Phú quý sinh lễ nghĩa

Để tổ chức một buổi hầu đồng thời gian kéo dài khoảng từ 3 đến 6 tiếng tùy giá hầu nhiều hay ít. Và cũng tùy túi tiền của gia chủ để làm lễ to hay lễ nhỏ, lễ mâm cao cỗ đầy, hay lễ sơ sài đơn giản. Ông Đạt, một cung văn đi hát hầu đã sáu, bẩy năm kể lại: Ngày trước ông đi làm cung văn cho những người lễ hầu dâng thánh, có gặp một bà cụ tuổi ngoài 70 tuổi ở Lạng Sơn kiếm sống bằng mở quán nước chè, thu nhập cả ngày được dăm chục một trăm. Hàng ngày trừ khoản tiền sinh hoạt ăn uống mỗi ngày, bà tiết kiệm để mỗi năm bà hai vấn hầu, đầu năm và giữa năm.


 Ngựa xe vàng mã chật kín trong một giá đồng giàu có. 

Ông Đạt bảo: “Bà lão tuy nghèo nhưng hát để cho bà hầu rất thích vì bà rất am tường lời thơ trong văn hầu các giá. Bà hiểu và thuộc hết tích của các vị thánh trong những giá hầu. Bà lại nhập đồng múa dẻo và hưng phấn nên những người hát văn như ông gặp người hầu như thế như cá gặp nước, cảm thấy vô cùng hưng phấn nên tiếng hát văn cũng vì thế mà du dương trầm bổng sâu lắng hay hơn rất nhiều.

Ông Đạt kể, trong những lần làm cung văn cho những người nhà giàu nhưng họ lại có những yêu cầu lạ lùng. Chẳng hạn như họ đề nghị mấy anh cung văn đưa đẩy thêm tí quan họ cho luyến láy sôi nổi, hào hứng?! Hay giá cô Bơ buồn lại mong cung văn hát vui cho cô đỡ sầu, đỡ tủi. Với khổ chủ như vậy thì những người như ông Đạt đôi lúc phải ngậm bồ hòn làm ngọt, ngậm ngùi đồng ý cốt để kiếm chỗ đi lại. Làm hôm nay còn có bữa ngày mai.

Ông Đạt nói: “Làm cung văn cũng cơ cực chẳng đã, làm nghề này như làm dâu trăm họ, không để thanh đồng phật ý, thanh đồng phật ý đưa ít tiền cho cung văn, thanh đồng đắc ý sẽ thưởng cho cung văn lắm lộc, nhiều tiền…”.

Đúng vậy, như mắt thấy tai nghe ở khắp các đền các phủ: Đồng giàu vung tiền không tiếc, gọi là cơn mưa lộc lá, những tờ tiền mới tinh thơm phức mệnh giá 200 nghìn, 500 nghìn được thanh đồng xòe ra tung rải không tiếc tay. Đồng nghèo tờ 500 đồng “con”, cả những tờ tiền cũ mới lẫn lộn, được nâng lên hạ xuống một cách tùng tiệm, dè xẻn. Đồng giàu ngút ngát vàng mã hương hoa đẳng vật linh đình. Đồng nghèo tùng tiệm, giản đơn. Đồng giàu trang phục cầu kì, gấm lụa Hàng Châu, kĩ lưỡng thêu tay họa tiết cầu kì tinh xảo. Người xe, ngựa, voi vàng mã dựng kín ngoài sân. Đồng nghèo tâm thành lễ mọn, áo quần đi mượn hoặc qua loa đại khái, nhàu nhĩ cũ kỹ. Người ta cứ nghĩ hầu thánh sẽ được ban lộc phát tài, lợi dụng lòng tin của người dân mà không ít các thầy đồng cứ khuyên nhủ các con nhang đệ tử, phải ra hầu đồng, trình đồng dâng thánh. Rồi không ít các thầy đồng bà cốt giả làm thánh nhập về phán nọ, phán kia; tất cả cũng chỉ là mượn oai thánh thần, trục lợi kiếm tiền.

Mỗi lần khăn tay, khăn áo, trà thuốc, hoa quả lễ vật lòng thành như vậy ít nhất cũng tốn kém dăm bẩy triệu, nhiều thì vài chục triệu, hoặc nhiều nữa thì vài trăm triệu, thậm chí cả tỉ. Nếu dùng tiền tiết kiệm, tiền chính đáng gọi là những đồng tiền mồ hôi nước mắt, đồng tiền sạch để hầu thánh thì cũng không sao nhưng không ít người vay mượn, hay tiền từ buôn lậu, trốn lậu thuế, tiền sang đoạt, tiền tham ô, tham nhũng, tiền lừa đảo để trình đồng dâng thánh để rồi nhà tan cửa nát, sạt nghiệp, cả mất mạng cũng không phải là hiếm.

Tất cả đều bắt đầu khởi từ tâm của con người. Nói như nghệ sĩ chèo Xuân Hinh, đồng thời anh cũng là một nghệ nhân hát văn, thì “đồng tiền có gai, mà thánh thì có mắt” nên ông đồng, bà cốt cũng đừng nên lòe bịp thiên hạ để hại người lợi mình. Gieo nhân nào gặp quả đó. Tích thiện được phước, ác giả ác báo là luật nhân quả ở đời.

Mỹ Trân

Theo ANTG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *