Xung quanh việc tu bổ sai nguyên tắc tại chùa Trăm Gian

Sai phạm đến đâu còn phải chờ… thanh tra!

Hôm qua, 30-8, Sở VH-TT&DL Hà Nội đã tổ chức họp báo với mục đích: “Thông báo cho giới truyền thông toàn bộ sự thật trong việc tu bổ di tích chùa Trăm Gian”. Ngoài sự tham dự của lãnh đạo Sở, còn có lãnh đạo huyện Chương Mỹ, lãnh đạo xã Tiên Phương và Viện Bảo tồn di tích, đơn vị  dự tính sẽ đảm nhận việc “phục hồi niên đại” cho 2 công trình vừa bị đập đi xây mới tại ngôi chùa nổi tiếng này. 

Chạm khắc tinh xảo trên vì kèo xưa…

Tròn 1 tuần sau sự việc chùa Trăm Gian trở thành vấn đề nóng trên mặt báo, lãnh đạo Sở VH-TT&DL Hà Nội chính thức “đăng đàn” trả lời mọi thắc mắc của giới truyền thông. Phòng họp Sở VH-TT&DL có lẽ chưa bao giờ đông phóng viên như thế. Thông cáo báo chí, tiếng nói chính thức của Sở được phát đến tận tay từng phóng viên. Giám đốc Sở Phạm Quang Long không quên dặn dò “Ghi âm chuẩn, đăng cho đúng” và “Đừng bình theo cách hiểu của mình”. Thời điểm bắt đầu cuộc họp báo cũng là lúc ông Phạm Quang Long “nói lại cho rõ” những vấn đề mà báo chí mấy ngày qua đã đưa, đại khái rằng tôi có nói thế này nhưng không nói thế kia. Cuộc họp bắt đầu nóng lên từ thời điểm ấy.

Sự thật là, việc chùa Trăm Gian xuống cấp đã được nhiều cơ quan chức năng biết đến, năm 2010 Sở Kế hoạch – Đầu tư (KH-ĐT) Hà Nội đã có Quyết định số 162/QĐ-KHĐT về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử chùa Trăm Gian và giao cho Sở VH-TT&DL làm chủ đầu tư Dự án. Các thủ tục chuẩn bị đầu tư đã được hoàn thành, Cục Di sản văn hóa cũng đã có thỏa thuận. Đến tháng 10-2011, Sở VH-TT&DL, Sở KH-ĐT, Sở Tài chính và UBND huyện Chương Mỹ đã có văn bản liên sở đề xuất với UBND thành phố Hà Nội cho phép chủ đầu tư hạ giải ngay các hạng mục (trong đó có nhà Tổ) xuống cấp trong tình trạng nguy hiểm và triển khai thi công, đồng thời giao Sở KH-ĐT, Sở Tài chính cân đối, bố trí kinh phí để thực hiện ngay trong năm 2011. Trong thời điểm đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24-2-2011 “Về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội” nên UBND thành phố Hà Nội chưa bố trí được nguồn vốn. Không được cấp kinh phí, nên dự án phải dừng lại, đó là lý do mà lãnh đạo Sở VH-TT&DL đưa ra để trả lời cho câu hỏi, vì sao dự án mãi chưa được triển khai.
Sự thật là, ngày 26-2, sư trụ trì chùa đã có đơn gửi chính quyền địa phương xin hạ giải bởi “nhà Tổ dột nát, sắp sập đến nơi rồi”. Ngày 28-2, xã đã có tờ trình báo cáo lên UBND huyện Chương Mỹ. Như thế có nghĩa, việc nhà chùa tự ý dỡ nhà Tổ và gác Khánh, xã, huyện đều biết và im lặng như một sự đồng ý ngầm. Việc này còn được chính quyền xã thông báo lên hệ thống loa truyền thanh, để nhân dân tiện việc phát tâm công đức xây chùa… Cho đến thời điểm này, trách nhiệm của xã, của huyện đã “rõ như ban ngày”, Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Văn Đông thừa nhận rằng lỗi do “Nhận thức giản đơn” và “Sẽ nghiêm túc kiểm điểm, trách nhiệm đến đâu kiểm điểm đến đấy” Song khi được hỏi ông sẽ tự nhận hình thức kỷ luật gì thì vị lãnh đạo này trả lời: “Còn phải chờ kết luận thanh tra…”.


… và nay
Sự thật là, chùa Trăm Gian được xây dựng cả xã Tiên Phương đều biết, chứ không phải nhà chùa “hô biến” trong vòng một đêm. Nhưng, chỉ khi báo chí đưa tin vào ngày 24-8, Sở VH-TT&DL Hà Nội mới biết tài sản của mình đang bị xâm hại nghiêm trọng. Vấn đề trách nhiệm được đặt ra đối với Ban Giám đốc Sở? Vai trò của Sở VH-TT&DL Hà Nội ở đâu khi được giao nhiệm vụ là cơ quan tham mưu cho UBND thành phố? Câu trả lời mà phóng viên nhận được chỉ đơn giản: “Vì là cơ quan tham mưu nên mới có cái dự án tu bổ vào năm 2010 kia”. Lãnh đạo Sở cũng không quên ví von hình tượng rằng, mình chưa bao giờ từ chối trách nhiệm, nhưng cái việc này nó cũng giống như thi chạy, chưa có hiệu lệnh thì làm sao mà chạy được, hay muốn đi mà gặp đèn đỏ, thì đi làm sao? Và chung quy là: “Chưa được Sở KH-ĐT cấp kinh phí thì không thể khởi động dự án tu bổ chùa Trăm Gian được”. Trước rất nhiều câu hỏi liên quan đến trách nhiệm, ông Phạm Quang Long thừa nhận: “Sư trụ trì chùa sai là rõ ràng, BQL di tích cũng sai, chính quyền xã, huyện đều sai, và cả Sở VH-TT&DL cũng sai. Nhưng hiện Hà Nội có 5.175 di tích, trong đó có hơn 2.000 di tích đã được xếp hạng, trong khi Phòng Di sản của Sở chỉ có 4-5 cán bộ. Bảo chúng tôi thiếu trách nhiệm cũng phải, nhưng phải truy từ gốc xem tại sao sai? Sai hay đúng đều phải được nhìn nhận công bằng. Sai đến đâu, sai như thế nào phải chờ kết luận của Thanh tra. Đừng nói chúng tôi trốn tránh trách nhiệm. Trốn sao được? Trốn đi đâu?”.
Sự thật là, sẽ không thể nào phục hồi nguyên trạng (như trước khi bị dỡ) nhà Tổ và gác Khánh, ông Lê Thành Vinh – Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích giải thích, bởi dạng kiến trúc kiểu phương đình này muốn phục hồi phải xác định cấu trúc cơ bản. Ngay sau khi nhận được thông tin về “thảm họa trùng tu” kể trên, các cán bộ của Viện Bảo tồn di tích đã có mặt tại nơi thi công. Kiểm tra sơ qua, những người làm công tác trùng tu lâu năm không khỏi giật mình vì kiến trúc mới kia, không hề có kế thừa kiến trúc cũ hay nói đúng hơn là khác hoàn toàn. Đầu bẩy của gác Khánh cũ thẳng, chạm vừa phải thì đầu bẩy mới thô kệch. Ngói của gác Khánh cũ với ngói của gác Khánh mới cũng khác nhau hoàn toàn từ hoa văn cho đến kích cỡ. KTS Lê Thành Vinh nói, cũng may hệ thống cột kèo tuy bị dỡ ra, nhưng còn cả, có thể tái sử dụng được. Bên cạnh đó, Viện Bảo tồn di tích còn lưu được một bộ hồ sơ của chùa từ thời Pháp thuộc, vì thế, đó sẽ là cơ sở để phục dựng lại. Tuy nhiên chỉ có thể đưa công trình trở lại với hình dáng ban đầu ở mức tương đối, việc phục hồi 100% là điều không tưởng.
Quỳnh Vân


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *