Thần Thổ Địa

Thần Thổ Địa
     Thổ Địa là ông thần Đất của mỗi làng. Thần Đất, hay Thổ thần, thường được thờ tại cái miếu nhỏ hay trong một ngôi chùa – thờ chung với các đức Phật.
    Thành hoàng là Vua của làng, cai quản phần hồn dân làng. Còn Thổ thần cai quản phần Âm tức là phần dưới đất và những người đã qua đời.

     Thổ Địa là ông thần Đất của mỗi làng. Thần Đất, hay Thổ thần, thường được thờ tại cái miếu nhỏ hay trong một ngôi chùa – thờ chung với các đức Phật.

    Đối với cư dân nông nghiệp thì đất có nghĩa là sản xuất, cho nên thần Đất ở một lĩnh vực cụ thể còn là thần linh bảo vệ mùa màng.

    Theo đà tiến hóa của xã hội, khi làng đã có một lãnh địa nhất định thì thần Đất, từ cõi linh thiêng và thần uy của mình, có nhiệm vụ phối hợp với Thành hoàng, bảo đảm an toàn cho người dân ở vùng đất ấy, không để cho hung thần hay các thần linh ở các làng khác đến xâm nhập quấy rối, kể cả chuyện không để côn trùng phá hoại mùa màng.

    Thần Đất không được nhà vua sắc phong, không được hiện diện trong các ngày tế lễ. Dân làng chỉ cúng Thổ thần để báo cáo với Ngài khi đào giếng, đào móng xây tường làm đền, làm đình… Nhất là khi làm một công trình gì đó như đào mương…

    Thổ thần cũng có nhiều hạng. Có thổ thần bao quát lãnh địa cả làng. Có thổ thần của một xóm, một cánh đồng, một khu rừng …nên trước đây trong một làng, ta thường thấy có những cái miếu nhỏ thờ thần bản thổ. Có thổ thần trông coi nghĩa địa, nên khi đào huyệt chôn cất người qua đời, người ta thường biện trầu rượu cúng, xin phép thổ thần. Chôn cất xong phải làm lễ tạ.

     Trong gia đình, ngoài bàn thờ ông bà, tổ tiên, nhiều nhà còn có một cái bàn nhỏ thờ gia thần. Gia thần không phải là tổ tiên mà là Thổ công, Thổ địa, Thổ kỳ.

    * Thổ công là thần trông coi không gian bao quanh gia đình.
    * Thổ địa là thần long mạch, mạch đất của gia đình.
    * Thổ kỳ là thần trông coi việc trồng trọt, chăn nuôi , chợ búa.

    Thờ gia thần trong gia đình thực chất là thờ trời đất, trong đó có gắn với quan niệm của Đạo giáo về ngũ phương, nhưng dân chỉ quen gọi là Thổ công và chỉ nhớ có Thổ công, trong Thổ công bao hàm Thổ địa, Thổ kỳ và cả ông thần bếp tức Táo quân. Việc thờ Thổ công, Thổ địa, Thổ kỳ trong các gia đình ở Việt nam, có gia đình lập bàn thờ riêng trong nhà như đã nói trên, có gia đình đặt cây hương ở góc sân, góc vườn. Ngày giỗ, ngày tết, ngày tế thường tân, nhất là khi đào móng làm nhà, đào giếng trong vườn nhà,…đều phải cúng. Còn ngày rằm, mùng một có hoa quả và thắp hương cúng bái thì ngày nay mới phổ biến, còn trước kia chỉ có ở một số gia đình mà thôi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *