những truyện kể dân gian về tục thờ Tứ vị Thánh Nương ở Đền Cờn, đã được ghi chép trong nhiều thư tịch cổ (Việt điện u linh (Nguyễn Văn Chất Tục biên), Lĩnh Nam chính quái liệt truyện, Lịch triều hiến chương loại chí, Ô châu cân lục, Đại Nam nhất thống chí), được PGS. Ninh Viết Giao tập hợp lại và sưu tầm thêm trong tài liệu đã dẫn trên đây.
1. Diễn trình giản lược
– Thông qua các truyện kể và thực tế các vị thần đang được thờ phụng tại Đền Cờn, bước đầu chúng ta nhận thấy tại đây đã diễn ra một quá trình tiếp biến, hỗn dung và bồi đắp văn hóa tâm linh theo thời gian phát triển cuộc sống của cộng đồng dân cư dọc vùng biển Nghệ An mà điển hình là làng Phương Cần. Có thể phác thảo diễn trình việc thờ cúng ở đây như sau: khi đến định cư ở bờ biển Càn Sơn, tục thờ cúng các Nhiên thần, Nhân thần đã có trong ý thức con người nhưng khi đối mặt với biển cả, nhu cầu lập một chỗ thờ cúng cộng đồng để gửi gắm niềm tin chiến thắng trước những hiểm họa lớn lao của biển cả trở nên bức bách hơn. Mặc dầu tâm linh hướng về cõi hư vô, nhưng trong thực tế mọi sự thờ cúng đều phải gắn với sự kiện, nhân vật và địa danh cụ thể. Cho nên khi vớt được ngoài biển một “khúc gỗ có mùi thơm (hoặc đẽo thấy nước chảy ra đỏ như máu)” người ta tìm được “sự kiện” để “neo đậu” tâm linh của mình và liền đem về lập miếu thờ. Trong cái gọi là “khúc gỗ có mùi thơm (hoặc đẽo thấy nước chảy ra đỏ như máu)” ngầm chỉ trong đó có nhập hồn người, chúng ta cũng nhận thấy sự trộn lẫn giữa Nhiên thần và Nhân thần, bởi suy cho cùng, như trên đã nói, trong Nhiên thần đã có bóng dáng Nhân thần, tuy nhiên xét cho cùng trong đền còn thiếu một nhân vật cụ thể làm Thần chủ. Tiếp theo có thể đã xẩy ra trong chuyện ngư dân Phương Cần vớt được thi thể một số phụ nữ chết trôi, đem lên bờ chôn cất và đưa vào đây thờ tự – đền mới có Thần chủ, tuy chưa phải là chuyện cuối cùng.
– Xem xét các đền/miếu ở xứ Nghệ có thể thấy, phần nhiều thoạt đầu các miếu/đền được lập ra để thờ những người chết bất đắc kỳ tử như chết cháy, chết đường, chết trôi – nhiều nhất là chết trôi (và toàn là những người không rõ danh tính). Cho nên chúng ta không ngạc nhiên khi thấy hầu hết các điền/miếu này đều nằm ở ven sông, ven biển. Hiện tượng này có lẽ cũng phổ biến ở nhiều nơi trên đất nước ta. Trong Luận án tiến sĩ vừa bảo vệ ở Hội đồng cấp Nhà nước, tại Viện Nghiên cứu văn hóa ngày 26 tháng 4 năm 2009, Phạm Văn Tú, xuất phát từ tài liệu điều tra điền dã đền miếu ở Cà Mau, cũng có nhận xét tương tự rằng, miếu thường được xây dựng ở các ngã ba sông, nơi thường có dòng nước xoáy làm đắm thuyền (2)Tuy nhiên đền/miếu ở xứ Nghệ không tồn tại như cái “cớ” sinh thần mà đều đã xẩy ra một quá trình lịch sử hóa.
Xứ Nghệ là con đường không thể tránh được của những cuộc Nam/Bắc tiến. Trên đường ra trận, để “yên lòng” binh lính trước khi vào cuộc sinh tử, các vua chúa, tướng lĩnh thường ghé vào các đền/miếu này thắp hương cầu nguyện phù hộ độ trì chiến thắng giặc và khi chiến thắng trở về thì tạ ơn, phong thần. Nhiều tướng lĩnh khi chết lại được nhân dân ghi ơn, thờ phụng tại đây và dần dà trở thành Thần “chủ”. Cũng từ đó, nhiều ngôi mộ nhỏ được các triều đại phong kiến cùng nhân dân xây cất to lên thành Đền, như đền ông Hoàng Mười ở Xuân Hồng, Nghi Xuân; đền Chiêu Trưng ở Cửa Sót, Thạch Kim, Thạch Hà;…
Từ thực tế đó ta có quyền suy luận: “lai lịch” của các vị Thánh Nương ở Đền Cờn liên quan tới Tống Hậu (và các Công chúa Nam Tống) cũng là hệ quả của con đường “lịch sử hóa” này. Suy luận này của chúng ta còn được củng cố bởi thực tế có rất nhiều truyện kể khác nhau về lai lịch các Thánh Nương ở Đền Cờn: bên cạnh truyện kể nói Thánh Nương là thi thể vợ Đế Bính trôi dạt vào đây còn có truyện nói Thánh Nương là Hoàng Hậu Hùng vương thứ 13 (Ô châu cận lục); có truyện giải thích Tứ Vị Thánh Nương là Hoàng Hậu và ba nàng Công chúa, có truyện lai nói trong Tứ Vị chỉ có Tam Vị Thánh Nương còn một người là đàn ông (3),…
– Hiện tượng cá voi tựa vào thuyền mỗi khi có bão đã được ngư dân xem là thần cứu hộ. Ngư dân nhiều vùng biển thờ phụng cá voi, nhưng việc xây cất Đền phải gắn với “sự kiện” vớt được xác cá voi trôi vào biển làng mình. Dân Phương Cần có nhu cầu về một vị thần cứu hộ trên biển, nhưng cái diễm phúc vớt được xác một Đức Ông, Đức Bà đã không đến được với họ nên việc xây cất Đền Cờn (do nhặt được khúc gỗ lạ) đã diễn ra. Có thể người Phương Cần không hề vớt được xác cá voi, hoặc chỉ vớt được xác Voi Cô, Voi Cậu khi Đền Cờn đã được dựng, nhưng vai trò cứu hộ của cá voi trên biển đã buộc người ta phải “dung hòa” việc thờ cá voi với Tứ Vị. Dĩ nhiên đây mới chỉ là một suy đoán khoa học.

2. Lý giải
– Nhiều nhà sử học và folklore học đã chỉ ra rằng: từ xa xưa, con người sống trong các hang động trên núi, kiếm sống chủ yếu bằng hái lượm, săn bắt. Khi phát triển cao hơn, con người tràn xuống đồng bằng, sống dựa vào canh tác, chăn nuôi. Với năng lực cao hơn, con người chuyển sang chinh phục biển. Khi phát hiện ra một nguồn thực phẩm phong phú, tưởng như không bao giờ cạn kiệt, họ lại trở về lối kiếm sống bằng săn bắt/đánh bắt. Dĩ nhiên nghề đánh bắt trên biển đòi hỏi trình độ cao hơn.
Do có địa hình đặc biệt với một quần thể núi đá vôi nằm gần bờ biển nên có lẽ người xứ Nghệ, trong đó có người Quỳnh Lưu, Nghệ An “xuống biển” sớm hơn cư dân biển một số vùng khác trên đất nước ta, bởi đó là vị trí thuận lợi nhất khi con người mới bắt đầu chinh phục biển. Nghề biển thường gắn với những vùng cửa sông, bởi cửa sông là nơi phù sa và thức ăn từ thượng nguồn đổ về khiến cá tập trung nhiều, mặt khác chỉ có vùng cửa sông mới có đồng làm muối, thứ thức ăn rất cần cho con người mà rừng và đồng bằng không cung cấp nổi. Nhưng do vùng khí hậu khắc nghiệt nên nghề biển không đảm bảo được cuộc sống cho con người quanh năm, khiến cư dân ven biển xứ Nghệ thường “bắt cá hai tay”, sống “bán ngư, bán nông”, hầu như hiếm có những vùng thuần ngư trên đất Nghệ.
Nếu thừa nhận con người di dân của các cư dân là từ núi xuống đồng bằng, xuống biển như các nhà sử học chỉ ra thì nhìn vào diễn trình trên chúng ta nhận thấy cả Nhiên thần, Nhân thần đều đã được con người thờ phụng trước khi di cư xuống đất Phương Cần. Và hẳn là, khi “xuống biển” con người mang theo trong tâm thức mình tục thờ Mộc, thờ Mẫu là chuyện muôn đời, muôn nhà, nhưng thường thì thờ Mẫu nặng tính thiêng liêng mà không nặng tính linh thiêng như thờ các Thần trong đền/ miếu. Vả lại, như đã nói trên, với người Kinh, bố mẹ là gần gũi, khi mất được thờ ngay trong nhà, nên việc thờ Mẫu tại các đền/miếu không mang tính tượng trưng mà thường phải gắn với một nhân vật lịch sử hoặc liệt nữ “phi thường” nào đó.
– Đền Cờn được xây cất để cầu an, cầu lộc trước khi ra biển. Khả năng chinh phục biển ngày càng cao về thương nghiệp hàng hải cùng với nguồn lợi hải sản phong phú hơn những vùng biển khác trên đất Thanh – Nghệ đã đem lại sự giàu có nhanh chóng cho ngư dân Quỳnh Phương và những vùng phụ cận. Và trong quan niệm của nhân dân, sự giàu có nhanh chóng của dân bản địa là nhờ “công ơn” của các vị thần được thờ phụng trong Đền. Tin lành truyền đi rộng khắp, Đền Cờn càng nổi tiếng trong việc giúp người đi biển, càng trở nên linh thiêng, người đi biển khắp nơi đổ về cầu tài, cầu lộc. Lễ hội cầu ngư hình thành thu hút nhiều du khách cùng với sự “can thiệp” của các triều đại phong kiến qua mỗi lần sắc phong đã làm tăng thêm sự linh thiêng của Đền Cờn. Sự giàu có của ngư dân Quỳnh Phương so với nông dân và so với ngư dân những vùng biển khác trên đất Thanh – Nghệ cùng vị trí địa lý của Đền Cờn đã đẩy nó lên hàng đầu trong bảng xếp hạng “Nhất Cờn, nhì Quả, Bạch Mã, Chiêu Trưng”.

(*) Nhiều học giả đã kết luận như vậy và nếu dựa vào những truyền thuyết có được thì có lẽ đúng như vậy, tuy nhiên chưa ai chứng minh một cách đầy đủ và thật sự thuyết phục vấn đề này nên tôi xem đây là một giả định khoa học.
(1) Ninh Viết Giao (Biên soạn): Đền Cờn và tục thờ Tứ Vị Thánh nương ở xã Quỳnh Phương. Bản thảo vi tính A4, tr.12.
(2) Phạm Văn Tú: Miếu, lăng, cung thờ ở Cà Mau – Tín ngưỡng và giá trị nhân văn. Tóm tắt luận án tiến sĩ, tr.8.
(3) Xem: Ninh Viết Giao, tài liệu đã dẫn, phần truyện kể.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *