tucmachaynguoiviet

Đời người ai cũng phải đi qua ba giai đoạn từ Ấu – Tráng đến Lão, vì vậy mọi người đều không qua khỏi vòng càn khôn Sinh – Lão – Bênh – Tử. Vẫn như phong tục cưới hỏi, hiện nay nhiều gia đình ít hiểu biết về những phong tục tập quán trong tang ma. Chúng tôi xin có bài viết sau đây : – Khi còn trẻ con, mọi người sống với gia đình cùng ông bà cha mẹ, lúc thành niên bắt đầu xây dựng sự nghiệp, cưới vợ lấy chồng rồi sinh con đẻ cháu, bỗng thoáng đó đã trở về già có khi vì lão hóa sinh ra bệnh tật, và về lại lòng đất. Những chu kỳ ấy không bao giờ thay đổi. Có chăng người đó được sống thọ đến bao nhiêu tuổi, chứ chưa ai được hưởng sự trường sinh bất tử cả. Vì thế trong phong tục Á đông nói chung và Việt Nam nói riêng, khi trong gia đình có người thân qua đời, ai cũng buồn thương nhớ, dù người chết có sống đến trăm tuổi đi nữa. Tuy vậy việc sửa soạn lễ tang theo phong tục phương Đông tuy thấy đơn giản, nhưng lại có rất nhiều lễ tục diễn ra đa số còn tồn tại đến ngày nay. Sau đây là những tục lệ trong tang ma. I. NGƯỜI MỚI QUA ĐỜI A/- chia gia tài Nhà nào có người lớn tuổi đang hấp hối, con cháu phải mời gọi các con cái và nhất là cháu đích tôn đến bên nghe di chúc (những nhà giàu có bây giờ, việc để lại di chúc đã được soạn trước đã có công chứng làm bằng, đề phòng sau này nếu xảy ra tranh chấp, tòa án sẽ chiếu theo di chúc phân xử). Nếu người sắp chết không để lại di chúc chỉ nghe qua truyền khẩu làm lời nói bất thành văn tự, sẽ tùy mọi người trong gia đình bàn thảo, nếu có tranh chấp vụ việc sẽ đưa ra tòa án xử theo luật hôn nhân gia đình quyền thừa kế mà phân chia tài sản. Con cái dù trong giá thú, hay ngoài giá thú (nếu chứng minh được nguồn gốc huyết thống sẽ được chia đều). Trong các phiên tòa xử các vụ án dân sự như trên, những người con ngoài giá thú tức không có tên cha, đều không được luật pháp công nhận, nếu có tên cha nhưng người mẹ không có hôn thú, người con vẫn được tòa án xử cho nhận một phần gia tài). Nếu còn rắc rối hơn, ngày nay khoa học có phương pháp tìm ra “gien” di truyền là tức ADN, hơn hẳn việc lấy máu thử như những năm của thế kỷ XX trước đây. B/- chuẩn bị tang lễ Nếu người chết theo đạo Thiên chúa đã có tên Thánh, còn người bên lương (không theo đạo, đạo thờ cha mẹ, hoặc thiên về Phật giáo) gia đình sẽ mời các vị Thượng tọa, Đại đức đến đặt cho một pháp danh (nếu chưa quy y tam bảo). Tuy nhiên có một số người không xin pháp danh hay tên Thánh, vì họ không theo đạo nào, như trong xã hội chúng ta còn rất nhiều gia đình chỉ biết thờ cúng ông bà là chính. Người nhà người hấp hối, chuẩn bị nước ấm, trầm hương lau người sạch sẽ, thay đổi áo quần cho người sắp chết cho tươm tất. Khi tắt thở, liền lấy chiếc đũa để ngang hàm, bỏ một nắm gạo và ba đồng tiền vào miệng (nhà có tiền sẽ bỏ vào ít vàng, cỡ vài phân, vài ly) gọi là ngậm hàm, ý nói người chết khi xuống địa ngục khi đi qua 18 cửa ngục âm ty, nếu có tiền có vàng sẽ dễ ăn nói (các người xưa có câu trần sao âm vậy). Con trai trưởng và cháu đích tôn là những người đầu tiên đến vuốt mắt cho người chết, dù người chết đã khép mắt. Xong mới đưa xác người chết nằm dưới đất ít phút, có nghĩa “người ta sinh ra bởi đất thì khi chết lại trở về với đất”, rồi mới đặt ngay ngắn lên giường chờ giờ tẩn liệm vào áo quan. Trên đầu người chết để một cây đèn dầu, trên người để một nải chuối xanh, một con dao lớn (phòng khi xác chết thành Quỷ nhập tràng. Khi xưa người ta cho rằng, xác để nằm như thế, nếu có con mèo mun đen nhảy qua, người chết sẽ ngồi bật dậy, hay đứng cả người thành quỷ rượt theo người sống, để con dao như thế cho ma quỷ đừng đến quấy phá. Nhưng thật ra, để con dao trên xác người chết, theo khoa học chỉ nhằm cho khí âm còn tích tụ trong xác chết được tiêu tan; ngày nay ngoài việc để dao, người ta còn đốt than để dưới gầm giường là vậy). Đắp mặt bằng một cái khăn (trước đây, người con trai trưởng sẽ cầm cái áo người chết thường mặc trèo lên mái nhà hú vía ba tiếng, có ý mong cho người chết sống lại, rồi cũng chiếc áo đó phủ lên mặt xác chết). Xong phần này, trong gia đình mới phân công mỗi người lo liệu mỗi việc, người đến chùa thỉnh thầy đến tụng niệm, xem ngày giờ chết, giờ tẩn liệm, ngày giờ động quan, hạ huyệt. Người lo áo quan xe đòn, đội kèn trống tây ta, xe đưa rước thân bằng quyến thuộc hàng xóm đến nơi an nghỉ cuối cùng. Người lo chỗ chôn cất (nếu tin phong thủy, đi tìm thầy địa lý xem lại hướng đất thế đất v.v..), người lo liệu xin giấy khai tử, người lo sắp đặt trong nhà đón khách đến phúng viếng chia buồn v.v…. Đây là những thủ tục mà bất cứ gia đình nào lo ma chay nào cũng phải thực hiện, và tùy theo hoàn cảnh gia đình mà lo liệu. Hiện nay nhiều lễ tang thực hành tiết kiệm, tránh khoa trương và không kéo dài tang lễ nhiều ngày. Trước để tránh phiền hà hàng xóm, mặc dù nhà có ma chay không ai chấp nê, nhưng để xác lâu ngày sẽ đâm thối rửa, lây lan bệnh truyền nhiễm; sau là kèn trống inh ỏi sẽ làm hàng xóm mất ngủ, cũng là sự tế nhị trong một cộng đồng dân cư. C/- Tẩm liệm nhập quan Nhà có tiền dùng nhiều vải vóc lụa là, nhà bình thường chỉ dùng vải thô trắng (vải tám, calicot, katé) may làm đại liệm, tiểu liệm (đại liệm là một mảnh dọc, năm mảnh ngang – Tiểu liệm một mảnh dọc, ba mảnh ngang), dùng tẩn liệm khi xác nhập quan, gia đình bỏ vào trong áo quan (quan tài). Khi xưa người Việt thường thấy các thầy cúng hay thầy pháp bỏ vào trong áo quan một mảnh ván có đục hình bảy ngôi sao tức “Bắc đẩu thất tinh”. Trước khi nhập quan, xác chết được nhà đòn (trại hòm) mặc thêm một chiếc áo (tùy theo tuổi vừa chết : hưởng dương hay hưởng thọ, hưởng dương là dưới tuổi 60 áo màu xanh, còn hưởng thọ trên 60 áo màu đỏ, người có chân tu, như tu tại gia, người cách ly gia đình đi tu mặc áo màu vàng. Đây là tục cho lũ quỷ sứ dưới âm phủ biết tuổi người chết). Trước khi nhập quan, phải chọn giờ tránh tuổi cho người sống, rồi dùng bùa nọ bùa kia dán ở trong hoặc ngoài áo quan, người ta tin rằng có người chết vào giờ trùng nhật, trùng tháng, trùng năm. Có người chết không hợp tuổi nên con cái sẽ khó làm ăn phát huy nghề nghiệp v.v.. có địa phương không dán bùa mà lại bỏ trong áo quan những cổ bài, hay quyển lịch – thời phong kiến, người ta đi tìm những cuốn lịch có dấu ấn, tức lịch được công nhận (ngày nay là lịch được dán tem chăng ?!) – hoặc tàu lá gồi để yểm người chết không cho trở về nhà quậy phá người sống, hoặc trấn áp ma quỷ theo cách mê tín như đã trình bày. Khi tẩn liệm nhập quan, những người con hay bà con gần xa khắc tuổi người chết, sẽ được khuyên không nên xuất hiện cho đến khi nắp quan được khép kín. Nắp quan phải được đóng đinh và niêm kỹ bằng chất keo tốt cho xác chết dù có thối rửa cũng không tràn nước ra ngoài, sau đó áo quan được đặt chính giữa nhà. D/- thành phục Tẩn liệm xong. Thầy cúng hoặc các sa di đến đọc kinh kệ cho người chết, và bắt đầu làm lễ thành phục. Bàn thờ bày trước linh cửu gọi là linh tọa (trước đây còn có tục đặt hồn bạch, là lấy khúc vải lụa đắp vào người chết trước khi tẩn liệm, khi nhập quan, lấy lại kết thành hình nhân, nay đã thay bằng hình ảnh của người chết), thầy cúng sẽ kêu tên những người chịu tang từ lớn xuống nhỏ mà phát tang phục. Lúc này, ai muốn khóc mới được khóc (ở thôn quê, nếu nhà neo đơn ít người, các phú hộ còn mướn người đến khóc thuê) Tang phục chia ra nhiều loại : – Con trai, con gái, con dâu, cháu đích tôn mặc áo đội khăn, chống gậy. Con gái xỏa tóc, con trai không được cạo râu trong những ngày còn để áo quan trong nhà, chứng tỏ nổi bi thương, có nơi còn không cho tắm rửa !? – Con rể, hay họ hàng gần chỉ chít khăn trắng trên đầu. – Cháu nội, khăn có chấm đỏ. – Cháu ngoại, khăn trắng có chấm vàng. – Còn các chắt, chít lại quấn khăn màu vàng. E/- nghi thức tang gia Sau lễ thành phục, đến cúng cơm cho người chết. Lễ này được gọi “Chiêu tịch diện”, ám chỉ hàng ngày phải có 3 buổi cúng cơm, vào buổi sáng, buổi trưa và buổi chiều. Trước đây vào buổi sáng, con cái phải bưng chậu nước, khăn mặt, bàn chải răng, thức ăn điểm tâm từ giường người chết thường nằm ra đến chỗ linh tọa, khi đi phải khóc to, tới nơi dâng lên linh tọa mà cúng. Buổi chiều sau buổi cúng cơm mới đem vào. Tục này hiện nay không còn, vì thấy quá cầu kỳ, và tại linh tọa lại thấy không được trang nghiêm cho lắm. Trong cúng cơm, các người con trai có thể thay nhau, dâng trà, rượu, cơm thịt trước linh tọa, có khi là cháu đích tôn (thông thường là cơm chay). Trong nhà đám, như chúng tôi trình bày, nhiều gia đình thường mời đội kèn đến đánh trống, thổi sáo, kéo đàn gọi là “Đội kèn giải”, khi có người đến phúng viếng chia buồn, sẽ nổi nhạc ò í e, có người cho tiền nhờ họ khóc mướn, đội kèn giải sẽ vừa trống kèn, vừa ngân nga đọc kể lể theo tâm sự người đã thuê giải bày, giọng kể lể cũng mang vần điệu lúc lên bổng xuống trầm thể hiện sự thê lương nghe thật nảo lòng, ai nghe cũng rưng rưng xúc động. Nhà đám nào không có đội kèn giải, xem như hiu quạnh lắm. Những họ hàng người miền Bắc xưa và nay, có hội tương tế, hội đồng hương (gọi là người trong họ, trong làng), nếu người chết hưởng thọ, bên hội sẽ cử từ 10 người có tuổi cao trở lên đến tế lễ chia buồn. Họ mặc trang phục trang trọng, áo dài khăn đóng màu trắng, phường nhạc nổi trống kèn như đang diễn một vở tuồng Tàu. Lễ tế ở đây có nghĩa, người trong họ hay trong làng, dâng rượu, trà, bánh, hoa quả lên linh tọa (như lúc cúng cơm), và đọc điếu văn chia buồn với người chết cùng tang gia, đọc xong mới đốt đi như gửi thư cho người chết vậy. Ở miền Nam có học trò lễ, chỉ mang sắc thái văn hóa, vì tang gia mời đến làm lễ tế, chứ những học trò lễ thường không có họ hàng, đôi khi còn không phải người làng hàng xóm với người chết. Có học trò lễ đến tế, ai cũng biết nhà đó thuộc loại có dư giả tiền bạc, muốn thực hiện một ma chay trang trọng. Việc khách khứa, họ hàng gần xa, hàng xóm láng giềng, bạn bè thân hữu đến phúng viếng chia buồn, tùy theo khách mà các con trai con gái phải ở hai bên áo quan lạy tạ, khách lạy ba lạy phải đáp một lạy, khách lạy bốn lạy thì đáp hai lạy, khách của người nào người đó lạy tạ, nếu ít tuổi hơn kêu con cháu ra tạ lại. Thông thường có tục nếu khách đưa ma thì lạy ba lạy, còn không đưa ma thì lạy bốn lạy, trước quan tài người chết. F/- động quan, di quan Trước ngày động quan, di quan nhiều gia đình tổ chức đêm không ngủ, các con cái, dâu rễ tề tựu bên áo quan suốt đêm, có ý nghĩa tưởng nhớ người chết, phường nhạc bát âm kèn giải cũng đôi khi ở lại khóc mướn cho tang gia. Ngày xưa trong đêm không ngủ, tang gia còn làm lễ chuyển cửu, tức xoay quan tài một vòng, nếu nhà chật hẹp thì người ta rước hồn bạch (nay là di ảnh) đi quanh nhà, cốt ý cho hồn ma không nhớ đường về nhà nữa. Ngày động quan, di quan còn gọi “ngày phát dẫn”. Cha mất, con trai chống gậy tre, mẹ mất chống gậy vông, nếu con trưởng không có nhà thì cháu đích tôn, nếu cả hai không có mới đến con trai thứ. Con trai con gái không có mặt trong những ngày tang gia, áo mủ khăn tang được xếp lên nóc áo quan. Trong ngày di quan, nhà đòn rất quan trọng, bởi họ là vai chính trong lễ động quan, di quan, nên tang gia rất coi trọng họ. Cho nên trước khi động quan, tang gia phải có những tờ bạc lớn dằn dưới ly rượu đầy, trước nóc áo quan nhằm tưởng thưởng cho các đạo tỳ khi khiêng quan tài mà không bị đổ rượu, ý muốn để người chết không bị động mà ra đi suôn sẻ. Vùng Nam Bộ nhiều nhà đòn còn tô chức “hát đưa linh”, một nét văn hóa khá độc đáo. Hát đưa linh tức lúc động quan, di quan, gồm một nhân quan chỉ đạo, và từ 8 đến 10 đạo tỳ (người khiêng áo quan), họ vừa thắp nhang trước linh cửu người chết xong, nhân quan cùng đạo tỳ liền múa may theo điệu hát bộ, và hát hò bằng câu chuyện “chàng Lia cướp quan tài”. Vừa hát vừa động quan rồi đến di quan. Trên đường đi các đạo tỳ vẫn theo sự chủ đạo của nhân quan, vừa uyển chuyển nhịp nhàng vừa linh động khiêng áo quan theo nhịp của bài ca, bên cạnh là tiếng trống kèn của đội kèn giải đánh theo bài hát, nghe rất tưng bừng (nhưng đây là cách làm các đạo tỳ đang khiêng áo quan, quên đi nổi mệt nhọc). Thông thường khi di quan, nhà đòn phải có 2 thần tướng làm bằng giấy, hình dung dữ tợn dẫn đường (nhiều người cho là hình tượng của ác thần và thiện thần), thứ đến là thể kỳ có 2 người khiêng, một bức hoành vải trắng đề 4 chữ (như cha mất là câu “Hổ sơn vân ám”, mẹ mất thì ghi “Di lĩnh vận mê” v.v..), và 2 bên treo lồng đèn, ghi tước hiệu và tước danh người chết. Thứ ba trong việc đưa đám là tấm minh tinh. Tấm minh tinh làm bằng vải đỏ có ghi chức tước, họ tên người chết treo vào một cành tre, hoặc tháp trụ để vào bàn cho mấy người khiêng. Bên dưới tấm minh tinh có 4 chữ Qui, Khốc, Linh, Thinh. Đi sau là các thầy cúng hay nhà sư theo tụng niệm. Sau tấm minh tinh, nhà đòn còn có bàn hương trên để lư nhang, hai bên cắm đèn cầy, độc bình cắm hoa vạn thọ, và mâm trái ngũ quả, kế đến là thực án bày tam sên hay heo quay bánh trái. Đi trước bàn hương là các con trai người mang di ảnh, người cầm chén cơm chống gậy đi giật lùi đến khi áo quan đưa lên linh xa. Theo sau bàn hương là đội kèn tây, kèn ta. Rồi đến linh xa (xe đòn) trên để hồn bạch (hay di ảnh); và tang gia nối bước theo sau, kế đến thân bằng quyến thuộc, thân hữu của tang gia đi đưa tiễn. Trước khi động quan, nhà đám phải cúng tam sên ở giữa đường đi, như ý xin đường còn tang gia cúng thổ thần như bẩm báo người chết tên gì, tuổi gì không còn ở trong ngôi nhà này nữa (ý như xóa tên ra khỏi hộ khẩu, nếu thành ma trở về nhà thì các thổ thần sẽ không cho vào nhà). Khi động quan, nhóm đạo tỳ có người đại diện thắp nhang và đèn khấn bái trước quan tài, các đạo tỳ khác phải quỳ lạy cung kính theo lệnh của đại diện, khấn bái xong mới động quan (xem phần hát “đưa linh” ở trên). Khi quan tài được khiêng ra khỏi cửa, trong nhà phải đập bể một vài món đồ dùng (như nồi niêu v.v… làm bằng đất) để tạo ra tiếng nổ lớn, cho tà ma sợ mà đi ra hết khỏi nhà. Các cô con gái báo hiếu cha mẹ thì nằm lăn đường, tức nằm ngang đường mà lăn vài ba mươi thước, các đạo tỳ khi khiêng áo quan, sẽ bước qua người. Khi đi đường đến nghĩa trang, tang gia rải giấy tiền vàng bạc, nhằm hối lộ cho đám tà ma quỷ dữ, kẻo quan tài nặng nề khó đi. Đó là những bước của di quan và động quan. G/- hạ huyệt Khi nhà đòn đưa quan tài đến nghĩa trang, ở đây nếu có nhà trạm thì đưa áo quan vào, cho bên tang gia quỳ lễ cám ơn, hoặc có phần đọc điếu văn và đáp tạ cũng được diễn tiến tại đây. Lúc đến giờ tốt, tang gia lại có mâm cúng thổ thần tại nghĩa trang, nếu có thầy địa lý phong thủy sẽ có mặt tại huyệt nhằm phân kim gióng hướng cho đúng, khi đến giờ mới cho đạo tỳ hạ quan. Khi áo quan đã định vị đúng hướng là phần lấp huyệt. Tang gia và họ hàng, những người đi tống tang (người quen đi đưa tiễn) sẽ đi quanh huyệt mà ném từng hòn đất xuống lòng huyệt. Khi hạ huyệt xong, người con trai trưởng sẽ quỳ lạy những người đưa tiễn 4 lạy, có nghĩa cảm tạ người đến tiễn vong linh và bắt đầu lấy đạo thờ người chết để tang. Trong quá trình đưa ma, con cái lúc nào cũng phải khóc than. H/- ngu tế An táng xong, cả tang gia trở về nhà lại tế, người xưa gọi là “Ngu tế” (ngày chôn là sơ ngu, ngày thứ hai là tái ngu, và ngày thứ ba là tam ngu). Ngu có nghĩa là yên. Vì người chết hồn phách chưa yên nghỉ nơi nào, cho nên tế 3 lần để hồn phách người chết được yên ổn. Nay tục này cũng ít thấy gia đình nào còn thực hiện. II. SAU KHI CHẾT A/- MỞ CỬA MẢ Trong ba ngày sau khi mới chôn, gia đình tang gia trở ra mộ làm lễ mở cửa mả, thường thì trong nhà làm lấy, người giàu mời thêm thầy cúng đến dùng con gà trắng hay con chó đen, để cúng thổ thần (ngày trước họ giết gà chó ngay tại đấy, lấy máu mà tưới lên quanh ngôi mộ, nay chỉ còn thả cho gà, chó tự chạy như để phóng thích, phóng sinh. Các thầy cúng dùng lươn, cá chép, ốc (tam sên), một cây mía lao cùng nhiều loại giấy tiền vàng bạc để cúng và yểm bùa, cho rằng làm như thế thì trừ được hung thần không cho quậy phá hồn người chết, sau để hồn về nơi thờ cúng trong nhà. Sau khi làm lễ mở cửa mả xong, các con cái bắt đầu dọn mộ hay xây mộ cho thân nhân (trong 49 ngày đầu, tức còn trong lễ thất tuần) tang gia có thể xây mộ mà không cần xem ngày giờ tốt xấu. B/- CÚNG THẤT TUẦN & CHUNG THẤT Theo phong tục khi người chết đã chôn cất xong, gia đình phải làm lễ thất tuần (tức làm tuần, trong 7 tuần lễ liền), tính ngày người chết mới tắt thở. Các con cái chịu tang phải về đầy đủ, mặc lại tang phục và cúng cơm cho người chết, thầy cúng hoặc nhà sư đến tụng niệm (trước đây, có tục người nào lo việc hương hỏa trong gia tộc, hàng ngày phải dâng cơm ngày hai buổi và phải khóc lóc thảm thiết, van xin hồn người chết về dùng cơm). Cơm cúng cho người chết (mỗi khi cúng cơm) đều là những món chay, nhằm cho người chết được nhẹ nhàng hồn vía, sớm siêu thăng miền cực lạc, có người cho rằng cúng chay là để hồn người chết sớm quy y cửa Phật, nương nhờ cửa Phật mà không về với gia đình (vì gia đình thường ăn mặn, không hợp lẽ tu hành). Khi cúng đủ 6 tuần, đến tuần thứ 7 gọi là lễ chung thất. Thường lễ chung thất(49 ngày) và lễ tốt khốc 100 ngày, các gia đình tổ chức rất lớn, có mời họ hàng, xóm giềng đến dự. Trước là cho một số con cái cháu chắt xả tang, vì cho rằng trong 49 ngày qua, hồn người chết đã yên ổn ở các nơi (có ý cho là người chết có 3 hồn, một ở nơi thờ cúng, một ở nơi chôn cất và một ở dưới tuyền đài chờ Diêm vương phán quyết), khi xả tang có thầy cúng hay nhà sư đến làm phép cho người đó. Sau là gia đình tang gia cảm tạ các khách mời trong thời gian họ đến tống tang, bằng một bửa cơm thịnh soạn. C/- TỐT KHỐC Một trăm ngày là tuần tốt khốc, nghĩa là đến ngày này mới thôi khóc. Gia đình cũng mời họ hàng làng xóm đến chứng kiến, cũng có thủ tục xả tang như lễ chung thất. Và phá bỏ bàn vong (linh tọa), di ảnh được đưa lên bàn thờ nhưng không được cắm chung một bát nhang cùng với tổ tiên D/- TIỂU TƯỜNG Tròn một năm của người chết, gọi là ngày giỗ đầu hay lễ tiểu tường. Bấy giờ con cháu chịu tang (chưa xả tang) được bỏ tang phục, gậy mũ v.v… các lễ tục vẫn giống như khi làm lễ chung thất và lễ tốt khốc. E/- ĐẠI TƯỜNG & ĐÀM TẾ Sau hai năm giỗ tất gọi là đại tường, nếu tính theo năm âm lịch là để tang đã đủ ba năm. Tuy nhiên ngày đại tường này cũng chưa phải đã hết tang chế cho tang gia, mà sau đó còn một lễ khác có tên gọi lễ đàm tế. Lễ này còn được gọi là lễ trừ phục sau 60 ngày (nhưng không nhất thiết phải đúng 2 tháng sau lễ đại tường, có gia đình chọn được ngày tốt, để tổ chức lễ đàm tế) Trong ngày lễ tất cả những gì còn gợi lại tang ma đều được đốt bỏ, mọi người được xả tang và thôi đau buồn nữa. Trong những lễ tục tang ma nói trên, những gia đình khá giả trong những ngày lễ tiểu tường, đại tường họ thường đốt vàng mả, nào là nhà, xe, áo mão, rương hòm… có người dâng hình nhân làm người hầu hạ v.v… cho người chết. Nhiều gia đình, sau khi làm lễ chung thất hay tốt khốc, họ xin dẫn vong linh về chùa để tu cho sớm được siêu thăng tịnh độ, nên những lễ tốt khốc, tiểu tường, đại tường, đàm tế đều tổ chức ở chùa, đốt vàng mả cũng tại đó. Còn đãi ăn thì tùy gia đình tang gia, mời ăn chay hoặc mặn mà chọn địa điểm. oOo Với các lễ tục tang ma như thế, và với những hủ tục mê tín trong ma chay, chúng ta thấy quá nhiều rườm rà và bi thiết. Ở các nước có nền văn minh tiên tiến, họ không quàng xác tại nhà quá 48 giờ, và không có cảnh đưa ma nào là hình tượng phước thần, ác thần, thể kỳ, minh tinh, bàn hương rồi các đội kèn giải, kèn tây đi dài mấy trăm mét, đó là chưa kể đến sự phô trương với nào là người hoặc xe thô sơ chở từng vòng hoa tươi hay vòng cườm của người đưa phúng viếng, kéo thành hàng dài lê thê. Hiện nay cũng đã ít thấy xuất hiện người khóc mướn, có họ bạn sẽ thấy một tang gia quá hiếu đạo với người đã chết, họ lăn đường khóc than thảm thiết lắm, nhưng chính những người đang chịu tang có lòng hiếu đạo thật không, báo hiếu thật không, không ai biết được. Trong một gia đình còn nhiều mê tín, người ta có tục đi tìm đất để chôn, đất phải kết phát tài lộc mới gọi là đắc địa, rồi xem ngày chọn giờ mới động quan, di quan có khi quàng xác tại nhà đến năm bảy ngày, hàng xóm láng giềng phiền lòng mà người trong cuộc cũng mệt mỏi và tốn kém. Chúng ta thấy cần bỏ bớt những lễ tục không đáng phải phô trương, cho người chết được yên ổn mà về với cát bụi. F/- CẢI TÁNG Thông thường muốn cải táng một mộ huyệt, ít nhất cũng sau ba năm kể từ ngày chôn cất, bởi khi ấy mùi tử khí cũng không còn ảnh hưởng những người đang quanh đó, và cũng hợp với đạo lý trong xã hội, trong đời sống, tập quán của người dân Việt. Ngày xưa rất ít người chịu cải táng lại các mộ phần của ông bà cha mẹ, vì sợ động long mạch, phần còn lại có những lý do để cải táng : – Khi cha mẹ mất, nhà nghèo nên không có tiền lo liệu mua những cổ quan tài tốt, nên đợi ba năm cho cải táng lại, kẻo áo quan cũ xấu hư nát có hại đến di hài. – Hai là nơi chôn cất có mối kiến, sụp lỡ vì nước ngầm. – Ba là vì các thầy phong thủy xem lại, thấy phần mộ bị sụp đất, hoặc cây cối trồng trên mộ tự nhiên bị khô héo. – Còn một lý do, theo mê tín dị đoan, trong nhà có kẻ dâm loạn điên khùng, hoặc bị đau ốm liên miên, bị thị phi, kiện tụng thì cho là đất táng bị động không tốt. – Lý do thứ tư là những người cầu mong có đường công danh phú quý, nhờ thầy địa lý phong thủy tìm nơi cát địa mà cải táng các mộ người thân. Hay có người ganh tỵ, khi thấy nhà nọ làm ăn khấm khá, liền cho cải táng thân nhân về gần nơi có mộ phần ông bà cha mẹ người đó, để cầu được hưởng dư huệ. Ngày nay việc cải táng còn nhiều nguyên nhân khách quan khác, như chuyển nghĩa trang ra khỏi thành phố, khu đất được quy hoạch trở thành khu dân cư … Về mặt chủ quan khi cải táng gặp những điều sau đây thì không nên cải táng nữa : – Khi đào huyệt mộ thấy có con rắn vàng đang sinh sống, cho là điềm cát tường (Long xà khí vật). Hai là khi mở quan tài thấy có dây tơ hồng quấn quít, thì cho rằng đất kết. Ba là hơi đất chỗ quan tài ấm áp, không có nước, khô ráo hoặc có nước đọng như màu sửa là tốt. Khi gặp những điều trên đây phải đắp lại ngay. Trước khi cải táng, gia đình người chết phải tổ chức tại nơi thờ phụng một lễ cáo đường. Đến khi động đất cải táng, thêm một lễ báo với thổ thần, thổ địa xin cho được cải táng. Khi thực hiện phần việc gom hài cốt, nhặt lấy xương xếp vào tiểu sành, rẩy nước hoa, lúc hoàn tất phải hàn nắp tiểu sành cho thật kín, không cho ánh sáng lọt vào. Sử dụng tiểu sành có ý đưa hài cốt đi gửi ở chùa, hay đem về nhờ thờ tự, còn đưa đi chôn ở huyệt khác, thì dùng quan quách loại nhỏ, gắn hài cốt như hình người và tẩn liệm thật kỹ như lúc họ vừa mới chết vậy. Áo quan cũ dù còn tốt nhưng không dùng phải bỏ đi. Một số người ở nông thôn thường đem về làm chuồng heo, bò, trâu, ngựa để các con vật nuôi không bị sâu chân. Một số người khác do mê tín, lấy những mảnh áo quan dùng làm bàn cơ bói toán, hoặc ai đau tức thì lấy nó đốt lên, hay để dưới gầm giường cho hơi bốc lên, cho cơn đau tức được thuyên giảm. KỴ NHẬT Khi ông bà cha mẹ chết đi, ngoài con trai trưởng, hay dòng tộc trưởng thờ cúng (tổ tiên), hàng năm cứ đến ngày mất mà làm lễ giỗ, gọi là kỵ nhật. Theo phong tục, trước ngày giỗ kỵ vào buổi chiều người nhà soạn mâm cúng đơn giản, gọi là bửa tiên thường, hôm giỗ gọi là chính kỵ. Lễ tiên thường là thủ tục gửi lời mời đến người chết hôm sau về nhà nhận lễ cúng kỵ. Trong ngày chính kỵ, nếu giỗ xa (cụ kỵ ông bà) chỉ mâm xôi, gà luộc, rồi giò chả là đủ; còn giỗ gần (cha mẹ) cũng bằng thứ ấy thêm vài món canh, món xào, món chiên, món kho… Trên bàn thờ có mâm cơm chay, và dù giỗ xa giỗ gần, làm lớn hay nhỏ, nhất nhất phải có chén cơm úp đôi, bên trên để quả trứng gà luộc. Những gia đình nghèo cũng chỉ cần lưng cơm quả trứng, dâng lên bàn thờ cũng đã chứng tỏ được lòng thành tưởng nhớ đến ngày mất của cha mẹ rồi. Những nhà khá giả lấy ngày kỵ nhật này tổ chức đám tiệc đông đảo, ngoài bà con họ hàng, anh chị em, con cháu, lại mời hàng xóm, thân hữu đến dự. Tuy những đám tiệc như thế cũng không vượt ngoài sự tưởng niệm, báo hiếu người đã mất, nhưng xét về ý niệm ngày giỗ kỵ lại sai đi. Ngày giỗ kỵ là một ngày chung thân chi tang, là ngày thương nhớ, tưởng niệm người đã mất, có nên tổ chức thành đám to đám nhỏ ăn uống no say, cười đùa cả buổi ?! Ở Âu – Mỹ người ta kỷ niệm những ngày giỗ kỵ như thế, bằng hình thức rất giản đơn, nếu có mộ phần, họ đem hoa ra mộ mà cắm, rồi xin một lễ ở nhà thờ hay chùa chiền, xin cầu siêu cho người chết sớm siêu thoát. Ở Á đông, người Nhật, người Hàn Quốc cũng có ảnh hưởng nhiều bởi phong tục tập quán từ người Trung Quốc, nhưng họ cũng chỉ một bó hoa ra mộ, rồi xin cầu siêu ở chùa chiền như người phương tây mà thôi. III. ĐÁM CƯỚI CHẠY TANG Khi gia đình đôi nam nữ đã xem ngày chọn giờ tổ chức ngày cưới, bỗng tứ thân phụ mẫu nhà trai hay nhà gái xảy ra tang chế, nhất là bên nhà trai chú rể phải chịu đại tang đúng ba năm, còn xảy ra bên nhà gái cô dâu cũng chịu tang cơ niên một năm. Có nơi không thể chờ ngày mãn tang, với những lý do chủ quan nhiều hơn là khách quan, cũng như ngoài đời thường có câu “cưới vợ nên cưới liền tay, chớ để lâu ngày có kẻ dèm pha”. Vì không thể chờ đến ba năm hay một năm tang chế, nhiều gia đình cho làm đám cưới chạy tang. Người xưa gọi đó là “Ưu hỉ trùng phùng” (vui buồn cùng lúc). Theo phong tục, nếu có người chết trong nhà là ông bà cha mẹ, muốn có đám cưới chạy tang thì chưa cho may thành phục (áo tang), chưa liệm thì chưa ai khóc, hàng xóm có biết nhưng chưa thấy nhập quan chưa ai đến viếng. Nhà trai hay nhà gái liền mang mâm lễ qua nhà nhau xin ý kiến, nếu được chấp thuận đám cưới sẽ được tiến hành ngay trong ngày hay ngày hôm sau, không cần xem ngày chỉ cần giờ hoàng đạo là được; còn nếu không được chấp nhận thì đành chờ mãn tang hay sau ngày xin xả tang (chỉ có con trai thứ xin xả tang trước ba năm, còn con trai trưởng phải đủ ba năm sau lễ đàm tế). Lễ cưới cũng có đưa rước dâu, cúng gia tiên hai họ và nhập phòng lấy ngày, lễ vật cũng đơn giản cho đủ hình thức nhưng không thiếu trầu cau và trà rượu. Không đình đám, họ hàng hai bên cũng hạn chế số người dự, thường là trong phạm vi gia đình hai họ và các chú bác cô dì, cùng vài bạn bè thân nhất. Khi đám cưới hoàn tất xong các nghi lễ, gia đình mới bắt đầu may thành phục và lo chuyện nhập quan cho người chết. Cô dâu chú rể lúc này đã là thành viên trong gia đình, chịu tang như mọi đám tang khác, là nhà trai chịu tang chú rể không được quan hệ xác thịt trước ngày tốt khốc (100 ngày), còn nhà gái chịu tang chỉ sau ngày mở cửa mả hay sau lễ chung thất (49 ngày). Thông thường khi trong gia đình có ông bà cha mẹ đau bệnh đang chờ chết khó qua khỏi ngày lễ cưới đã định, việc tổ chức đám cưới chạy tang có phần đình đám như những đám cưới khác, chỉ cần xem lại ngày gần nhất để tổ chức. Lễ tang Trong phần này, chúng tôi xin giới thiệu văn khấn ở những nghi lễ quan trọng từ khi người mất tới khi được 100 ngày. Phần văn khấn từ giỗ đầu (tròn một năm sau ngày mất) chúng tôi chuyển sang phần văn khấn khi cúng giỗ. 1) Văn khấn lễ Thiết Linh: Lễ Thiết Linh là lễ sau khi lập xong bàn thờ tang, đặt linh vị 2) Văn khấn lễ Thành Phục: Lễ Thành Phục là lễ sau khi gia đình thân nhân mặc đồ tang, tề tựu quanh linh cữu. 3) Văn khấn lễ Chúc Thực: Lễ Chúc Thực là lễ dâng cơm khi còn để linh cữu ở nhà. 4) Văn khấn Lễ cáo Long Thần Thổ Địa: Là lễ cúng Long Thần Thổ Địa trước khi đào huyệt. 5) Văn khấn lễ Thành Phần: Lễ Thành Phần là lễ khi đắp xong mộ. 6) Lễ Hồi Linh: Lễ Hồi Linh là lễ rước ảnh hoặc linh vị từ mộ về. 7) Vản khấn lễ Chầu Tổ (Triều Tổ lễ cáo): Sau khi làm lễ Hồi Linh ở bàn thờ tang xong thì làm lễ cáo yết với Tổ Tiên ở bàn thờ chính, nếu là gia đình nhà con thứ thì yết cáo tại nhà thờ của chi họ, nơi thờ ông bà nội hoặc cụ nội. 8) Lễ Tế Ngu: Lễ Tế Ngu là lễ ba ngày sau khi mất hoặc ba ngày sau khi chôn cất xong. Theo tục xưa: Ngày đầu là Sơ Ngu Ngày thứ hai là Tái Ngu. Ngày thứ ba là Tam Ngu. 9) Lễ Chung Thất và Tốt Khốc: Lễ Chung Thất là lễ 49 ngày. Lễ Tốt Khốc là lễ 100 ngày. 10) Lễ Triệu tịch Điện văn: Lễ Triệu tịch Điện văn là lễ cúng cơm trong 100 ngày. 11) Lễ Tiểu Tường, Đại Tường (Giỗ Đầu, Giỗ thứ Hai): Giỗ Đầu và Giỗ thứ Hai là hai lễ giỗ rất quan trọng. 12) Văn khấn lễ Đàm Tế (Tức là lễ hết tang Trừ phục): Sau 2 năm và 3 tháng dư ai, chọn một ngày tốt làm lễ: Đắp sửa mộ dài thành mộ tròn, cất khăn tang, huỷ đốt các thứ thuộc phần lễ tang, rước linh vị vào bàn thờ chính, bỏ bàn thờ tang. 13) Văn khấn lễ rước linh vị vào chính điện và yết cáo Tiên Tổ: Cách tiến hành nghi lễ: chép sẵn linh vị mới phủ giấy (hoặc vải) đỏ, khi Đàm Tế ở bàn thờ tang xong, thì đốt linh vị cũ cùng với bảng đen phủ quanh khung ảnh và văn tế. Sau đó rước linh vị, bát hương và chân dung (nếu có) đưa lên bàn thờ chính, đặt ở hàng dưới. Trường hợp nhà không có bàn thờ chính thờ gia tiên bậc cao hơn thì không phải làm lễ này mà yết cáo gia thần và yết cáo Tổ ở nhà thờ tổ. 14) Lễ Cải Cát: Lễ Cải Cát là lễ sang Tiểu, sửa mộ, dời mộ. Văn khấn lễ Thiết Linh Nam mô A Đi Đà phật Nam mô A Đi Đà phật Nam mô A Đi Đà Phật – Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư phật mười phương. – Con kính lạy Quan đương xứ Thổ địa chính thần – Con kính lạy đức Thành hoàng bản cảnh – Con kính lạy Thổ Công, Thổ địa, Thổ kỳ bản gia – Con kính lạy Hội đồng gia tiên dòng họ …………. Hôm nay là ngày…… tháng…… năm …………………… Con trai trưởng (hoặc cháu đích tôn) là……… ……………. vâng theo lệnh mẫu thân (nếu là cha) và các chú bác, cùng với anh rể, chị gái và các em trai gái dâu rể con cháu nội ngoại kính lạy. Nay nhân ngày lễ thiết Linh theo nghi lễ cổ truyền Kính dâng lễ mọn biểu lộ lòng thành. Trước linh vị của: Hiển……………. chân linh. Xin kính cấn trình thưa rằng: Than ôi! Gió thổi nhà Thung (nếu khóc cha) hoặc Huyên (nếu khóc mẹ) Mây che núi Hỗ (nếu khóc cha) hoặc núi Dĩ (nếu khóc mẹ.) Dung mạo một mai vắng vẻ, bão xô cây, nghĩ lại ngậm ngùi thay Âm dương đôi ngả xa vời, mây phủ núi, trông càng đau đớn nhẽ! Sương bay chớp nhoáng, bạch vân nghi ngút, cõi phù sinh; Nến đỏ hương thơm, án toạ hắt hiu đồ sự tử. Vài tuần nghi tiết, mong anh hồn thấu khúc tình văn; Tấc dạ bi hoài, trông linh vị, tuôn dòng ai lệ! Ôi! Thương ôi!! Nam mô a di Đà Phật! Nam mô a di Đà Phật! Nam mô a di Đà Phật! Văn khấn lễ Thành Phục Nam mô A Đi Đà Phật Nam mô A Đi Đà Phật Nam mô A Đi Đà Phật – Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư phật mười phương. – Con kính lạy Quan đương xứ Thổ địa chính thần – Con kính lạy đức Thành hoàng bản cảnh – Con kính lạy Thổ Công, Thổ địa, Thổ kỳ bản gia – Con kính lạy Hội đồng gia tiên dòng họ …………. Hôm nay là ngày……. tháng…….. năm ………………… Con trai trưởng (hoặc cháu đích tôn) là. …………………… vâng theo lệnh của mẫu thân (nếu là mẹ hoặc phụ thân)và các chú bác, cùng với anh rể, chị gái và các em trai gái dâu rể, con cháu nội ngoại kính lạy. Nay nhân ngày Lễ Thành Phục theo nghi lễ cổ truyền, Kính dâng lễ mọn biểu lộ lòng thành. Trước linh vị của: Hiển………………….. chân linh Xin kính cẩn trình thưa rằng: Than ôi! Núi Hỗ (nếu khóc cha) hoặc núi Dĩ (nếu khóc mẹ) mây che Chồi Thung (nếu khóc cha) hoặc Huyên (nếu khóc mẹ) gió bẻ. Cõi trăm năm, trời khéo hẹp hòi thay; Cơ một phút, đời sao mau mắn nhẽ ! Sân Lai tử, những mong ngày tháng rộng, Bõ công ơn áo nặng cơm dàyl Đồ Thôi y, đâu đã lạ lùng thay, càng cám cảnh đầu tang tóc chế.. Ôi! Thương ôi! Trời đất làm chi cực thế! Chạnh nhớ cha (hoặc mẹ) điều ăn nết ở, tấm lòng sầu chín khúc, rồi năm canh. Ai xui nên nỗi này! Nỡ để con, rày nhớ mai mong, nước mắt chảy hai hàng, đầy một mẻ. Nay vừa chế phục sẵn rồi; bày đặt tang nghi theo lệ Gậy khăn tuân cứ lối thường; Thành phục kính dâng tiền tế Thương ôi! Nam mô a di đà phật! Nam mô a di đà phật! Nam mô a di đà phật! Văn khấn lễ Chúc Thực Nam mô a di đà phật! Nam mô a di đà phật! Nam mô ai di đà phật! – Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư phật mười phương. – Con kính lạy Quan đương xứ Thổ địa chính thần – Con kính lạy đức Thành hoàng bản cảnh – Con kính lạy Thổ Công, Thổ địa, Thổ kỳ bản gia – Con kính lạy Hội đồng gia tiên dòng họ …………. Hôm nay là ngày…. Tháng…. Năm…… Con trai trưởng (hoặc cháu đích tôn) là……… vâng theo lệnh của mẫu thân (nếu là mẹ hoặc phụ thân)và các chú bác, cùng với anh rể, chị gái và các em trai gái dâu rể, con cháu nội ngoại kính lạy Nay nhân lễ Chúc Thực theo nghi lễ cổ truyền, Kính dâng lễ mọn biểu lộ lòng thành, Trước linh vị của: Hiển… chân linh Xin kính cẩn trình thưa rằng: Thiết nghĩ! Nhân sinh tại thế, Họa mấy người sống tám, chín mươi, Đôi ba mươi năm cũng kể một đời. Song vận số biết làm sao tránh được Nhớ hồn thuở trước: trong buổi xuân xanh Ơn mẹ cha đạo cả sinh thành, đêm ngày dạy dỗ: Đường ăn, nỗi ở, việc cửa việc nhà. Lại lo bề nghi thất, nghi gia Cho sum họp trúc, mai mấy đóa Cương thường đạo cả, lòng những lo hiếu thảo đền ơn Nếp kiệm cần hằng giữ sớm hôm. May nối được gia đường cơ chỉ, Ba lo bảy nghĩ, vất vả trăm bề Cho vẹn toàn đường nọ lối kia, Tuy khó nhọc chưa cam thỏa dạ; Bỗng đâu gió cả, phút bẻ cành mai, Hoa lìa cây, rụng cánh tơi bời. Yến lìa tổ, kêu xuân vò võ. Tưởng hồn trường thọ, dìu con em, khuyên nhủ nên người. Ai ngơ trăng lặn sao dời, hồn đã biến về nơi Tây Trúc Từ nay lấy ai chăm sóc, ngõ cúc, tường đào. Từ nay quạnh bóng ra vào, cỗi Nam, cành Bắc. Ngày chầy sáu khắc, đêm vắng năm canh: Tưởng phất phơ thoáng hiện ngoài mành. Tưởng thấp thoáng bóng hình trên khói Hiên mai bóng rọi, vào ngẩn ra ngơ. Hết đợi thôi chờ, nắng hồng giá lạnh Ai hay số mệnh! Thuốc trường sinh, cầu Vương mẫu chưa trao. Bút Chú tử, trách Nam Tào sớm định. Bùi ngùi cám cảnh, tuôn rơi hàng nước mắt dầm dầm Nhớ nơi ăn, chốn ở, buồng nằm: Như cắt ruột, xét lòng con trên trần thế. Mấy dòng kể lể. Chiêu hồn về than thở nguồn cơn. Cầu anh linh phù hộ cháu con. Cầu Thần Phật độ trì, cho vong hồn siêu thoát… Nam mô a di Đà Phật! Nam mô a di Đà Phật! Nam mô a di Đà Phật! Văn khấn Lễ cáo Long Thần Thổ địa Nam mô a di Đà Phật! Nam mô a di Đà Phật! Nam mô a di Đà Phật! – Con lạy chín phương Trời, mười phương Phật, Chư Phật mười phương. – Con kính lạy Bản cảnh Hậu Thổ Thần chư vị. Tang chủ là: …………………………………………�� �…. Ngụ tại:……………. Hôm nay là ngày … tháng…. Năm, gia đình có táng cố phụ (hay cố mẫu) là họ………… húy hiệu…….. tiền tước là….. thọ chung ngày ….ở khu đất này, kính dâng lễ vật……..lễ nghi các thứ Thiết nghĩ: Đất có dữ lành Đều do họa phúc Kết phát dựa vào âm đức, Cũng nhờ Thần lực hiển linh Ấy thực thường tình Xiết bao cảm cách. Những mong mồ yên mả đẹp. Vậy dâng lễ bạc tâm thành. Nhờ ơn Đại đức Thấu nỗi u tình Khiến cho vong linh. Được yên nơi chín suối. Phù hộ dương trần con cháu nội, ngoại bình yên. Chúng con lễ bạc tâm thành cúi xin được phù hộ độ trì Nam mô a di Đà Phật! Nam mô a di Đà Phật! Nam mô a di Đà Phật! Văn khấn lễ Thành Phần Nam mô a di Đà Phật! Nam mô a di Đà Phật! Nam mô a di Đà Phật! – Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư phật mười phương. – Con kính lạy Quan đương xứ Thổ địa chính thần – Con kính lạy đức Thành hoàng bản cảnh – Con kính lạy Thổ Công, Thổ địa, Thổ kỳ bản gia – Con kính lạy Hội đồng gia tiên dòng họ …………. Hôm nay là ngày…. Tháng ……. Năm …….. Con trai trưởng (hoặc cháu đích tôn) là. …………………… vâng theo lệnh của mẫu thân (nếu là mẹ hoặc phụ thân)và các chú bác, cùng với anh rể, chị gái và các em trai gái dâu rể, con cháu nội ngoại kính lạy. Nay nhân ngày Lễ Thành Phục theo nghi lễ cổ truyền, Kính dâng lễ mọn biểu lộ lòng thành. Trước linh vị của: Hiển………………….. chân linh Xin kính cẩn trình thưa rằng: Than ôi! Mây núi Hỗ mịt mờ, mờ mịt (nếu khóc cha hoặc núi Dĩ nếu khóc mẹ) Chữ vô thường ngán nhẽ cuộc phù sinh; Cơn bể dâu thay đổi, đổi thay Cơ huyền diệu, ghê thay vòng tạo hóa  Ôi! Thương ôi! Người thế ấy, mà sao phận thế ấy, bỗng đâu số trời xui khiến, cõi âm dương, đôi ngả đã xa vời; Vận đến đây, hay là mệnh đến đây, thắm đã nấm đất vun vùi, đường từ hiếu, trăm năm không gặp gỡ Mắt trông thấy, đào sâu lấp kín, tủi nỗi lòng, chín khúc ngổn ngang; Tai vẳng nghe, trống giục, chiêng hồi, đầy nước mắt hai hàng lã chã Nay đã phân kim lập hướng, cầy được thỏa yên; Gọi rằng bát nước nén hương, kính trần bái tạ Hỡi ơi! Xin hưởng! Nam mô a di Đà Phật! Nam mô a di Đà Phật! Nam mô a di Đà Phật! (Nghỉ một lát đọc tiếp hai câu sau) Xuất chủ kính dâng ba chén rượu, xem như còn sống ở cao đường;  Thành Phần xin đốt một tuần hương, kính rước hồi linh về bảo toạ. Hiện nay vấn đề hỏa táng dần dần được người dân chấp nhận thay vì địa táng truyền thống. Có nhiều người thắc mắc, nhiều người vẫn lo ngại không yên tâm …… vậy phải làm thế nào? Chúng ta hiểu rằng ở nhiệt độ 2000 độ thì phần thịt sẽ bị tiêu hủy và ở nhiệt độ lớn hơn ( khoảng 3000 độ) thì xương cốt cũng tan thành tro bụi. Hiện nay có hai lập trường tư tưởng: Trường phái thứ nhất cho rằng con người sinh ra từ cát bụi nay chết rồi lại trở về với cát bụi , nên hỏa táng thịt xương đều ra tro rồi bỏ vào một cái lọ nhỏ gắn xi kín để ở trên chùa hoặc nghĩa trang có bố trí theo quy định. Trường phái thứ hai cho rằng con người sau khi mất quan trọng thể phách ( xương cốt) phải được giữ gìn thì phần hồn mới hưng thịnh mà phù hộ con cháu được mạnh khỏe,……….Cho nên chỉ hỏa táng ở nhiệt độ 2000 độ cho tiêu tan hết phần da thịt, còn lại xương cốt nguyên vẹn thì đưa vào tiểu, quách để đem đi an táng giống như thủ tục cải cát. Đem an táng vào thời điểm hoặc là 35 ngày hoặc là 49 ngày tùy từng trường hợp. Nhưng quan trọng là khi an táng phần xương cốt thân nhân thì gia đình không bày biện lễ vật cúng kiếng ở phần mộ mới. Chỉ thắp nén hương, vái lạy khấn thầm bày tỏ sự tiếc nuối với người đã khuất và mong cho vong hồn sớm được siêu sinh tịnh độ. Muốn cúng lễ rườm rà, dâng tiền vàng quần áo… thì phải đến giỗ đầu mới làm. Về lý thuyết thì hai trường phái này đều đúng, nhất là với trường phái thứ nhất áp dụng cho những người tu tập theo phật đạo. Tuy nhiên trong thực tế thì trường phái thứ hai là hợp tình hợp lý phù hợp luật âm, phù hợp tư tưởng truyền thống của dân tộc. Nếu hỏa táng thành tro tất cả thì phải mất một khoảng thời gian làm phép giúp cho vong hồn được ổn định không còn cảm thấy thần thức bị thiêu đốt. Sau đây là một mẫu bài văn khấn nôm để an táng hài cốt sau khi đã hỏa táng được 35 ngày hoặc 49 ngày để cho mọi người có thể theo đó mà tùy nghi chế biến, áp dụng : Duy! Kính lạy : – Ngài đương cai bản xứ hậu thổ linh kỳ tôn thần – Ngũ phương long mạch thủ mộ sơn thần – Tứ vị thần linh : tả thần Thanh Long, hữu thần Bạch Hổ, tiền thần Chu Tước, hậu thần Huyền Vũ. – Liệt vị thị tòng bộ chúng Hôm nay là ngày … tháng … năm … Chúng con là: 1. 2. 3………. Hiện cư ngụ tại địa chỉ … Cùng toàn thể các cháu chắt nội ngoại, họ hàng gần xa. Kính cẩn thưa rằng : Gia đình chúng con có thân nhân tên là …niên sinh, do tuổi cao sức yếu ( hoặc do lâm bệnh nặng …) đã tạ thế vào …giờ … ngày … tháng … năm … Được hỏa táng tại đài hóa thân hoàn vũ Văn Điển Hà Nội hồi .. giờ ngày … tháng … năm … Nay nhằm ngày … tháng … năm … cát lành, chúng con đưa phần hài cốt của … về an táng tại nghĩa trang …. Chúng con thành tâm biện lễ mọn lòng thành, quả cau lá trầu, hương, hoa, trái cây, bia, rượu, chè, thuốc, xôi thịt, kính dâng trước án, thắp nén tâm hương cúi đầu vái lạy , kính thỉnh chư vị Tôn thần lai lâm chứng giám, chấp kỳ lễ bạc, lời kêu tiếng khấn, tờ đơn cánh sớ , chuẩn phê văn tấu cho toàn thể gia chung chúng con được yên lòng, sở nguyện tòng tâm. Cúi xin Chư vị tôn thần ban ân, phù hộ độ trì cho vong linh …được yên ổn, vui tươi, nhẹ nhàng siêu thoát. Nhờ sự độ trợ đó mà chúng con được dương cơ, âm mộ, mọi chỗ tốt lành, giúp cho người âm người dương đều được hưởng phúc lộc. Toàn thể các thành viên trong gia chung từ nam tới nữ, từ trẻ tới già, nhờ có phúc mộ mà được hưởng mạnh khỏe bình an gặp được nhiều điều may mắn trong cuộc sống, bốn mùa không tật ách, tám tiết hưởng thanh nhàn. Chúng con cúi xin Chư vị tôn thần cho phép được đưa tiễn phần hài cốt của thân nhân chúng con và vong linh nhập nơi mộ phần tại nghĩa trang này, ngày hôm nay vào hồi … giờ … phút và xin được sửa sang, trang trí phần mộ, bồi xa bồi thổ, cho được dầy bền, tu sửa minh đường cho thêm vững chắc. Nhờ ơn Phật, Thánh phù trì, đội đức Trời che Đất chở, cảm niệm Thần Linh phù độ, khiến cho gia chung chúng con được chữ bình an, âm siêu dương thái. Chúng con xin vì chân linh …., phát nguyện làm nhiều việc thiện ích để lấy công đức hồi hướng về Tiên Tổ. Từ nay dẫu xa xôi hai ngả âm dương nhưng tâm trí luôn nhớ nhung bền chặt. Cúi xin vong linh chứng giám, thần thông ba bước về phù hộ độ trì các con các cháu, qua lại soi xét cửa nhà. Che tai cứu nạn, ban tài tiếp lộc, điều lành mang đến, điều dữ xua đi. Độ cho gia đạo hưng long, quế hòe tươi tốt, cháu con vinh hưởng lộc trời, già trẻ nhuần ơn Phật Thánh. Chúng con lễ bạc tâm thành, cúi xin Chư vị tôn thần và vong linh ….chứng minh tâm đức. Cẩn cáo!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *