Tổng quan sơ lược các trường phái Phong Thủy

Tổng quan sơ lược các trường phái Phong Thủy

LỜI BẠT

Thi thoảng lại có bạn muốn tham khảo ý kiến của tôi về những cuốn sách phong thủy nên đọc khi muốn tìm hiểu về phong thủy, có bạn thì cũng đã tìm đọc rồi nhưng thấy dường như có quá nhiều trường phái, phương pháp phong thủy khác nhau, rồi chưa kể đến những điểm không giống nhau thậm chí là bất đồng giữa các phương pháp, trường phái, từ đó tạo ra một mê hồn trận ngay từ đầu với những người muốn nhập môn. Và một thực tế là trên thị trường sách hiện nay kể cả sách in lẫn sách trên mạng cũng có quá nhiều sách viết về phong thủy. Quả thực với một nguời mới khởi lòng tìm hiểu môn này thật khó có thể tìm cho mình những cuốn sách nên đọc trước chứ chưa nói đến nên có cái nhìn như thế nào cho toàn diện, đầy đủ về bộ môn này.
Đó là hệ thống sách vở về phong thủy, còn về đội ngũ thầy phong thủy hiện nay có thể nói là rất đông đảo, dường như đâu đâu cũng quan tâm đến phong thủy hoặc có liên quan đến phong thủy. Bên cạnh đó mỗi một phong thủy gia lại có một sở trường, một phương pháp riêng nên cách tiếp cận cùng một đối tượng, cùng một vấn đề lại có phần khác nhau. Dẫn tới khi người muốn nhờ tư vấn phong thủy lại nhận được rất nhiều luồng thông tin khác nhau, thậm chí trái chiều trên cùng một vấn đề đặt ra…điều đó vô hình tạo ra một sự phức tạp, nếu chưa muốn kể đến là mâu thuẫn giữa chính các nhà phong thủy.
Một thị trường sách phong thủy đa dạng, một môi trường đông đảo các thầy phong thủy, tạo ra cho cả những người muốn tìm hiểu cũng như những người cần sự tư vấn, một không gian phong thủy trước kia vốn đã bí hiểm, nay dường như lại thêm phần rối rắm.
Bản thân tôi không phải là một người giỏi phong thủy, nhưng tôi yêu phong thủy, tôi yêu lý học bởi tính khái quát, tính hệ thống, tính quy luật, tính khách quan và đặc biệt là khả năng tiên tri của nó. Tôi viết bài này không có tham vọng gì nhiều chủ yếu chỉ là giới thiệu với các bạn cách nhìn tổng quát sơ lược về các bộ môn, trường phái phong thủy phổ biến hiện nay. Trên cơ sở đó mọi người có thể có được cái nhìn toàn diện, tổng thể về phong thủy. Đặc biệt hy vọng sẽ có chút ít có ích cho những bạn bước đầu muốn tìm hiểu bộ môn lý học này. Có thể bạn không thích phong thủy lắm, không có nhu cầu tìm hiểu lắm, nhưng biết đâu sau bài viết này bạn lại nhận ra là có một phần hiện thực khách quan đang tác động đến bạn mà giờ bạn đã nhận ra. Trình độ lý học của tôi còn rất nông cạn, các thuật ngữ có thể có nhiều chỗ nhầm lẫn, mong các bạn bỏ qua cho.
1. Phong thủy là gì?
Hiện tại đã có rất nhiều các định nghĩa, khái niệm khác nhau về phong thủy nhưng tựu chung đều cho rằng Phong thủy là một bộ môn khoa học huyền bí nghiên cứu về “gió” và “nước”, nghiên cứu về sự vận chuyển của các dòng khí, mạch khí trên mặt đất, sự tác động nặng lượng của các vì tinh tú trên bầu trời hay sự ảnh hưởng vật thể khác nhau tới ngôi nhà (hoặc ngôi mộ) mà trong đó con người là đối tượng trung tâm. Từ những sự ảnh hưởng đó mà tạo nên những điều tốt đẹp hoặc bất lợi với người sống trong ngôi nhà đó, hoặc dòng họ, cá nhân có liên quan.
Cá nhân tôi hiểu Phong Thủy là một bộ môn nghiên cứu, thực hành ứng dụng sự tương tác của các dòng năng lượng (tự nhiên) đến cuộc sống con người. Sự diến đạt dưới đây đều xoay xung quanh cách hiểu này.
2. Lịch sử phong thủy.
Có thể nói rằng loài người từ cổ xưa, trải qua một quá trình tiến hóa lâu dài, kèm theo đó là tiến trình thay đổi lối sống sinh hoạt từ du canh, du cư đến định canh định cư. Và lúc này loài người bắt đầu chú ý đến nơi ăn, chốn ở sao cho an toàn, thuận lợi, lâu bền trước mắt là có thể tránh được thú dữ, chống lại điều kiện khắc nghiệt của tự nhiên, sau là để chống sự xâm lược từ các bộ tộc khác và các ngoại bang xung quanh. Xuất phát từ những thực tiễn cần thiết đó mà con người đã biết chọn cho mình những vị trí sinh sống phù hợp đó là những vùng đất rộng rãi, bằng phằng, sau có núi bao phủ, trước lại gần sông suối ao hồ. Có lẽ rằng phong thủy cũng đã manh nha hình thành từ ngay thời kỳ này.
Phương pháp ứng dụng của phong thủy đã tồn tại từ rất lâu trong văn minh Đông phương cổ. Những tư liệu và di vật khảo cổ lâu nhất tìm thấy được, mà người ta cho rằng mang dấu ấn của Phong thủy có từ 1500 năm trước Công Nguyên, qua những di vật khảo cổ tìm thấy ở Ân Khư – Thủ đô của nhà Hạ Ân trong lịch sử cổ đại Trung Hoa. Nhưng lý thuyết và phương pháp ứng dụng thực sự lưu truyền quan bản văn chữ Hán thì lại gần 2000 năm sau mới xuất hiện, cuốn sách cổ nhất được ghi nhận của Quách Phác đời Tấn, tựa là “Táng thư”. Từ đó về sau, những phương pháp ứng dụng phong thủy trong xây dựng nhà ở, dinh thự và cả phương pháp chôn cất…tiếp tục xuất hiện và nhiều nhất vào khoảng thời Đương Tống. Những phương pháp này – chủ yếu là dùng trong Dương Trạch – gần như khác nhau và xuất hiện ở những thời điểm khác nhau, nên người ta cho rằng nó thuộc về những trường phái khác nhau. Ngoài những sách vở chính thống thì phong thủy còn được lưu truyền một số phương pháp có tính bí truyền và chỉ truyền miệng trong dân gian, qua các giang hồ thuật sĩ. (Nguyễn Vũ Tuấn Anh- Lịch sử phong Thủy Lạc Việt).
3. Các trường phái phong Thủy.
Thực ra phong thủy không hẳn phức tạp như mọi người nghĩ, chủ yếu là tùy theo cách tiếp cận các tác nhân tác động khác nhau mà tạo ra các phương pháp, cách thức nhìn nhận về sự tương tác của các dòng năng lượng tới ngôi nhà, ngôi mộ hay con người có sự dị biệt. Nói một cách đơn giản, cùng một đối tượng là ngôi nhà nhưng cách nhìn nhận của một bác thợ nề, thợ mộc, thợ sơn, thợ sắt, thợ điện nước…đều có những sự khác nhau. Bác thợ nề tiếp cận ngôi nhà bằng việc xây tường, trát vách; bác thợ mộc thì lại chú tâm vào việc cửa đảng, đồ gỗ nội thất, bác thợ sơn thì lại chú trọng vào màu sắc, chất liệu…nhưng nói chung mọi người đều muốn làm sao để có được ngôi nhà đẹp nhất. Các trường phái phong thủy cũng vậy, nếu cách tiếp cận bắt đầu từ vị trí của ngôi nhà với hình thể, vị trí của các đối tượng xung quanh, đương nhiên sẽ khác với cách tiếp cận với việc coi các dòng tương tác của năng lượng trái đất làm chính, đương nhiên cũng khác với việc tiếp cận các dòng tương tác bắt đầu từ các vì tinh tú…Tuy các phương pháp tiếp cận là khác nhau nhưng tựu chung là đều muốn tạo cho, duy trì một trường năng lượng tốt trong ngôi nhà, để từ đó có những tác động tốt tới những thành viên trong ngôi nhà đó.
Như đã nói do những cách tiếp cận những dòng năng lượng tương tác khác nhau mà sinh ra những trường phái phong thủy khác nhau, đó là chưa kể đến những đặc điểm mang tính đặc thù cá nhân (các phong thủy gia) gia giảm cho những phương pháp đó. Phong thủy phổ biến hiện nay có thể được chia ra làm 5 trường phái chính, ngoài ra còn có rất nhiều trường phái khác có lý thuyết hoặc tính ứng dụng tương tự 5 trường phái này và ranh giới phân chia là không rõ ràng. Dưới đây tôi sẽ giới thiệu sơ lược về 5 trường phái phong thủy chính (phổ biến), các trường phái này thâu tóm hầu hết các cơ sở lý luận về phong thủy hay được sử dụng vào thời điểm hiện tại. Điều này hy vọng sẽ có ích với những bạn muốn tìm hiểu phong thủy khi mà có được cái nhìn tổng thể về các bộ môn và định hướng cho mình sẽ bắt đầu từ mảng nào của Phong thủy…

A. Trường phái Loan Đầu
Trường phái Loan Đầu hay còn có tên gọi khác là trường phái Hình Thể. Đây là phương pháp phong thủy xem xét sự ảnh hưởng giữa vị trí, hình thể, bố trí cấu trúc của cảnh quan xung quanh với ngôi nhà (mộ, khu đất, vùng đất…) mà bản chất là xem xét sự tương tác của các dòng năng lượng được phát ra hay dẫn tới từ cấu trúc hình thể, cảnh quan xung quanh tới năng lượng ngôi nhà.
Trường phái Loan đầu chú trọng vào việc phân tích hình khí của các dãy núi, con sông, con đường, kiến trúc, cảnh quan…ảnh hưởng tới ngôi nhà (hay cuộc đất). Việc chú trọng đó đặc biệt nhấn mạnh ở yếu tố bố cục, hình thù, vị trí tương quan… của các đối tượng. Mà phần nào coi nhẹ vấn đề phương vị, tọa độ của chúng. Bên cạnh đó, việc phân tích hình khí chủ yếu xem xét tới việc dẫn khí, tụ khí, tạo năng lượng tốt của các đối tượng, cũng như những ảnh hưởng xấu, tính xung sát của các hình thể. Việc phân tích hình khí này thường mang tính mô hình biểu kiến cao.
Trường phái này cũng cho rằng khí của địa cầu phát sinh ở dãy Hymalaya (và các tổ sơn khác) rồi chạy theo các mạch núi phân bổ ra khắp địa cầu. Bởi thế việc tìm mạch khí, tìm nơi tụ khí- kết huyệt để xây nhà, cất mộ là một vấn đề đặc biệt đối với các nhà phong thủy Loan. Các kỹ thuật như Tầm long tróc mạch, Điểm huyệt, Sơn thủy pháp, Huyền vũ pháp, Chu tước pháp…được sử dụng cốt để tìm ra được một vùng đất, cuộc đất tốt nhất.
Mọi người đều biết, mọi vật đều mang trong mình những năng lượng đặc trưng, và năng lượng này có khả năng tương tác xấu hoặc tốt tới những vật khác, trong đó có ngôi nhà và con người. Đồng thời những đặc trưng năng lượng ấy có mối liên hệ khá mật thiết tới hình dáng cũng như sự sắp đặt của chúng, theo nguyên tắc “Hình nào khí ấy”. Bởi vậy trường phái Loan Đầu nhấn mạnh ở yếu tố bố cục, hình thù, vị trí tương quan của cảnh vật…chính là nhấn mạnh tới đặc trưng năng lượng của chúng. Để từ đó tìm cách ứng dụng được các dòng năng lượng tốt và loại bỏ các dòng năng lượng xấu cho ngôi nhà.
Có thể nói rằng, theo trường phái Loan Đầu sự tốt xấu của ngôi nhà (mộ), phụ thuộc phần lớn vào năng lượng nơi xây nhà, cất mộ có tốt hay không. Và năng lượng ấy được quy định (hoặc được thể hiện) qua cấu trúc hình thể, bố cục, cấu tạo của cảnh quanh xung quanh ngôi nhà. Nghĩa là sự tác động năng lượng của cảnh quanh xung quanh với năng lượng của ngôi nhà đã tạo nên họa phúc cho ngôi nhà đó.


Hình 1: Địa thế khu vực cố đô Huế.

B. Trường phái Bát Trạch
Trường phái Bát trạch là một phương pháp phong thủy xem xét sự ảnh hưởng của phương hướng ngôi nhà với năng lượng của chính nó, trong mối tương quan với năng lượng của chủ nhà (quái mệnh). Bản chất quá trình tương tác năng lượng ở đây có lẽ chính là tương tác của năng lượng phương hướng hay năng lượng địa từ trường trái đất với năng lượng của ngôi nhà thông qua người chủ ngôi nhà.
Trong trường phái này, năm sinh của chủ nhà được đặt ra làm yếu tố trung tâm để xem xét sự tương tác. Ở đó năm sinh gia chủ được phối hợp với Bát quái để tìm ra năng lượng đặc trưng của người đó (quái mệnh). Từ đây năng lượng này phối hợp với 8 hướng để định cát hung cho căn nhà.
Theo phái này, mệnh chủ nhà được chia ra làm hai loại: Đông mệnh gồm có Khảm, Ly Chấn, Tốn và Tây mệnh gồm: Càn, Khôn, Cấn, Đoài.
Từ quái mệnh của chủ nhà, sử dụng cách tính Đại du niên để tìm hướng tốt xấu cho ngôi nhà. Theo đó mỗi tuổi (mệnh) có 4 hướng tốt là Sinh Khí, Thiên Y, Diên Niên, Phục Vị; 4 hướng xấu là Tuyệt Mệnh, Ngũ Quỷ, Lục Sát và Họa Hại.


Hình 2: Bảng phân hướng tốt xấu theo quái mệnh.

Để đơn giản thì cũng có thể chia nhà ra làm hai loại: Nhà Đông trạch- tức hướng nhà ở 4 cung Khảm, Ly Chấn, Tốn và nhà Tây trạch- hướng nhà ở 4 cung Càn, Khôn, Cấn, Đoài. Theo đó về cơ bản nếu người Đông mệnh ở nhà Đông trạch được coi là tốt, người Tây mệnh ở nhà Tây trạch được coi là tốt. Như vậy có thể thấy rằng trường phái này phân định tốt xấu chủ yếu bằng cách xem xét sự phù hợp của bản mệnh chủ nhà với hướng của ngôi nhà. Nói cách khác tức là xem xét tương tác năng lượng của 8 hướng trên trái đất đối với tính chất năng lượng của chủ nhà. Ngoài ra phái Bát Trạch còn coi trọng vị trí đặt bếp lên tổng thể tốt xấu của ngôi nhà. Bếp thường được đặt ở các phương vị xấu của ngôi nhà, còn miệng bếp quay về hướng tốt.
Xét tính ổn định của dòng năng lượng phương hướng thì luôn có 2 nhóm hướng cố định tác động tới ngôi nhà: nhóm hướng Nam, Đông Nam, Đông và Bắc; nhóm hướng Tây Nam, Tây, Tây Bắc và Đông Bắc. 


Hình 3: Phân hướng tốt xấu cho người Đông mệnh và Tây mệnh.

Hai nhóm hướng này luôn cố định, không thay đổi, không phân định tốt xấu cho tất cả các kiểu nhà. Sự phân định tốt xấu cho hai nhóm hướng này chỉ xét đến khi có mặt của người chủ căn nhà. Tức là khi có sự tương tác năng lượng của các hướng với chủ nhà. Nói theo cách khác, tính chất năng lượng của các hướng là tồn tại độc lập, khách quan, không thay đổi trong hệ qui chiếu ban đầu (chưa có chủ nhà). Tuy nhiên vì mỗi người đến ở mang loại năng lượng khác nhau nên tương tác với các dòng năng lượng phương hướng này mà phân định ra cát hung.
Có thể nói rằng, sự tốt xấu của ngôi nhà, theo trường phái Bát Trạch phụ thuộc chủ yếu vào bản mệnh của gia chủ có phù hợp với hướng nhà hay không. Tức là tương tác năng lượng của phương hướng địa cầu với năng lượng của chủ nhà đã tạo nên họa phúc cho ngôi nhà đó.
C. Trường phái Dương Trạch Tam Yếu
Là phương pháp phong thủy xem xét sự ảnh hưởng của cấu trúc không gian bên trong của ngôi nhà với năng lượng của chính nó. Mà bản chất tác động ở đây có lẽ là tương tác năng lượng của từng bộ phận cấu thành ngôi nhà lên năng lượng tổng thể ngôi nhà đó.
Trường phái này đánh giá cát hung của một ngôi nhà chủ yếu qua mối quan hệ về vị trí của 3 đối tượng là: cửa chính, phòng chính và bếp (với nhà 1 ngăn) hoặc cửa chính, sơn chủ- lưng nhà và bếp (đối với nhà nhiều ngăn). Ngoài ra còn xem xét thêm các yếu tố về vị trí khác như, cửa phòng, cửa bếp, hướng bếp…
Theo đó với ngôi nhà có 1 ngăn, nếu 3 đối tượng: cửa chính, phòng chính và bếp đều nằm trong vòng 4 cung là Khảm Ly Chấn Tốn (Đông cung)- nhà Đông trạch dùng bếp Đông trù; hoặc cùng nằm trong 4 cung Càn Khôn Cấn Đoài ( Tây cung)- nhà Tây trạch dùng bếp Tây trù, thì được coi là tốt nhất.
Tương tự như vậy, với ngôi nhà có nhiều ngăn, nếu 3 đối tượng: cửa chính, lưng nhà và bếp đều nằm trong vòng 4 cung là Khảm Ly Chấn Tốn (Đông cung) hoặc cùng nằm trong 4 cung Càn Khôn Cấn Đoài (Tây cung) thì được coi là tốt nhất. Ngoài ra với nhà nhiều ngăn còn sử dụng kỹ thuật phiên tinh để tìm ra những vị trí phòng tốt nhất cải tạo hay xây dựng phòng này thành phòng to và rộng nhất nhằm tăng uy lực tốt đẹp, hoặc chấn áp được sự suy bại.
Về cơ bản phái này không coi trọng mệnh của chủ nhà như phái Bát Trạch. Tuy nhiên cũng có nhắc tới nếu người Đông mệnh mà ở nhà Đông Trạch… thì tốt thêm nếu không chỉ giảm tốt chứ không xấu đi.


Hình 4: Cấu trúc không gian ngôi nhà-nội dung chủ yếu của trường phái Dương Trạch Tam Yếu.

Trong trường phái Dương Trạch Tam Yếu mỗi phần cấu thành lên ngôi nhà được coi như một vật thể sống, chúng bị ảnh hưởng bởi năng lượng phương hướng và rồi lại tương tác năng lượng qua lại lẫn nhau. Nếu sự tương tác này là đồng bộ, cùng dạng thì đem đến một môi trường năng lượng tốt cho ngôi nhà. Còn không thì gây ra những xáo trộn trường năng lượng của ngôi nhà, tạo ảnh hưởng xấu tới người ở trong căn nhà đó.
Như vậy có thể thấy rằng, sự tốt xấu của ngôi nhà, theo trường phái Dương Trạch Tam Yếu phụ thuộc phần lớn vào việc bố trí các bộ phận chính của ngôi nhà có phù hợp với nhau hay không. Tức là tương tác năng lượng của chính cấu trúc không gian bên trong ngôi nhà đã tạo ra họa phúc cho ngôi nhà đó…

D. Trường phái Huyền Không Phi Tinh.
Là phương pháp phong thủy xem xét sự ảnh hưởng của các dòng năng lượng đến từ vũ trụ đến năng lượng của ngôi nhà. Bản chất tác động ở đây có lẽ chính là tương tác của năng lượng vũ trụ trong đó có các hành tinh trong thái dương hệ, đến năng lượng của ngôi nhà vào thời điểm nhập trạch của ngôi nhà đó.
Trong trường phái Huyền Không sử dụng 9 ngôi sao (cửu tinh) hay 9 con số và đường di chuyển của chúng trên quỹ đạo mang tên Lượng Thiên Xích, để bố trí thành tinh bàn của một ngôi nhà từ đó luận cát hung cho ngôi nhà, trong mối tương quan với cảnh quan bên trong và bên ngoài ngôi nhà.
Hai đối tượng chính được sử dụng trong trường phái này chính là Cửu tinh (9 ngôi sao hay 9 con số) và quỹ đạo di chuyển của cửu tinh mang tên Lượng Thiên Xích.
Cửu tinh gồm có:
Số 1 còn được gọi là sao Nhất Bạch hoặc Tham Lang; Số 2 còn được gọi là sao Nhị Hắc hoặc Cự Môn; Số 3 còn được gọi là sao Tam Bích hay Lộc Tồn; Số 4 còn được gọi là sao Tứ Lục hoặc Văn Xương; Số 5 còn được gọi là sao Ngũ Hoàng; Số 6: còn được gọi là sao Lục Bạch hay Vũ Khúc; Số 7 còn được gọi là sao Thất Xích hoặc Phá Quân; Số 8 còn được gọi là sao Bát Bạch hoặc Tả Phù; Số 9 còn gọi là sao Cửu Tử hoặc Hữu Bật.
Lượng Thiên Xích:
Còn được gọi là “Cửu tinh đãng quái” là thứ tự di chuyển của Cửu tinh trong Hậu thiên Bát quái. Gọi là Lượng thiên xích vì đây được coi như là 1 công cụ (Xích: cây thước) để đo lường (lượng) thiên vận (thiên). Nói cách khác “Lượng thiên Xích” chính là phương pháp tính toán để tìm thấy những giai đoạn cát, hung, họa phúc cho dương trạch và âm trạch.
Còn sự di chuyển của Cửu tinh theo vòng Lượng thiên xích là dựa theo thứ tự số trong Hậu thiên Bát quái, bắt đầu tăng từ số 5 đến 6, 7…trở về 5. Đây gọi là di chuyển theo vòng thuận. Còn vòng nghịch là giảm từ 5 xuống 4, 3…rồi trở về 5.


Hình: Hậu thiên bát quái phối độ số phương hướng.

Trên hai cơ sở chính này, đồng thời thêm vào hướng, tọa của ngôi nhà và thời điểm nhập trạch người ta lập ra được một tinh bàn hay trạch vận cho ngôi nhà đó: 

Link ảnh: Tinh bàn nhà nhập trạch trong vận 8 hướng Nam tọa Bắchttp://i1198.photobucket.com/albums/…f9ec2d6179.jpg

Trên cơ sở tinh bàn và đương vận, phong thủy gia sẽ tìm ra những khu vực vượng, sinh, suy, tử khí của ngôi nhà. Kết hợp với yếu tố cảnh quan bên trong và bên ngoài ngôi nhà để định ra những cấu trúc phù hợp hoặc luận giải cát hung cho ngôi nhà hoặc đưa ra những cải tạo bổ sung cho ngôi nhà…
Có thể thấy rằng theo trường phái Huyền Không Phi Tinh, sự tốt xấu của ngôi nhà phụ thuộc vào các yếu tố chính là: thời điểm nhập trạch hướng nhà, tọa nhà, sự thay đổi thời gian qua các vận, ngoài ra còn có đề cao sự phù hợp của cảnh quan bên trong, bên ngoài ngôi nhà với sự suy vượng của Cửu tinh. Với sự tham gia của yếu tố thời gian, ngôi nhà trong Huyền không phi tinh được gắn cho mình một hình ảnh động, sự tốt xấu của ngôi nhà không phải là cố định mà thay đổi theo từng vận, từng thời khắc. Điều này khác hẳn với ngôi nhà dưới con mắt của trường phái Loan Đầu, Bát Trạch hay Dương Trạch tam yếu- nơi ngôi nhà luôn định hình cho mình sự tốt xấu tương đối ổn định. Điều này hoàn toàn phù hợp với sự thay đổi tương tác của các dòng năng lượng trong vũ trụ- luôn mang trong mình sự luân chuyển theo thời gian.E. Trường phái phong thủy Trấn yểm và Tâm linh.
Là phương pháp phong thủy sử dụng các biện pháp, kỹ thuật, dụng cụ có khả năng tác động năng lượng trực tiếp tới ngôi nhà hoặc con người sinh sống trong ngôi nhà đó. Các biện pháp, kỹ thuật, dụng cụ được sử dụng có thể ở dạng hữu hình (giác quan thông thường có thể nhận biết được) hoặc ở dạng vô hình (với giác quan thông thường). Bản chất tương tác năng lượng ở đây chính là sự tác động trực tiếp của các dòng năng lượng được tạo ra bởi các biện pháp, kỹ thuật, dụng cụ trấn yểm hoặc từ chính khả năng, quyền năng của Thầy phong thủy đối với ngôi nhà hoặc con người trong ngôi nhà.
Để duy trì hoặc tạo ra một môi trường tác động năng lượng lên ngôi nhà hoặc một bộ phần cục bộ của ngôi nhà, các phong thủy gia có thể sử dụng một hoặc nhiều biện pháp trấn yểm khác nhau. Trong đó một số kỹ thuật thường được sử dụng như:
Trấn: là kỹ thuật nhằm duy trì trường năng lượng tốt trong một khu vực với phạm vi tác động trên diện rộng.
Án: là kỹ thuật nhằm duy trì trường năng lượng tốt trong một khu vực với pham vi tác động trên diện hẹp hơn..
Yểm: là kỹ thuật để tránh sự xâm nhập của khí xấu, năng lượng xấu vào một khu vực.
Ngoài ra còn một kỹ thuật được sử dụng trong trấn yểm gọi là thu khí: có tác dụng thu hút những năng lượng ở xung quanh về khu vực định trước.
Có thể hiểu: Trấn yểm là một chuỗi các kỹ thuật có mục đích khác nhau nhằm tác động trực tiếp đến trường năng lượng (khí) của một ngôi nhà hoặc khu vực.
Thông thường khi thực hiện được các kỹ thuật này cần phải có các dụng cụ hoặc đồ vật để: phát ra trường năng lượng mạnh bao trùm khu vực cần trấn yểm, hoặc tạo ra rào cản năng lượng ngăn cách khu vực trấn yểm với xung quanh, hoặc có khả năng định dạng năng lượng (tạo năng lượng có tính chất đặc thù), hoặc định hướng năng lượng ở một khu vực…
Những vật đó gọi chung là nguồn phát (nguồn thu), hoặc pháp khí phong thủy. Nguồn phát (thu) có thể là bùa (phù), các vật có mức năng lượng cao như: các loại đá thạch anh…, và các dụng cụ phong thủy khác. Ngoài ra để tăng cường thêm cường độ, thời gian cũng như không gian tác động năng lượng, trong kỹ thuật trấn yếm, các phong thủy sư có thể lập trận, bày trận trên khu vực cần trấn yểm.
Trong phong thủy Trấn yểm và Tâm linh, thì phần phong thủy Tâm linh có thể nói là một trong những phần huyền bí bậc nhất của phong thủy, ngoài khả năng dùng các biện pháp tác động trực tiếp tới trường khí của khu vực, người thầy phong thủy còn có khả năng giải quyết được các vấn đề thuộc thế giới vô hình (vong, cốt, các hình thái tạo năng lượng xấu…) đang tác động tới con người hoặc khu đất. Khả năng đó phụ thuộc chủ yếu vào công năng, quyền năng của phong thủy sư.

Hình: Hòn non bộ- có thể coi là một vật dụng trong trấn yểm phong thủy
LỜI KẾT

Đến giờ vẫn còn rất nhiều những quy luật khách quan tồn tại ngoài sự hiểu biết của chúng ta. Còn rất nhiều những hình thái tương tác tác nằm ngoài khả năng cảm nhận của con người. Nhưng bằng một các nào đó, bằng một con đường nào đó, mà những quy luật, những hình thái tương tác vẫn đã, đang và sẽ thể hiện sự tồn tại của chúng, trong đó có phong thủy. Rất có thể vào thời điểm khởi nguyên, Phong thủy được sinh ra từ một hệ thống lý luận thống nhất, hoàn chỉnh. Qua thời gian, giờ đây nó chỉ còn lại những mảnh vụn chắp vá rời rạc, thể hiện là những trường phái Phong thủy- tuy nhiều nhưng thiếu sự thống nhất như hiện nay.
Sự nhìn nhận phong thủy dưới góc độ là sự tương tác của các dòng năng lượng tới ngôi nhà, khu đất, cho mọi người cái nhìn tổng quan hơn về bản chất các trường phái phong thủy. Để rồi từ đó có thể hiểu rằng Phong thủy không phải chỉ là xem xét cảnh quan xung quanh, phương hướng, bố trí phòng ốc, thời vận, trấn yểm của ngôi nhà…mà là tổng hòa của tất cả các yếu tố đó. Tựu chung đó chính là sự tổng hòa các tương tác của những dòng năng lượng vốn hiện hữu xung quanh chúng ta. Chung quy, có thể nói, xem xét Phong thủy của một đối tượng chính là xem xét mức năng lượng hay trường khí của đối tượng đó và sự ảnh hưởng của chúng tới con người trong mối quan hệ hữu cơ con người và tự nhiên…
Có nắm bắt được những quy luật thì con người mới có thể vận dụng, cải tạo làm cho cuộc sống của mình ngày càng hoàn thiện, ngày càng tốt lên. Đó không chỉ là mong ước của…mà còn là mong ước của…


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *