ÁP DỤNG PHONG THUỶ TRONG QUY HOẠCH, KIẾN TRÚC (

ÁP DỤNG PHONG THUỶ TRONG QUY HOẠCH, KIẾN TRÚC 

1. Phong thuỷ là gì?
Phong thuỷ là gió và nước, song xét về thực chất là khí, là năng lượng. Sự thành tạo của vũ trụ, của mặt trời, mặt trăng, các vì sao, trái đất, con người, cỏ cây, muôn loài là từ khí, nước, gió, nắng và các loại vật chất. Con người được hiểu là một tiểu vũ trụ. Con người là phong thuỷ, là Thiên , Địa, Nhân hợp nhất. Muốn hiểu về phong thuỷ phải hiểu quy luật của trời đất và của chính con người với tâm hồn trong sáng, thánh thiện, tràn đầy tình thương yêu đúng như Cụ Khổng Tử dậy “Tâm còn chưa thiện, phong thuỷ vô ích”. Sự thay đổi của nhiệt độ, của áp suất tạo nên gió, không khí lạnh biến mây thành mưa. Nước mưa rơi xuồng ngấm vào đất mẹ, tạo nên suối, sông, hồ nước và chảy ra biển cả bao la. Nước lại bốc hơi lên thành mây. Cuộc sống của mỗi một giọt nước lại bắt đầu từ khí. Theo quan niệm của dịch học và hậu thiên bát quái, quẻ Khảm (Thuỷ) tương ứng với phía Bắc của sao Bắc đẩu, Đông Bắc là quẻ Cấn (núi đồi), Đông là quẻ Chấn (Mộc), Đông Nam là quẻ Tốn (Gió), Nam là quẻ Ly (Hoả), Tây Nam là quẻ Khôn (Đất), Tây là quẻ Đoài (Hồ nước), Tây Bắc là quẻ Càn (Trời). Trung tâm của vòng tròn là Thổ. Trời có 4 phương Đông, Tây, Nam, Bắc và 4 hướng Tây Bắc, Đông Nam, Tây Nam, Đông Bắc. Ngoài ra còn hai phương tương ứng với thượng (trời) và hạ (đất). Vì vậy vào năm 1554 cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm nói “Việt Nam sẽ thịnh vượng, thanh hương vào khoảng 2044”, khi nước Việt Nam dân chủ cộng hoà tròn 99 tuổi (9*11) và Bác Hồ tròn 153 tuổi (9*17)” . Kinh nghiệm của tổ tiên dậy rằng: “ Nhất Vận, nhì Mệnh, tam Phong Thuỷ, tứ Phúc Đức và ngũ là Tri thức ( sự hiểu biết). Cụ Nguyễn Trãi hay nói đến chữ Nhân Nghĩa, Trí Nhân và chữ Thời, Cụ Khổng Tử dậy rằng “thời vận chưa tới, mưu cầu vô ích“ . Vận mệnh của đất nước, dân tộc, tổ chức, doanh nghiệp và từng con người là một quy luật không đổi. Vì vậy chúng ta phải biết và hiểu thời vận, mệnh để ứng xử phù hợp với quy luật của vũ trụ, trời đất , cây cỏ, muôn loài… Vận , Mệnh được coi là cứng, không đổi. Phúc đức và Tri thức là phần mềm có thể tu dưỡng, tích lũy để hình thành và để lại các giá trị cho muôn đời. Phong Thuỷ nằm giữa Vận , Mệnh và Phúc đức, Tri thức đóng vai trò trung tâm, kết nối giữa phần cứng Vận Mệnh với với phần mềm Phúc Đức, Tri thức. Vì nằm ở giữa, có âm có Dương, phong thuỷ là có thể lựa chọn, thay đổi, kế thừa và nâng cao phụ thuộc vào tâm đức và sự hiểu biết của con người.
Thuỷ sinh Mộc, Mộc sinh Hoả, Hoả sinh Thổ, Thổ sinh Kim và Kim lại sinh Thuỷ là tương sinh của Mệnh của 5 vật chất cơ bản. Ngũ hành tương ứng với 5 hoạt động của con người và 5 mục tiêu của dân tộc Việt Nam :
Thuỷ = Khoa học = Dân giàu.
Mộc = Kỹ thuật = Nước mạnh.
Hoả = Công nghệ = Xã hội công bằng.
Thổ = Đầu tư = Dân chủ .
Kim Thương mại = Văn minh.

Khởi thảo của các quẻ dịch là xuất phát từ các hào âm ( — –) và Dương ( —). Chồng các hào lên nhau thành 64 quẻ dịch. Kinh dịch được hiểu là sự dịch chuyển. Âm Dương được hiểu là trong dương có âm, trong âm có dương và mọi sự trên đời đều được quy về âm Dương. Cân bằng âm Dương là ổn định. Phát triển theo kinh dịch là bền vững, là thay đổi liên tục, đổi mới phù hợp với Vận, Mệnh, Phong Thuỷ.



Cụ Nguyễn Du có dậy “ Trăm năm tính cuộc vuông tròn, phải dò cho đến ngọn ngành lạch sông”. Có lẽ vì vậy để hiểu được phong thuỷ phải biết văn hoá Đông phương. Phải biết đạo làm người, được mô tả trên đồng tiền cổ: trời tròn, đất vuông. Nghĩa là con người phải sống tròn trịa với trời đất, tổ tiên, muôn loài, đồng thời phải chính tâm ( hình vuông ở giữa đồng itền ). Chúng ta cũng có thể gắn 12 con giáp khởi đầu là Tý (Chuột) trùng với Bắc ( Khảm Thuỷ) và quay tròn theo chiều kim đồng hồ của đồng tiền cổ : Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Như vậy trên vòng tròn của cồng chiêng và trống đồng… chúng ta đều có thể định vị được phương hướng, gắn với ngũ hành và quẻ dịch.

Nếu lấy tổng các số trong năm sinh của mình trừ đi 1 ta sẽ có số Phong Thuỷ, thí dụ cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh năm 1491, số Phong Thuỷ sẽ là 4+1=5. Cụ Nguyễn Trường Tộ sinh năm 1830 ( Canh Dần) có số Phong Thuỷ là 3. Người sinh năm 1891 (Tân mão) có số Phong Thuỷ là 9. Người sinh năm 1945 cũng có số Phong Thuỷ là 9. Ngườii sinh năm 2008 cũng có số Phong Thuỷ là 9. Tương ứng với số Phong Thuỷ của nam và của nữ xác định hướng tốt của từng người theo các Sao : Sinh khí, Thiên y, Diên niên, Phục vị. Người sống thường chọn hướng sinh khí để nhìn vào, hướng về, khi chết thường gối đầu vào hướng này để giúp con cháu.
Nghiên cứu năm sinh của con người và phong thuỷ trong 100 năm vừa qua có thể thấy 33% con người được sinh ra sẽ hợp với hướng tốt nhất là Tây Nam và Đông bắc 66% người còn lại được chia đều cho 6 phương ( Bắc, Nam, Đông , Tây, Tây Bắc, Đông Nam). Phong thuỷ ngày hôm nay có thể hiểu là môi trường. Phát triển bền vững được hiểu là sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách hợp lý để không làm ảnh hưởng đến các thế hệ tương lai. Phong thuỷ đã có với con người khoảng 5000 năm.Sống phù hợp với phong thuỷ với quy luật của trời đất là giữ cho đất,nước, khí trong lành.


2. Phong thuỷ với con người.

Cách đây 2500 năm,Đức Phật Tổ là Thái tử Ân Độ bỏ cung điện đi tìm con đường giải thoát cuộc sống cho con người và muôn loài. Người nhận thức phải có sự hiểu biết (tri thức) mới có được tình yêu thương. Phải xuất phát từ tình yêu thương mới trồng được cây Phúc Đức. Sau nhiều năm tháng toạ thiền và sống cuộc đời khổ hạnh, Người mơ thấy mình gối đầu vào dãy Hymalaia (mái nhà của thế giới) tay trái chạm bờ biển Đông, tay phải chạm bờ biển Tây và chân chạm bờ biển Nam. Người đã tựa vào cây Bồ Đề, có lá hình trái tim để tu hành và trở thành Thích Ca Mầu Ni. ở Việt Nam có vua Trần Nhân Tông, vào tuổi 40 cũng bỏ triều đình, cởi áo bào đi tu ở Yên Tử và sáng lập nên Thiền Viện Trúc Lâm với các vị Thiền sư nổi tiếng, làm rạng rỡ non sông đất nước. Hiện ở chùa Lân, Yên Tử có tượng Phật, có cây khế cổ thụ mấy trăm năm tuổi và có quả cầu đá đường kính 1.6m,nặng 4.5 tấn nổi và quay trên mặt nước. Vận nước đã đến theo lời sấm Trạng Trình “bao giờ thạch nổi, mao chìm / đồng khô cạn nước, mới nên cơ đồ’. Đá nổi ở Yên Tử,dịch cúm gia cầm và hạn hán mấy năm nay đã ứng với lời cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm.Cũng có thể ngày xưa, vua Trần Nhân Tông đã cởi áo bào ở chùa Lân ngày nay và tựa vào cây khế (quả khế có hình sao năm cánh của ngũ hành) để thiền và ngộ. Người đã trở thành Tổ Sư của dòng tu thiền. Xuất phát từ lòng yêu thương và tri thức, Thích Ca Mầu Ni và Vua Trần Nhân Tông đều từ con người trở thành Phật. Vì vậy có thể hiểu rằng Phật là Người. Người là Phong Thuỷ như giấc mơ của Đức Phật. Phong Thuỷ được gắn liền với Long, Huyệt, Sa, Thuỷ, Hướng. Nhà phong thuỷ phải tìm mạch (Long),xem đất cát (Sa), quan sát nước chảy (thuỷ), tìm thấy Huyệt và lập Hướng. Long được hiểu là sự mạch lạc của núi, đá là xương Long. Núi (có tổ tông được gọi là Tổ Sơn) là nơi khởi nguyên mạch ( tương ứng với đầu người ). Sống lưng của núi, thế nằm của núi, nổi hay chìm, liên tục hay đứt quãng tương ứng với mỗi sao ngũ tinh và cửu tinh cho phép đánh giá mạch của núi. Sa được coi là núi nhỏ, đồi nhỏ quanh Long. Sa bên trái là Thanh Long, Sa bên phải là Bạch hổ (tương ứng với tay trái, tay phải của con người). Sa ở đằng trước la Chu tước, Sa ở đằng sau la Huyền Vũ. Thuỷ là dòng khi chảy từ long,theo sơn mạch. Thuỷ cũng như mạch máu của con người. Máu chảy từ tim đến các bộ phận cơ thể con người. Khí vào, ra con người bằng mũi, bằng da, bằng các luân xa và đặc biệt là từ đỉnh đầu (tổ sơn) và cũng đi khắp cơ thể. Đất có các huyệt, tương ứng với các huyệt của người trong Đông y. Trong một cuộc đất có thể tìm thấy một huyệt đạo quan trọng nhất, trong cơ thể con người, rốn có thể coi là tâm điểm. Nơi con người bắt đầu có sự sống. Đất có cỏ cây tương tự như con người có lông, tóc, lông mày, lông mi. Lá cây,hạt gạo, cá chép, cánh hoa sen…rất giống với đôi mắt của con người. Mắt của Người không thay đổi với thời gian và có tuyến lệ để khóc (khác với các loài động vật). Khi tìm về cội nguồn của phật giáo và loài người, mắt của con người được thờ một cách trân trọng nhất.
Từ rất xa xưa, người Việt Nam đã thờ cúng thánh thần, tổ tiên. Các làng quê Việt Nam có miếu, đền đình, cổng làng, đường làng, cây đa, giếng nước. Họ đều có quan niệm “trông trời, trông đất, trông mây, trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm / trông cho chân cứng đá mềm, trời yên biển lặng mới yên tấm lòng”. Ca dao có câu “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Ba cây chụm lại giúp người Việt ăn, mặc, làm nhà và đánh giặc là cây lúa, cây dâu và cây tre. Có lẽ vì vậy dân tộc Việt Nam mềm mại, dẻo dai, khó khuất phục vì biết chắt lọc các giá trị của nhân loại, của thế giới cho cuộc sống tâm tinh của mình. Người Việt Nam có truyền thống Sơn tinh, Thuỷ tinh, Thần núi và Thần sông. Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Tản Viên, Bà Chúa Liễu Hạnh là tứ bất tử của người Việt. Dòng dõi người Việt được coi là con rồng cháu tiên, gắn liền với núi và biển. Có lẽ vì vậy người Việt Nam thích sống thanh cao, rộng mở, hiên ngang song thật giản dị, thực tế. Cụ nguyễn Trãi nói “hoa thì thường héo/cỏ thường tươi “. Cụ Nguyễn Công Trứ nói “kiếp sau xin chớ làm người / làm cây thông đứng giữa đời mà reo” Cụ Nguyễn Trường Tộ muốn có thêm một chiếc đũa để “đất làm bàn tiệc/ biển làm ly”. Phong thuỷ, con người, các gía trị văn hoá luôn gắn kết với nhau, bổ xung cho nhau, tạo nguồn cho hứng khởi, cảm xúc và động lực để yêu thương, phát triển. Vô hình và hữu hình, vật chất và tâm linh, niềm tin và danh lợi… đều có thể quy về các giá trị Âm và Dương. Hiểu con người, hiểu chính mình, biết mình là ai để hiểu phong thuỷ, hiểu trời đất, hiểu cỏ cây và muôn loài. Có lẽ vì vậy Trời được coi là Cha, Đất là Mẹ, cỏ cây là anh em, bạn hữu. Sống phù hợp với phong thuỷ là trở về với cội nguồn, với Trống Đồng, làm một người tử tế, thông thiên văn, tường địa lý, hiểu lòng người với tâm hồn trong sáng và thanh cao nhất.
Phong thuỷ với kiến trúc Quy hoạch và Xây dựngVăn minh của nhân loại đều phát triển dọc theo các dòng sông và bờ biển, gần với hồ nước. Sông được coi là con đường của Thiên tạo cho con người. Vì vậy nên học sông để làm đường. Con đường là nhân tạo. Cầu là nối hai bờ của một dòng sông (giao hoà giữa hai con đường Âm Dương) vì vậy phải được bố trí hợp lý. Kinh thành của các triều đại phong kiến thường toạ Bắc hướng Nam để các bậc Thiên tử cai quản bách tính…
Đông Tây được coi là hướng của Thần Thánh. Các vị thần linh lên cùng mặt trời ở phía Đông và hạ xuống ở phía Tây. Thánh địa Mỹ Sơn của Việt Nam được quy hoạch với các cửa vào Đông Tây. Hà Nội được coi là thủ đô của Việt Nam từ 1010. Thành phố bao bọc bởi các dòng sông Hồng, sông Tô lịch, sông Nhuệ, sông Đáy và nhiều hồ nước. Thật là một nơi tụ thuỷ. Các cuộc đất có sông suối bao quanh đều địa linh nhân kiệt. Nơi hội tụ của các con sông đều là đất lành chim đậu. Lịch sử 1000 năm của Thủ đô Hà Nội chứng tỏ, cứ lúc nào Hà Nội là thủ đô, thì Việt Nam độc lập và giữ được nước. Dòng sông Tô Lịch, Hồ Tây vốn gắn với sông Hồng, Các dãy núi ở phía tây chạy từ Tây Bắc của đất nước về đến Thanh Nghệ Tĩnh hình thành nhánh Bạch Hổ. Các dãy núi chạy tử Bắc xuống Đông bắc, Đông Triều, Yên tử, Quảng Ninh là Thanh long của Hà Nội. Long mạch của Hà Nội, khí thiêng của đất nước phụ thuộc vào Thanh Long và Bạch Hổ. Dòng sông Hồng chảy theo hướng Tây Bắc- Đông Nam vào Việt Nam, tương tự dòng sông Cửu Long. Tây Nam, Đông Bắc, Đông Nam là các hướng gió chính của Việt Nam. Vì vậy trong quy hoạch cần tận dụng các hướng Tây Bắc – Đông Nam và Tây Nam – Đông Bắc. Tây Nam là vị trí của các nước Singapore, Malaixia, Thái Lan, Đông Bắc là vị trí cuả Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Nhật, Hàn Quốc. Đây là trục kinh tế năng động nhất của Châu á và của thế giới trong tương lai.
Bản đồ Việt nam hình chữ S dương, có chữ S âm, đối xứng hoàn toàn, ta sẽ có hình đất nước là số 8. Được hình thành bởi hai quả trứng của Lạc Long Quân và Âu Cơ, Đồng thời là số 8 của Phật giáo: bát đạo, bát nhã, 8 cánh hoa sen, 8 hướng… Nếu lấy tâm số 8 là thành phố Huế để vẽ một vòng tròn tiệm cận với Mục Nam Quan và Mũi Cà Mau ta sẽ có hình bát quái của văn hoá Đông phương. Hai mắt cá Âm Dương sẽ tương ứng với thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Vì vậy chắc chắn Hà Nội mãi mãi là trung tâm chính trị , văn hoá và TP Hồ Chí Minh phải là trung tâm kinh tế của cả nước.
Trong một dự án quy hoạch bao giờ cũng cần xác định hướng chính của dự án. Tốt nhất dự án nên tựa vào núi cao, đồi lớn (không nhất thiết phải nhìn thấy) hoặc nhà cao tầng thay cho núi non. Dự án có thể hướng về vùng đất bằng phẳng, có sông hồ, hai bên có thanh long, bạch hồ. Đối xứng được là tốt nhất. Các đường vào của dự án có thể lựa chọn trùng với hướng Đông Nam– Tây Bắc, Đông Bắc – Tây Nam. Nếu dự án có sông nước bao quanh là lý tưởng như bản đồ huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng nơi đã sinh ra cụ Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Hình dạng của huyện Vĩnh Bảo giống một con chim Lạc Hồng khổng lồ, rất giống bản đồ sơ bộ quy hoạch Nghĩa trang Khoang Diệu tại Hoà Bình. Trục tâm linh của Nghĩa Trang Khoang Diệu là đường thẳng nối đỉnh núi Viên Nam (Vua Bà) với đỉnh núi Tản Viên. Nếu kéo dài trục này, sẽ gặp đỉnh núi K9 (Đá Chông, U Rồng) của Bác Hồ và nằm trên trục Đông Nam Tây Bắc, trùng với mệnh của chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1802 vua Gia Long lên ngôi và đã chọn kinh thành Huế theo hướng toạ Tây Bắc, hướng Đông Nam vì sự có mặt của dòng sông Hương, núi Ngự Bình và các Thanh Long Bạch Hổ trên dòng sông. Các kinh thành xưa thường có hào nước bao bọc, có thể là hình tròn hay hình bát quái tương ứng với 8 phương vị. Các dự án quy hoạch đều cần có tâm điểm (rốn của dự án) nơi tụ linh, tụ thuỷ để có thể hấp thụ được khí linh thiêng của trời đất và mang lại sự an lành cho con người. Trong quy hoạch dự án công viên nghĩa trang Khoang Diệu đã có ý tưởng xây dựng đàn Nam Giao và tháp chuông thờ Trống Đồng. Vì theo lời dậy của Cụ Khổng Tử, là ở đời có 3 việc phải lo “lo ăn cho người sống, lo tang và tế lễ”. Trong một dự án quy hoạch và kiến trúc không nên chỉ dùng các đường thẳng. Cần phải có các đường cong. Vì thẳng được coi là dương, cong được coi là âm. Như đã phân tích ở đặc tính của người Việt Nam là giống cây lúa, cây dâu, cây tre vì vậy cần sự mềm mại , dẻo dai và cân bằng âm dương.
Trong một đô thị mới rất cần có hồ nước “Nước chảy chỗ trũng” linh khí và năng lượng của trời đất có cơ hội tụ tập về hồ làm môi trường thân thiện hơn với con người. Hà Nội đẹp bởi có Hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây, hồ Thiền Quang, hồ Bảy Mẫu,, hồ Ngọc Khánh, Thành Công, Voi phục… Hồ Hoàn Kiếm là tâm điểm của Hà Nội, có các Cụ Rùa sống hàng trăm năm gắn với truyền thuyết cho Lê Lợi mượn gươm quý. Sau khi vua Gia Long rời kinh đô về Huế, TS Vũ Tông Phan và sỹ phu Bắc Hà đã tụ họp về Đền Ngọc Sơn và xây dựng trường học tại trụ sở báo Nhân dân ngày nay. Nếu nối tâm hồ Hoàn Kiếm với tâm Hồ Tây chúng ta sẽ có trục Đông Nam – Tây Bắc. Tây Bắc được coi là cội nguồn của dân tộc. Hồ Hoàn Kiếm trở thành trung tâm của Hà Nội, là một điểm thiêng liêng. Có lẽ vì vậy mà cây ven hồ cứ muốn cúi rạp xuống nước để tận hưởng khí an lành, mọi người cứ muốn đến Hồ Hoàn Kiếm đi dạo và tìm kiếm sự an lành. Nơi đây còn có Tháp Bút và Nghiên mực của kẻ sĩ Bắc Hà để viết lên trời xanh.
Trong lịch sử Việt Nam, thần Kim Quy đã từng giúp Việt Nam xây dựng thành Cổ Loa và đánh giặc Minh. Truyền thuyết kể rằng , khi người Việt hỏi phải làm nhà như thế nào, Thần đã đứng trên chân của mình và nói cứ trông ta mà làm. Có lẽ vì vậy Người Việt cổ thường ở nhà sàn. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thích ở nhà sàn. Nhà sàn là một kiến trúc độc đáo vì có thể đón gió từ 10 phương. Có khả năng thông thoáng tốt nhất. Xây dựng nhà trên cọc cho phép không phải san ủi đất để tạo mặt bằng và tránh làm hỏng long mạch tự nhiên. Nhà ở trên cọc nên là giải pháp được chọn lựa để xây dựng các công trình ở vùng ngập lụt, lũ quét, gió bão vì giảm thiểu lực tác dụng lên công trình.
Đường nét các công trình xây dựng nên có các đường cong, nếu có thể làm các ô cửa số hình tròn như Trống Đồng Ngọc Lũ. Vật liệu xây dựng công trình, trang trí công trình có đủ ngũ hành. Tuy vậy bể nước và bếp không nên gần nhau. Cây cảnh, hòn non bộ, bể cá, chuông gió, tranh đá quý, đồng tiền cổ, lò sưởi, giếng trời, đài phun nước… đều có thể sử dụng để có sức khoẻ tốt và đón khí trong lành.
Kích thước công trình, chiều cao công trình, số tầng nhà, kích thước cửa, hướng nhà có thể lựa chọn tuỳ theo số phong thuỷ và thước lô ban của mỗi người (từ đầu xương khuỷu tay đến mắt cá bàn tay). Các số 1,3,5,7,9 là số dương, các số 2,4,6,8 là số Âm. Từng số tự nhiên đều có ý nghĩa. Số 1 và 9 là nhất dương, số 2 là âm dương, số 3 là thiên địa nhân, số 4 là bốn phương, 4 mùa, 4 đức, số 5 là ngũ hành, số 6 là bậc cao nhất của quẻ dịch. Số 7 là số của chúa, là 7 ngày trong tuần, 7 bậc Thiên đàng, là số của Nho giáo, số 8 là số của Phật. Số 9 là số của người Việt Nam. Vận con người, đất nước cũng theo số 9. Thượng Nguyên, Trung Nguyên, Hạ Nguyên là 9 *20 =180 năm. Chúng ta đang ở vận 8, khởi đầu từ 2004 kết thúc 2023 và vận 9 từ 2024 đến 2043. Trong 1000 năm qua cứ đến vận 8 và vận 9 thì Việt Nam lại thịnh vượng , thanh hương. Các số tự nhiên là phản ánh khách quan quy luật của tự nhiên, của toán học, triết học, tâm linh học và nên được nghiên cứu kỹ để áp dụng trong quy hoạch kiến trúc, xây dựng và cuộc sống của con người.. Mọi vật có thể đổi thay, song Quy luật là bất biến. Các ngôi chùa của Myama, Lào, Thái Lan… thường được thiết kế theo hình bát giác, hoặc tròn. Tượng Phật hướng về 4 hướng : Tây Bắc, Đông Nam, Tây Nam, Đông Bắc. Bốn hướng Bắc, Nam, Đông, Tây thường là cột. Có lẽ vì vậy Phật và Người là một. Mái các ngôi chùa thường cong để “mái chùa che chở hồn dân tộc/ ngàn năm sống mãi với tổ tông”. Câu đối đó làm chúng ta nhớ đến câu tục ngữ ”Âm phù , Dương trợ”.
Chúng ta có thể học nhiều lắm từ các công trình kiến trúc cổ để kết hợp giữa văn hoá Đông phương và văn minh phương Tây đồng thời phát huy bản sắc văn hoá Việt Nam.
Việc lựa chọn địa điểm để quy hoạch một dự án và xây dựng một công trình nên xuất phát từ khoa học phong thuỷ và điều kiện kỹ thuật của đất nền. Chi phí nền móng có thể chiếm đến 40% giá trị xây lắp và 70% công trình bị hư hỏng do nguyên nhân nền móng. Về nguyên tắc một cuộc đất tốt phải có đất, nước, khí tốt. Có không khí trong lành, cây cỏ xanh tươi, đa dạng sinh vật và tạo nên sự an lành, sảng khoái. Khoa học phong thuỷ bao hàm cả những vật không thể nhìn thấy được và cả những phạm trù chỉ cảm nhận được bằng trực giác, trên cơ sở của quan sát, suy ngẫm và kết luận trên cơ sở của biện chứng.
Việc lựa chọn màu sắc cho công trình, cho vật dụng trong nhà và cho từng người cũng là một phạm trù của Phong thuỷ, vận mệnh và ngũ hành. Thuỷ xanh đen, Mộc màu xanh, Hỏa màu đỏ,Thổ màu vàng, Kim màu trắng.
Các kiến thức về Phong Thuỷ và Văn hoá Đông Phương nên được giảng dạy và ứng dụng trong kiến trúc quy hoạch xây dựng và trong cuộc sống con người. Chỉ có sự hiểu biết và tình thương yêu mới tạo nên những dự án/ công trình có chất lượng cao, giá thành hạ và có giá trị vĩnh hằng.
Giá trị = Chất lượng / Giá thành. Trong đó giá thành là dương, chất lượng và giá trị là âm.
Sự phát triển thjnh vượng và thanh hương của đất nước phụ thuộc vào công tác quy hoạch, xây dựng hạ tầng cơ sở và các công trình dân dụng, công nghiệp, một cách thông minh nhất và tâm linh nhất. Chúng ta có thể khai thông các dòng sông, nạo vét các lòng sông, phục hồi hồ nước, hạn chế việc san lấp, phá đồi núi. Phải khuyến khích việc trồng rừng, trồng cây vì lợi ích của 10 năm , 30 năm và vì nước mạnh.
Chúng ta có thể tập trung quy hoạch những vùng, khu đô thị lớn với quy mô hàng ngàn, hàng trăm héc ta với tầm nhìn hàng trăm năm.
Chúng ta có thể xây dựng những công trình có nền móng là tình thương yêu, giáo dục, đào tạo hiểu biết về phong thuỷ. Tầng 1 là của khoa học (Thuỷ) và sự nghiệp dân giàu. Tầng 2 là của kỹ thuật (Mộc) và nước mạnh, Tầng 3 là của công nghệ (Hoả) và xã hội công bằng. Tầng 4 là của Đầu tư (Thổ )và dân chủ. Tầng 5 là Thương mại (Kim) và văn minh. Mái nhà là các giá trị văn hoá. Nước mưa, nắng , gió lại đưa các giá trị văn hoá xuống đất làm nền cho cỏ cây, hoa lá xanh tươi và làm giàu thêm tình thương yêu.
Chúng ta có thể quy hoạch và xây dựng các công viên nghĩa trang, các vườn lịch sử, các vườn tưởng niệm linh hồn người chết “Đền ơn đáp nghĩa” , “Uống nước nhớ nguồn‘ , “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Sống là vì mồ vì mả, không phải là vì cả bát cơm”, “Sống là gửi, thác là về”, “Sồng khôn, chết thiêng”… thờ cúng tổ tiên… Đây là những nét đặc sắc của văn hoá tâm linh. Có bạn quốc tế nhận xét rằng nếu Việt nam khai thác được các giá trị văn hoá tâm linh khoảng 50% chắc chắn sẽ thịnh vượng và thanh hương.
5. Kết luận.
Con người là một tiểu vũ trụ, con người là Phong Thuỷ. Con người là Phật. Con người cũng có thể là cỏ cây hoa lá, muôn loài… Tất cả vũ trụ bao la, trời đất, con người, muôn loài đều nằm trong một hệ thống thống nhất, bé nhỏ như một chiếc khăn mùi xoa, một tờ giấy A4 và phẳng như màn hình máy tính. Cả hệ thống có quy luật tự nhiên, khách quan và không đổi. Cả thế giới loài người đang hội nhập. Đang trở thành mọt thị trường chung (Kim). Song theo quy luật của tự nhiên, lại biến đổi thành khí, thành nước, thành tình thương yêu (Kim sinh Thuỷ). Thành năng lượng Thuỷ lại nuôi sống cỏ cây (Mộc), muôn loài. Cây cối lại sinh năng lượng (Hoả) nuôi sống con người. Hoả lại sinh Thổ, như con người lúc ra đi lại gửi xác về cho đất. Chỉ còn khí lại bay lên theo quy luật. Thổ sinh Kim như đâu tư sinh lợi nhuận và làm cho cuộc sống con người có chất lượng hơn. Phong Thuỷ là khoa học, là một phần của văn hoá Đông phương gắn liền với các khái niệm của Âm Dương, Ngũ hành, Dịch lý, Khổng giáo, Lão giáo, Phật giáo. Xét về thực chất là triết học.
Phong Thuỷ là môi trường và năng lượng theo khái niệm hiện đại. Vân, Mệnh, Phong Thuỷ, Phúc đức, Tri thức đồng hành với con người từ hàng ngàn năm nay. Khó đổi Vận và Mệnh. Có thể thay đổi Phong thuỷ, Phúc đức và Tri thức con người. Có sự hiểu biết mới có tình thương yêu và mới có Phúc đức. Có Phúc đức mới hiểu được Phong Thuỷ. Có hiểu biết về Phong Thuỷ mới biết Vận, Mệnh. Biết mình là ai và có thể làm gì cho hợp với quy luật.
Sức khoẻ, thông minh, tâm linh, khôn ngoan và biết ứng xử là 5 tiêu chuẩn của con người. Rèn luyện sức khoẻ, học, đọc, quan sát, thảo luận, suy luận và tự nhận thức là một quá trình lặp đi lặp lại của con người để tự giải thoát mình và sống vì các giá trị vĩnh hằng.. Những nội dung trình bày trong bài viết này được chắt đọng từ nhiều năm học hỏi và chiêm nghiệm thực tế. Xin cám ơn tất cả những người thầy và người bạn đã giúp đỡ và chỉ giáo. Kinh nghiệm cho thấy rằng càng học, càng đọc và chiêm nghiệm thực tế càng thấy tri thức về Phong Thuỷ và Văn hoá Đông phương thật có giá trị và thật là mênh mông. Càng thấy mình còn dốt. Phải là một cái bình rỗng suốt đời của Khổng Tử để rót thêm tri thức của tiền nhân.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *