Phong thủy cho nhà trước cửa vướng “dị vật”

Phong thủy cho nhà trước cửa vướng “dị vật”

 
Nhà tôi hiện tại bị nhiều người tới chơi hay chê là sao có miệng cống và trụ điện chắn phía trước, về phong thuỷ coi chừng xui xẻo! Trước kia tôi không để tâm nhưng gần đây nghe nói nhiều cũng thấy lo lắng, không biết thực hư thế nào. Nhờ quý báo giải thích và góp ý giùm tôi trường hợp của nhà tôi là thế nào, có cách gì khắc phục được không. Tôi xin cảm ơn! (Lê Nguyễn Hồ Ngọc, P. Bến Nghé, Q.1, Tp.HCM).
Phong thủy cho nhà trước cửa vướng "dị vật"
Trả lời:

Ngoài các khu quy hoạch mới có thiết kế không gian nghiêm chỉnh, lề thông hè thoáng, hạ tầng ngầm hoá, vẫn có rất nhiều các khu dân cư cũ, khu ngoại ô có hiện trạng phức tạp, trước nhà khấp khểnh đủ thứ cột đèn ống cống gốc cây vừa thiếu thẩm mỹ và không an toàn. Điều này hình thành trong giới kinh doanh nhà đất các đánh giá thấp về nhà bị “dị vật” xuất hiện, cản trở ở phía trước, cộng thêm các truyền tụng trong dân gian mang màu sắc mê tín khiến nhiều gia chủ hoang mang, lo ngại. Cần nhìn nhận vấn đề này dưới khía cạnh phong thuỷ và thẩm mỹ như thế nào?

 
Phong thủy cho nhà trước cửa vướng "dị vật" | ảnh 1 Phong thủy cho nhà trước cửa vướng "dị vật" | ảnh 2
Có thể bố trí tiểu cảnh trên nắp cống. Dị vật trước nhà là cái cột điện với dây nhợ chằng chịt.

Xét về quan điểm hình và thế của một cuộc đất – ngôi nhà, phần phía trước của chủ thể luôn cần quang đãng (mà phong thuỷ truyền thống gọi là khu vực Minh đường), tránh các vật che chắn làm giảm tầm nhìn, ngăn cản sự lưu thông của sinh khí vào đại môn (cửa chính). Nếu có cây to trước nhà thì phong thuỷ xưa lập luận rằng đó là thế mộc khắc thổ, cây to ắt sẽ có rễ lớn ăn vào làm hỏng nền sân, đi lại dễ bị va vấp, lá rụng đầy sân, bóng râm che khuất khiến nhà thiếu độ sáng sủa, âm tính nhiều, nhất là những cây có hình dáng um tùm rũ rượi. Vì đa phần nhà ở truyền thống xưa kia đều quay về hướng nam để đón gió mát, cây to trước nhà sẽ chắn mất gió, nên ta thấy quan niệm “trước cau sau chuối” của kiến trúc truyền thống chính là để giữ cho phần minh đường được quang đãng. Một miệng cống, trụ điện… nếu nằm ngay trước cửa nhà thì cũng gây nhiều khó chịu về thẩm mỹ và sử dụng hàng ngày. Vì thế, các khu dân cư mới hiện nay luôn bố trí hố ga, gốc cây, cột điện… tại điểm giữa của hai nhà. Còn nếu như hiện trạng sẵn có cây to án ngữ giữa cửa mà cây đó thực sự ảnh hưởng đến đi lại thì có thể xử lý bằng cách chuyển bộ cửa chính về một bên sao cho lối đi ra vào và tầm nhìn không bị cản trở là được.


Tuy nhiên, đừng “quan trọng hoá” vấn đề khi cho rằng nhà bị như thế thì giảm giá trị, vì thực chất khoảng lùi, hướng nhà, mức độ ồn ào bụi bặm của con đường bên ngoài… vẫn quan trọng và ưu tiên xem xét hơn là chỉ một trụ điện, gốc cây hay miệng cống. Thực tế có không ít nhà biến nhược thành ưu, tận dụng những cây cối, trụ điện phía trước để làm điểm “mốc” nhằm xác định, phân biệt nhà mình với nhà khác, hoặc làm thành một dạng bình phong để che chắn bớt tác động xấu từ ngoài vào nhà mình bằng cách đặt thêm cây cối, tạo lối vào không trực diện với cửa hay cổng, thậm chí có thể bố trí tiểu cảnh dạng linh động trên nắp cống.


Tóm lại, phần “dị vật” trước nhà xấu hay tốt không quan trọng bằng cơ cấu sử dụng, quan hệ với đường sá và công trình lân cận. Tốt nhất là mỗi nhà (nhất là dạng nhà phố) nên xác lập cho mình một khoảng lùi và cấu trúc phần tiếp cận sau cửa cổng đủ kín đáo, tiện dụng (chỗ để xe, sân nhỏ, bậc thềm lùi sâu, khoảng đón tiếp khách…) để cho dù có gì trước nhà thì cũng không ảnh hưởng đến sinh hoạt và tính chất phong thuỷ của nhà. Đôi lúc gặp trường hợp bất khả kháng thì việc dùng vật phẩm phong thuỷ như hồ nước nhỏ, cây cảnh, tượng đá… cũng có thể giải quyết phần nào tâm lý bất an.(st)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *