Loạn mở phủ, hầu đồng

Những câu chuyện về loạn đồng, dị đồng tại Nam Định sau khi UNESCO vinh danh di sản Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đã cho thấy mối lo về việc lợi dụng di sản, tín ngưỡng này để trục lợi và làm biến dạng di sản là có thật.
 

Chúng tôi đã có mặt ở Phủ Dầy (xã Kim Thái, H.Vụ Bản, Nam Định), nơi được xem là trung tâm của đạo Mẫu vì gắn với sự tích Mẫu giáng thế, sau khi tỉnh này vừa tổ chức lễ đón bằng tôn vinh Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu từ UNESCO.

 Thừa nhận tình trạng loạn đồng, dị đồng, ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định, thành viên tham gia giúp tỉnh Nam Định chuẩn bị hồ sơ trình UNESCO, cảnh báo không nên hiểu việc tín ngưỡng được thế giới vinh danh như là việc được cấp thẻ hành nghề hầu đồng để rồi khắp nơi tổ chức hầu đồng. “Hầu đồng là một nghi lễ thực hành tín ngưỡng và không phải ai cũng có thể thực hành được. Không thể có chuyện thánh bảo hầu đồng phải làm lễ thế nào, mua những gì cũng được. Đó chẳng qua là “mượn” thánh để trục lợi”, ông Thư phân tích.

T.N 

Từ đền Trình ở đầu xã đã nghe tiếng đàn, ca từ các đền, phủ vang vọng. Dạo một vòng hơn 20 đền, phủ ở đây, nhận thấy ở đâu cũng có khóa đồng đang diễn ra. Ở các phủ chính như Tiên Hương, Vân Cát, Lăng Mẫu… các giá đồng tổ chức cách nhau chỉ một ban thờ, thậm chí là một bức màn che, tiếng nhạc, ca của giá đồng này xen vào giá đồng khác.

Bà Nguyễn Thị Thanh, một “con nhang, đệ tử” theo phục vụ các thanh đồng hàng chục năm ở Phủ Dầy, cho biết: “Ngày xưa có một khóa đồng ở phủ nào thì cả làng kéo đến xem như trẩy hội. Vài năm gần đây, muốn tổ chức một khóa đồng ở Phủ Dầy phải đặt lịch với thủ nhang từ trước cả tuần, cả tháng, khóa này chưa ra, khóa tiếp đã xếp đồ thanh bông hoa quả chờ sẵn ở cạnh. Mà chẳng cứ ở Phủ Dầy, tôi theo thầy (thanh đồng – PV) đi các đền phủ khác thấy đâu cũng hầu suốt ngày đêm”.

Những khóa đồng tiền tỉ 

Không khó để nghe người ở Phủ Dầy kháo nhau về những người có điều kiện kinh tế khá giả coi đi hầu đồng là dịp “thể hiện đẳng cấp”, về những phụ nữ tháng nào cũng ít nhất hầu một vài giá, mỗi giá hầu bỏ ra vài trăm triệu, giá to đến cả tỉ đồng.

Theo bà Thanh, quy mô khóa đồng ở Phủ Dầy ngày càng lớn. Tiền đặt chỗ làm khóa hầu nói tùy tâm nhưng thấp nhất cũng 3 triệu, tiền thuê nhạc công, hát chầu văn dăm bảy triệu, rồi tiền mời thầy, tiền phát lộc khoảng mươi triệu, thanh bông hoa quả bày lễ cũng mươi triệu, một khóa đồng bây giờ ít nhất cũng phải 30 triệu đồng. “Mà những khóa đồng vài chục triệu như thế đừng mong đến mở ở các phủ chính. Tôi đã tận mắt chứng kiến những khóa đồng đồ thờ xếp cao gần sát mái phủ, hầu đủ 36 giá mà giá nào thầy cũng bốc từng tập tờ 500.000 đồng, 200.000 đồng ném như mưa để phát lộc, một khóa hầu như thế không dưới 2 tỉ đồng. Mỗi tháng, tiền hầu đồng ở Phủ Dầy bình quân hàng chục tỉ đồng. Hình như bây giờ họ cho rằng khóa hầu càng to, càng tốn thì thánh, thần càng hiển linh”, bà Thanh nói.

“Có cung ắt có cầu”, trước đây thanh đồng ở Nam Định biết nhau rõ vì chỉ có vài chục người, bây giờ có tới vài trăm thanh đồng, đi hầu mới biết đó là thanh đồng. Nhiều thanh đồng cứ theo thầy hầu đồng vài khóa, có khi còn chưa thuộc hết lời ca, nghi thức, nghi lễ đã “ra đồng”, mở phủ.

Cạnh tranh và trục lợi

“Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu được UNESCO vinh danh, đáng lẽ giá trị của thanh đồng phải được nâng lên, nhưng thực tế lại “xuống giá”, thanh đồng Vũ Thị Thủy than thở. Theo bà Thủy, do có quá nhiều thanh đồng nên xuất hiện tình trạng thanh đồng cạnh tranh nhau. “Nhẹ thì nói xấu, xúc xiểm nhau về nghề nghiệp, có tình huống 2 thanh đồng còn khiêu khích, chửi bới và lao vào ẩu đả nhau như ở chợ”, bà kể.

Các thủ nhang, thanh đồng có “nghề” đều bức xúc với việc một số thanh đồng, cung văn trẻ vì chưa biết nghề, vì muốn nhanh nổi tiếng nên hành xử vượt khỏi khuôn khổ cho phép. Thủ nhang phủ Nguyệt Du Cung, ông Trần Vũ Toán phản ánh: “Có lần ở phủ Nguyệt Du Cung, chúng tôi đã phải mời một cung văn ra ngoài để “chấn chỉnh” bởi đã thản nhiên hát “Nhà nước vẫn còn xổ số thì chúng con vẫn chơi lô đề”. Lời hát trong những giá đồng thường là những lời hát ca ngợi Thánh Mẫu, ca ngợi những nhân thần có công với dân, với nước, trước điện thánh uy nghiêm anh không thể tùy tiện xuyên tạc, xấc xược như vậy được!”.

Đáng lo nhất, việc lạm dụng tín ngưỡng để trục lợi, gây hệ lụy cho xã hội đã xuất hiện khá phổ biến. Bên cạnh một số người có điều kiện, cứ động xảy ra việc lớn, nhỏ là đi hầu đồng để “giải hạn”, thậm chí lấy hầu đồng để “khoe mẽ”, thì nguyên nhân “đâu đâu cũng thấy hầu đồng” còn xuất phát từ phía chính các thanh đồng. Bà Nguyễn Thị Thanh kể: “Tôi gặp không ít “thầy” cứ gặp ai đến xem cũng dọa “Có căn đồng, số lính, nếu không ra hầu sẽ gặp họa”. Nghe thế, có người đang bệnh tật, gia cảnh túng quẫn cũng cố đi vay mượn mấy chục triệu để hầu đồng”.

Các vi phạm biến tướng có thể bị phạt
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Thanh tra Bộ VH-TT-DL, cho biết trên cơ sở xem xét từng trường hợp cụ thể tổ chức hầu đồng, Bộ có thể phạt các vi phạm biến tướng. Theo điều 15, khoản 2, mục a, Nghị định 158 về xử phạt hành chính vi phạm trong lĩnh vực văn hóa, có thể phạt tiền từ 3 – 5 triệu đồng với hành vi “lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi”. Theo điều 23, khoản 2, mục a cũng của nghị định này, có thể phạt tiền từ 3 – 5 triệu đồng đối với hành vi “tuyên truyền, phổ biến, trình diễn sai lệch nội dung và giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào Danh mục di sảnvăn hóa phi vật thể quốc gia hoặc được công nhận là di sản văn hóa thế giới”.
Trinh Nguyễn (ghi)

VĂN ĐÔNG
Theo Thanh Niên 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *