Untitled Post

Chương 30.

Luận về việc “nghe nhầm truyền sai”


Nguyên văn:
Bát tự vốn có định lý, không hiểu được lý liền sinh dị đoan (thuyết bậy bạ, quái đản), nghe bừa nói bậy, không thể nào cản nổi. Như khi luận can chi, không hiểu lý âm dương mà dùng ca quyết thể tượng trong sách thông tục mà xác luận; luận cách cục thì không “chuyên tầm nguyệt lệnh”, mà câu nệ dùng đến ngoại cách rồi biến hóa sôi động (cố theo cái biến đổi ngoài cách cục); luận về sinh khắc thì không xét kỹ hỷ kị mà cứ tổn thương cái vượng và phù cái nhược, suy yếu làm định pháp; luận hành vận thì không thấy trong cái giống cũng có điểm khác biệt, cứ thấy can chi tương đồng liền cho là cùng một trường hợp.

Từ chú thích:
Định lý bát tự chính là lý sinh khắc chế hóa của ngũ hành, không nghiên cứu một cách khiêm tốn mà lại “tiên nhập vi chủ” (tư tưởng, lý thuyết nào vào trước liền khắc ghi vào đầu), hiểu biết nửa vời, tự cho là thông minh thì đều đưa đến sai lầm. Thể tượng trong sách giang hồ truyền lại như Phá diện huyền châm cách, dùng hai chữ Giáp Tân là “huyền châm”, hai chữ Dậu Tị hợp lại ( 酉巳 ), tạo thành chữ phối ( 配 ) là “phá diện”; mệnh lý không phải là đoán chữ, sai lầm ngớ ngẩn này có thể thấy khắp nơi. Chấp nhất vào ngoại cách, như không quan trọng dụng thần, dùng sao thần sát/ nạp âm để chọn cách cục, không xem xét hỷ kị,… hoặc không cật vấn trong cái giống có cái khác, thành thử thấy mà không nắm lấy, rồi tự cho là đúng.

Nguyên văn:
Xem xét các lý do, thì thường một là do mức độ nặng nhẹ của từ ngữ dùng trong sách làm hậu học không hiểu hết ý dẫn đến hiểu sai rồi suy diễn phiến diện; hai là do sách giang hồ nghe sai viết bừa, hiểu lầm lời giảng rồi dấn sâu vào mê lối; ba là khi luận mệnh vận, ngẫu nhiên thấy ứng hợp, liền hình thành chiêu pháp, tâm đắc bất di bất dịch của bản thân; hoặc dùng mệnh thức, mệnh lệ người xưa và hiểu không sai nhưng tự ý cho là ngoại cách hoặc đặt thành một ngoại cách riêng biệt, càng làm hại người học không ít.

Từ chú thích:
Trong sách cổ nhân ưa dùng câu chữ có vần có điệu, vì phụ thuộc số lượng chữ để tuân thủ ngữ điệu bằng trắc, nên không diễn tả được hết ý gây hiểu lầm, còn sách giang hồ không hiểu viết bừa cũng lập lại sai lầm này. Như khoa ngũ tinh lấy năm làm chủ, dùng thần sát, nạp âm lập cách cục, còn khoa Tử bình lấy ngày làm chủ mà cũng dùng thần sát, nạp âm thì đó là tự huyễn hoặc cho rằng mình uyên bác, đọc sâu hiểu rộng, chỉ là dối mình gạt người. Mệnh thức cổ nhân thâu tập sai không ít, như trong sách Thần Phong Thông Khảo cũng thường thấy điều đó; hoặc cũng có trường hợp không phải thâu tập sai, nhưng hậu nhân vì viết thêm một bài một đoạn để thuyết minh thì lại thấy hiểu lầm ý tứ, cách cục cổ nhân. Trong sách mệnh học xưa nay, như Tam mệnh thông hội, Thần phong thông khảo, Tử bình chân thuyên, Uyên hải tử bình, thâu tập tuy rộng nhưng tạp mà không tinh, sắp xếp không mạch lạc, lớp lang, chỉ viết sách cho mục đích tham khảo là chính. Cùng Thông Bảo Giám thì tinh túy, nhưng chỉ đàm kinh nghiệm mà không bàn nguyên lý; Thần Phong Thông Khảo khó tránh thiên chấp. Muốn tìm một sách hoàn thiện e rằng khó.

Nguyên văn:

Như:
Nhâm Thân/ Quý Sửu/ Kỷ Sửu/ Giáp Tuất
—————kỷ-quý-tân—–

Vốn là tạp khí Tài vượng sinh Quan [Quý tạp khí sinh Giáp quan]. Nếu sang giờ Ất Hợi, liền theo đó luận thành Thời thượng Thiên quan, chả lẽ không biết vượng Tài sinh Sát, rỗi hơi cứu cái đang chết, thì quý ở chỗ nào? Nhưng dạng này đều là ngộ thâu cả.

Bổ sung: nhật can Kỷ thổ thông gốc tại nguyệt lệnh, tức là đắc thế. Lại có nhật, thời đều là thổ vượng nên nhật chủ thừa vượng, Thời trụ xuất hiện Quan tinh Giáp mộc, nhưng tọa tại Tuất nên (Quan) không vượng, nhưng trong niên nguyệt can xuất hiện Nhâm Quý thủy thông căn ở chi Thân Trường sinh, nên thuộc cách cục Tài vượng sinh Quan, lại thêm hành vận phương Đông mộc hỏa, từ đó dẫn xuất Đinh hỏa tàng trong Tuất, giải trừ hàn khí mùa đông, mệnh phú quý đầy đủ.

Như:
Kỷ Mùi/ Nhâm Thân/ Mậu Tý/ Canh Thân
——-canh-mậu-nhâm—

Vốn là Thực thần sinh Tài, mà lại muốn vứt bỏ nguyệt lệnh dùng ngày Mậu gặp Canh thân là hợp lộc cách, há chẳng biết bản thân tự có Tài Thực chẳng phải quá đẹp đấy sao! Lại vất vả đi lấy Canh hợp Ất, cầu Quan ngoại cục ư, loại này rất nhiều, đều là cố cưỡng theo ngoại cách cả.

Bổ sung: nhật can Mậu thổ sinh tháng Thân, trong can xuất hiện Nhâm thủy Tài tinh, nhật chi là Tý thủy nên Tài có gốc mạnh, do đó đủ dùng cho nhật chủ; thời can xuất hiện Canh kim Thực thần, có thể sinh Tài. Dường như nhật chủ thân suy nhược nhưng trong niên trụ có Kỷ Mùi giúp thân, do đó thuộc cách Thực thần sinh Tài là mệnh cục phú quý.

Từ chú thích:
Thường những kẻ ngông cuồng đều cho mình thông minh, cầm bát tự trên tay mà giải không ra liền cho là sai giờ sinh, rồi tự ý thay đổi giờ sinh mà không biết rằng giờ sai đi là hỷ, dụng, vận đồ hoàn toàn khác hẳn, khiến người xem số không thể nào tìm được lời giải. Giờ thử lật đọc lại mới thấy loại ngông cuồng này từ xưa đã có rồi.

Như tứ trụ sinh năm Nhâm Thân, giờ Giáp Tuất tàng hỏa điều hậu quá rõ ràng; nếu tự ý chuyển sang một giờ là Ất hợi, vượng Tài sinh Sát mà Sát vô chế, nước lạnh thổ đóng băng, mộc không thể tươi tốt, tưởng ứng hợp quý cách Thời thượng nhất vị, há chẳng đáng cười ư! 

Còn trụ sinh năm Kỷ Mùi, cách Thực thần sinh Tài cũng vô cùng rõ ràng, Thực Tài minh hiển có gì không đẹp mà phải dùng ám hợp Quan tinh, hợp lộc, hợp Quan?! Nhưng hành vi này đều là tự cho mình thông minh, mèo khen mèo dài đuôi, không mang tính thuyết phục.

Nguyên văn:
Những kẻ cẩu thả đó đều không có định kiến, xét lý không tinh, khi thấy những lý luận sai lầm này chẳng lẽ ta không nghi ngờ? Huống chi những kẻ đến Nhật quý cách mà không giải được, cũng gặp thường xuyên ư? Lẽ nào không biết người hoạt động học thuật ắt lấy những mệnh phú quý làm khuôn mẫu, nên có trường hợp đem lời nghe đồn làm chứng cứ, có kẻ lại dò tìm ngày sinh rồi tự ý định giờ rồi định sai hoặc ngụy tạo quý cách,… bát tự của nhân loại đa số đều không biết giờ sinh chính xác, điều này chứng tỏ bản thân họ cũng không tự hiểu. Nếu người xem số không hiểu bản chất, chỉ nghe theo lời người đoán mệnh hoặc chỉ mong nghe những lời giàu sang, phú quý mà cả nể, nhân nhượng lời giải của họ rồi thuận theo không nghi ngờ thì có lẽ chung thân không có lời giải đáp.

Từ chú thích:
Người mà thấy số quý cách không giải được thì cũng thường thấy, tôi là người nghiên cứu học lý, hiểu thì sẽ biết mà không hiểu thì sẽ không biết, đừng ngại để lại nghiên cứu sau, cũng bất tất phải miễn cưỡng ta đây là người hiểu biết.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *