Đền An Sinh – Di tích Trần triều

     Đền An Sinh nằm ở xã An Sinh, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.  Đền An Sinh nằm cách quốc lộ 18 khoảng 5 km.

Cổng đền An Sinh
     An Sinh vốn là quê gốc của nhà Trần. Đền An Sinh thờ 8 vị vua nhà Trần có lăng mộ tại khu vực này. Cũng lưu ý rằng nhà Trần có 14 đời vua, nhưng chỉ có 8 vua Trần có lăng mộ nơi đây nên Đền An Sinh chỉ thờ 8 vị vua Trần. 
Cổng vào khu di tích nhà Trần và Đền An Sinh

      Đền An Sinh nằm trong khu di tích lịch sử nhà Trần. Khu di tích được xếp hạng là Di tích Quốc Gia đặc biệt. Nơi đây có đến 14 di tích của nhà Trần. Khu di tích này cũng là một bộ phận của quần thể di tích danh thắng Yên Tử.   
Một góc khuôn viên Đền An Sinh

Khu di tích nhà Trần ở khu An Sinh

      Khu di tích nhà Trần nơi đây gồm các lăng mộ vua, Thái Miếu, Am Ngọa Vân, chùa Ngọa Vân, chùa Ngọc Thanh, chùa Tuyết, chùa Quỳnh Lâm và chùa Hồ Thiên.
Ngải Sơn Lăng thờ vua Trần Hiến Tông
      Nơi đây có 7 lăng thờ 8 vị vua Trần như sau:   
      – Tư Phúc Lăng:  Thờ Vua Trần Thái Tông và Trần Thánh Tông
      – Thái Lăng:  Thờ vua Trần Anh Tông
      – Mục Lăng:     Thờ vua Trần Minh Tông. 
      – Ngải Sơn Lăng: Thờ vua Trần Hiến Tông.
      – Phụ Sơn Lăng:   Thờ vua Trần Dụ Tông. 
      – Nguyên Lăng:    Thờ Trần Nghệ Tông.
      – Đồng Hỷ Lăng:  Thờ vua Trần Duệ Tông (Trần Giản Đế).
Đường lên chùa Ngọa Vân trên đỉnh Ngọa Vân
      Trước đây, mộ các vua Trần nằm ở Nam Định, Thái Bình nhưng năm 1381 để tránh nạn người Chiêm sang cướp phá, nhà Trần đã chuyển các lăng mộ về An Sinh. Ngoài các lăng vua trên, nơi đây còn có các di tích:
      – Thái Miếu (hay còn gọi là đền Thái): Nơi thờ 8 vị vua Trần và tổ tiên nhà Trần.
      – Am Ngọa Vân: Đây là nơi tu hành và viên tịch của Trần Nhân Tông, và cũng là nơi lưu giữ xá lị của Người.
      – Chùa Ngọa Vân: Chùa Ngọa Vân là công trình mới được xây dựng nằm phía dưới khoảng 100 m so với Am Ngọa Vân.
Những vật tích còn lại của ngôi đền An Sinh thời xưa
      – Chùa Hồ Thiên (Trù Phong tự): Nơi đăng đàn thuyết pháp của Phật hoàng Trần Nhân Tông và Pháp Loa (đệ tử của Trần Nhân Tông).
      –  Chùa Quỳnh Lâm: Chùa do Pháp Loa – vị Tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm xây dựng và mở mang chùa thành một trong những trung tâm phật giáo lớn đương thời. 
       –  Chùa Trung Tiết (chùa Tuyết):  Ngoài thờ Phật, chùa còn thờ hai vị cận thần của vua Trần Anh Tông là Thái học sinh Đặng Tảo và Gia nhi Chủ nô Lê Chung.
       – Chùa – quán Ngọc Thanh:  Chùa được xây vào đờ vua Trần Phế Đế.
 tường hồi bít đốc.
       – Am Mộc Cảo: Nơi Thuận Thánh Bảo Từ Hoàng thái hậu phụng thờ và chăm sóc lăng mộ vua Trần Anh Tông. 
Nhà ga cáp treo lên đỉnh Ngọa Vân

Không gian kiến trúc, tâm linh Đền An Sinh   

       Đền An Sinh được xây dựng thời Trần, trùng tu vào thời Hậu Lê và thời Nguyễn. Qua thời gian, di tích đã xuống cấp và đã được trùng tu, phục dựng vào năm 2000.
       Quanh đền có 14 cây đại thụ, biểu hiện cho 14 đời vua nhà Trần. Trước đền có tám cây vạn tuế biểu hiện cho tám vị vua được thờ ở đây.
Cổng đền có những hàng nhãn cổ thụ làm cho cảnh quan đền thêm cổ kính.
Một góc khuôn viên Đền An Sinh
       Đền An Sinh (xưa kia gọi là Điện An Sinh) toạ lạc trên một đồi đất thoai thoải thuộc địa phận thôn Trại Lốc, xã An Sinh, huyện Đông Triều. Phía sau Đền là lăng miếu và bàn thờ ngũ vị vua thời nhà Trần: Anh Tông hoàng đế, Minh Tông hoàng đế, Dụ Tông hoàng đế, Nghệ Tông hoàng đế và một người tuy không làm vua nhưng được tôn làm hoàng đế đó là An Sinh Vương Hoàng Đế (Trần Liễu), anh trai của Trần Thái Tông. Cùng với việc thờ ngũ vị hoàng đế trên thì tại Điện An Sinh ngày đó còn có miếu thờ công chúa Linh Xuân của nước Ai Lao (nước Lào ngày nay).
Cung thờ tám vị vua Trần trong đền An Sinh
       Đền An Sinh ngày nay có kiến trúc gồm ba toà nhà rộng 5 gian theo kiểu chữ “Tam”;  Hậu cung thờ 8 vị hoàng đế triều Trần. Trung cung thờ Hưng Đạo Đại Vương. Tiền cung là Công Đồng Trần Triều.
Ban thờ Hưng Đạo Đại Vương ở đền An Sinh.

Giá trị tâm linh đền An Sinh và khu di tích nhà Trần

       Đền An Sinh chỉ là một tâm điểm của khu di tích nhà Trần. Đến với Đền An Sinh và khu di tích này, chúng ta đã đến với nguồn cội của Đức Thánh Trần Hưng Đạo, gốc tổ của Thiền Phái Trúc Lâm, quê hương cùng lăng mộ của các vua Trần. 
Thái Miếu nhà Trần đang được hoàn thiện
       Hiện nay, Đền An Sinh đã được xây dựng và hoàn thiện. Thái Miếu đang được xây dựng, Chùa Ngọa Vân đang hoàn thiện, các lăng mộ vua Trần mới được khảo cổ hiện đang rất hoang tàn. Các lăng mộ nghe đâu đã có kế hoạch trùng tu. Hiện con đường lên chùa Ngọa Vân và Am Ngọa Vân đã được hoàn thành. Đường đi lên chùa và Am đã có hệ thống cáp treo.
       Nơi đây, chỉ vài năm sau sẽ trở thành một địa điểm du lịch tâm linh đặc sắc của Phật, của các vua Trần.
Am Ngọa Vân nơi Trần Nhân tông nhập niết bàn
       Lễ hội nơi đây lấy ngày  ngày 20 tháng 8 hàng năm là ngày mở hội. Nghi lễ có phần lễ tế dâng hương tại đền của dòng họ Trần. Phần hội sẽ có các trò chơi chọi gà, bóng chuyền vào ban ngày và thi văn nghệ vào buổi tối…

Nỗi buồn lăng mộ vua Trần

      Nếu có dịp đến đây, chúng ta hãy cố gắng đến thăm lăng mộ của các vua Trần kẻo sau này xây dựng lại không còn chứng kiến cảnh hoang tàn của thời gian. Ngắm nhìn các lăng mộ này có lẽ nước mắt chúng ta sẽ chảy bởi sự vô tình của nhân tình thế thái của lịch sử, thời gian thăng trầm, khắc nghiệt.
Đau xót cho Nguyên Lăng của Trần Nghệ Tông chỉ như thế này.
     Nguyên Lăng của Trần Nghệ Tông bị đào trộm, nay mới chỉ có một bàn đá, cây hương đá nằm chổng chơ bên ngôi mộ đất đắp lại sơ sài trên một ngọn đồi trồng nhãn với những tán lá cằn cỗi.
Đắng cay cho Tư Phúc Lăng nơi kia là một cung điện thờ nguy nga.
     Tư Phúc Lăng chỉ còn một ngôi miếu đơn sơ, siêu vẹo do dân chúng dựng tạm trong một khuôn viên đổ nát, đào bới ngổn ngang, đó là dấu vết của các nhà khảo cổ. Tư Phúc Lăng nằm lạnh lùng giữa rừng keo trên một đỉnh núi âm u, lạnh lẽo như thách thức với thời gian về sự trường tồn.
Phụ Sơn Lăng chỉ còn có thế này.
      Phụ Sơn Lăng hoang tàn trơ trọi một bát hương ẩn mình cô độc trong một vườn nhãn giữa đổ nát hoang tàn của gạch đá đền cũ thủa xửa.
       
     
Phụ Sơn Lăng của Trần Anh Tông lạnh lẽo cô đơn giữ hồ lạnh lẽo.

         Thái Lăng thờ Trần Anh Tông thì lạnh lẽo, quạnh hiu, trơ trọi trên một ốc đảo nhỏ nhoi giữa lòng hồ mênh mông như một nỗi buồn, một nỗi cô đơn trải dài hàng mấy thế kỷ.

Ngải Sơn Lăng

        Chỉ có Ngải Sơn lăng của Trần Hiến Tông, tuy xưa đổ nát nhưng đã được nhân dân xây dựng lại cách đây khoảng 10 năm là khang trang hơn cả. Nơi đây còn giữ được một số tượng cổ tại vườn” Thượng uyển”.

Một góc vườn ” Thượng uyển” ở Ngải Sơn Lăng
      Than ôi, thời gian thăng trầm khắc nghiệt làm sao. Những vị vua anh minh, nguyện cả đời vì dân vì nước giữ gìn non sông gấm vóc mà nay lăng mộ tan hoang, lạnh lẽo không bằng một ngôi mộ của kẻ bần hàn. Cũng may thay, nghe đâu nhà nước đã có dự án trùng tu để các ngài lại được vang danh như thủa ban đầu, khi về lại quê cha đất tổ. Mong sao những ngày đó chóng đến để con cháu có cơ hội nhìn lại công lao to lớn của các vị vua vang bóng một thời.
       
       
      

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *