Tín ngưỡng thờ Quốc Mẫu Tây Thiên Vĩnh Phúc và việc bảo tồn bản sắc văn hóa địa phương trong bối cảnh hội nhập.

Tín ngưỡng thờ Quốc Mẫu Tây Thiên Vĩnh Phúc và việc bảo tồn bản sắc văn hóa địa phương trong bối cảnh hội nhập.  

   ThS. Nguyễn Thị Tô Hoài

Xưa nay, tín ngưỡng thờ Mẫu có thể xem là một trong các hiện tượng văn hóa độc đáo, đặc sắc và nổi trội trong hệ thống tôn giáo, tín ngưỡng ở các làng quê của Việt Nam. Tín ngưỡng này xuất hiện từ hàng nghìn năm trước nhằm thể hiện tư duy, niềm khao khát về mặt tinh thần đối với Mãu, người sinh thành, nuôi dưỡng, bảo lưu các thế hệ giống nòi; đồng thời, gắn liền với việc đề cao vai trò của người phụ nữ trong xã hội luôn lấy nghề nông làm nền tảng kinh tế căn bản. Tục thờ Mẫu có thể coi là một truyền thống đặc sắc, mang tính nhân văn tốt đẹp của người Việt Nam mà ít nơi nào trên thế giới có được. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử hình thành và phát triển, trải bao thăng trầm theo những biến động của xã hội, đời sống tâm linh của người Việt Nam đã có nhiều đổi thay. Song, tín ngưỡng thờ Mẫu vãn tồn tại bền bỉ và có sức lan tỏa rộng khắp trong dân gian, trong làng xã Việt Nam, ở mức độ đậm nhạt khác nhau qua từng giai đoạn lịch sử.

Kể từ năm 1954 trở lại đây, đã có một thời gian khá dài được tính bằng thạp kỷ, tục thờ Mẫu bị nhạt phai, thậm chí bị cấm đoán, chẳng hạn, đền Phủ Giầy – Nam Định không được phép mở hội. Thờ Mẫu và hầu bóng bị chụp chung cái mũ là mê tín dị đoan. Từ khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới và hội nhập, cách nhìn nhận các hoạt động tôn giáo từng bước được thông thoáng hơn. Tục thờ Mẫu trong các làng quê dần dà được chấn hưng. Đến thời điểm hiện tại, tín ngưỡng thờ Mẫu đã phát triển khá sâu rộng trên khắp mọi miền của đất nước. Ở mỗi địa phương thì tục thờ này lại mang những sắc thái riêng, gắn liền với bản sắc văn hóa của từng vùng, miền, thậm chí là từng thôn làng.

Miền đất Tổ Vĩnh Phúc từ xa xưa, vốn vẫn được coi là một trong những trung tâm hội tụ và lan tỏa của tục thờ Mẫu mà tục thờ Quốc Mẫu Tây Thiên, một trong hai vị Quốc Mẫu xuất hiện từ thời Hùng Vương dựng nước là điều dễ nhận thấy. Tục thờ Quốc Mẫu Tây Thiên không chỉ làm nên sự đa dạng văn hóa của Vĩnh Phúc, một vùng đất có lịch sử lâu dài hàng nghìn năm, mà xét trên phương diện nào đó thì trong vài năm gần đây, các địa điểm thờ Quốc Mẫu Tây Thiên còn tạo ra sự phát triển đa dạng, đầy tiềm năng cho ngành du lịch của tỉnh Vĩnh Phúc.

Cần phải thừa nhận rằng, Vĩnh Phúc là một trong số không nhiều tỉnh, thành trong cả nước sớm biết khai thác đúng tiềm năng và thế mạnh của mình, sớm năng động và triển khai khá hiệu quả việc thu hút các nguồn lực trong, ngoài tỉnh, ngoài nước để tôn tạo các công trình tín ngưỡng trong thời kỳ đổi mới, hội nhập. Một số công trình tín ngưỡng , tôn giáo trên đất Vĩnh Phúc những năm qua đã được cả nước biết tiếng, nhiều nước biết tên và có sức hút lớn đối với khách thập phương trên mọi miền đất nước. Những kết quả và kinh nghiệm khai thác, phát huy giá trị của những công trình mới được phục dựng hoặc tôn tạo của Vĩnh Phúc cũng đã góp bào kinh nghiệm chung cho cả nước.

Tuy nhiên, cũng từ mấy năm nay, cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường, sự hội nhập sâu rộng với nề kinh tế – văn hóa thế giới, bản sắc văn hóa bản địa Việt Nam nói chung, bản sắc văn hóa bản địa vùng đất thờ Quốc Mẫu Tây Thiên cũng có nhiều xáo động. Vì thế, như nhiều nơi khác trên cả nước, Vĩnh Phúc hiện nay cũng đang đứng trước mối lo là sự mất đi của các giá trị văn hóa mang tính chất bản địa đang diễn ra ngày một nhanh chóng. Phát triển kinh tế, văn hóa gắn liền với việc bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa đang là vấn đề cần quan tâm hàng đầu đối với ngành văn hóa du lịch Vĩnh Phúc trong điều kiện giao lưu, hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay.

1. Về việc thờ Quốc Mẫu Tây Thiên Vĩnh Phúc

Tỉnh Vĩnh Phúc thuộc đồng bằng châu thổ sông Hồng, có diện tích tự nhiên là 1.370km2. Thời các Vua Hùng, vùng đất này thuộc bộ Văn Lang, trung tâm của 15 bộ khi đó. Thời Hậu Lê và đầu thời Nguyễn, vùng đất này thuộc trấn Sơn Tây, là một trong tứ trấn nội kinh (theo quan niệm dân gian vẫn gọi là vùng Xứ Đoài). Đây là khu vực chuyển tiếp giữa miền núi và đồng bằng, nơi hợp lưu của các con sông lớn (sông Hồng, sông Lô, sông Đáy) và là nơi chứng kiến quá trình hình thành dân tộc, quốc gia, văn hóa Việt Nam. Vì vậy, văn hóa nơi đây vừa mang đậm nét cổ xưa của người Việt thời Hùng Vương lại vừa phức hợp đa dạng các sắc thái văn hóa của nhiều dân tộc khác nhau. Đặc biệt, tạo nên nét độc đáo của văn hóa Vĩnh Phúc, ngoài cái cốt cáh lịch sử của nó, còn phải kể tới các sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng vừa cổ sơ vừa độc đáo mà ít thấy các vùng còn lưu giữ được. Tín ngưỡng thờ Quốc Mẫu Tây Thiên chính là một trong các sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng độc đáo ấy.

Tín ngưỡng thờ Quốc Mẫu Tây Thiên vốn có nguồn gốc sâu xa là thờ nhiên thần (“Thanh Sơn đại vương” tức thần núi Tam Đảo). Theo thời gian, thần đã được nhân hóa và nữ tính hóa thành một vị nữ thần và tăng quyền thành một nhân vật thời huyền sử, mang lý lịch trần gian với danh hiệu là Chính Vương phi của Hùng Chiêu Vương thứ 7. Theo truyền thuyết, Quốc Mẫu Tây Thiên có tên thật là Lăng Thị Tiêu, sinh ở thôn Đông Lộ, xã Đại Đình, huyện Tam Dương. Khi còn sống, trong nước có loạn giặc Thục, bà có công chiêu mộ binh sĩ, giúp Vương cứu nước, cứu dân. Khi mất bà lại thường hiển linh, âm phù giúp các đời vua đánh giặc, giữ nước, nên được truy phong làm Quốc Mẫu.

Chưa rõ việc thờ Quốc Mẫu Tây Thiên khởi thủy từ khi nào,song đến thời Lê Trung Hưng (khi có các thư tịch ghi chép về các vị thần được thờ ở các làng xã) thì Quốc Mẫu Tây Thiên núi Tam Đảo được xếp vào hàng thứ 2 trong 19 vị sơn thần và có vị hiệu là Tam Đảo sơn trụ Quốc mẫu tối linh đại vương. Cũng theo thư tịch thời kỳ này thì đã có 54 tổng, thôn thuộc 2 huyện Tam Dương và Lập Thạch có đền miếu thờ bà. Hầu hết các địa điểm thờ tự này đều có đạo sắc do các triều đại phong kiến ban phong. Như vậy, ngay từ khoảng thế kỷ thứ XVIII thì đã hình thành nên một không gian thờ Quóc Mẫu Tây Thiên rõ rệt ở Vĩnh Phúc. Tín ngưỡng thờ Quốc Mẫu Tây Thiên từ đó đến nay đã có ảnh hưởng sâu rộng và chi phối mạnh mẽ đối với đời sống tinh thần người dân nơi đây.

Trải mấy thập kỷ, tục thờ Quốc Mẫu Tây Thiên cũng phải nếm trải chung với số phận của các tục thờ Thánh Mẫu khác và do nhiều nguyên nhân, các di tích đã mai một, hư hao, nhiều địa điểm thờ tự từ xa xưa đã trở thành phế tích. Phải từ sau khi đất nước đổi mới, các công trình này mới được phục hồi và xây mới trở lại. theo thống kê năm 1998 của Sở Văn hóa Thông tin, Thể thao tỉnh Vĩnh Phúc thì trân địa bàn tỉnh có 48 di tích thờ Quốc Mẫu Tây Thiên. Trong đó, hình thành nên địa điểm có thể coi là không gian trung tâm của việc thờ tự (bao gồm các di tích thờ tự mang danh tính quy luật vòng đời của Quốc Mẫu: đền thờ Mẫu sinh, Mẫu hóa) là các di tích thờ tự thuộc xã Đại Đình, huyện Tam Đảo. Bên cạnh trung tâm thờ tự là xã Đại Đình và một số xã lân cận thì cũng đã hình thành thêm nhiều địa điểm thờ Quốc Mẫu khác ở hầu khắp các địa phương thuộc tỉnh Vĩnh Phúc. Điều đó cho thấy xu hướng trở lại và phát triển mạnh của tục thờ Quốc Mẫu Tây Thiên ở nơi đây.

Không chỉ mở rộng về các địa điểm di tích mà Quốc Mẫu Tây Thiên đến nay còn tiếp tục được tăng quyền khi có sự hội nhập, tích hợp với thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ. Ở hầu khắp các di tích hiện nay, trong hệ thống thờ tự thì ngoài ban thờ Quốc Mẫu Tây Thiên của miền núi xuống kết hợp với Mẫu Tam phủ, Tứ phủ từ đồng bằng đi lên đã làm cho tính thiêng của Quốc Mẫu Tây Thiên ngày càng tăng.

Sự tích hợp của tín ngưỡng bản địa với tín ngưỡng du nhập từ nơi khác tới phản ánh tính động, sự biến đổi, giao lưu, hội nhập không ngừng của văn hóa. Điều đặc biệt là, tuy có sự tích hợp với các mô hình tín ngưỡng thờ tục khác, nhưng việc thờ Quốc Mẫu Tây Thiên vẫn được coi là chủ đạo và các tín ngưỡng được du nhập thêm không hoặc chưa đủ sức phá vỡ cơ tầng tín ngưỡng thờ Quốc Mẫu bản địa ở vùng Vĩnh Phúc. Sự tích hợp của các tín ngưỡng thờ Mẫu khác trong lòng tín ngưỡng thờ Quốc Mẫu Tây Thiên đã và đang làm phong phú thêm đời sống tôn giáo, tín ngưỡng ở nơi đây.

Song, cũng cần phải thấy rằng quá trình giao lưu hội nhập mạnh mẽ cũng đã và đang làm biến đổi sâu sắc các hình thức thờ Quốc Mẫu Tây Thiên ở Vĩnh Phúc. Sự xuất hiện của nhiều hình thức thờ tự khác trong hệ thống thờ Quốc Mẫu Tây Thiên hiện nay cũng kéo theo những hình thức cầu cúng khác nhau. Nhất là sự gia tăng của hiện tượng hầu đồng và sự quy tụ, có mặt của các ông đồng, bà đồng, các cung văn ở hầu khắp các vùng miền của đất nước về đây. Hiện tượng này vừa phảm ánh sự đa dạng của văn hóa trong bối cảnh hội nhập, vừa cho thấy nhu cầu về đời sống tâm linh của các giai tầng xã hooijk ngày càng phong phú, đa dạng hơn.

Giao lưu văn hóa và sự hội nhập giữa các cộng đồng vốn là quy luật chung của sự phát triển văn hóa nhân loại. Và giao lưu, tích hợp văn hóa trong các tín ngưỡng dân gian nói chung, đạo Mẫu nói riêng là một hiện tượng thường xuyên diễn ra. Vì thế, sự tích hợp của nhiều hình thức thờ tự khác nhau trong hệ thống thờ Quốc Mẫu Tây Thiên ở Vĩnh Phúc hiện nay là điều tất yếu. Đặc biệt, từ khi đổi mới đến nay thì hơn bất cứ thời kỳ lịch sử nào, sự giao du và tích hợp văn hóa nói chung, tín ngưỡng thờ Quốc Mẫu Tây Thiên nói riêng lại có nhiều biến đổi sâu rộng như vậy. Sự giao lưu tích hợp ấy một mặt đã và đang góp phần tăng quyền hơn nữa cho Quốc Mẫu Tây Thiên và về mặt văn hóa thì đã và đang góp phần làm nên tính đa dạng trong tín ngưỡng thờ Mẫu ở Vĩnh Phúc. Về mặt kinh tế – xã hội, việc thờ Quốc Mẫu Tây Thiên phát triển ngày càng nhiều về cả số lượng di tích và tính đa dạng trong hệ thống thờ tự đã góp phàn thu hút khách tham quan, du lịch, góp phần không nhỏ trong việc phát triển ngành du lịch và kinh tế của các địa phương có di tích thờ tự.

Tuy nhiên, sự tích hợp văn hóa ấy có thực sự trở thành một nguồn lực bền vững góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – văn hóa xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc hay không và các thành tố văn hóa mang tính bản sắc, bản địa của cộng đồng cư dân nơi đây cần được bảo tồn, phát huy như thế nào, có tác dụng thế nào vào việc củng cố và giữ vững nguồn lực này hiện đang là bài toán khá nan giải, nếu không muốn nói là một thách thức không chỉ đối với nhà quản lý mà đối với cả các tầng lớp nhân dân Vĩnh Phúc.

2. Vấn đề bảo tồn bản sắc văn hóa địa phương trong bối cảnh hội nhập

Có thể khẳng định rằng, Vĩnh Phúc là nơi lưu dấu đậm nét các giá trị văn hóa đặc sắc của người Việt cổ. Với lịch sử phát triển lâu dài hàng nghìn năm cùng với sự phát triển của lịch sử dân tộc, văn hóa Vĩnh Phúc, vừa mang trong mình những sắc thái văn hóa độc đáo của một vùng trung du bán sơn địa nằm trong trung tâm của đồng bằng châu thổ sông Hồng…

Trước hết, với điều kiện tự nhiên đặc thù là vùng chuyển tiếp giữa đồi núi và đồng bằng Vĩnh Phúc mang đầy đủ đặc trưng của các vùng sinh thái đồng bằng, trung du và đồi núi. Đặc trưng về mặt tự nhiên như vậy ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc đến việc hình thành các yếu tố văn hóa của cư dân nơi đây. Mặt khác, lại là nơi hợp lưu của nhiều con sông lớn, thuận lợi cho việc thông thương, buôn bán, nên vùng đất này từ khá sớm đã mang dáng vẻ của đời sống công nghiệp hòa điệu với đời sống nông nghiệp thôn dã. Văn hóa nơi đây do vậy cũng vừa mang đậm nét cổ truyền lại vừa thể hiện được sự giao lưu mạnh mẽ.

Thứ hai, về mặt cư dân, bên cạnh các cư dân gốc Việt thì nơi đây còn quy tụ cư dân thuộc các tộc người như Sán Dìu, Dao và Cao Lan. Giữa những người này ban đầu có sự khác biệt rất lớn về trình độ phát triển kinh tế, tổ chức xã hội và tôn giáo. Nhưng, trải qua một thời gian dài cùng cộng cư trên một lãnh thổ của vùng bán sơn địa và cùng trải qua những cuộc đấu tranh chống thiên tai, địch họa, sống xen kẽ với nhau đã tạo ra quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa giữa các tộc người, tạo nên những yếu tố văn hóa chung giữa các tộc người sinh sống ở đây. Quá trình đó vẫn đang tiếp tục diễn ra dưới những tác động tích cực của sự giao lưu, tiếp biến, hội nhập văn hóa ngày càng sâu rộng hiện nay.

Thứ ba, bên cạnh các tín ngưỡng dân gian mang tính địa phương thì nơi đây còn hội nhập thêm nhiều loại hình tôn giáo tín ngưỡng khác. Trong đó, nổi lên là Phật giáo… Song song với việc thờ Quốc Mẫu Tây Thiên thì thờ Phật cũng sớm hưng thịnh ở vùng đất này. Vùng đất Vĩnh Phúc được xem như đất Phật, cõi tiên của đồng bằng Bắc Bộ. Khách hành hương đến Vĩnh Phúc là đến với Mẫu, về với Phật. Khảo sát các điểm di tích tôn giáo ở đây hiện nay thì có thể thấy rõ một điều là không gian thờ tự nơi đây có sự kết hợp chặt chẽ giữa thờ Mẫu và thờ Phật. Cứ có đền thờ Mẫu là có chùa thờ Phật, hoặc có nơi thì tiền Phật, hậu Thánh (Mẫu). Điều này phản ánh đời sống tâm linh của con người nơi đây có sự cân bằng rõ rệt giữa đời sống hiện tại với thế giới luân hồi. Người ta vừa hướng đến một đời sống có sức khỏe, hạnh phúc, vừa hướng đến một cõi vĩnh hằng thanh tịnh. Sự song song tồn tại giữa thờ Mẫu và thờ Phật chính là một trong các đặc trưng văn hóa mang tính bản địa rất đặc sắc của vùng đất này.

Trong bối cảnh giao lưu, hội nhập ngày càng mạnh mẽ hiện nay thì việc bảo lưu, bảo tồn các giá trị văn hóa mang tính bản địa rất đặc sắc như trên là một đòi hỏi cấp bách và cũng đầy khó khăn. Nhìn tổng thể, các giá trị văn hóa bản địa của các cư dân ở Vĩnh Phúc, nhất là của các tộc người thiểu số đang đứng trước thử thách của một giai đoạn, một thời kỳ phát triển mới do những cơ sở kinh tế – xã hội vốn có và làm nảy sinh nay bị thu hẹp dần, cộng thêm những yếu tố văn hóa ngoại sinh tràn ngập đời sống tác động. Ngay trong sinh hoạt tín ngưỡng dân gian thì các yếu tố ngoại sinh cũng phát triển nhanh chóng, như trong tín ngưỡng thờ Quốc Mẫu Tây Thiên thì ảnh hưởng của thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ và tục hầu đồng, hầu bóng đang diễn ra ngày càng phổ biến. Đâu đó, ở một vài địa điểm di tích còn lấn át cả việc thờ Quốc Mẫu.

Để gìn giữ, bảo tồn và phát huy, kế thừa những giá trị văn hóa mang tính bản địa trong bối cảnh hội nhập diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Theo ý kiến chủ quan, bài viết này xin đóng góp một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế với kế thừa và phát triển văn hóa, bởi kinh tế là nền tảng, là cơ sở để văn hóa đi lên. Ngược lại, khi những vấn đề văn hóa có điều kiện phát triển nhanh và bền vững. Thực tế cho thấy, việc thờ Quốc Mẫu Tây Thiên, thờ Phật và một vài hình thức tôn giáo, tín ngưỡng khác ở Vĩnh Phúc đã và đang góp phần không nhỏ vào việc thu hút khách du lịch tìm đến để thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng. Điều đó đã tạo đà cho phát triển các loại hình dịch vụ du lịch, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân bản địa. Tuy nhiên, Vĩnh Phúc cũng không nằm ngoài thực trạng chung của cả nước. Đó là, mục đích hưởng lợi về kinh tế đã len lỏi, có khi đã lấn lướt mục đích tín ngưỡng. Những năm gần đây, xu hướng mục đích, mục tiêu của người mở hội và người quản lý nơi thờ tự thường thiên về cầu lợi kinh tế, người đi hội, đi lễ cũng thiên về cầu được nhiều tài lộc ngày càng gia tăng. Có cung thì có cầu, không ít nơi tư tưởng thực dụng của kẻ cung người cầu lợi nhuận gặp nhau làm cho nét đẹp trong văn hóa tâm linh bị biến dạng. Nếu quá tập trung vào mục đích lợi nhuận mà không chú trọng tới việc bảo tồn bản sắc văn hóa bản địa thì sẽ tạo ra sự lai căng, làm tổn thương dần, làm mất đi nhiều giá trị văn hóa đặc thù. Phát triển kinh tế, du lịch gắn liền với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa bản địa luôn là bài toán đặt ra khi đề ra những chủ trương, chính sách phát triển các khu du lịch tâm linh ở Vĩnh Phúc hiện nay.

Thứ hai: Cần tiếp tục nghiên cứu đầu tư thỏa đáng cho công tác sưu tầm, điền dã, nghiên cứu, phục dựng các giá trị văn hóa mang tính bản địa của Vĩnh Phúc. Đồng thời nghiên cứu, đề xuất các phương án thực tiễn để vừa phát triển được du lịch, tạo công ăn việc làm cho nhân dân bản địa vừa phổ biến, tuyên truyền, giới thiệu được các giá trị văn hóa đặc sắc nơi đây. Khôi phục và tổ chức lại các lễ hội mang tính cộng đồng, có ý nghĩa tâm linh và giáo dục đối với đời sống văn hóa, đồng thời thường xuyên tổ chức các lễ hội giáo lưu văn hóa, liên hoan văn hóa với các địa phương, các vùng miền khác để giới thiệu và quảng bá các giá trị văn hóa bản địa nơi đây.

Thứ ba: Thực hiện chính sách tôn giáo, tín ngưỡng hợp lý. Hạn chế tác động của kinh tế thì trường gây ra sự cạnh tranh không đáng có giữa các tôn giáo, tín ngưỡng với nhau. Bởi lẽ, tôn giáo hay tín ngưỡng để xuất phát từ nhu cầu tâm linh của mỗi người, vì vậy đến với tôn giáo, tín ngưỡng nào đều phải dựa trên cơ sở tự nguyện của từng cá nhân, xuất phát từ nhu cầu tâm tư, nguyện vọng của từng cá nhân.

Tóm lại, văn hóa nói chung và văn hóa bản địa nói riêng với tư cách là một hiện tượng xã hội chính là sự phát triển của những năng lực bản chất của con người không ngừng nâng cao trình độ làm chủ với tự nhiên, xã họi, bản thân nhằm thỏa mãn nhu cầu về sự hiểu biết, khám phá, sáng tạo trong thế giới con người theo hướng ngày càng vươn tới những giá trị tốt đẹp. Với ý nghĩa đó, bnr sắc văn hóa bản địa chính là vốn quý để mỗi dân tộc, vùng miền mang theo trong quá trình giao lưu, hội nhập, khiến cộng đồng người đó không những không bị đồng hóa, hòa tan mà cón làm phong phú thêm đời sống văn hóa của chính mình. Tín ngưỡng thờ Quốc Mẫu Tây Thiên cũng như các giá trị văn hóa bản địa của Vĩnh Phúc chính là những vốn quý cần được giữ gìn, bảo lưu và phát triển để có thể tạo ra bản sắc cho riêng mình trong bối cảnh hội nhập. Để nơi đây mãi xứng danh là nơi đến với Mẫu, về với Phật.

Tài liệu tham khảo:

1. Sở Văn hóa và Thông tin Vĩnh Phúc (1986), Địa chí Vĩnh Phúc: Văn hóa dân gian vùng đất Tổ.

2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc (2008), Di sản văn hóa phi vật thể Vĩnh Phúc.

3. Lê Kim Thuyên, Lê Kim Bá Yên (2008), Quốc Mẫu Tây Thiên Vĩnh Phúc, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc xuất bản.

(*) Viện Nghiên cứu văn hóa (Viện khoa học xã hội Việt Nam).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *