Vinh danh không phải là việc được cấp thẻ hành nghề hầu đồng

Làm sao để tín ngưỡng thờ Mẫu sau khi được vinh danh được phát triển, lan tỏa một cách lành mạnh?

Dùng hình ảnh “ngựa phải có dây cương”, ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định, thành viên tham gia giúp tỉnh Nam Định chuẩn bị hồ sơ trình UNESCO, cảnh báo: Không nên hiểu việc tín ngưỡng được thế giới vinh danh như là việc được cấp thẻ hành nghề hầu đồng để rồi khắp nơi tổ chức hầu đồng, đưa hầu đồng ra cả nhà văn hóa, lên sân khấu. “Chầu văn (hầu đồng) là một nghi lễ thực hành tín ngưỡng và không phải ai cũng có thể thực hành được, nói như dân gian thì phải là những người có “căn quả” mới có thể “bắc ghế hầu thánh”.

 Biểu diễn nghi lễ hầu đồng của đạo Mẫu tại Phủ Dầy, Nam Định (Ảnh minh họa)

Liên quan đến việc một số đơn vị nghệ thuật tổ chức trình diễn các giá hầu đồng trước công chúng, ông Thư nhìn nhận: Việc sân khấu hóa, cách điệu hóa hầu đồng với mục đích giới thiệu, quảng bá văn hóa là cần thiết, nhưng không được mập mờ giữa việc trình diễn, sân khấu hóa và việc thực hành tín ngưỡng.

Cùng mối bận tâm này, ông Trần Vũ Toán – Thủ nhang Phủ Nguyệt Du Cung (Quần thể Phủ Dầy – Nam Định) chia sẻ: “Thực hành tín ngưỡng là việc làm cả đời không hết, cần sự thực tâm khi đến với Thánh. Có người sẵn sàng bỏ tiền, cả trăm triệu đồng để tổ chức những giá đồng, mua vui nơi đền phủ. Sau những lần “bốc đồng” như vậy lâm cảnh nợ nần, gia cảnh lục đục, quay sang oán thán, đổ lỗi cho Mẫu. Nếu thực tâm, chỉ với vài quả quýt cũng có thể ngồi hầu Thánh, hầu đồng cả buổi”.

Cũng cần phải nói thêm, các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng đều phải được đặt dưới sự quản lý của nhà nước. Tuy nhiên, theo nhìn nhận của ông Trần Văn Chung – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nam Định, công tác quản lý nhà nước ở Quần thể di tích Phủ Dầy lâu nay còn nhiều hạn chế. Tại đây vẫn tồn tại những mâu thuẫn, xung đột về lợi ích giữa một số đền phủ, giữa các đền phủ và chính quyền địa phương.

“Nguyên do nằm ở vấn đề lợi ích. Ở di tích Đền Trần, địa phương đã thành lập riêng ban quản lý… Tuy nhiên, khi tỉnh áp dụng mô hình quản lý này ở Phủ Dầy, ban hành quy chế quản lý thì có việc phản ứng của người dân” – ông Chung cho hay. Trên thực tế, đến nay, chính quyền tỉnh vẫn chưa thể thành lập được Ban quản lý ở quần thể di tích Phủ Dầy.

Trần Duy Hưng

Theo Tạp Chí Ngày Nay

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *