Cát Thiên Tam Thế Thực Lục

Giữa mùa xuân năm Quý Sửu triều vua Duy Tân (1913), xã Vỉ Nhuế, huyện Đại An, phủ Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định
Quảng Cung tiên chúa linh từ tàng bản
(Trích phiên dịch)


1. Phần I
Phả ghi đền thiêng Quảng Nạp
Kỳ trung hoán, tháng cuối hạ (tháng 6), năm Nhâm Tý (1912), ta cùng với bách thần giá lâm đền thiêng thôn Quảng Nạp, xã Vỉ Nhuế, đến Đông La tiền Đình nguyên trưởng tử Đỗ Huy… cùng mộc ân đệ tử Đồng Giang Trần Đăng Thái phụng thờ đền thiêng, dâng xem Ngọc phả thánh mẫu, thì phả ấy vốn do Thánh mẫu thủ bút, phụ đồng vào người trong xã là Đoàn Tử Duyệt giáng bút rõ ràng. Tôi thấy lạ lùng, đây đích thực là chuyện tiền thân của Thánh mẫu Vân Cát. Trông lại, Thánh mẫu là con gái thứ hai của Thượng đế giáng sinh xuống trần thế, sau khi mất, linh thiêng rõ rệt, nhưng tại sao chỉ có đền Vân Cát nổi tiếng linh thiêng mà tại sao đền Quảng Nạp lại vắng vẻ, không được nghe nói đến. Thời lấy việc Thánh mẫu hiển hoá đổi thay, trong khoảng thời gian trước sau chừng nghìn năm không được nêu lên mà tỏ rõ, mới không theo vào đâu mà biết được. Cho nên những điều truyền lại chỉ là những ghi chép tản mạn mà thôi. Thật kỳ lạ biết bao! Than ôi! thuyết lý luân hồi thực là có vậy. Xưa nay, có được diệu quyết mà thành tiên, thoát thai phàm mà thành thánh. Nhưng sinh với hoá không thể tự giải nghĩa được giống như ngủ với thức cũng không tự giải nghĩa được. Lại không có tạo hoá trong một ảo cảnh lớn hay sao? Duy có thánh triết tri giác, độc toàn tu luyện mới có thể đến được. Cho nên sống thì tài giỏi tinh anh, hoá thì linh thiêng huyền diệu, trước sau không thay đổi, mới tin rằng cái lý thuyết bất sinh bất diệt chẳng phải là hư không. Tôi đã ba lần xem đi xem lại ngọc phả, nhân đó hỏi xem, đối chiếu với bản Quế cung thần lục thì đền Quảng Nạp chính là nơi diễn ra chuyện tiền thân của mẫu, còn Sòng Sơn, Vân Cát là nơi hậu thân của mẫu. Ba kiếp luân hồi, nghìn thu hiển hách, trước sau thửa một đạo vậy, liền nhuận sắc thêm Ngọc phả quốc âm, cho khắc lên gỗ lê, gỗ táo. Những người nương nhờ dưới ánh sáng nên biết rõ đầu cuối vậy, rồi giáng bút ghi chép ở vũ đình đền Quảng Nạp.
Ngày 11 tháng 6 năm Nhâm Tý, niên hiệu Duy Tân 6 (1912), Trần triều Nhân vũ Hưng Đạo Đại Vương giáng bút rõ thêm, lại tặng thơ để ghi lại.
Nghìn thu dấu trần chưa mòn hết
Máu đỏ, vết rêu gửi cỏ hoa
Vỉ Nhuế vốn chẳng phải là nơi đế nữ đến(1).
Quảng hàn ngờ là nơi giáng tiên nga(2).
Gió lành đưa tiếng đàn trầm bổng
Trăng sáng in tròn trên giếng ngọc(3).
Mới biết tiền thân linh cảm lạ.
Từ nguyên gieo vần thơ ca ngợi(4)
Cốt cách người tiên chốn Quảng cung
Nga Anh bến Vỉ sánh âu cùng(5)
Lòng son thấu đến ba tầng biếc(6)
Đá trắng còn in mấy giọt hồng(7)
Chữ hiếu sáng treo thiên vạn cổ(8)
Đường tu xiết kể mấy mươi công.
Dấu thiêng kiếp trước nào ai biết.
Phẩm giá người trong giếng cũng trong(9)
2. Phần II
Cát thiên tam thế thực lục tự
Thuyết luân hồi, các bậc nho học không tin. Đấy mới chỉ câu nệ ở lý thuyết, chưa kê cứu thực tế. Khiêm tôi suy nghĩ về điều đó, thực tế vốn đã có như vậy, về lý cũng có như vậy. Xưa nay, thánh triết, hiền nhân, anh lưu liệt nữ há không thay đổi hiển hiện rõ rệt, rực rỡ ở đương thời, lưu danh cho hậu thế, cái lý ấy chẳng phải xác thực lắm sao? Kìa như: Khổng Minh chính là Tử Lăng thời tiền Hán, Trương Phi là Vũ Mục triều Tống. Lời huấn thị của Đào Viên không lừa dối ta. Như Sài Sơn thoát xác, truyền rằng là tiền thân của đế tử(10), Hương động quy y, hiện tái thế ở thuyền từ(11). Sử truyện(12) đã ghi như thế, chẳng phải là hiển nhiên thực tế hay sao?(13) Vân Cát Thánh mẫu là con gái thứ hai của Thượng đế, ba lần hoá sinh, đến nay hiển linh ở Sòng Sơn, Phố Cát. Nhất thời quan thân, sĩ thứ, những kẻ chiêm bái qua lại liền nối không dứt mà nguồn gốc của Quảng cung lại do thiên hạ tự biết đến danh tiếng(14), nghìn năm sau tra cứu, không theo vào đâu mà biết được. Cát Thiên tam thế thực lục này do Thánh mẫu thủ bút, không chỉ vì làm cho Vân Cát bổ sung thêm một truyền kỳ, đồng thời còn muốn làm cho Quảng cung trở thành một cảnh sắc rạng rỡ. Vả lại, sự việc bao quát, từ ngữ sâu sắc, đã biết được lý do đầu cuối mờ mịt. Do thần làm nên vậy ôi! Hôm nay, Khiêm tôi kính cẩn dâng lời. Trần Thánh vương kê cứu, duyệt xem khắp toàn biên, khôn xiết mến mộ, vả lại cũng vui với việc các vị quân tử thích làm việc thiện, giúp đỡ cho thành sự. Tin rằng trong hàng nghìn năm, đây vẫn là chuyện lạ kỳ hiếm thấy, bèn dâng lời tựa ghi lại. Than ôi! Mạn lục của năm trăm năm lẻ, một sớm được chỉnh đốn, ảo cảnh của năm trăm năm lẻ một sớm được mở rộng ra. Những người nương nhờ dưới ánh sáng, nên biết công lao, kinh sách của mẫu không phải là ít bổ ích.
Ngày mùng 4 tháng 11 niên hiệu Duy Tân 6 (1912), Cổ Am Trạng nguyên Trình quốc công Bạch Vân tiên sinh Nguyễn Bỉnh Khiêm phụng mệnh bái tựa.
3. Phần III
Cát thiên tam thế thực lục tự tự
Việc thuộc về nghìn năm trước, người sinh ra nghìn năm sau muốn kê cứu việc ấy thật khó vậy. Ta vâng mệnh giáng sinh, niên hiệu Thiệu Bình, Thiên Hựu đến nay 535 năm, thời đại tuy khác nhau nhưng vẫn còn nhớ đến sự vẻ vang rực rỡ của việc ngày trước, liền kê cứu ở nguyên phả, đã có sự thiếu sót, khác biệt, huống hồ theo đó đến nghìn năm sau ai tra cứu mà biết được sao? Vả lại xem những điều ghi chép trong nguyên phả như: hai độ hoá sinh ở Nga Sơn, Vân Cát, đế cho tinh tào hai phen khế hợp, xác thực là có vậy. Còn xem các việc khác như: cầm phổ tứ thi(15) đều là những chuyện nhạt nhẽo nơi gác xuân, những khúc vịnh ở Tây Hồ(16), nào đã từng mời đón khách tục. Như vậy Mạn truyền chưa đối chiếu với thực tế, không chừng tăng thêm nghìn năm nữa lại nhiều thêm sự ngờ vực về những điều kỳ quái vậy ôi. Huống chi việc giáng sinh ở Vỉ Nhuế, dấu tích lạ ở Ba Khê đã lâu nên mai một, ai có thể theo mà chứng thực được những lời nói ở Cát thiên tam thế. Trước ở đền Quảng Nạp, đích thân giáng ngọc phả quốc âm kinh, đội ơn được Trần thánh tổ ta kê duyệt, nhuận sắc thêm cho đúng đắn, muôn phần may mắn liền vâng mệnh giáng bút thêm tiểu dẫn, tên viết Cát thiên tam thế thực lục, dâng lên tấu duyệt, giao khắc lên gỗ, khiến nghìn năm sau đều biết sau khi ta hoá, linh thiêng hiển ứng, gốc nguồn bởi lúc bình sinh ta giữ gìn hai chữ hiếu trinh, chẳng những truyền lại được chân thực, mà còn quy y đắc đạo, vẫn vẻ vang rạng rỡ mãi về sau. Những người nương nhờ dưới ánh sáng nên biết được ngọn nguồn, vậy làm bài tựa(17).
Ngày 24 tháng 10 niên hiệu Duy Tân 6 (1912), đệ nhất vị Tiên Hương Thánh mẫu giáng bút.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *