Untitled Post

Tại sao giới bói toán hay đồng cốt dường như chính xác?

Nếu ngoại cảm và tâm linh không đáng tin cậy, tại sao một cô đồng giỏi có thể biết một số thông tin về người chết?
Nhiều người cho rằng đó là bằng chứng cho thấy linh hồn có thật và giới đồng cốt quả thật có khả năng nói chuyện với người chết. Tuy nhiên sau khám phá của Ray Hyman (cũng là sáng lập viên của CSICOP), sự thật về giới bói toán và đồng cốt đã được khám phá. Trong bài báo “Thuyết phục người lạ rằng bạn biết tất cả về họ như thế nào” trên Người yêu cầu nghi ngờ, tập 1, số 2, năm 1977, Hyman đã phát hiện kỹ thuật đọc nguội (cold reading). Đó là kỹ thuật lấy tin từ chính thân chủ bằng nhiều phương cách như nói lấp lửng nước đôi, đọc ngôn ngữ cơ thể… (thày bói hay cô đồng thường nói tràng giang đại hải, khi gặp thông tin khớp, ta thường nhướn mày, chớp mắt, rung cơ, thở nhanh… nên cô đồng nắm được. Giới chuyên môn gọi là hiệu ứng Hans thông minh, khi ngựa Hans tại Berlin đầu thế kỉ 20 “biết làm toán” do đọc ngôn ngữ cơ thể người đối diện). Chính vì vậy trong cuốn Sự thật đầy đủ về đọc nguội, Rowland viết: “Trong một buổi gọi hồn thành công, cô đồng có thể nói hầu hết thời gian, nhưng chính người hầu đồng mới là người cung cấp ngữ nghĩa và ý nghĩa của những ngôn từ đó“. Ở đây câu ngạn ngữ Tây Ban Nha tỏ ra thích hợp “Người nói nhiều đôi khi cũng đúng”!
bói bàn tay
Có thể kể thêm hai kỹ thuật đơn giản là đọc nóng (hot reading) và đọc ấm (warm reading). Đọc nóng là cách lấy tin trước khi bói hay gọi hồn. Ta cứ phải chầu chực mãi mới được bói hay hầu đồng là vì vậy. Còn đọc ấm là việc áp dụng các nguyên lý tâm lý thông thường cho thân nhân người đã khuất. Chẳng hạn giới đồng cốt Mĩ thường nói người chết cảm thấy đau đầu hay đau tim. Thông báo này có xác suất đúng cao vì đột quị não và nhồi máu cơ tim là những nguyên nhân tử vong hàng đầu tại Mĩ. Với một cô đồng giỏi cả ba kỹ thuật, người nghe không tin mới là chuyện lạ!
Vậy có thể kiểm chứng độ xác thực của khả năng “ngoại cảm tìm mộ“ hay không? Cách giải quyết thực ra rất dễ dàng: hoặc xét nghiệm ADN trên hài cốt tìm được, hoặc thực nghiệm với các trường hợp thật giả lẫn lộn. Người viết bài này tin rằng, nếu tổ chức tốt các thử nghiệm có kiểm soát, không một nhà ngoại cảm nào dám chấp nhận thách thức. Vấn đề chỉ là chúng ta có muốn kiểm chứng hay không mà thôi.
Cần bài trừ nạn mê tín mới:

Có lẽ ít người phản đối việc tách biệt hành vi mê tín khỏi các hoạt động tín ngưỡng và tôn giáo. Tuy nhiên đâu là ranh giới giữa mê tín và tín ngưỡng lại là vấn đề rất khó đạt được sự đồng thuận. Đó là vấn đề lớn của toàn nhân loại chứ không riêng của nước ta. Chẳng hạn tại Anh, nhà khoa học đoạt giải Nobel Josephson từng bỏ vật lý để nghiên cứu các hiện tượng tâm linh. Trong một bức thư gửi tạp chí Nature danh tiếng, ông chê trách thái độ thờ ơ của cộng đồng khoa học đối với lĩnh vực tôn giáo và dị thường học. Theo ông, thực hành tôn giáo bắt nguồn từ các gien liên quan với tính thiện và có thể giúp các xã hội vận hành tốt hơn. Các nhà khoa học phản đối ông, cho rằng ngoài các yếu tố tích cực, hoạt động tín ngưỡng và tôn giáo rất dễ gắn với các hành vi mê tín. Điều này không lạ, vì trong một số trường hợp, ranh giới giữa tín ngưỡng và mê tín cũng khá mơ hồ. Chẳng hạn thờ cúng người đã khuất là tín ngưỡng; vậy vay tiền bà chúa Kho là tín ngưỡng hay mê tín?
Theo quan điểm cá nhân, cần phân biệt hai kiểu mê tín: mê tín cũ và mê tín mới. Tin là có ma quỉ, linh hồn, thiên đường và địa ngục hay thực hành gọi vong, cầu hồn, lên đồng… là các hành vi mê tín kiểu cũ. Những hành vi này thì từ xa xưa cha ông ta cũng đã từng đả phá và nay chúng ta cần cương quyết và khôn khéo loại trừ. Sự vụ một cô đồng “nhập hồn lãnh tụ” cần xem là sự giả danh lãnh tụ, và việc lưu truyền băng đĩa về nó cần xem là hoạt động mê tín. Chúng và các hoạt động tương tự cần được ngăn chặn kịp thời, cương quyết, khôn khéo và lâu dài.
Khó ứng phó hơn là các hành vi mê tín mới. Tại phương Tây chúng nổi lên dưới cái tên Tân Kỷ nguyên (New Age). Trào lưu này cho rằng, dựa trên các lý thuyết mới như cơ học lượng tử, khoa học (tự nhiên) đã có thêm tính chủ quan, bên cạnh tính khách quan vốn có. Đã là chủ quan thì không thể bỏ qua các yếu tố thuộc về tinh thần hay “tâm linh” được. Tiến thêm một bước (không hợp lý, theo cá nhân người viết), trào lưu này làm sống lại các chủ đề cũ như xuất hồn, đầu thai và luân hồi, tiên tri, giao tiếp với người chết… với nhiều cơ sở nghiên cứu, thực hành và giảng dạy được thành lập, chủ yếu dựa trên tài trợ tư nhân. Như đã trình bày, đó là những hoạt động thiếu cơ sở lý luận chặt chẽ, không vượt qua được các cuộc kiểm chứng nên đều không đáng tin cậy.
Cuối cùng là một số hành vi chưa hẳn là mê tín nhưng cũng cần được lưu tâm đúng mức. Đó là việc ca ngợi và vận dụng quá mức một số quan niệm và kinh nghiệm người xưa. Với cái nhìn khá tinh nhạy, người xưa đã quan sát, chiêm nghiệm và hệ thống hoá một số quan niệm, kiến thức và thực hành trong nhiều lĩnh vực, như y thuật, thuật phong thuỷ, tử vi, kinh Dịch… Tuy nhiên do hạn chế trong hiểu biết về cấu trúc và hành vi của con người và thế giới, nên các hệ thống đó chứa đựng nhiều quan niệm và hành động sai lầm. Với trình độ ngày nay, không khó để chỉ ra đúng sai, hay dở của các hệ thống đó. Một quan điểm đúng đắn trong việc gìn giữ bản sắc là gạn đục khơi trong, loại bỏ các yếu tố sai lầm, giữ lại các kinh nghiệm đúng để ứng dụng vào cuộc sống. Chẳng hạn quan niệm địa linh nhân kiệt. Người xưa cho rằng do khí thiêng sông núi hay mạch đất mà một địa phương có thể sinh nhiều hào kiệt . Vì thế mà có các quan niệm và hành vi sai lầm như “mả táng hàm Rồng” hay trấn yểm. Ngày nay ta biết rằng, chính con người (với mọi sắc thái sinh học và văn hoá) mới là yếu tố tạo nên hay tô điểm thêm cho một truyền thống văn hoá. Nếu không sẽ không hiểu tại sao các nhà Cần Vương thất bại mà Cách mạng tháng Tám lại thành công. Một ví dụ khác là nhà ở ngã ba bị đường đâm thẳng vào thì không tốt. Kết luận có thể giống nhau, nhưng khoa học giải thích bằng các lí do như dễ bị xe đâm trong các vụ tai nạn hay ảnh hưởng của sự căng thẳng thần kinh khi sống trong căn nhà đó, chứ không phải bằng các quan niệm siêu hình của người xưa. Quan niệm xung khắc tuổi cũng vậy. Khi cả hai người cùng tin tuổi họ xung khắc thì họ sẽ xét nét nhau từng tí một và cuối cùng thành xung khắc thật; trong khi nếu cùng tin hợp tuổi thì sẽ chín bỏ làm mười và cố gắng hợp tác tối đa, kết quả là hợp thật. Như vậy chính sức khoẻ thể chất và tâm thần, chính trí tuệ, cảm xúc, niềm tin và các giá trị tinh thần, cũng như môi trường sống và làm việc có văn hoá, chứ không phải ngày tháng năm sinh hay nơi sinh, mới là yếu tố quyết định chúng ta là ai, chúng ta sống và theo đuổi các giá trị như thế nào. Thiên thần hay ác quỉ nằm trong chính chúng ta, chứ không phải ở con sông hay ngọn núi.
Để kết thúc, xin nhấn mạnh rằng, niềm tin vào sự huyền bí là nhu cầu có thật của con người, và theo các nhà khoa học, nó lớn hơn mọi chứng cớ phản bác. Vì vậy chúng ta cần lựa chọn đúng đắn giữa các hoạt động tín ngưỡng và các hành vi mê tín, cho dù trong nhiều trường hợp, ranh giới giữa chúng thật khó phân định. Với lập trường duy vật và cách nhìn biện chứng, với việc ứng dụng linh hoạt các thành tựu khoa học hiện đại, chúng ta có thể gạn đục khơi trong, góp phần gìn giữ những truyền thống văn hoá quí báu của dân tộc, bên cạnh việc kiên trì loại trừ các hành vi mê tín dị đoan.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *