Hiểu và thực hành đúng về hầu đồng

Nghi lễ chầu văn (hầu đồng) là nghi lễ quan trọng trong văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu – tín ngưỡng bản địa có nguồn gốc từ lâu đời của người Việt. Nhưng lâu nay, hầu đồng bị che phủ
bởi một bức màn huyền bí và đầy nghi hoặc, khiến cho những người chưa hiểu hết nguồn gốc của nghi lễ này mà thường nhìn nó với ánh mắt nghi ngờ, dò xét, có người lại lợi dụng sự huyền bí để trục lợi bất chính. Làm thế nào để đưa hầu đồng về đúng với giá trị thực của nó là trăn trở của các nhà nghiên cứu văn hóa, những nhà quản lý và của cả các thanh đồng.  


Bài 1: Nghi lễ quan trọng của tín ngưỡng thờ Mẫu
Trong suốt thời gian diễn ra Liên hoan Tín ngưỡng thờ mẫu Hà Nội 2014 (tháng 10-11/2014), ở các đền, phủ, nơi diễn ra các hoạt động của nghi lễ chầu văn (hầu đồng), đều thu hút đông đảo người dân tham gia, trong đó có cả những du khách nước ngoài rất tò mò và thích thú khi được xem hầu đồng.

Trong hành trình du lịch qua các đình đền Hà Nội, anh Michael, du khách đến từ Mỹ, vô tình có mặt ở đền Rừng (quận Long Biên) vào đúng dịp diễn ra liên hoan (15-17/11). Khi được xem các thanh đồng thực hành nghi lễ, anh vô cùng thích thú. Anh Michael cho biết: “Đây là lần đầu tiên được xem nghi lễ này, tôi thấy rất thú vị. Tuy tôi chưa hiểu rõ về ý nghĩa cũng như giá trị của nghi lễ này đối với người Việt các bạn, nhưng tôi nhận thấy hát, múa trong nghi lễ này rất độc đáo, rất Việt Nam”. 

Nhận xét về hầu đồng, nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đều cho rằng, hầu đồng là một di sản về văn học, âm nhạc, rồi vũ đạo, mỹ thuật, kiến trúc, lễ hội dân gian và nghệ thuật trình diễn… Về văn học, có cả một kho tàng văn học được lưu giữ trong hầu đồng. 


Về âm nhạc, hầu đồng đã sinh ra một loại hình nghệ thuật rất đặc biệt, đó là hát chầu văn. Về vũ đạo, trong hầu đồng có hàng chục điệu múa như múa kiếm, long đao, đi chợ, múa quạt, chèo thuyền, thêu hoa, dệt gấm… Chính vì thế mà trong một cuộc hội thảo quốc tế về hầu đồng, TS. Frank Broschan từng nhận định rằng đây là một “kho tàng sống của di sản văn hóa Việt”. 

“Hầu đồng không phải là mê tín dị đoan, mà hầu đồng là một nghi lễ rất quan trọng trong tín ngưỡng thờ cúng đạo Mẫu”, GS.TS Ngô Đức Thịnh nói.
Thế nhưng, từ lâu nay, nói đến hầu đồng, nhiều người lập tức cho rằng đây là trò mê tín dị đoan, trò lừa đảo… Trao đổi về vấn đề này, GS.TS Ngô Đức Thịnh – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia khẳng định: “Hầu đồng không phải là hoạt động mê tín dị đoan, nó là một nghi lễ quan trọng nhất trong việc thực hành tín ngưỡng văn hóa thờ Mẫu của người Việt”. 


Theo GS.TS Ngô Đức Thịnh, qua nhiều cuộc hội thảo, các học giả, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đều cho rằng: Đạo Mẫu là tín ngưỡng bản địa có nguồn gốc từ lâu đời, đã từng tồn tại trong thời kỳ lâu dài của lịch sử chế độ phong kiến. Cho đến ngày nay, Đạo Mẫu vẫn tiếp tục phát triển, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế thị trường và đô thị hóa, hiện đại hóa của Việt Nam. 

Đạo Mẫu và tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt chứa đựng trong đó những giá trị đặc biệt, riêng có ở Việt Nam. Thứ nhất, đó là một tín ngưỡng đa văn hóa. Trong Đạo Mẫu không phân biệt dân tộc, điều này thể hiện ở việc có rất nhiều các vị thần linh trong Đạo Mẫu là những người dân tộc thiểu số. 

Cũng chỉ có Đạo Mẫu của Việt Nam mới hướng con người và niềm tin của con người vào thế giới hiện tại, cầu mong sức khỏe, tiền tài và quan lộc, chứ không hướng về thế giới sau khi chết như các đạo khác. Những giá trị rất đặc biệt này của Đạo Mẫu được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa nước ngoài đánh giá cao.  

Bên cạnh đó, Đạo Mẫu còn gắn bó với cội nguồn và lịch sử dân tộc, đã trở thành một biểu tượng của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, một thứ chủ nghĩa yêu nước đã được tín ngưỡng hóa, tâm linh hóa. Hầu hết các vị “Thánh” được tôn thờ trong đạo Mẫu đều là hóa thân của những con người có danh tiếng, có công trạng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc, như Trần Hưng Đạo – Đức Thánh Trần, Mẹ Âu Cơ – Mẫu Thượng Ngàn, Lê Khôi hay Nguyễn Xí – Ông Hoàng Mười, Trạng nguyên Phùng Khắc Khoan – Ông Hoàng Bơ, Bà Lê Chân – Thánh Mẫu Bát Nàn… 

Đây không phải là việc làm tùy tiện, ngẫu nhiên, mà đều xuất phát từ ý thức lịch sử và ý thức xã hội. Đó chính là ý thức “hướng về cội nguồn”, “uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh những người có công với dân với nước… 

Theo GS.TS Ngô Đức Thịnh, trong nhiều nghiên cứu hiện nay cho thấy, hầu đồng còn có giá trị trị liệu tâm lý. Theo GS. Ngô Đức Thịnh, những người đi “trình đồng” là những người có căn số – tức là những người không bình thường về mặt tâm lý do gien di truyền và bối cảnh xã hội, gây cho người ta những ẩn ức, chìm vào trong thân xác một cách vô thức, tạo nên một sự rối loạn. 

Đến khi tham gia hầu đồng, họ được khai mở những vô thức, giải thoát những ẩn ức ấy, họ trở về với trạng thái tâm sinh lý bình thường. Điều này đã được bác sĩ Sigmund Freud khẳng định, khi được giải thoát những ẩn ức, họ trở lại trạng thái cân bằng và trở thành người bình thường. 

Tuy nhiên, hiện nay cũng phát sinh khá nhiều “đồng bóng” không phải do căn số, mà mọi người vẫn gọi là “đồng đua”, “đồng đú” do nhiều tiền lắm của đua đòi. Nhưng nếu giải thích một cách khoa học thì đó cũng là một hình thức để họ xả stress, để giải tỏa những dồn nén, những bức bối tâm lý do sức ép, do sự căng thẳng của nhịp sống đô thị hiện đại… 

Với những giá trị độc đáo, nghi lễ chầu văn (hầu đồng) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, và Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt đã được Thủ tướng Chính phủ cho xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.     

Bài và ảnh: Phương Lan 

Theo Báo Tin Tức

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *