Mộ Tần Thủy Hoàng: Bí mật vẫn bao trùm


Mộ Tần Thủy Hoàng: Bí mật vẫn bao
trùm


Nằm sâu dưới
ngọn đồi ở giữa lãnh thổ Trung Quốc, bao quanh bởi hào chứa đầy thủy ngân chính
là ngôi mộ bí ẩn của hoàng đế khét tiếng một thời Tần Thủy
Hoàng.



nằm đó hơn 2.000 năm, sau khi mất vào ngày 10 tháng 9 năm 210 trước Công nguyên
(CN), hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc vẫn tránh được mọi sự can thiệp phiền
toái từ hậu nhân. Ngôi mộ được cho là nắm giữ mọi câu trả lời về những bí mật
chưa có lời đáp của lịch sử, nhưng cho đến nay vẫn chưa có người hiện đại nào
từng quan sát được bên trong nơi này, và điều đó không chỉ phụ thuộc vào chính
quyền Bắc Kinh mà còn là về mặt khoa học.



Lăng của Tần Thủy Hoàngđược khai phá hết sức cẩn thận để tránh hủy hoại không
đáng có – Ảnh: AFP


Tần
Thủy Hoàng sinh vào năm 259 trước CN, ghi danh vào lịch sử với công lao thống
nhất Trung Hoa từ 6 nước chư hầu, chấm dứt hơn 200 năm chiến tranh và loạn lạc.
Khi chết, Tần Thủy Hoàng được chôn trong một lăng mộ phức tạp nhất từng được xây
dựng ở Trung Quốc. Nằm ở phía bắc núi Ly Sơn, tỉnh Thiểm Tây, nó là một khối
kiến trúc chìm dưới đất đầy phức tạp, chứa mọi thứ hoàng đế cần cho “cuộc sống”
sau khi chết. Người Trung Hoa cổ đại, cũng như nhiều nền văn hóa khác, bao gồm
cả người Ai Cập, đều cho rằng những vật dụng, thậm chí cả người bị chôn cùng với
người chết sẽ theo người đó xuống chốn tuyền đài. Tuy nhiên, thay vì chôn theo
các đội quân, cung nữ, thái giám, hoàng đế họ Tần quyết định dùng tượng đất sét
thay thế.


Vào
năm 1974, một số nông dân đang đào giếng gần Tây An đã ngạc nhiên khi tìm thấy
một trong những phát hiện chấn động nhất trong lịch sử khảo cổ. Sau tượng binh
sĩ bằng đất với kích thước như người thật đầu tiên, họ khám phá ra một đội quân
với hàng ngàn tượng khác, với mỗi tượng mang đặc điểm riêng, từ quần áo, tóc tai
và nét mặt. Trong gần 4 thập niên, các nhà khảo cổ học làm việc liên tục tại nơi
này. Cho đến nay, họ tìm được khoảng 2.000 tượng binh sĩ, nhưng giới chuyên gia
ước tính phải có hơn 8.000 tượng tổng cộng. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa
chạm đến ngôi mộ trung tâm, nơi có cung điện chứa xác Tần Thủy
Hoàng.


“Quả đồi lớn, nơi vị hoàng đế được chôn – chưa có ai
từng chạm đến được”, NBC News dẫn lời chuyên gia khảo cổ Kristin Romey, cố vấn
cho cuộc triển lãm chiến binh đất sét ở thành phố New York. Theo ông, một phần
do người Trung Quốc kính trọng tiền nhân, nhưng lý do lớn hơn là chưa có công
nghệ nào trên thế giới hiện có thể xâm nhập và khám phá nơi này. Khi khai phá
lăng mộ của vua Tut ở Ai Cập vào năm 1922, giới khoa học gia thời đó phá tan nát
không biết bao nhiêu là thông tin quý báu do kỹ thuật khảo cổ vào thập niên
1930, và nhiều ví dụ khác nữa. Trở về trường hợp của Trung Quốc, việc khai quật
phần mộ chính hay không phụ thuộc vào chính quyền nước này. Khi đào những tượng
đầu tiên cách đây gần 40 năm, lớp ngoài của tượng tróc ngay lập tức khi bị phơi
ra ánh sáng, nhưng nay mọi thứ đã đâu vào đấy sau khi giới chuyên gia tìm được
cách bảo quản tượng.


Các
sử gia thời xưa từng ghi chép Tần Thủy Hoàng tạo ra một vương quốc và cung điện
dưới lòng đất, với vòm lăng mộ bắt chước bầu trời đêm, và ngọc trai làm tinh tú.
Hiện tượng cung nữ vẫn chưa được tìm thấy, dù các chuyên gia cho rằng chúng nằm
đâu đó trong lăng. Và
mộ Tần Thủy
Hoàng
được cho là bao quanh bởi những
dòng sông thủy ngân lỏng, được người thời xưa tin rằng có thể nắm giữ sự bất tử.
Cũng có báo cáo cho rằng hoàng đế chết vì nuốt thủy ngân với hy vọng trường
sinh, khiến họ Tần qua đời khi mới 39 tuổi, để lại vương quốc rộng lớn cho con
cái hủy hoại. Cũng chính vì nghi ngờ trên mà các nhà khảo cổ học ngại ngần chưa
dám động đến phần trung tâm của lăng, và cân nhắc những thiệt hại có thể khi xâm
nhập vào địa phận của hoàng đế cổ xưa. “Nói cho cùng khảo cổ học là môn khoa học
tàn phá. Bạn phải hủy hoại đối tượng để có thể nghiên cứu chúng”, Romey kết
luận.


Theo Hạo
Nhiên


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *