Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ: Mạng lưới dịch vụ trong điện thờ

Tại nhiều điện thờ Mẫu Tam phủ, việc sắp xếp ‘dịch vụ tín ngưỡng’ rất chu đáo. 

Theo một số nhà nghiên cứu, chính sự chuyên nghiệp nhịp nhàng trong tổ chức của một phủ Mẫu đã làm nên sức hút của phủ đó. Các nhân lực làm việc trong phủ còn tham gia trực tiếp vào việc tôn tạo di tích.

Nam Định được GS Ngô Đức Thịnh coi là “quê hương” của tín ngưỡng thờ Mẫu và hồ sơ UNESCO cũng ghi nhận đây là nơi có các điện thờ tập trung nhiều. Tại đây, các phủ khá lớn, thu hút vào đó nhiều nhân lực. “Quan sát và phỏng vấn các thành viên làm việc trong một điện công tại phủ Mẫu (Nam Định) tất thảy có đến 40 người vào những ngày lễ hội. Ngày thường có tới 20 người cả con cháu và người giúp việc. Toàn bộ số nhân lực này đều do thủ nhang chỉ đạo và cắt đặt công việc được sắp xếp thành các bộ phận”, TS Nguyễn Ngọc Mai viết trong nghiên cứu về nghi lễ hầu đồng của mình.

Theo bà Mai, toàn bộ số nhân lực này được phân chia công việc cụ thể. Chẳng hạn, bộ phận bảo vệ 12 người gồm các thanh niên trong khu vực, con trai, con rể của thủ nhang. Đội này do con trai trưởng của thủ nhang chịu trách nhiệm chính. Họ thay phiên nhau bảo vệ trật tự trị an của phủ vào ban ngày và đêm. Nhóm này cũng tham gia trực tiếp các công việc xây dựng trong phủ, như sửa sang chỗ hỏng, xây mới các ban bệ thờ ngoài trời, làm vườn hoa, trùng tu tôn tạo di tích… Nhóm còn làm các công việc khác như lau, kê tượng, ban thờ vào ngày thường, chuẩn bị lễ lạt cắm hoa vào ngày lễ.

Trong số những người thuộc bộ phận bảo vệ này, 2/3 được đào tạo để trở thành cung văn chính của phủ. Họ là lực lượng chính để phục vụ các vấn hầu; được nuôi cơm thường ngày tại phủ và cho hưởng toàn bộ lộc thánh trong những canh hầu. “Toàn bộ việc điều phối các tay đàn tay hát của các cung văn phục vụ tại di tích đều do người cung văn chính này đào tạo và đảm nhiệm. Bản thân cung văn chính cũng được đào tạo qua lớp huấn luyện bài bản từ đoàn nghệ thuật tỉnh”, bà Mai cho biết. Nghiên cứu của bà Mai cho thấy Ban cung văn của phủ cũng được trang bị đầy đủ các nhạc cụ dân tộc như đàn nguyệt, trống, phách, xênh tiền, nhị. Đôi khi cũng có mời thêm các nghệ sĩ của đoàn nghệ thuật tỉnh về cùng phối hợp phục vụ các canh đồng trong mùa lên đồng.

Bộ phận nhà bếp 5 – 7 người là những phụ nữ độ tuổi từ 45 – 65. Họ cũng có nhà và gia đình sống cạnh phủ. Hằng ngày, họ giúp việc ngoài phủ, đi chợ nấu cơm, rửa bát phục vụ khách. Bộ phận còn lại làm các việc thu xếp lễ, tiền… gồm 6 – 10 người, hầu hết là con gái, con dâu và cháu gái của thủ nhang.

Theo bà Mai, chính sự chuyên nghiệp nhịp nhàng trong tổ chức của một phủ Mẫu Nam Định đã làm nên sức hút của phủ đó. “Với khả năng tổ chức chu đáo, đội ngũ nhân sự thường trực nhiệt tình và chuyên nghiệp, họ tạo nên một hệ thống dịch vụ tâm linh chu đáo, nhất là đối với các hoạt động lên đồng hầu bóng”, bà phân tích.

Bản thân những người tham gia hệ thống này cũng coi việc mình làm là một nghề. Các cung văn cho biết thêm, ngoài hát phục vụ ở phủ, thỉnh thoảng họ cũng đi hát ở những nơi khác như Nghệ An, Lạng Sơn. “Nhìn từ góc độ xã hội học thì phục vụ các giá đồng hiện nay cũng là một nghề mà hiện tại tính cạnh tranh ít, thu nhập khá cao và trước mắt là không sợ thất nghiệp, lại không phải bỏ vốn đào tạo nhiều”, bà Mai đánh giá.

Cơ hội thêm “nghề” mới 

Bản thân các đồng thầy cũng tạo nên một mạng lưới quan hệ cả trong cuộc sống và công việc. Theo nghiên cứu của bà Mai, việc thường xuyên gặp gỡ nhau tại mỗi cuộc lễ lên đồng, hầu bóng nơi bản điện của đồng thầy và tổ chức đi lễ nơi xa đã tăng tình thân thiết. “Mỗi lần như vậy các đồng được chia sẻ với nhau, thăm hỏi tình hình cuộc sống của nhau. Không thiếu những trường hợp nhờ những mối quan hệ kiểu này mà nghề nghiệp, việc làm ăn của họ trở nên thuận chèo mát mái hơn”, bà Mai viết.

Một số đồng thông qua bản hội mà có thêm cơ hội để thêm nghề mới. Chẳng hạn, đồng H. sau khi trình đồng đã quen biết cung văn G. và theo anh học hát văn rồi có thêm nghề mới. Một cung văn ở Hà Nội cho biết thu nhập từ hát hầu đồng của anh chiếm tới 40% tổng thu nhập gia đình.

Những thu nhập tài chính này được bà Mai lý giải bằng kết nối mạng trong hội những người cùng theo tín ngưỡng đạo Mẫu Tam phủ. Đây là kết nối mang thiết chế lòng tin, trách nhiệm và thông tin được trao đổi chặt chẽ liên tục giữa các thành viên. “Thành quả có được từ các mối quan hệ lại càng khiến họ củng cố thêm niềm tin vào sự phù hộ của thánh”, bà Mai đánh giá.

Trinh Nguyễn

Theo Thanh Niên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *