Untitled Post

Ngôi mộ phát 18 đời thượng thư: Những thăng trầm của dòng họ Trần Đình làng Hà Trung

Tác giả : GS Nguyễn Lý-Tưởng

  Địa lý phong thổ là một trong những môn học của Đông Phương, đặc biệt, người Trung Hoa thường nghiên cứu và tin tưởng vào sự ứng nghiệm của phong thổ, địa thế, hướng nhà, mồ mả người chết… Họ cho rằng những yếu tố đó có ảnh hưởng đến sự hưng thịnh của những người liên hệ: Chủ nhà, chủ đất hoặc con cháu người chết…

   Tôi thường đi đó đây, nghe được nhiều chuyện về địa lý, phong thổ, đọc được những tài liệu về các dòng họ có tên tuổi trong lịch sử, hoặc được ghi chép qua gia phả, sử sách. Dòng họ nào cũng có nơi phát tích, cũng có những câu chuyện được truyền tụng trong con cháu, trong nhân dân, nơi sinh quán của mình. Những câu chuyện đó có mục đích chứng minh rằng các nhân vật nổi tiếng trong sử sách và mồ mả của họ hoặc “chính” hoặc “tà” đều chịu ảnh hưởng bởi địa lý, phong thổ và mồ mả tổ tiên của họ.

   Địa lý phong thổ đúng hay không là do niềm tin của mỗi người. Nhưng đối với người Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn, Việt Nam… từ vua chúa đến thường dân, người ta vẫn tin điều đó. Dòng họ nào từ bình dân mà phát lên vương hầu cũng đều có một huyền thoại về địa lý phong thổ.

***

Chuyện kể rằng:

   Vào một thời xa xưa, tại làng Hà Trung có một gia đình nghèo, gồm hai vợ chồng và một đứa con trai. Ông bà đã sống một cuộc đời hiền lành, đơn sơ, vô tội, làng xóm ai cũng thương. Trong làng có ông lý trưởng cũng là người tốt, thấy ông bà nghèo, thật thà nên cho ông bà và đứa con trai đến ở trên rẫy đất của ông mới khai phá ở vùng cận sơn, để canh giữ hoa màu cho khỏi thú rừng đến quấy phá.

   Khi phá rừng làm rẫy, ông lý trưởng đã chặt hết cây cối chỉ chừa lại hai cây gỗ lim thật lớn, cành lá sum xuê che kín cả một khu vườn. Ông bà và người con trai đã dựng một túp lều tranh dựa vào gốc cây để ở.

   Bỗng một ngày nọ, có hai người khách từ phương xa đến, mỗi người mang một cái túi vải màu xanh ở trên vai. Hai người khách suốt ngày đi qua các suối, đồi, ngắm chỗ này, xem chỗ nọ như đang đi tìm một vật gì… Đến tối, hai ông khách lại tìm vào nhà ông bà xin ngủ lại.

   Ông bà suốt đời chẳng khi nào có khách đến chơi, nhất là khách trông có vẻ sang trọng giàu có như hai ông này, nên ông bà rất mừng rỡ, lo đi nấu cơm cho khách ăn.

   Nhà nghèo, không biết lấy gì đãi khách, chỉ có mấy quả trứng gà trên tổ, ông bà đem luộc để làm thức ăn mời khách… Trong nhà chỉ có cái giường tre và một chiếc chiếu, ông bà nhường cho khách nằm, còn mình và cậu con trai thì lót ổ rơm nằm ngủ trên nền nhà bằng đất. Khách trả tiền, ông bà nhất định không lấy, xem việc khách đến nhà như là đại phước cho mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *