Tiếp tục thông tin về sai phạm tại chùa Trăm Gian

Chiều qua, 4-9, tại trụ sở UBND huyện Chương Mỹ, Hà Nội đã diễn ra cuộc họp xung quanh những sai phạm ở chùa Trăm Gian. Không vòng vo, không đổ lỗi cho cơ chế, lãnh đạo UBND huyện Chương Mỹ và xã Tiên Phương đã thẳng thắn nhận trách nhiệm… 


 Lộ ra lỗ hổng phân cấp quản lý

Bậc cấp lên tiền đường bị đập đi xây mới bằng đá xanh – Thanh Hóa
“Tại tôi tất” 
“Tôi đã sai vì dỡ nhà Tổ và gác Khánh mà không xin phép Sở VH-TT&DL. Các bác cán bộ xã không có lỗi gì cả” – sư trụ trì Thích Đàm Khoa thẳng thắn nhận hết lỗi về phía mình. Tự ý xây dựng, lỗi của sư trụ trì đã rõ ràng. Nhưng cũng cần phải xem lại nguyên nhân, vì đâu dẫn đến những sai phạm này? Cách đây 4 năm, nhà Tổ và gác Khánh đã xuống cấp, sư Đàm Khoa đã viết đơn đi khắp nơi kêu cứu. Nhiều đoàn kiểm tra đã xuống chùa, rồi… mất hút, không thấy hồi âm gì. Chùa sập trở thành nỗi lo thường trực, không chỉ với sư trụ trì mà còn là của nhiều du khách đến vãn cảnh chùa. Không ít lần mưa gió, ngói rơi lả tả, cá biệt có lần, cả con hoành bỗng dưng rơi xuống. Rất may không có thương vong nào. Mùa mưa năm ngoái, một góc mái chùa sạt xuống. Lại cũng may, không ai việc gì.
Về nguyên tắc, đã là di tích, mà lại là di tích quốc gia nức tiếng gần xa như chùa Trăm Gian, việc tu bổ đương nhiên phải theo những quy trình chặt chẽ. Trong cuộc họp báo ngày 30-8, Giám đốc Sở  VH-TT&DL (cũng là chủ đầu tư Dự án tu bổ tôn tạo chùa Trăm Gian năm 2010) cho rằng, nhà chùa sai nguyên tắc, vi phạm Luật Di sản văn hóa. Nhưng có vị nào đặt mình vào vị trí của nhà chùa không? Nếu như hàng ngày phải “sống trong sợ hãi”, trong mối hiểm nguy thường trực, 4 năm vác đơn kêu khắp các cửa, nhưng chỉ nhận được câu trả lời: “Còn phải chờ kinh phí”, liệu có ai đủ tỉnh táo và sáng suốt để chờ, và chờ không biết đến bao giờ không? Trong tình cảnh đó, sư Đàm Khoa thừa nhận: “Tôi thiển nghĩ và cũng làm liều!”. Tổng kinh phí sư trụ trì bỏ ra để xây dựng nhà Tổ và gác Khánh tính cho tới thời điểm này là 5 tỷ đồng. Trong đó, 2 tỷ đồng lấy từ nguồn công đức.  3 tỷ còn lại sư Khoa đi vay ở các chùa lân cận.
Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ – Trần Vũ Lâm kể, có lần ông vào vãn cảnh chùa, thắp hương trong nhà Tổ xong phải nhanh chóng đi ra vì đưa mắt nhìn lên góc mái thấy cả trời xanh, mang mộng hở, cột mục xiêu vẹo. Với cương vị lãnh đạo một huyện, trực tiếp quản lý di tích, không lẽ, Chủ tịch UBND huyện lại không thể can thiệp để chùa sớm được trùng tu hay sao? Nghe qua tưởng vô lý, nhưng đó lại là sự thật, không chỉ với huyện Chương Mỹ mà còn với cả hệ thống phân cấp quản lý di tích ở Hà Nội.
Phân cấp hay bỏ rơi?


Một số cột gỗ đã tiêu tâm dỡ ra từ nhà Tổ
Ông Vũ Văn Đông – Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết, trên địa bàn huyện có 327 di tích, trong đó có 32 di tích xếp hạng quốc gia. Năm 2011, UBND huyện được UBND thành phố Hà Nội phân cấp quản lý trực tiếp 32 di tích này tại Quyết định số 11/2011/ QĐ-UBND. Nhưng cho đến giờ, những người trực tiếp được giao trách nhiệm quản lý tài sản quốc gia chỉ có quyền duy nhất là trông nom và thấy xuống cấp thì làm đơn báo cáo lên Sở VH-TT&DL Hà Nội. Ai cũng biết, phân cấp chức năng nhiệm vụ nhưng đi kèm còn phải là công tác tổ chức cán bộ, ngân sách, từ đó gắn với trách nhiệm. Chứ còn phân cấp quản lý di tích mà không gắn với công tác tổ chức cán bộ, chức năng nhiệm vụ, không kèm tu bổ tôn tạo thì chẳng khác nào giao nhiệm vụ nhưng lại không được tạo điều kiện để thực hiện nhiệm vụ. Sự việc ở chùa Trăm Gian đã vô tình làm lộ ra lỗ hổng trong quản lý Nhà nước về di tích.

Ông Vũ Văn Đông cho biết thêm, cụ thể ở chùa Trăm Gian, huyện chỉ quản lý đất đai, an ninh trật tự còn tu bổ thế nào xưa nay, huyện không được thông qua. Trong Dự án tu bổ tôn tạo năm 2010 mà chủ đầu tư là Sở VH-TT&DL Hà Nội, UBND huyện không được tham dự, không được góp ý. Vì thế không biết có những hạng mục nào được tu bổ, hạng mục nào không. Tất cả quyết định thuộc về chủ đầu tư. Hà Nội hiện có hơn 5.000 di tích, trong đó 2.000 di tích được xếp hạng. Với cung cách phân cấp quản lý hết sức chung chung và đầy mơ hồ, di tích kiến trúc gỗ lại không phải là kiến trúc trường tồn, cộng thêm “làn sóng” hạ giải xây mới đang diễn ra ở khắp nơi, liệu còn bao nhiêu di tích nguyên gốc trụ được? 

Quỳnh Vân

theo : antd.com.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *