Untitled Post

CUỘC ĐẤU PHONG THUỶ CỦA “BÈ LŨ BỐN TÊN”

Đại bản doanh Điếu ngư đài
Một nhà tướng số từng là thực khách của “bè lũ bốn tên”, đã chạy sang HongKong (ông này người Sơn Đông, trước giải phóng có biệt hiệu là “Cư sĩ Thiên Sơn”) tiết lộ: hồi trẻ khi học nghề đã nghe thầy nói, phong thuỷ phương Bắc có kỳ khí tất sẽ có nhiều vĩ nhân, Bắc Kinh cũng không ngoại lệ, nhiều địa điểm đáng để xem xét…
Thầy còn cho biết, Lại Bố Y (nhà tướng số nổi tiếng thời Tống) thời trẻ từ phương Bắc xuống phương Nam từng làm bài thơ đại ý ở phía Bắc Trường Giang có một nơi có thể làm cho người ta quyền thế ngút trời, được nó thì quyền lợi che cả bầu trời, hưởng cái vinh trên vạn người. Nhưng ở địa điểm này phải chính xác, hơi sai lệch cũng có thể dẫn đến tan cửa nát nhà. Cư sĩ Thiên Sơn khi 30 tuổi tìm thấy nơi đó, 32 tuổi trở thành “thực khách tướng số” bên cạnh Vương Hồng Vân, theo Vương về ở Bắc Kinh. Năm đó, khi Vương Hồng Văn trở thành phó chủ tịch Đảng, ông tới chúc mừng ở Điếu ngư đài, cảm thấy ở đây rất quen thuộc cứ như là đã từng đến, về nhà ngẫm nghĩ mãi mới ngộ ra rằng địa thế của Điếu ngư đài chẳng phải khớp với bài thơ của Lại Bố Y đó sao ? Sau này có dịp tham dự tiệc đêm của Vương Hồng Văn ở Điếu ngư đài mới thấy về đêm mát lạnh, nước trong như tấm gương, in hình chòm sao Đại Hùng (hay chòm sao Bắc đẩu gồm 7 ngôi sao), biết rằng đây là huyệt “thất tinh bạn nguyệt”, là đất tốt để kết huyệt. Song ông lại thấy ngoài cửa huyệt đâu cũng có lính canh giữ, sát khí mù mịt, phía Đông có tấm biển khắc chữ “Điếu ngư đài”. Ông mang phát hiện này nói với Vương Hồng Văn. “Bè lũ 4 tên” cũng rất tin tướng số phong thuỷ nên cả mừng và quyết định đặt đại bản doanh ở đây. “Cư sĩ Thiên Sơn” nhờ đó mà được một món tiền thưởng lớn.
Đất này là cái thế “thất tinh bạn nguyệt” của tể tướng, song tên gọi Điếu ngư đài, nếu làm tể tướng thái bình thì được, còn muốn đoạt quyền cả nước thì sẽ bị khắc chết. Điếu ngư đài là một di tích vườn cổ ở Bắc Kinh, Kim Chương Tông từng câu cá ở đây, người sau gọi là “Điếu ngư đài Kim Chương Tông”. Danh nhân đời Kim là Vương Du từng ở đây và xây đài câu cá. Đầu nhà Nguyên, tể tướng Liêm Hy Hiến cho xây biệt thự ở đây, gọi là “Phương Liễu đường”, trở thành thắng địa du ngoạn một thời. Sau này tuỳ theo vong suy hưng thịnh của các thời đại mà lúc hưng lúc phế. Hiện tại kiến trúc vườn tược bó cục cơ bản là của thời hành cung vua Thanh Càn Long. Năm 1814, Càn Long tu hành ở đây và cho khơi cái đầm thành hồ, trồng cây và xây đình đài ở xung quanh, giữ được long khí trước đây, song long khí ở đây tác động ít thì mới có thu hoạch, nếu muốn làm chuyện lớn cuối cùng sẽ bị nước nhấn chìm.
Giang Thanh sau khi vào Trung Nam Hải, thường xuyên họp cùng Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên và Vương Hồng Văn ở Điếu ngư đài, mưu tính chiếm quyền. Xung quanh “Bè lũ 4 tên” tuy có nhiều mưu sĩ và nhà tướng số phong thuỷ, nhưng chẳng ai xem xét cho kỹ càng vì họ đang có thế. Do đó mà họ tự đặt mình vào đất đó, mảnh đất nhỏ mưu việc lớn, không bại sao được.
Trên hồ nhỏ của Điếu ngư đài có một hòn đảo có cái thế rất đặc biệt, bề mặt tứ phía hơi cao, ở giữa hơi thấp, như thể một con cá kình trắng. Cư sĩ Thiên Sơn cho biết rằng đây là cái thế “mặt biển phi kình”, trong phong thuỷ có câu: “Kình ngư xuất thuỷ, Tứ tài quý địa” không những là đinh vượng, tài vượng và quý cũng vượng. Song giữa những nơi kết huyệt không nên xây gì, chỉ có thể làm đầm nước nhỏ, nếu không thì phú quý được rồi lại mất. Thế nhưng “Bè lũ 4 tên” ngang nhiên cho xây 4 cái nhà mái bằng trên khoảng đất bằng của hòn đảo đó, 4 mái nhà xếp theo hình lăng, chúng cho rằng đỡ bị người ta soi mói, có thể nhìn từ cao xuống, lại có thể chăm nom nhau. Cư sĩ Thiên Sơn biết là vậy, nhưng đã không khuyên Vương Hồng Văn dỡ nhà đi, mà quyết định lợi dụng phong thuỷ giúp Vương Hồng Văn phá Diêu Văn Nguyên và Trương Xuân Kiều…
Dùng phong thuỷ hại người cùng hội cùng thuyền
Sau khi xem xét kỹ, Cư sĩ Thiên Sơn hiến kế cho Vương Hồng Văn, trước hết làm cho sự tin cậy của Giang Thanh đối với Diêu Văn Nguyên và Trương Xuân Kiều không bằng Vương Hồng Văn. Muốn vậy phải có những chiêu hợp lý mà người ta khó phát giác. Kế của ông ta là dùng chiêu “nấm hầm chay”, “gậy chống tim”.
Luận về tướng mạo, Vương Hồng Văn có hơn Trương và Diêu, vì tướng của Vương ngũ quan đoan chính, tuy có sẹo ở sơn căn có thể cản trở tiền đồ, nhưng khéo ra thì có thể tránh được. Cư sĩ Thiên Sơn nói với Vương: “Âm phủ của Diêu Văn Nguyên không phải là kém, do vậy phải triệt để làm cho đối phương mất tự tin, nay có cách là dựng một cột điện trên con đường nhỏ ở trước cửa Diêu Văn Nguyên”. Vương Hồng Văn nghĩ mãi rồi một lần sau cuộc họp cố ý nêu ra một số vấn đề liên quan đến an ninh và nói với Diêu Văn Nguyên: “Nhà của anh hướng Tây, chân núi phía Tây có một vạt cỏ, không biết anh cần sử dụng không ?”. Diêu Văn Nguyên không biết ý của Vương bèn nói không cần làm gì. Vương Hồng Văn đưa ra một đề nghị dựng một cột điện tạm thời tại bãi cỏ phía Tây của cửa phòng Diêu Văn Nguyên, đề tăng cường ánh sáng, tăng cường an ninh. Vì ở Điếu ngư đài, để bảo vệ văn vật tiên triều và khí thế nguyên sơ nên không làm những gì có biến động lớn, nhà ở của “Bè lũ 4 tên” thuộc kiến trúc tạm, cung cấp về điện rất yếu. Vương nêu lý rằng, ở đây tuy có bảo vệ nhưng về đêm vẫn rất tối, các chiến sĩ 8341 (đơn vị đặc biệt bảo vệ các vị lãnh đạo trọng yếu) đi tuần tra phải dùng đèn pin, như vậy thiếu an toàn. Ba người kia nghe vậy đều tán thành, họ nghĩ tăng thêm điện đèn ánh sáng cũng là điều thuận lợi. Thế là chiếc cột điện được trồng.
Chiếc cột điện này khác với loại bình thường: cột thẳng, phía trên có một lưới sắt hình ô và lắp bóng đèn. Xong việc, thầy phong thuỷ để ý quan sát nét mặt của Diêu Văn Nguyên, quả nhiên không quá 10 ngày, mặt mày ủ rũ, mệt mỏi. Hoá ra, chiếc cột điện này là chiêu “gậy chống tim”. Trong phong thuỷ có câu: “Nhà sợ chống tim, người sợ chống họng, nhà hỏng người chết, thảm thêm thảm”. Diêu Văn Nguyên bị gậy chống tim chống lên họng, khí huyết không điều hoà được, người lộ rõ vẻ mệt mỏi. Song ông ta vẫn khen nhờ có đèn đường thấy thuận lợi hơn, ngủ yên tâm hơn.
Giang Thanh ngày càng tỏ ra không hài lòng với Diêu Văn Nguyên, tin tưởng Vương Hồng Văn hơn, Vương mừng thầm bèn mời Cư sĩ Thiên Sơn tính chuyện tấn công Trương Xuân Kiều. Bề ngoài thì Vương vẫn nhiệt tình ân cần với Trương, luôn miệng nói nhờ Trương mình mới từ Thượng Hải lên Bắc Kinh, Trương khác nào cha mẹ sinh ra Vương lần thứ hai, việc gì cũng nhất nhất theo Trương.
Cư sĩ Thiên Sơn cho rằng, Trương Xuân Kiều nhờ vào cây bút mà thành danh, hẳn có âm tổ rất lớn, dùng biện pháp tấn công nóng vội có thể hiệu quả ngược lại. Người này tâm thuật bất chính, chuyên hại người bằng bài viết, song cũng có cách làm cho vì gieo gió phải gặp bão.
10 ngày sau, trước cửa Vương Hồng Văn được lắp thêm 2 chiếc đèn cửa, đối diện vào cửa của Trương Xuân Kiều. Giang, Diêu, Trương hỏi Vương sao tự nhiên lắp đèn ở cửa, từ khi dựng cột điện, có đèn đường, điện mạnh hơn trước, cửa đã sáng trưng rồi. Vương Hồng Văn đã chuẩn bị câu giải thích từ lâu, ông ta chìa ra một mảnh giấy trao tặng lễ vật, nói là một đại sứ tặng, để bày tỏ hữu hảo mới mang lắp ở trước cửa. Ba người kia cũng chẳng thắc mắc gì hơn nữa. Không lâu sau, Trương Xuân Kiều người như mất hồn, 2 mắt trông khô héo không còn thần sắc. Chiêu này của Cư sĩ Thiên Sơn gọi là “nấm hầm chay”, ông ta đã đề nghị Vương Hồng Văn lắp 2 chiếc đèn ở cửa đối diện cửa của Trương Xuân Kiều, chiếu rọi suốt ngày đêm, hình dáng của cái đèn như cái nấm, mỗi khi Trương Xuân Kiều về nhà coi như bị hầm một lần. Có câu rằng: “nấm hầm chay, hầm đến khi dầu cạn”, vì thế mà âm tổ của ông ta bị hầm đến cạn kiệt.
Trong lúc Giang Thanh chỉ còn tin tưởng Vương Hồng Văn, khí thế của Diêu Văn Nguyên và Trương Xuân Kiều bị phong thuỷ làm cho yếu dần, Vương cũng không muốn động đến Giang làm gì. Song lúc này Mao Trạch Đông tựa như người bừng tỉnh lại, cho gọi Đặng Tiểu Bình quay về Bắc Kinh để sử dụng. Giang Thanh bực tức lắm, tưởng Vương Hồng Văn làm phó chủ tịch Đảng có tác động vào việc đó nên măng Vương Hồng Văn thậm tệ. Vương về nhà, càng nghĩ càng hận, nghĩ mình là một người đàn ông mà phải chịu người đàn bà đó nhục mạ, bèn cho gọi Cư sĩ Thiên Sơn dùng phong thuỷ để ép Giang Thanh. Cư sĩ Thiên Sơn đề nghị Vương Hồng Văn hãy tác động ở trong nhà. Một lần mượn cớ sửa nhà, Vương sai tâm phúc của mình khi sửa xà chính, làm một cái quan tài nhỏ đặt trong xà chính, hình thành thế đầu nặng chân nhẹ. Giang Thanh hễ ở trong nhà đó là tâm thần bất ổn.
Vương Hồng Văn dùng phong thuỷ hại 3 người cùng hội cùng thuyền, mục đích một là muốn hả giận và cũng muốn đầu cơ nữa, để xem gió chiều nào che chiều ấy nhưng cuối cùng cũng phải chết thảm. Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên và Giang Thanh cáo già hơn nhưng bị phong thuỷ của Vương làm cho mơ hồ, lại hay tụ tập ở Điếu ngư đài (đang trở thành mảnh đất chết) do đó mà không cựa quậy được, khi bị bắt đều trong tình trạng lúng túng, bất ngờ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *