Tín ngưỡng thờ Đại Càn ở Nam Bộ

Tín ngưỡng thờ Đại Càn ở Nam Bộ  

 Nguyễn Thanh Lợi
1. Tục thờ Tứ Vị Thánh Nương ở Bắc Bộ và Trung Bộ
Trong dạng thức thờ của tục thờ Mẫu, tín ngưỡng thờ Tứ Vị Thánh Nương phổ biến ở khá nhiều làng người Việt ven biển từ Bắc vào Nam, nhất là ở ven biển Trung Bộ với trung tâm là đền Cờn (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An).
Ở Bắc Bộ, nhiều nơi có tục thờ Tứ Vị Thánh Nương như:
Kiến An: Phú Kê (tổng Phú Kê, huyện Tiên Lãng)(1).
Hải Dương: Bình Cách (tổng Hà Lô, huyện Tứ Kỳ).
Thái Bình: Hải Linh (tổng Lễ Thần, huyện Thanh Quan), Tống Thỏ (tổng Trực Nội, huyện Thanh Quan).
Tỉnh Nam Định: An Lễ (tổng Ninh Mỹ, huyện Hải Hậu), Diên Bình (tổng Diên Hưng, huyện Trực Ninh), Lã Điền (tổng Bách Tính, huyện Mỹ Lộc), Trùng Quang (tổng Quế Hải, huyện Hải Hậu).
Hà Nam: Mạc Hạ (tổng Công Xá, huyện Nam Xương).
Ninh Bình (tổng Thổ Mật, huyện Yên Mô, phủ Yên Khánh), Cơ Xá (huyện Hoàn Long), Ninh Mật (tổng Tự Tân, huyện Kim Sơn), Phương Nại (tổng Thổ Mật, huyện Yên Mô), Hà Thanh (tổng Thổ Mật, huyện Yên Mô), Văn Lung (tổng Đại Hữu, huyện Gia Viễn), Yên Mô Càn (tổng Yên Mô, huyện Yên Mô).
Trung Kiên (tổng La Vân, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An)(2).
Ở đình Phong Cốc (huyện Yên Hưng, Quảng Ninh), Quan Lạn (Quảng Ninh) vị thuỷ thần này được gọi với thần hiệu Đại Càn quốc gia tứ vị thượng đẳng thần hay Đại Càn quốc gia Nam Hải tứ vị tôn thần (gọi tắt là Tứ Vị Thánh Nương , Tứ Vị Hồng Nương)(3).
Khu vực Hà Nội (trước khi sáp nhập tỉnh Hà Tây vào), một số địa điểm có thờ vị thần này với các danh hiệu tương tự: Hội Thống (Đại Càn Tứ Vị Thánh Nương), Nghĩa Lập (Đại Càn quốc gia Nam Hải tứ vị tôn thần), Vĩnh Trù (Tứ Vị Hồng Nương), phủ Từ có làng như Vĩnh Trù (phố Hàng Lược) coi Tứ vị như Thành hoàng. Các địa điểm này đều nằm ven sông Hồng và sông Tô. Và tín ngưỡng này đã được thu nhận từ các lái buôn xứ Nghệ mà đình Hội Thống cũng chính là tên một làng ở Nghệ An, nơi có cửa Hội là một bằng chứng(4).
Hà Tây là địa phương có liên quan đến tín ngưỡng thờ Tứ Thánh Mẫu ở đền Lộ (huyện Thường Tín) gắn với cái chết của bốn mẹ con hoàng hậu nhà Tống(5).
Tại Nam Định, cái nôi của tín ngưỡng thờ Tứ phủ, Đại Càn Thánh Nương có khi bị đồng nhất với Mẫu Thoải (Mẫu Thuỷ), nữ thần cai quản thuỷ phủ, do hai tập tục dễ hoà nhập. Ở Phú Thọ, Đức vua Tứ Vị Càn Nương lại ghép với Bảo Hoa công chúa, một nữ thần trong văn hoá Việt Mường. Một số nơi khác, Đại Càn Tứ Vị Thánh Nương là nữ tướng của Hai Bà Trưng(6).
Ở Thanh Hoá, Tứ Vị Hồng Nương và Đức Thánh Ngũ Vị là hai dòng lớn trong hệ thống tín ngưỡng ở địa phương. Thậm chí, Bà Triệu cũng được đồng nhất với Đại càn quốc gia Nam Hải Tứ Vị Thánh Nương (?)(7). Làng Mom (kẻ Mom, xã Quảng Nham, Tứ Vị Thánh Nương cũng là thành hoàng của làng. Về sau, thờ thêm Thánh Lưỡng Tham xung Tả quốc, Cao Các Đại Vương (nhiên thần), Tây Sơn đại tướng quân (không liên quan gì đến Quang Trung)(8). Thần hiệu ở đây vẫn là Đại Càn Quốc gia Nam Hải Tứ Vị Thánh Nương thượng đẳng thần hay Đại Càn quốc gia Nam Hải Tứ Vị Thánh Nương tôn thần(9). Chỉ riêng ở huyện Hoằng Hoá đã có đến hơn 20 nghè của các làng thờ Tứ Vị Thánh Nương; Ngọc Lâm (Hoằng Trường), Trung Ngoại (Hoằng Hải), Xuân Vi (Hoằng Thanh), khúc Phụ (Hoằng Phụ), Hạ Vũ (Hoằng Đạt), Thọ Văn (Hoằng Phúc), Bái Xuyên (Hoằng Xuyên), Phượng Ngô (Hoằng Lưu), Ngọc Long (Hoằng Phong), Dương Thành (Hoằng Thành), Quan Nội (Hoằng Anh), Hội Triều, Hồng Nhuệ…(10).
Tại Nghệ An, không chỉ ở huyện Quỳnh Lưu, mà các huyện Diễn Châu, Nghi Lộc, Yên Thành, đều có thờ Tứ Vị Thánh Nương.
Trên địa bàn Hà Tĩnh, Tứ Vị Thánh Nương được gọi gần với các thần hiêu của cá Ông như: đình Dục Vật (xã Xuân Lộc, huyện Can Lộc) – Đại Càn Nam Hải, đền Đại Càn (xã Hậu Lộc, huyện Can Lộc) – Đại Càn quốc gia, đền Thánh Mẫu (xã Thịnh Lộc, huyện Can Lộc) – Đại Càn Thánh Nương(11). Hoặc gọi là Đại Càn Tứ Vị(12).
Ở Thừa Thiên Huế, miếu thờ Tứ Vị Thánh Nương lớn nhất được lập ở làng An Cựu, xã Thuỷ An (Tp. Huế). Các làng khác đều lập miếu thờ hoặc thờ ở đình làng, hàng năm tế lễ nghiêm trang. Các triều đại ban sắc phong thần là: “Đại Càn quốc gia Nam Hải, diệu ứng, linh hưu, mặc tướng, nghiem hương, diễn đăng, phổ minh, đĩnh vị, hao ân, đảng đức, bác hậu, Hàm hoằng, quang đại, chí đức, phổ bác, hiển hoá, trang huy, Dực Bảo Trung Hưng, Tứ Vị Thánh Nương, thượng đẳng thần”(13). Ở địa phương Tứ Vị Thánh Nương được xếp vào các thần có nguồn gốc từ Trung Quốc(13).
Trong văn tế đình làng Hoà Mỹ (xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) cho thấy đủ các thần thánh, trong đó có cả các thần địa phương và các thần của người Chăm, Tứ Vị Thánh Nương đứng hàng thứ hai: Bổn xứ thành hoàng tôn thần, Đại càn quốc gia Nam Hải Tứ Vị Thánh Nương nương, Bạch Mã Thái Giám tôn thần, Ngũ Hành Thánh Nương Nương, Thu Bồn Đại đức phu nhân tôn thần, Phiếm Giang Trai Thục Dực Bảo Trung Hưng trung đẳng thần, gia tặng thượng đẳng thần (bà Phường Chào), Diễn phi Ana chúa Ngọc (Thiên Y A Na)…(14)
Thành phố Hội An (Quảng Nam), nơi có thương cảng nổi tiếng một thời trong lịch sử, hiện là địa phương có mật độ di tích đậm đặc, nhất là các cơ sở tín ngưỡng gắn với người Hoa. Tại khá nhiều đình, lăng, miếu Tứ Vị Thánh Nương có sắc phong hoặc được nhắc đến trong các văn tế như: đình Ông Voi, đình Hội An, Minh Hương Tuỵ Tiên đường (phường Minh An), đình Cẩm Phô (phường Cẩm Phô), đình Thanh Hà, đình Xuân Mỹ (phường Thanh Hà), đình Kim Bồng (xã Cẩm Kim), đình Châu Trung, đình Xuyên Trung (phường Cẩm Nam), đình Sơn Phô, đình Đế Võng, đình An Mỹ, đình Thanh Tây (phường Cẩm Châu), đình Thanh Đông (xã Cẩm Thanh), đình An Bàng (phường Cẩm An), đình Tân Hiệp, lăng Đại Càn, miếu tổ nghề yến (xã Tân Hiệp).
Trong số này, hiện đinh Cẩm Phô, đình Minh Hương, đình Sơn phô, đình Ông Voi, đình Sơn Phong là còn lưu giữ các sắc phong, trong các di tích khác, Tứ Vị Thánh Nương chỉ được nhắc đền trong văn tế với thần hiệu Đại Càn quốc gia Nam Hải Tứ Vị Thánh Nương, mỹ tự là Hàm Hoằng Quang Đại Chí Đức Phổ Bác Hiển Hóa Trang Huy Dực Bảo Trung Hưng thượng đẳng thần(15).
Cá biệt có miếu Cả ở làng Mỹ Khê (Đà Nẵng) thờ Tứ Vị Thánh Nương riêng biệt chứ không thờ trong các đình làng, còn phần lớn phối tự với các vị thần khác với cái tên Bà Giàng Lạch, vị thần chủ của sông biển(16).
Trong các văn tế như văn cúng tiền hiền đình Thanh Châu hay văn tế tổ nghề yến Thanh Châu, Đại Càn là vị thần được cung thỉnh đầu tiên, rồi mơí đến Thiên Y A Na, Thái Giám Bạch Mã, Ngũ Hành Tiên nương, Bốn xứ Thành Hoàng…(17).
Các xã Minh Hương ở Thừa Thiên, Quảng Nam với những điểm tụ cư và phồn thịnh nhất ở Đàng Trong đều có miếu thờ Thiên hậu. Bà đã gặp vị nữ thần Chăm đã Việt hoá dưới cái tên Tứ Vị Thánh Nương và càng đi sâu về phía Nam thì mức độ Chăm hoá càng đậm nét(18).
Ở Quảng Ngãi, Tứ Vị Thánh Nương không phải là đối tượng thờ phụng chính mà chỉ được phối tự trong đình thờ Thiên Y A Na hay Ngũ Hành có liên quan đến Tống Hậu, thiên hậu, nhất là trong các dinh, miếu nằm trong làng, vạn có người Hoa sinh sống như Phú Thọ, Thu Xà. Tại an Phú (Yên Phú) Phú Thọ, dinh bà Ngũ Hành còn lưu giữ một sắc thần vua Minh Mạng ban cho làng Yên nhằm phụng thờ Tứ Vị Thánh Nương với thần hiệu Hàm Hoằng, Quang đại, Chí Đức Thượng đẳng thần. Và có nhiều khả năng, sắc phong Tứ Vị này vốn của một cơ sở thờ tự khác(19).
Thần hiệu của Tứ Vị Thánh Nương ở các tỉnh Bắc Bộ cũng khá phong phú: Đại Càn quốc gia Nam Hải tam toà tứ vị hồng nương thánh mẫu đại vương, Đại Càn quốc gia Nam Hải tam toà tứ vị hồng thánh nương đại vương, Đại Càn quốc gia Nam Hải tứ vị hồng nương đoan trang trinh thực cẩn tiết thượng đẳng thần, Đại Càn quốc gia Nam Hải Tứ Vị Thánh Nương, Đại Càn quốc gia Nam Hải tứ vị thượng đẳng thần, Đại Càn quốc gia Nam Hải thần chiêu linh ứng tứ vị thánh nương thượng đẳng phúc thần, Càn hải quốc mẫu hiển linh hoàng thái hậu, Tứ Vị Hồng Nương, Tứ Vị Thánh Nương, Tứ Nương phi nhân tôn thần, Tứ Vị Hồng Nương phu nhân, Tứ Vị Thánh Mẫu tôn thần, Tứ Vị Tôn thần(20).
2. Tục thờ Đại Càn ở Nam Bộ.
Trong số 12 sắc phong của đình Thắng Tam (TP Vũng Tàu, Bà Rịa – Vũng Tàu) cho các thần Nam Hải cự tộc ngọc lân tôn thần, Thiên Y A Na, Thuỷ Long thần nữ, Đại Càn quốc gia Nam Hải thì có 3 sắc phong cho Đại càn quốc gia Nam Hải (2 sắc đời Thiệu Trị thứ V, ngày 26/12/1845 và ngày 27/12/1845, 1 sắc đời Tự Đức thứ III, ngày 8/11/1850)(21). Lãng Ông Nam Hải trong đình Thắng Tam là một “trung tâm tín ngưỡng mạnh”, nó lần át đình thần và miếu Bà Ngũ Hành trong một thiết chế chung về tín ngưỡng dân gian. Nó cho thấy sự tích hợp mạnh mẽ của các nữ thần trong hệ thống thần biển.
Đồng Nai có một số nơi thờ Tứ Vị Thánh Nương như: đình Long Phú, đình An Hoà (xã An Hoà, huyện Long Thành) trong văn tế cúng đình làng là vị thần thứ hai được nhắc đến: Đại Càn quốc gia Nam Hải diệu ứng hiệu mặc tướng nghiêm lương, Khánh triết Phổ minh Dũng đạt Hiệu ân Điệp đức Quảng đại Cao minh Bác hậu Chiêu ứng Phổ hoá Tứ Vị Thánh Nương Vương. Điều thú vị là ở ấp Trần Cao Vân, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất (gần ngã ba Dầu Dây) có ngôi đền Cờn lập năm 1962, do dân di cư miền Bắc vào, thờ Tứ Vị Thánh Nương(21)
Văn tế ở đình Bình Xương (Cù lao Phố, Hiệp Hoà, TP Biên Hoà) cho biết vào thế kỷ XVIII, ngôi đình này thờ Đại Càn Tứ Vị Thánh Nương và Phi Vận tướng quân (tức Nguyễn Phục, vị quan lo việc quân lương thời vua Lê Thánh Tông và cửa biển Đà Nẵng)(22). Đây là một trong những tín hiệu hiếm hoi cho thấy sự liên quan ít nhiều đến truyền thuyết của Tứ Vị Thánh Nương ở đền Cờn cũng như sự tích hợp thần tích của một nhân vật lịch sử là Nguyễn Phục đã trở thành vị phúc thần trong hệ thống thần biển.
Ở thành phố Hồ Chí Minh, Đại Càn được thờ ở các đình: Sơn Trà, Hoà Mỹ, Phú Hoà, Tân An (quận 1), Tân Hoà (quận 5), Thái Phong (quận 8), Giao Khẩu (đình An Lộc), Hanh Phú (đình An Phú, quận 12), An Nhơn (quận Gò Vấp)(23).
Đình Nam Chơn (gốc làng Chơn Sảng(24), huyện Hoà Vang, tỉnh Quảng Nam), đình Sơn Trà, đình Phú Hoà Vạn (xóm Vạn Chài, Tân Định, quận I), vốn là cư dân gốc từ một làng chài ven biển Đà Nẵng di cư vào Sài Gòn sau năm 1859. Vào đến đây, họ chỉ là một bộ phận nhỏ làm nghề đánh cá sông thuộc xóm Vạn Chài, sát mé sông Cầu Bông. Họ đã đem toàn bộ tín ngưỡng từ mièn Trung vào với 5 sắc thần vào năm Tự Đức thứ V (1852). Năm vị thần đó là Bắc quân Đô đốc Bùi Tá Hán (công thần thời Nguyễn, gắn bó với vùng Thuận Quảng), Cao Các Quảng độ Đại vương (thần núi, tên gọi phổ biến là Cao Sơn Dại vương, tức thần Tản Viên), Diễn Ngọc Phi Thiên Y A Na (thần Po Nagar của Chăm), Đại Càn quốc gia Nam Hải Tứ Vị Thánh Nương, Quan Thánh đế quân (Quan Vân Trường). Vì có cùng nguồn gốc Quảng Nam, nên văn tế thần trong dịp cúng kỳ yên ở khu vực này (Tân An, Hoà Mỹ, Phú Hoà, sơn Trà) đều giống nhau, hương án thờ thần ở các đình này đều có bài vị Đại Càn quốc gia Nam Hải Tứ Vị Thánh Nương hay Đại Càn quốc gia Nam Hải tướng quân(25).
Trong các đình Phú Hoà, đình Hoà Mỹ (quận 1), đình Bình Tây (quận 6), miếu Phú Hoà Vạn (quận Bình Thạnh)… Đại Càn quốc gia Nam Hải Tứ Vị Thánh Nương và Nam Hải cự tộc ngọc lân tôn thần (cá Ông) đã bị đồng nhất thành Đại Càn quốc gia Nam Hải tướng quân Cự tộc Ngọc lân tôn thần, trong đó tín ngưỡng thờ cá Voi mạnh hơn tín ngưỡng Đại Càn (Tống Hậu), Miếu Ông (ấp Bình Trường, xã Bình khánh, huyện Cần Giờ) một huyện ven biển của thành phố Hồ Chí Minh thờ Đại Càn quốc gia Nam Hải Trung đẳng thần là một dẫn chứng. Ngư dân vùng Rạch Giá (Kiên Giang) cũng phổ biến quan niệm này(26).
Ở Bắc Bộ, những nơi thờ Tứ Vị Thánh Nương thường có miếu thờ cá voi như ở Quỳnh Phương (Nghệ An), làng Cự Nham (Quảng Xương, Thanh Hoá), làng Cảnh Dương (Quảng Bình). Một số nơi thờ Tứ Vị Thánh Nương còn mang tên Càn: đình Bà Càn (Cảnh Dương), lăng Đại Càn (Hội An, Quảng Nam)(27).
Một số nơi khác nhập Đại Càn Tứ Vị và hai thần Rái Cá (Lang Thát nhị đại tướng quân, Đông Nam sát hải nhị đại tướng quân) thành vị thần có danh hiệu Đại Càn quốc gia Nam Hải Lang Thát nhị đại tướng quân(28). Đình An Nhơn (quận Gò Vấp) có 1 sắc phong Đại Càn đời Tự Đức thứ V (1852).
Trên địa bàn tỉnh Long An, tục thờ Đại Càn phổ biến ở thị xã Tân An và 2 huyện Châu Thành và Thủ Thừa với các đinhg: Tân Xuân, Gia Thạnh (thị trấn Tầm Vu), Vĩnh Bình (xã Vĩnh Công), Vĩnh Thới (xã Thanh Vĩnh Đông) thuộc huyện Châu Thành; khánh Hậu (phường Khánh Hậu, thị xã Tân An); Phú Khương (xã Mỹ Phú), Thân Hoà Tây (xã Mỹ An) thuộc huyện Thủ Thừa; Thạch Phước (xã Thạch Phước, huyện Thạch Hoá). Phần lớn các đình này đều có sắc Đại Càn đời Tự đức thứ V-1852, có một số sắc đời Thiệu Trị. Đình Khánh Hậu có 2 sắc Đại Càn. Điểm đáng lưu ý là các đình ở huyện Thủ Thừa và huyện Thạch Hoá thuộc khu vực Đồng Tháp Mười, cư dân ở đây chuyên làm nghề đánh bắt cá đồng hay nuôi đìa(29).
Nếu như các làng xã ven sông Tiền đánh bắt cá theo con nước ra sông, nên cúng cầu ngư sau mùa nước lũ vào cuối năm âm lịch thì các làng xã ở khu vực bồn trũng, phía nam sông Vàm Cỏ Tây đào đìa bắt cá trong đồng, do đó cúng cầu an vào cuối mùa nước ngập (tháng 2-3 âm lịch)(30).
Tục thờ Đại Càn ở Mỹ Tho (Định Tường cũ) có từ thế kỷ XVIII. Đầu thế kỷ XIX, dưới các triều Thiệu Trị, Minh Mạng, Tự Đức đều phong thượng đẳng thần. Trên địa bàn tỉnh Định Tường cũ hiện còn lưu giữ hàng trăm sắc phong đời Thiệu Trị thứ V (27/11/1845, 26/1/1846), Tự Đức thứ III (11/12/1850). Mỹ tự chung là Hàm Hoằng Quang Đại Chí Đức Phổ Bác Hiển Hoá Trang Huy Tứ Vị Thượng đẳng thần(31).
Đại Càn được thờ ở nhiều đình ở Tiền Giang như: Tân Hương (xã Tân Hương), Tân Lý Tây (xã Tân Lý Tây), Tân Lý Đông (xã Tân Lý Đông), Nhơn Hội, Long Hội Tây, Nhơn Hoà (xã Tam Hiệp), Tân Hiệp (thị xã Tân Hiệp), Thân Nhơn, Ngãi Hữu, Cửu Viễn (xã Thân Cửu Nghĩa) thuộc huyện Châu Thành; Hoà Mỹ (xã Hoà Tịnh), Tịnh Hà, Mỹ Trung (xã Mỹ Tịnh An), Phú kiết (xã Phú Kiết), Tịnh Giang (xã Hoà Tịnh) thuộc huyện Chợ Gạo; Mỹ Hạnh Đông (xã Mỹ Hạnh Đông), Mỹ Hạnh Tây (xã Mỹ Hạnh Tây), Phú Long (xã Phú Long) thuộc huyện Cai Lậy; Điều Hoà (xã Điều Hoà) thuộc TP MỹTho; Tân Hội Tây, Tân Thành, Dương Hoà (xã Tân Hoà Thành), Phú Mỹ (xã Phú Mỹ), Hưng Thạnh (xã Hưng Thạnh) thuộc huyện Tân Phước.
Trong số đó, một số đình có sắc phong cho Đại Càn như: Tân Lý Tây (1 sắc đời Thiệu Trị thứ V, ngày 26/12/1845, 1 sắc đời Tự Đức thứ III – ngày 8/11/1850), Tân Hiệp (1 sắc đời Tự Đức thứ V, ngày 29/11/1852), Phú Kiết (2 sắc đời Thiệu Trị thứ V, ngàyd 27/11/1845 và 26/12/1845; 1 sắc đời Tự Đức thứ III ngày 8/11/1850), Tân Hương (2 sắc đời Thiệu Trị thứ V, ngày 26/11/1845 và 26/12/1845; 1 sắc đời Tự Đức thứ V, ngày 29/1/1852), Mỹ Hạnh Đông (2 sắc đời Thiệu Trị thứ V-1845, 1 sắc đời Tự Đức thứ V-1852), Tân Hội Tây (2 sắc đời Thiệu Trị thứ V-1845, 1 sắc đời Tự Đức thứ III-1850), Thân Nhơn (1 sắc đời Tự Đức thứ V, ngày 29/11/1852)(32).
Điểm đáng chú ý là ở những ngôi đền không có sắc phong cho Đại Càn, thì trong văn tế Đại Càn luôn chiếm ngôi vị thứ nhất. Trong văn tế đình Tịnh Hà, vị thần đầu tiên được cung thỉnh là Đại Càn quốc gia Nam Hải tứ vị thượng đẳng tôn thần, nguyên tặng Hàm Hoằng Quang Đại Phổ Bác Hiển Hoá Trang Huy thượng đẳng tôn thần, rồi mới đến các vị thần khác như Thần Nông, Tả ban, Hữu ban, Tiền Hiền, Hậu Hiền, sơn Lâm, Bạch Mã Thái giám, Thổ Địa và các nhân thần(33).
Trong các đình Điều Hoà (TP. Mỹ Tho), Phú Long (huyện Cai Lậy), Đại Càn được đưa vào chính điện, chiếm hăn ngôi vị của Thành Hoàng cho thấy sức ảnh hưởng mạnh mẽ của tín ngưỡng này trong thiết chế đình làng Nam Bộ. Trong đình Điều Hoà, vừa có sắc phong cho Đại Càn vừa có sắc phong cho Thành hoàng, nhưng vì tín ngưỡng của Đại Càn mạnh hơn, nên vị thần biển này đã lần ông thần của đình sang bàn Tả ban hoặc Hữu ban. Các đình Khánh Hậu (Long an), Tân Hương (Châu Thành, Tiền Giang) chỉ có sắc Đại Càn và Lang Lại (Rái cá) mà không có sắc cho Thành hoàng. Điều này cũng có thể giải thích bằng yếu tố lịch sử, ông nội của Nguyễn Huỳnh Đức vào khai phá ở vùng này vốn có nguồn gốc từ quan thuỷ quân dưới thời nhà Nguyễn, gốc ở Quảng Bình.
Tín ngưỡng thờ Đại Càn ở Đồng Tháp Mười (khu vực đồng trũng thuộc địa bàn 3 tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp) có thể nói, đến đây đã được thể hiện với những dạng thức phong phú, sinh động nhất. Trên bước đường Nam tiến, Tứ Vị Thánh Nương từ là phúc thần biển, theo chân những lưu dân vào khai phá vùng đồng trũng này, gặp những yếu tố sinh thái đặc thù, đã nhanh chóng thích nghi và biến đổi cho phù hợp với địa bàn nơi vùng đất mới. Nghĩa là từ tín ngưỡng của cư dân biển, núp dưới cái vỏ truyền thuyết của Tống hậu, đã biến thành tín ngưỡng ngư nghiệp của dân khai thác cá đồng. Vừa tiếp thu yếu tố của thần biển do đám di thần nhà Minh mang vào nhưng yếu tố đồng bằng vẫn chiếm ưu thế, dù cho có sự pha tạp trong các nghi thức cúng tế(34).
Ngược lại, cư dân đánh cá sông ở Bình Định, từ đồng bằng lại vươn ra biển khơi để mở rộng không gian sinh tồn, phải đối phó với sóng gió nên phải tiếp nhận trong hệ thống thần linh Chăm vị thần Po Riyal mà Tạ Chí Đại Trường đã cho là Việt hoá thành Tứ Vị Thánh Nương (35).
Hầu hết các thôn ven bờ bắc sông Tiền từ Mỹ Long đến các thôn thuộc khu vực biên giới giáp Campuchia, nơi có người Việt và người Minh Hương cư ngụ ngay từ buổi đầu khai thác và có lúc chuyên về ngư nghiệp đều thờ Đại Càn (ít nhất 48 đình) với lệ cúng “cầu ngư”(36). Một số đình tiêu biểu có thờ Đại Càn như: Bình Hàng Trung, Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp), Phú Thành (huyện Tam Nông, Đồng Tháp), An Phomg (huyện Thanh Bình, Đồng Tháp), Trường Thạch (xã Thạch Phước, huyện Thạch Hoá, Long An)…
Sắc thần Đại Càn của thôn An Phong gồm 3 sắc, cấp vào các ngày 27/11 năm Thiệu Trị thứ V (27-12-1845), 26/12 năm Thiệu Trị thứ V (23-1-1846), 8/11 năm Tự Đức thứ III (11-12-1850) phong tặng cho Nam Hải tứ vị tôn thần, vào thời điểm tháng 10-1988 được lưu giữ ở nhà ông Trần Quang Phó (sinh năm 1916) ở chợ An Phong, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp)(37).
Đình Mỹ Xương (Cao Lãnh), nơi có miếu Đại Càn hiện còn 6 lá sắc, trong đó có 3 sắc cho Đại Càn: 1 sắc cấp ngày 27/11 đời Thiệu Trị thứ V (26-12-1845), 1 sắc khác cấp cùng ngày nhưng được gia phong thêm mỹ tự “Hiển Hoá”, 1 sắc cấp ngày 8/11 đời Tự Đức thứ III (11-12-1850).
“Sắc Đại Càn quốc gia Nam Hải Hàm Hoằng Quang Đại Chí Đức, Tứ vị Thượng đẳng thần hộ quốc tý dân nẫm trứ linh ứng. Minh Mạng nhị thập nhất niên trị ngã Thành Tổ Nhân hoàng đế ngũ tuần đại khánh tiết, khâm phụng bảo chiếu đàm ân, lễ long đăng trật. Tứ kim phỉ ưng cảnh mệnh, miến niệm thần hữu khả gia tặng Hoàng Hoằng Quang Đại chí Đức Phổ Bác Tứ Vị Thượng đẳng thần, nhưng chuẩn Kiếnm Phong huyện Bình Hàng Trung thôn y cựu phụng sự. Thần kỳ tướng hựu bảo ngã lê dân. Khâm tai.
Tự Đức tam niên thập nhất ngoại bát nhựt.
Ấn “Sắc mệnh chi bảo”
Dịch nghĩa:
“Sắc bốn vị Thượng đẳng thần Hàm Hoằng Quang Đại Chí Đức làm lớn mạnh Nam Hải nước nhà giúp dân cứu nước từng nhiều lần hiển hiện linh ứng. Năm Minh Mạng thứ hai mươi mốt gặp ngày lễ lớn mừng thợ năm mươi tuổi của Thánh Tổ Nhân hoàng đế, ta kỉnh lời phụng chiếu ban ơn, để làm lễ cho nâng bậc. Nay ta vâng mệnh sáng của trời, nghĩ đến đức tốt của thần tặng thêm là bốn vị Thượng đẳng thần Hàm Hoằng Quang Đại Chí Đức Phổ Bác, vẫn chuẩn cho thôn Mỹ Xương, huyện Kiến Phong thờ phụng như cũ. Thần thì phải giúp đỡ bảo vệ dân đen của ta. Kính đấy.
Ngày mùng 8 tháng 11 năm Tự Đức thứ III.
(Nhằm ngày 11 tháng 12 năm 1850)
(đóng dấu ấn “Sắc mệnh chi bảo”).
Sắc phong cho Đại Càn sớm nhất ở Tây Nam Bộ có lẽ là của thôn An Nhơn (Châu Thành, Đồng Tháp) cấp vào năm 1800(38).
Tục cúng cầu ngư thường diễn ra vào lúc cao điểm của mùa cá, lúc nước rút (tháng 12 âm lịch) hoặc lồng ghép trong lệ cúng thượng điền. Cụ thể như: thôn An Phong (9-11/12 âm lịch), thôn An Phú(39) (20/12 âm lịch), Mỹ Xương (16/12 âm lịch).
Ở các đình có sắc thờ Đại Càn, phía trước có 2 miếu nhỏ: một là bài ngư, hai là bài bộ. Chi phí tế lễ do các sai viên (hộ chuyên nghề cá) đóng góp. Hình thức này cũng giống như sự đóng góp của các hộ làm nghề biển trong lễ hội Nghinh Ông. Cách thức tế lễ mỗi nơi có khác nhau, nhưng vẫn chung ước vọng là đánh bắt được nhiều cá. Trong tế lễ có diễn bóng rỗi (múa bóng), nghệ thuật múa mang đậm sắc thái Chăm. Bà bóng vừa đọc một bài kệ tuỳ theo hoàn cảnh ứng với các vị thần được mời đến chứng kiến buổi lễ và ban phước lành cho chủ tế và dân làng.
Lễ cầu ngư phần lớn thường diễn ra ở đình làng. Được xem là thượng đẳng thần và nằm trong hệ thống thần linh quốc gia, song thần Đại Càn không nằm trong hệ thống thần Thành Hoàng, nên không có trú sở riêng. Vì vậy thường được thờ chung với Thành hoàng bồn cảnh (hạ đẳng thần). Cá biệt, có nơi có miếu riêng như Mỹ Xương, được gọi là miếu Đại Càn. Miếu gồm hai nhà vuông. Bàn thờ tại chánh điện có bài vị “Đại Càn”. Hai bên là tả ban, hữu ban, phía trước là bàn thờ hội đồng. Ngày chánh lễ, thức cúng ngoài thức ăn chính còn có hoa quả và thủ vĩ heo sống (tượng trưng heo còn sống). Bàn hội đồng cúng một mâm thịt sống và thức ăn nấu chín.
Nghi thức cuối cùng là thả bè, đó là hình ảnh chiếc ghe kết bằng thân cây chuối, trên có bày bộ tam sanh (thịt heo, trứng, tôm) và một số thức cúng khác như cá lóc nước trui, muối hột, nước uống… nhằm tống tiền thần và tổ tiên về quê cũ. Nghi thức này giống trong lễ tống ôn hay cúng việc lễ ở Nam Bộ, mang màu sắc Đạo giáo.
Ngoài hình thức cúng cầu ngư tập thể, còn có những cá thể của những địa chủ đìa, chuyên khai thác cá đồng ở Đồng Tháp Mười(40).
Bến Tre là tỉnh ven biển cũng có tục thờ Đại Càn, chẳng hạn như đình Long định, đình Hằng Thạch (huyện Bình Đại), đình An Hội (thị xã Bến Tre)(41). Trong đó, đình An Hội có 2 sắc phong cho Đại Càn (1 của đình Mỹ Hoá đời Tự Đức thứ V, ngày 29/11/1852, 1 sắc ở đình Phú Khương đời Tự Đức thứ V, ngày 29/11/1852). Do năm 1907, năm lập chựo Bến Tre, các thôn An Đức, An Hoà, An Thuận, Phú Khương, Mỹ Hoá sáp nhập thành làng An Hội(42).
Các đình trên huyện đảo Phú Quốc, Hà Tiên, Rạch Giá (Vĩnh Thanh Vân, Kiên Giang) đều có thờ Đại Càn và có sắc phong riêng.
Khảo sát trong Thư mục thần tích thần sắc, các tỉnh ở Nam Bộ có sắc phong hoặc thần tích Đại Càn lại được xếp lẫn lộn dưới cái tên Nam Hải(43) (thực chất là Đại Càn) trong công trình này: Thắng Tam (Bà Rịa – Vũng Tàu), An Nhơn (TP. Hồ Chí Minh), Tân Ân, Khánh Hậu, An Lục Long, Thanh Vĩnh Đông, Thạch Hoà (Long An), An Phước, Long Phụng, Quốc Sơn, Phước Thọ, Thạch Tân, Hoà Khánh, Mỹ Đức Tây, Mỹ Thiện, Mỹ Hưng, Mỹ Thuận, An Hữu, An Thái Chung, Hoà Lộc, Hưng Thuận, Mỹ Lợi, Mỹ Lương, Thanh Hưng, Hoà An, Long Phú, Phú Hoà, Tân Sơn, Phú Quý, Tam Bình, Mỹ Trrung Đông, Bình Phú, Hiệp Đức, Hội Sơn, Mỹ Thành, Xuân Sơn, Mỹ Trang, Cẩm Sơn, Mỹ Hạnh, Mỹ Hạnh Trung, Mỹ Phước Tây, Tân Bình, Tân Hội, Tân Phú Đông, Điều Hoà Thanh Hoà, Thanh Phú, Bình Thuỷ, Hoà An, Mỹ Thạnh, Bình Ninh, Bình Phan, Bình Phục Nhất, Hoà định, Quản Long, Long Bình Điền (Tiền Giang), Tân Thạch, Bình Đại, Bảo Thạch (Bến Tre), Thới Hoà (Vĩnh Long)(44). Đây là số liệu cuộc tổng điều tra của Hội Khảo cứu phong tục cách đây hơn 60 năm về sự tích các thần được thờ ở làng quê Việt Nam và số liệu này chắc chắn là chưa đầy đủ nhưng nó phản ánh khá trung thực cứ liệu của các nhà nghiên cứu ở địa phương đã đưa ra.
Khu vực Mỹ Tho (Định Tường Cũ), tín ngưỡng Đại Càn phát triển mạnh, vì từ năm 1679, những người Minh Hương do Dương Ngạn Địch đứng đầu đã vào khai phá vùng này cùng nhan dân địa phương, nên việc họ duy trì tập tục này và xem Đại Càn như một vị thần bảo hộ đường biển cùng với Thiên hậu thánh mẫu là một tất yếu.
Trong số các vị phúc thần được tôn thờ ở đình miếu Nam Bộ thì Đại Càn quốc gia Nam Hải Tứ Vị Tôn Thần được xếp ở ngôi vị đầu tiên, lần lượt là Thiên hậu Thiên Phi, Nam Hải Nam Vương thượng đẳng thần, Bạch Mã Thái Giám Thượng đẳng thần, Cao Các Thượng đẳng thần, Dương Phi phu nhân Thượng đẳng thần, Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi Thượng đẳng thần, Đông Nam Sát Hải Nhị đại tướng quân chi thần, Thuỷ Long tôn thần, Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân tôn thần, Đương Cảnh thổ địa.
Đại Càn quốc gia Nam Hải Tứ Vị Tôn Thần dưới thời vua Minh mạng được phong tặng Hàm Hoằng Quảng Đại Chí Đức, gia tặng Phổ Bác (Minh Mạng 1840), gia tặng Hiển Hoá (Tihệu Trị 1841), gia tặng Trang Huy (Tự Đức) và đẳng trật là Thượng đẳng thần(45).
3. Nhận xét
– Tục thờ Tứ Vị Thánh Nương (hay Đại Càn) có nguồn góc từ Nghệ An vào đến Nam Bộ đã có nhiều biến đổi so với ở vùng đất cũ về nhiều phương diện.
– Mức độ phổ biến của tập tục này ở Nam Bộ thậm chí còn “đậm đặc” hơn so với ở Bắc Bộ thông qua số lượng các đình làng Nam Bộ có thờ Đại Càn, các sắc phong còn lưu giữ (chủ yếu dưới thời Thiệu Trị, Tự Đức). Cá biệt có một vài nơi có miếu Đại Càn riêng (Đồng Tháp, Đồng Nai), tương tự nh miếu Cả (Đà Nẵng).
– Tục thờ Đại Càn ở Nam Bộ bắt đầu từ thế kỷ XVIII và vẫn tồn tại cho đến ngày nay.
– Tứ Vị Thánh Nương từ một vị phúc thần biển ở Bắc Bộ vào đến Nam Bộ đã trở thành vị thần bảo hộ dân chài lưới nơi đồng bằng, thể hiện rõ nét nhất ở khu vực Đồng Tháp Mười hoặc của vạn chài ở nơi nay đã đô thị hoá (TP. Hồ Chí Minh). Nó ngược với quá trình tiến ra biển của cư dân đánh cá sông ở Bình Định, để tiếp nhận thần Po Riyak đã được Việt hoá thành Tứ Vị Thánh Nương.
– Đại Càn luôn chiếm vị trí đầu tiên trong các văn tế cúng đình, còn trong sắc phong là thượng đẳng thần tuy thần hiệu không phong phú như ở Bắc Bộ. Không thấy các truyền thuyết liên quan đến 4 nhân vật họ Tống (Tứ Vị Thánh Nương) hay Thiên hậu trong tập tục này ở Nam Bộ.
– Có hiện tượng đồng nhất Đại Càn quốc gia Nam Hải Tứ Vị Thánh Nương và Nam Hải cự tộc ngọc lân tôn thần (cá Ông) thành Đại Càn quốc gia Nam Hải tướng quân Cự tộc Ngọc lân tôn thần, trong đó tín ngưỡng thờ cá Voi mạnh hơn tín ngưỡng Đại Càn (Tứ Vị Thánh Nương). Hoặc nhập Đại Càn tứ vị thành hai thần Rái cá (Lang thát nhị đại tướng quân, đông Nam sát hải nhị đại tướng quân) thành vị thần có danh hiệu Đại Càn quốc gia Nam Hải Lang Thát nhị dại tướng quân.
– Trong các đình miếu thờ Đại Càn ở Nam Bộ còn có một tập hợp các thần linh khác cả Chăm-Hoa-Việt như: Thiên hậu Thiên phi, Nam Hải long vương Thượng đẳng thần, Bạch Mã thái giám Thượng đẳng thần, Cao Các Thượng đẳng thần, Dương phi phu nhân Thượng đẳng thần, Thiên Y A Na Diễn ngọc phi Thượng đẳng thần, Đông Nam Sát Hải Nhị đại tướng quân chi thần, Thuỷ Long tôn thần, Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân tôn thần, Đương Cảnh thổ địa, Thần nông, Tả ban, Hữu ban, Tiền hiền, Hậu hiền, Sơn lâm và các nhân thần có nguồn gốc từ miền Trung (Nguyễn Phụng, Bùi Tá Hán). Trong đó, các vị thần biển chiếm vị trí quan trọng.
– Trong nghi thức cúng tế cũng chịu ảnh hưởng từ tục thờ cá Ông (Po Riyak) thông qua hình thức cầu ngư ở Đồng Tháp Mười, cho thấy tục thờ Tứ Vị Thánh Nương bắt nguồn từ cửa Cờn (Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã có quá trình giao lưu, tiếp biến giữa các lớp văn hoá Chăm-Hoa-Việt, mà ở Nam Bộ là những biểu hiện sinh động, phong phú so với nơi nó đã phát sinh.
Tài liệu tham khảo
1. Ngô Đức Thịnh (Chủ biên), Tín ngưỡng và văn hoá tín ngưỡng ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, 2001.
2. Nguyễn Duy Hinh, Tín ngưỡng thành hoàng Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, 1996.
3. Phạm Minh Thảo, Trần Thị An, Thành hoàng Việt Nam, Nxb Văn hoá – Thông tin, 1997.
4. Ngô Đức Thịnh, Đạo Mẫu, Nxb Khoa học xã hội, 2007.
5. Nguyễn Hữu Thông (chủ biên), Tín ngưỡng thờ Mẫu ở miền Trung Việt Nam, Phân viện Nghiên cứu Văn Hoá nghệ thuật tại TP. Huế – Nxb Thuận Hoá, 2001.
6. Ninh Viết Giao, Tục thờ thần và thần tích Nghệ An, Sở Văn hoá – Thông tin Nghệ An, 2000.
7. Nguyễn Duy Thiệu, Cộng dồng ngư dân ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, 2002.
8. Huỳnh Quốc Thắng, Lễ hội dân gian ở Nam Bộ (Khía cạnh giao tiếp văn hoá dân tộc), Viện Văn hoá – Nxb Văn hoá – Thông tin, 2003.
9. Nhiều tác giả, Kho tàng lễ hội cổ truyền Việt Nam, Nxb Văn hoá dân tộc – Tạp chí Văn hoá nghệ thuật, 2000.
10. Đinh Văn Hạnh, Phan An, Lễ hội dân gian của ngư dân Bà Rịa – Vũng Tàu, Nxb Trẻ, 2004.
11. Trần Hồng Liên (chủ biên), Cộng đồng ngư dân Việt ở Nam Bộ, Nxb Khoa học xã hội, 2004.
12. Sơn Nam, Đình miếu và lễ hội dân gian, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1992.
13. Huỳnh Ngọc Trảng, Câu chuyện về ông thần Thành hoàng đình Phú Nhuận, Tạp chí Kiến thức ngày nay, số 414, ngày 10-2-2002.
(1) Nay thuộc tỉnh Hải Phòng
(2) Nguyễn Thị Phượng (chủ biên), Bảng tra thần tích theo địa danh làng xã, Nxb Khoa học xã hội, 1966.
(3) Nguyễn Hồng Phong, Vũ Khiêu (chủ biên), Địa chí Quảng Ninh, tập 3, Nxb Thế giới, 2003, tr. 121, 570. Ngô Đức Thịnh (chủ biên), Văn hoá dân gian làng ven biển, Nxb Văn hoá dân tộc, 2000, tr. 161.
(4) Nguyễn Vinh Phúc, Nguyễn Duy Hinh, Thần tích Hà Nội và tín ngưỡng thị dân, Nxb Hà Nội, 2004, tr. 16, 17, 22, 31, 85.
(5) Đặng Văn Tu, Nguyễn Tá Nhí (chủ biên), Địa chí Hà Tây, Sở Văn hoá Thông tin Hà Tây, 2007, tr. 623.
(6) Huỳnh Ngọc Tráng, Trương Ngọc Tường, Đình Nam Bộ xưa & nay, Nxb Đồng Nai, 1999, tr. 70.
(7) Lê Huy Trâm, Hoàng Anh Nhân, Lễ tục – lễ hội truyền thống xứ Thanh, Nxb Văn hoá dân tộc, 2001, tr. 394, 162.
(8) Nhiều tác giả, Địa chí Thanh Hoá, tập II, Nxb Khoa học xã hội, tr. 611.
(9) Vũ Lê Thống, Ngô Đức Thịnh, Địa chí thành phố Thanh Hoá, Nxb Văn hoá thông tin, 1999, tr. 308, 313.
(10) Ninh Viết Giao, Địa chí văn hoá huyện Quỳnh Lưu, Nxb Nghệ An, 1998, tr. 636. Ninh Viết Giao chủ biên, Địa chí văn hoá Hoằng Hoá, Nxb Khoa Học xã hội, 1995, tr. 396, 592.
(11) Võ Hồng Huy, Thái Kim Đỉnh, Chương Thâu, Địa chí huyện Can Lộc, Huyện uỷ – UBND huyện Can Lộc – Sở Văn hoá Thông tin Hà Tĩnh, 1999, tr. 392, 395, 401.
(12) Thái Kim Đỉnh chủ biên, Địa chí huyện Đức Thọ, Nxb Lao động, 2004, tr. 444.
(13) Huỳnh Đĩnh Kết, Tục thờ thần ở Huế, Nxb Thuận Hoá, 1998, tr. 37-38.
(13) Lê Văn Thuyên chủ biên, Văn hoá Hàn Nôm làng xã vùng Huế, Nxb Thuận Hoá, 2008, tr. 155/
(14) Ban Chấp hành Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam huyện Đại Lộc, Địa chí Đại Lộc, Nxb Đà Nẵng, 2000, tr. 218.
(15) Tư liệu do ông Tống Quốc Hưng (Trung tâm Quản lý bảo tồn di tích Hội An) cung cấp, xin chân thành cảm ơn.
(16) Ngô Đức Thịnh, Về tín ngưỡng lễ hội cổ truyền, Viện Văn hoá, Nxb Văn hoá Thông tin, 2007, tr. 161.
(17) Nhiều tác giả, Lễ lệ lễ hội Hội An, Trung tâm Quản lý bảo tồn di tích Hội An, 2008, tr. 209-212.
(18) Tạ Chí Đại Tường, Thần, người và đất Việt, Nxb Văn hoá Thông tin, 2006, tr. 182.
(19) Nguyễn Đăng Vũ, Quảng Ngãi một số vấn đề lịch sử văn hoá, Nxb Khoa học xã hội, 2007, tr. 92-94.
(20) Tổng hợp từ Bảng tra thần tích theo địa danh làng xã. Sđd.
(21) Phạm Chí Thân, Nguyễn Cẩm Thuý chủ nhiệm, Di sản Hán Nôm trong các di tích lịch sử -văn hoá Bà Rịa – Vũng Tàu, đề tài khoa học của Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, 2000, tr. 122-135.
Huỳnh Minh trong sách Vũng Tàu xưa và nay [Tác giả xuất bản, Sài Gòn, 1970, tr. 63-64) cho rằng: đình Thắng Tam có ba sắc phong cho 3 đội trưởng (Thắng Nhất, Thắng Nhì, Thắng Tam) gồm các ông: Phạm Văn Dinh, Lê Văn Lộc, Ngô Văn Huyền có công xây dựng 3 làng ở Vũng Tàu vào đầu buổi thành lập vùng đất này là những phỏng đoán vô căn cứ, không dựa vào thực tế.
(21) Tư liệu do ông Phan Đình Dũng (Trường Trung học Văn hoá nghệ thuật Đồng Nai) cung cấp, xin chân thành cảm ơn.
(22) Huỳnh Ngọc Trảng (chủ biên), Cù lao phố lich sử và văn hoá, Nxb Đồng Nai, 1998, tr. 270-271.
(23) Hồ Tường (chủ biên), Nguyễn Hữu Thế, Đình ở thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Trẻ, 2005, tr. 276, 277, 284, 289, 290. Huỳnh Ngọc Trảng, “Tín ngưỡng dân gian Gia Định – Sài Gòn” trong Đại chí văn hoá thành phố Hồ Chí Minh, Tập IV, Trần Văn Giàu – Trần Bạch Đằng (chủ biên), Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1998, tr. 106.
(24) Sắc thần thôn Chơn Sảng (Quảng Nam) hiện được thờ ở đình Nam Chơn.
(25) Huỳnh Ngọc Trảng, “Tín ngưỡng dân gian Gia Định – Sài Gòn”. Sđd, tr. 72, 91.
(26) Võ Thanh Bằng chủ biên, Tín ngưỡng dân gian ở thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Đại học quốc gia thành phố Hồ Chi Minh, 2008, tr. 89.
(27) Trần Thị An, Tìm hiểu sự hình thành truyền thuyết Tứ Vị Thánh Nương (qua các nguồn thư tịch, truyền thuyết dân gian và tục thờ cúng). Tham luận tại Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 3, Hà Nội, ngày 4-7/12/2008. Lăng Đại Càn hiện đã bị sụp nhưng người dân vẫn còn cúng tế.
(28) Huỳnh Ngọc Trảng, Trương Ngọc Tường, Sđd, tr. 144-145. Riêng đình Thắng Tam (Vũng Tàu) thờ cả cá Voi và Tứ Vị Thánh Nương, Thuỷ Long thần nữ nhưng chúng tôi không thấy có hiện tượng “đồng nhất” này.
(29) Tư liệu do ông Nguyễn Văn Thiện (Bảo tàng Long An) cung cấp, xin chân thành cảm ơn.
(30) Cao Tự Thanh, “Lịch sử Đồng Tháp Mười (Từ thế kỷ XVIII đến 1930)” trong Địa chí Đồng Tháp Mười, Trần Bạch Đằng chủ biên, Nxb Chính trị quốc gia, 1996, tr. 230. Chổ này tác giả có sự nhầm lẫn, theo ông Lê Công Lý, cuối mùa nước ngập, tức là vào khoảng sau tháng 10 âm lịch, còn tát đìa thì đúng vào khoảng tháng 2-3 âm lịch. Tháng 3 âm lịch là đợt tát đìa bắt cá cuối cùng, chấm dứt mùa cá. Đây là thời điểm hạn lớn, cho đến tháng 7 âm lịch (kéo dài khoảng 4 tháng), có một đợt hạn ngắn, khoảng 2-3 tuần, dân Nam Bộ thường gọi là “hạn bà chằn”. Vào đầu mùa mưa (tháng 5 âm lịch), cá lên đẻ đầy trên ruộng. Đến tháng bảy âm lịch, cá con bắt đầu lớn, lúa trổ đòng đòng thì gặp hạn bà chằn, cá bị mắc cạn, người dân chỉ việc tới hốt mang về.
(31) Trần Hoàng Diệu, Nguyễn Quang Ân (chủ biên), Địa chí Tiền Giang, Tập II, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang – Trung tâm UNESCO Thông tin lịch sử và văn hoá Việt Nam, 2007, tr. 1011.
(32) Tư liệu của các ông: Nguyễn Năm (huyện Châu Thành, Tiền Giang), Lê Công Lý (Phân viện Văn hoá nghệ thuật Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh), Trương Ngọc Tường (huyện Cai Lậy, Tiền Giang). Tôi xin chân thành cảm ơn sự giúp đỡ quý báu đó.
(33) Tư liệu do ông Nguyễn Năm (huyện Châu Thành, Tiền Giang) cung cấp.
(34) Nguyễn Hữu Hiếu, Tìm hiểu văn hoá tâm linh Nam Bộ, Nxb Trẻ, 2004, tr. 111.
(35) Tạ Chí Đại Trường , Sđd, tr. 180.
(36) Nguyễn Hữu Hiếu, “Đình làng ở Đồng tháp và tín ngưỡng thờ Thành Hoàng” trong Văn hoá dân gian Đồng Tháp, Tập I, Hội Văn học nghệ thuật Đồng Tháp, 2005, tr. 142.
(37) Cao Tự Thanh, Sđd, tr. 262.
(38) Nguyễn Hữu Hiếu, Tìm hiểu tín ngưỡng Thành hoàng & đặc trưng đình làng Nam Bộ ở Đồng Tháp, Ban Tuyên giáo tỉnh uỷ Đồng Tháp 2002, tr. 43.
(39) Nay thuộc xã Phú Thành, huyện Tam Nông, Đồng Tháp.
(40) Nguyễn Hữu Hiếu. Sđd, tr. 114-115.
(41) Nguyễn Chí Bền, Tìm hiểu một số hiện tượng văn hoá dân gian Bến Tre, Nxb Khoa học xã hội, 1997, tr. 48. Nguyễn Hữu Hiếu, Sđd, tr. 112.
(42) Ban Quản trị đình An Hội, Lịch sử đình An Hội, thị xã Bến tre, tài liệu đánh máy. Ông Nguyễn Văn Bảy, Chánh hội trưởng Ban Quản trị đình An Hội cung cấp, xin chân thành cảm ơn.
(43) Thần cá Ông (cá voi) có danh hiệu là Đại Càn quốc gia Nam Hải Cự tộc Ngọc lân tôn thần và Đại Càn quốc gia Nam Hải Thánh Nương Vương đều là thần bảo hộ ngư dân vùng biển Nam Hải nên dễ lân lộn.
(44) Trương Thị Thọ – Nguyễn Văn Hội (chủ biên), Thư mục thần tích thần sắc, Viện Thông tin Khoa học xã hội, 1996, tr. 145, 176, 183, 712-720, 1046, 1047, 1222, 1267. Tên các tỉnh cũ trong sách này, chúng tôi đã chuyển sang đơn vị hành chính hiện hành.
(45) Huỳnh Ngọc Trảng, Trương Ngọc Tường, Sđd, tr. 110-111.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *