Văn hóa Việt phản ánh trong trang phục hầu đồng

Nếu chầu văn (loại hình ca hát cổ truyền của Việt Nam) là “linh hồn” của tín ngưỡng thờ đạo Mẫu thì trang phục (khăn chầu áo ngự) là vật dụng quan trọng không thể thiếu để thực hiện nghi thức lên đồng. Mỗi bộ trang phục được dùng cho một giá đồng, thể hiện đặc trưng của từng vị thánh trong đạo Mẫu và còn là hình tượng văn hóa được đúc kết từ nhiều thế hệ người Việt.

 Biến đổi theo dòng chảy lịch sử, văn hóa

Hầu đồng không chỉ là nghi thức bắt buộc trong thực hiện tín ngưỡng đạo thờ Mẫu, mang ý nghĩa tâm linh mà còn được coi là loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo của người Việt cổ. Cùng với các yếu tố: cách diễn xướng, âm nhạc, ca từ thì trang phục là điều quan trọng, không thể thiếu khi hầu đồng.

Người ta gọi trang phục hầu đồng là khăn chầu áo ngự, là y phục của chư thánh giá ngự. Theo quan niệm, trước mỗi buổi hầu đồng phải làm lễ trình khăn áo, khua nén hương qua để làm sạch, “khai quang” cho áo. Người dân tin rằng đó là cách làm phép để tấm áo trở nên thanh sạch thì thánh mới về ngự.

Nói về vai trò và ý nghĩa của trang phục hầu đồng, ông Phạm Tứ (Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam, kiêm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bảo tồn Văn hóa đạo Mẫu Việt Nam) cho biết: “Không có trang phục, không có hầu đồng”. Bởi lẽ, trang phục trong hầu đồng “thể hiện tâm linh Việt chứ không phải trang phục thường ngày hoặc để thi hành lễ. Mỗi trang phục hầu đồng thể hiện một giá đồng, ứng với từng vị Thánh cụ thể, để biết Thánh nào vừa hiện lên. Từ bộ trang phục bản thân thanh đồng và những người xem sẽ nhận biết được các thánh thần” – ông Tứ nói.

Nhưng ngược trở lại lịch sử, từ khi tín ngưỡng thờ Mẫu mới xuất hiện thì trang phục hầu đồng vẫn còn rất đơn giản. Ông Phạm Tứ chia sẻ: “Lúc sơ khai người ta hầu đồng chỉ cần 1 khăn phủ diện và 1 cái lư hương”.
Trước đây trang phục hầu đồng không cầu kỳ như bây giờ. Theo anh Cù Minh Khôi, ngày xưa người hầu đồng không bắt buộc phải có đúng quần áo. Anh chia sẻ: “Tôi còn trẻ thôi nhưng gia đình có ít nhất 3 đời theo tín ngưỡng thờ Mẫu nên biết, chỉ cần một cái áo đỏ là hầu được tất cả các giá. Với những người nghèo may được mỗi cái áo đỏ thôi là không còn tiền rồi. Hầu đồng đâu chỉ cần tấm áo, còn cần mua lộc tài để phát cho người khác, thuê người cung văn, người cúng đọc sớ sách, mua đàn lễ, hoa quả cúng tiên thánh. Không phải người nào cũng có điều kiện để may cho mỗi vị thánh một bộ với màu sắc khác nhau. Nhưng họ vẫn phân biệt được từng giá hầu ứng với vị thánh nào qua các đai, mạng, nét, chấn, vòng, phụ kiện…”.

Các giá đồng cũng được hầu theo thứ tự chứ không hầu linh tinh, tùy theo mỗi vùng có kiểu hầu khác nhau. Ở Hà Nội thường hầu hàng quan lớn trước rồi đến chầu bà, quan hoàng, hàng cô, hàng cậu. Còn trong Thanh Hóa, Nam Định thường hầu Nữ thần trước Nam thần, hầu giá chầu bà trước rồi mới đến các giá khác.

Dần dần, qua thời gian, trang phục hầu đồng biến đổi và mang đặc trưng của từng vị thánh thần cai quản 4 cõi trong trời đất. Theo quan niệm, Đạo Mẫu tôn thờ Mẹ Thiên nhiên, Mẹ vũ trụ và phân chia thành: Mẫu Thiên (trên trời), Mẫu Địa (dưới đất), Mẫu Thoải (vùng sông biển) và Mẫu Thượng Ngàn (miền rừng núi). Có 4 phủ tượng trương cho 4 miền, ứng với đó là các màu sắc khác nhau là: Thiên phủ (mùa đỏ), Địa phủ (màu vàng), Thoải phủ (màu trắng) và Nhạc phủ (màu xanh). Ứng với mỗi vị thánh ở các phủ và các vùng, trang phục hầu đồng được biến đổi cho phù hợp.

Ví dụ trang phục của quan lớn Đệ Tam có màu trắng chủ đạo vì đây là vị thánh nam thần thuộc Thoải phủ. Trong khi đó, trang phục của Chầu bà Đệ Nhị mang màu xanh chủ đạo, tượng trưng cho miền rừng núi, thuộc về Nhạc phủ…

Theo ông Phạm Tứ, ngày nay “trang phục được coi như sự hiện diện và phân định các thần thánh trong 36 giá đồng gồm: hàng chầu, hàng quan, hàng hoàng, hàng thánh cô, hàng thánh cậu. Cho nên có thể nói trang phục là một yếu tố không thể thiếu trong hầu đồng”.

Qua bộ trang phục cũng như nghi lễ hầu đồng, mọi người có thể cảm nhận được nếp nghĩ, lối ở, cách ăn mặc và sinh hoạt của ông cha ta ngày xưa. Không những thế, bộ trang phục còn thể hiện những suy nghĩ của người dân về các thánh thần là những người có công với đất nước được suy tôn làm thánh hoặc những nhân vật được “lịch sử hóa” với các chiến công, phong cách riêng. Với các thanh đồng, trang phục hầu đồng được coi là hiện thân của các thần linh, thể hiện qua cách họ quý trọng bộ khăn chầu áo ngự và giữ gìn cẩn thận. Trước khi dùng để hầu đồng, áo được tấu hương cho thần thánh chứng giám, sau đó được gấp gọn, cất kỹ. Những bộ trang phục hầu đồng cũng không được cho mượn dù xem hay chụp ảnh.

Còn trong mắt các nhà nghiên cứu lịch sử, trang phục hầu đồng là bộ sưu tập lịch sử, văn hóa vô cùng phong phú và sinh động, giống như “bảo tàng sống” của văn hóa Việt Nam. Vì trong hệ thống thần linh của đạo Mẫu có nhiều vị thần dân tộc thiểu số nên nghi lễ hầu đồng cũng thể hiện rõ được nét đặc trưng của các vị thần ở từng vùng miền thông qua việc kết hợp các yếu tố: trang phục, âm nhạc, điệu nhảy…

Ông Phạm Tứ cho rằng, việc bảo tồn trang phục hầu đồng cũng là vấn đề thách thức vì việc nở rộ các thanh đồng ra chầu văn và cũng không ít người đang biến trang phục hầu đồng trở thành mốt mà không hiểu rõ mỗi kiểu hoa văn, màu sắc dùng may áo cho các thánh khác nhau đều mang ý nghĩa, giá trị không giống nhau.

Trang phục hầu đồng ở các vùng miền lại có những dị biệt khác nhau do những quy định chung về kiểu dáng, màu sắc thường không mang tính bắt buộc. Bản thân các thanh đồng (người đứng giá hầu đồng) rất nâng niu, trân trọng bộ khăn chầu áo ngự và họ cho rằng trang phục càng đẹp, càng lộng lẫy thì càng xứng với các bậc tôn thánh.

“Dù biến thế nào thì có những quy định phải giữ như về màu sắc áo thể hiện cho 4 phủ, quy cách thêu để phân tầng cấp bậc các vị thánh. Thực ra tín ngưỡng thờ Mẫu rất dung dị, có thể khác nhau theo từng vùng miền và thể hiện được cá nhân mỗi người nhưng dù cách nào thì cũng cần giữ những cốt lõi trong trang phục cũng như màu sắc, hình thức thêu, đạo cụ và những quy định của nghi lễ hầu đồng” – ông Phạm Tứ nhận định.

Giúp nhận diện các vị thánh

Càng ngày, trang phục hầu đồng càng đóng vai trò quan trọng và là yếu tố không thể thiếu trong thực hành nghi lễ thờ Thánh. Trang phục đẹp cùng với yếu tố tâm linh cũng giúp người hầu đồng thêm thăng hoa. Bây giờ các thanh đồng cũng dùng nhiều loại trang sức khác nhau, được gia công tinh xảo từ nhiều chất liệu như: bạc, đá màu, ngọc… để tôn thêm vẻ đẹp, sự sang trọng của trang phục hầu đồng.

Thời nay, rất ít các thanh đồng không sắm sửa đủ quần áo cho các giá hầu thánh: trang phục nữ của các Chầu Bà, Thánh Cô và cũng có y phục nam của các Quan lớn, Thánh Cậu.

Trang phục được may theo tích truyện, thể hiện đặc trưng, phong cách riêng của từng vị thánh. Ngay như trong hàng Quan lớn cũng phân biệt các vị quan Đệ Tam, Đệ Ngũ… một cách dễ dàng qua các bộ trang phục hầu đồng. Là nam thần thuộc Thoải phủ nên khăn áo hầu quan Đệ Tam có màu trắng chủ đạo. Trong khi đó, trang phục của một vị nam thần khác là quan Đệ Ngũ (còn gọi là quan lớn Tuần Tranh) lại có màu chủ đạo là xanh lam.

Mỗi vị trí thêu, họa tiết thêu đều được dùng theo các mục đích khác nhau và cũng giúp phân định các hàng quan thánh, hàng chầu… Như họa tiết rồng chỉ được dùng cho Quan lớn, ông Hoàng trong khi trang phục hàng chầu, hàng thánh cô thường thêu hình phượng, hoa… trên áo gấm.

Ngoài màu sắc, họa tiết thì những phụ kiện đi kèm cũng được tận dụng để thể hiện nét đặc trưng, riêng biệt của từng vị thánh thần. Như giá hầu Cô Bé, trang phục cũng rất phong phú, sinh động, đa dạng về loại hình, cách phục trang cũng như phụ tranh đi kèm. Với giá hầu Cô Bé, thanh đồng có thể mặc áo cõn xanh hoặc lam/đen, quần lửng; cũng có thể mặc 2 tấm áo lá 2 màu xanh, đỏ vắt chéo nhau, váy thổ cẩm sặc sỡ, chân tay quấn xà cạp, lưng đeo cung tiễn… Thậm chí, trang phục các giá hàng Cô cũng có biến chuyển về màu sắc như: giá hàng Cô Thiên phủ không dùng màu đỏ mà dùng màu hồng, Cô Nhạc phủ chuyển sang mày tìm hay xanh lơ, xanh hoa lý… thay vì màu xanh như quan niệm cổ.

Người ta vẫn nói “Chiếc áo không làm nên thầy tu” nhưng rõ ràng trang phục hầu đồng lại góp phần quan trọng không thể thiếu trong nghi thức hầu đồng. Thiếu trang phục, buổi lễ hầu đồng mất đi phần hấp dẫn, ít nhất về mặt hình thức trong buổi biểu diễn nghệ thuật truyền thống. Trang phục đẹp không chỉ giúp thanh đồng thêm thăng hoa mà còn khiến người tham dự cảm thấy phấn khích, hào hứng hơn.

Minh Phương

Theo SM

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *