Đền Quán Cháo – đền Dâu ở phòng tuyến Tam Điệp

“Ai qua Quán Cháo – Đồng Giao.
Má hồng để lại, xanh xao theo về”

Câu ca ai oán ấy nói về một thời hoang vu của vùng đất Tam Điệp (Ninh Bình) ngày nay. Những người già ở phố Ghềnh, ở Yên Bình (Tam Điệp) nói rằng, vùng núi Tam Điệp giống như cái đuôi của vòng cung núi đá vôi Hoà Bình ăn sát ra biển, phía trên là vùng núi Hoà Bình – Sơn La điệp trùng. Bao hang động, vách đá cheo leo trập trùng nối đuôi dồn hết về đây. Beo cọp, thú dữ khắp nơi tìm về “dung thân” ở đất Đồng Giao nhiều vô kể. Khoảng những năm trước 1960, đền Quán Cháo chỉ có một miếu thờ nhỏ dùng thắp hương nằm lọt thỏm giữ bốn bề lau lách. Đoạn đường mòn từ phố Ghềnh đến đền Dâu chính là trung tâm Thị xã Tam Điệp bây giờ dài hơn 10km hai bên chỉ toàn lau lách rậm rạp, không một túp lều, không bóng người qua lại. Ban ngày ai muốn từ đền Dâu vượt qua Dốc Xây vào Bỉm Sơn (Thanh Hoá) phải “gom” thành một nhóm, trước lúc khởi hành ai cũng vào đền thắp hương khấn vái cầu an kẻo chết mất thây. Dân gốc TX Tam Điệp lúc đó chỉ vẻn vẹn vài chục túp lều tranh “co cụm” ở khu vực làng Ghềnh. Ban ngày lên nương, vào rừng lấy củi thì nơm nớp sợ hổ vồ. Ban đêm trời chưa tối đã phải đóng cửa, đến buồn tiểu cũng không dám ra ngoài vì hổ có thể ngồi ngay trước nhà.

Nhắc đến Đồng Giao – Quán Cháo hồi ấy, người ta nghĩ ngay đến hổ. Hổ dữ đã trở thành nỗi khiếp đảm với người dân bản xứ và những công nhân Nông trường Đồng Giao. Người ta không dám nhắc đến từ hổ mà phải gọi một cách kính cẩn bằng “ông” hay “ngài” hầu mong “ngài” chiếu cố tha cho! Thỉnh thoảng người làng Ghềnh vẫn gặp nó quẩn quanh ở khu Quán Cháo, Thang Lang, Quèn Voi…Nó “quản lí” đàn hổ từ Dốc Xây về tận Ghềnh, sang tận Khe Gồi. Sau này nó thành tinh. Đêm đêm người ta thấy nó bắt chước người đi chặt củi, nhặt nón rách đội lên đầu lang thang khắp nơi. Chính anh “hầu lâu” (người lái xe lu thời kỳ làm đường QL 1A qua Tam Điệp) ngủ trong buồng lái đã nhìn thấy nó đội nón thẫn thờ một mình dọc đường. Lại có chuyện kể rằng “ngài” thiêng lắm. Khoảng những năm 1953 – 1954, có lần dân làng Ghềnh rước hội lên đền Quán Cháo. Lúc đi tới ngã Baren thì “ngài” lao ra chặn đường. Một cô gái trong đám rước ấy bỗng nhảy cưỡi lên lưng “ngài”. “Ngài” chở cô gái và rước cả đám hội đến trước cửa đền Quán Cháo rồi phục xuống, sau mới cong đuôi chạy vào rừng. Những năm chiến tranh, đàn gia súc của Nông trường Đồng Giao vừa bị bom Mỹ sát hại, vừa bị lũ chó sói ăn thịt nhiều vô kể.

Đền Quán Cháo cách Ninh Bình 12 km về phía Nam. Đền Quán Cháo gắn liền với sự tích tiên nữ dâng cháo cho quân lính Tây Sơn trước giờ xung trận. Nói đến đền Quán Cháo, không thể bỏ qua chiến thắng Đống Đa của vua Quang Trung. Trận đại phá quân Thanh như một hào quang sáng rực trong lịch sử nước nhà.

Di tích lịch sử đền Quán Cháo gắn liền với huyền thoại Thánh mẫu đã biến thành cô gái bán hàng cháo, để dâng cháo cho quân lính Tây Sơn và cứu giúp những người cơ nhỡ độ đường và ứng đối thơ phú với bao nhiêu tao nhân mặc khách. Đến nay trong dân gian còn truyền tụng câu ca đồng giao

Ăn trầu nhớ miếng cau khô
Trèo lên Ba dội nhớ cô bán hàng


Cùng nằm trên đường quốc lộ 1 và cách đền Quán Cháo 3km là đền Dâu cũng gắn với sự tích hóa thân của thánh mẫu vào người con gái bản địa để dạy nhân dân trồng dâu nuôi tằm.

Đền Dâu một địa chỉ nằm ngay bên đường thiên lý Bắc Nam, là nơi đầu tiên đón bước chân du khách ngược Bắc trong mùa lễ hội hàng năm.

Đền Quán Cháo nằm cao hơn mặt đường còn đền Dâu nằm ngang với mặt đường, có khuôn viên rộng lớn hơn.

Hai ngôi đền đều gắn bó với các truyền thuyết vừa hư vừa thực về sức mạnh và niềm tin của thiên nhiên vào cuộc sống con người, là minh chứng về vai trò của người dân Tam Điệp đối với nghĩa quân Tây Sơn trong chiến thắng Thăng Long lịch sử. Là cái gạch nối giữa cố đô Hoa Lư xưa với thủ đô Hà Nội.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *