Bàn về giờ quan sát trong Tử Vi

Bàn về giờ quan sát trong Tử Vi

Giới Tử Vi, khi coi số thường có 1 bước kiểm định giờ sinh, đây là bước quan trọng khởi đầu khi luận một lá số. Nhất là khi xem số tiểu nhi, việc xác định các giờ kị sinh như: giờ Kim Xà Thiết Tỏa, giờ Quan Sát, giờ Tướng Quân, giờ Dạ Đề, giờ Diêm Vương.

Hài nhi sinh vào giờ Quan Sát thường CÓ THỂ bướng bỉnh, hay bị bệnh (thường thấy nhất là bị bệnh gan), dễ mắc phải các tai nạn (thường thấy là bị thương tật hoặc có dị tật bẩm sinh), nặng nhất là yểu tử (nhưng cực kỳ hiếm có, đôi khi có sự trùng lặp với các cách xấu ở lá số nên giờ Quan Sát cũng bị vạ lây, bị mang tiếng)… Tôi nhấn mạnh chữ “có thể” là bởi vì kinh nghiệm cho thấy, có nhiều trẻ sinh phạm giờ quan sát mà vẫn khỏe mạnh, ngoan ngoãn và chẳng yểu gì cả. 

Cách hóa giải giờ Quan Sát thường thấy và đặc trưng nhất là gia đình bán khoán con cho nhà chùa là xong.

Nay chúng ta tìm hiểu kỹ hơn về Giờ Quan Sát.


* Về thuật ngữ “Quan Sát”:
Đây là tên gọi tạm được coi là bắt nguồn từ khoa mệnh lý Tứ Trụ (Tử Bình). Xưa, khoa này được chia thành ba phái chính là Ngũ Hành Bát Tự, Nạp Âm Bát Tự và Thần Sát Bát Tự, trong đó thì phe Thần Sát Bát Tự chuyên dùng Thần Sát và Quan Sát để luận đoán mệnh. 
Trong đó, Quan Sát được chia thành 3 loại chính là Nguyệt Chi Quan Sát, Nhật Can Quan Sát và Nhật Chi Quan Sát. Trong đó thì mỗi loại lại chia thành nhiều Quan Sát khác nhau như:
– Nguyệt Chi Quan Sát (lấy chi của tháng sinh mà tìm Quan Sát) có Trực Nan Quan Sát, Thủy Hỏa Quan Sát, Thâm Thủy Quan sát, Tứ Trụ Quan sát, Tướng Quân Quan Sát, Dục Bồn Quan Sát, Đoạn Trường Quan Sát, Diêm Vương Quan Sát, Vô Tình Quan sát, Tứ Quý Quan Sát, Kim Tỏa Quan Sát.

– Nhật Can Quan Sát (lấy can của ngày sinh mà tìm Quan Sát): Lạc Tỉnh Quan Sát, Kê Phi Quan Sát, Thủ Mệnh Quan sát, Lôi Công Quan Sát, Đoạn Kiều Quan Sát, Thiên Nhật Quan Sát, Cấp Cước Quan Sát, Thiết Xà Quan Sát, Bạch Hổ Quan Sát.

– Nhật Chi Quan Sát (lấy chi ngày sinh mà tìm Quan Sát): Quỷ Môn Quan Sát, Ngũ Quỷ Quan Sát, Thiên Cẩu Quan Sát, Thiên Điếu Quan Sát, Đoản Mệnh Quan Sát, Hòa Thượng Quan Sát, Thủy Hỏa Quan Sát, Dạ Đề Quan Sát.

Sau lưu hành trong dân gian và sang tới khoa Tử Vi Đẩu Số, chỉ thấy dùng thuật ngữ “giờ Quan Sát” và có ứng dụng không lớn trong phép luận đoán mệnh.

* Cách xác định giờ Quan Sát trong khoa Tử Vi:

I. Cách tính thứ nhất:
Trong các sách được coi là sách gối đầu giường của giới Tử Vi là quyển Tử Vi Đẩu Số Tân Biên của Vân Đằng Thái Thứ Lang và cuốn Tử Vi Ảo Bí của Việt Viêm Tử, thì giờ Quan Sát được tính như sau:
Tháng 1 đẻ giờ Tị
Tháng 2 … Ngọ
Tháng 3 … Mùi
Tháng 4 … Thân
Tháng 5 … Dậu
Tháng 6 … Tuất
Tháng 7 … Hợi
Tháng 8 … Tý
Tháng 9 … Sửu
Tháng 10 … Dần
Tháng 11 … Mão
Tháng 12 … Thìn

Các sách khác có cùng cách tính như trên là:
– Tử Vi Nghiệm Lý của Thiên Lương, 
– Tử Vi Chính Biện của Dịch Lý Huyền Cơ, 

II. Cách tính thứ hai:
Theo bài phú:
Chính Thất, sơ sinh Tị Hợi thì
Nhị Bát, Thìn Tuất bất thậm nghi
Tam Cửu, Mão Dậu đinh thượng vị
Tứ Thập, Dần Thân kỷ định kỳ
Ngũ đồng Thập Nhất, Sửu Mùi thượng
Lục đồng Thập Nhị Tý Ngọ chi.

Tháng 1 đẻ giờ Tị
Tháng 2 … Thìn
Tháng 3 … Mão
Tháng 4 … Dần
Tháng 5 … Sửu
Tháng 6 … Tý
Tháng 7 … Hợi
Tháng 8 … Tuất
Tháng 9 … Dậu
Tháng 10 … Thân
Tháng 11 … Mùi
Tháng 12 … Ngọ

Các sách có cùng cách tính này là:
– Nguyên Lý Thời Sinh Học Cổ Phương Đông của GS. Lương Y Lê Văn Sửu, 
– Dịch Học Tạp Dụng của Nguyễn Mạnh Linh, 
– Tử Vi Lập Thành Phụ Đoán của Nguyễn Phúc Ấm
– Tự Điển Tử Vi của Đắc Lộc
– Tự Điển Tử Vi Đẩu Số & Thần Số Học của Lê Quang Tiềm

III. Cách tính thứ ba:
Sách Thông Thư còn đề cập đến 1 dị bản với cách tính giờ quan sát gần giống với cách tính thứ 2 này, với tiêu đề:

Giờ Quan Sát kị tiểu nhi xuất thế”

Chính thất sơ sinh Tỵ Hợi thời
Nhị bát Thìn Tuất diệc nan y
Tam cửu Mão Dậu sinh vô dưỡng
Tứ thập Dần thân số định kỳ
Ngũ thập nhất nguyệt Tý Ngọ suy
Lục thập nhị Sửu Mùi kim xà.

Theo đó, câu đầu tiên là nói đến tháng giêng thì giờ Tị là Quan Sát, còn tháng bảy thì giờ Hợi là Quan Sát,… Nhưng khác biệt lại nằm ở 2 câu cuối, tháng năm thì giờ Tý là Quan Sát, tháng Một (11) thì Ngọ là Quan Sát. Đặc biệt câu kết nói, tháng sáu thì giờ Sửu là Kim Xà, tháng Chạp thì giờ Mùi là Kim Xà, thì thật là khó hiểu trong khi đang thuộc phép định giờ Quan Sát. Phối kiểm lại với các cách tính giờ khác cũng thấy sai khác, chẳng có quy luật và cơ sở để giải thích. Bởi vậy mà tôi cho rằng phép định giờ này trong sách Thông Thư là dị bản, do tam sao mà thất bản, không nên tin cậy phép tính này

IV. Cách tính thứ tư:
Gần đây lại thấy xuất hiện cách định giờ Quan Sát với 21 loại khác nhau, chia thành:

1- Giờ Diêm-vương Quan-sát 
Phàm trẻ nít sinh vào các Tháng : Bảy, Tám, Chín, Mười và Chạp mà nhằm các giờ Tí, Ngọ, Dần, Mão, thì phạm Diêm-Vương quan-sát, có thể khó nuôi
Tuy nhiên, nếu gặp ngày có Thiên-Đức, Nguyệt-Đức thì được giải trừ, không phải lo.
2- Thiên-điếu Quan-sát
“Thiên-điếu” có nghĩa là bị trời “treo lên tòn teng”, khó nuôi. Phàm hài nhi sinh vào các năm Dần, Ngọ, Tuất, nhằm giờ Thìn, thì phạm quan-sát này, chủ về sự phiền não, bất an, cặp mắt trân trân trố trố …
3- Tứ-quý Quan-sát
Sinh các Tháng: Giêng, Hai, Ba, nhằm giờ Nhâm-Thìn, thì phạm giờ, phải kiêng cữ một năm, không được ra khỏi cửa.
4- Hòa-thượng Quan-sát
Sinh các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu lại nhằm các giờ Thìn, Tuất, Sửu, Mùi thì phạm giờ quan-sát này. Tử nhỏ đến già, kiêng cữ vào chùa chiền, gặp gỡ tăng ni.

5- Kim-tỏa Quan-sát
Sinh vào các: Tháng Giêng, Hai nhằm giờ Mão, giờ Thân, phạm giờ quan-sát, thì phải cữ, đừng mang đồ sắt thép, đừng đeo vàng bạc trên người.
6- Lạc-tinh Quan-sát 
Hài nhi sinh vào các giờ: Mão, Tị, Ngọ, Thân, Tuất, phạm Quan-sát này nên tránh những nơi giếng sâu, hồ thẩm, sông rộng …
7- Thâm-Thủy Quan-sát
Sinh các tháng : Giêng, Hai, Ba nhằm giờ Dần, Thân, phạm giờ quan-sát này nên phải coi chừng bệnh họan, đặc biệt là đậu mùa và nạn té xuống sông nước.
8- Ngũ-quỉ Quan-sát
Hài nhi sinh các năm : Nhâm-Tý, Canh Tý, Bính Tý, Mậu Dần nhằm giờ Dần, phạm quan-sát này, phải tránh né, đừng đi vào chùa đình, miếu …
9- Bách-nhật Quan-sát
Sinh tháng Giêng, nhằm giờ Dần, Tỵ phạm giờ quan-sát này, phải được giữ ở trong nhà , trong vòng một trăm ngày, đừng cho ra khỏi cửa vội.
10- Thang-hỏa Quan-sát
Sinh các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu nhằm giờ Ngọ , phạm giờ quan sát này, phải đề phòng bệnh tật ở bộ máy sinh dục và nước sôi lửa bỏng.
11- Dục-bồn Quan-sát
Sinh ba tháng đầu năm : Giêng, Hai, Ba nhằm giờ Thân, phạm giờ quan-sát này thì (ngòai lần tắm đầu tiên lúc lọt lòng) phải kiêng cữ lâu lâu, rồi hãy tắm nữa.
12- Tứ-trụ Quan-sát
Sinh các năm Tỵ , Hợi các tháng Giêng, Hai , nhằm các giờ Thìn, Tỵ phạm giờ này, không nên ngồi ờ lan can cao, hoặc trên ghế cao, sợ té rớt nguy hiểm.
13- Lôi-công Quan-sát
Sinh vào giờ Dần, Ngọ, Thân, Dậu, Thìn, Mùi, Hợi đều phạm Quan-sát này. Trẻ nhỏ phải tránh nghe tiếng chuông trống inh tai, sấm sét dữ dội, cũng tránh nghe tiếng kêu thét, la lối.
14- Đoản-mạng Quan-sát
Hài nhi sinh vào các năm Tí, Thìn nhằm giờ Tỵ , thì phạm giờ Đoản-mạng thường hay giật mình, lên kinh, hoặc khóc suốt đêm không dứt, gọi là “Dạ đề”
15- Đọan-kiều Quan-sát
Sinh vào hai tháng Giêng, Hai nhằm hai giờ Dần, Mão thì phạm giờ này. Mỗi khi đi qua cầu, chớ soi bóng nhìn xuống nước hoặc cúi vóc nước rửa tay .
16- Thiên-nhật Quan-sát
Sinh vào Năm Ngọ, nhằm các giờ Dần, Thân, Tỵ, Hợi thì phạm giờ này, phải coi chừng cho đến khi qúa ba tuổi (hơn 1.000 ngày) sao cho khỏi bị nạn té rớt từ cao xuống thấp.
17- Tướng-quân Quan-sát
Hài nhi sinh các năm Thìn, Dậu, Tuất mà nhằm giờ Mùi thì phạm giờ “ Tướng-quân quan-sát” phải kiêng cữ, đừng nhìn cung tên hay súng đạn tròng vòng hai năm. Và về sau lớn lên, cũng cần đề phòng tên bay, đạn lạc nữa. 
18- Dạ-đề Quan-sát
Phàm hài nhi sinh vào các giờ Tí, Ngọ, Sửu, Mùi thì phạm giờ “ Dạ-đề Quan-sát “ thường gào thét khắc khỏai thâu đêm
19- Thủy-hỏa Quan-sát
Trẻ nít sinh vào ba tháng đầu năm : Giêng, Hai, Ba, nhằm các giờ Mùi, Tuất thì phạm giờ quan sát này (rất nặng). Nó sẽ bị kinh sài, chốc lở nhiều, hoặc lên đậu mùa, trái rạ, mụn sởi …. Cũng cần coi chừng nạn sẩy chân chết đuối hoặc bị lửa bắt vào người chết cháy.
20- Hạ-tình Quan-sát
Sinh các tháng Giêng, Hai, Ba nhằm các giờ Tí, Dần thì phạm giờ này. Người thân của đứa hài nhi phải tránh, đứng để cho nó nghe tiếng mài dao, dao chặt, búa bổ, guơm chém …
21- Cấp-nước Quan-sát
Sinh các tháng Giêng, Hai, Ba nhằm các giờ Tí, giờ Hợi thì phạm giờ “Cấp nước”. Trẻ nhỏ phải tránh chạy nhảy, vì hay bị giật mình hoảng hốt, vấp té thành thương tật.

Tuy tên gọi của 21 giờ kể trên được “nhặt ra” từ môn Tử Bình nhưng trộn lẫn lộn giữa các loại Quan Sát của Nguyệt Chi Quan Sát, Nhật Can Quan Sát và Nhật Chi Quan Sát, có tên lại sai khác như “Cấp Cước Quan Sát” của Nhật Can thì lại biến tấu thành “Cấp Nước Quan Sát”, còn “Vô Tình Quan Sát” của Nguyệt Chi lại bị biến tấu thành “Hạ Tình Quan Sát”,… Phép định giờ này lại không thấy ghi tác giả, không có nguồn gốc rõ ràng (hội viên thichmactien của vietlyso ghi rõ là sưu tầm, chỉ mang tính tham khảo, không rõ tác giả và không rõ mức độ tin cậy), nên đã thấy không thể tin cậy được. 
Hơn nữa, theo mệnh lý gia Bạch Hạc Minh thì kinh nghiệm cho thấy việc dùng các Quan Sát chính tông trong luận giải Bát Tự có xác suất đúng rất thấp, luận mệnh cát hung phải nhất thiết dụng ngũ hành mới chính xác. 
Do đó, cần bác bỏ ngay cách tính này.

Quay trở lại với 2 cách tính có thể tin tưởng, là cách tính thứ nhất và cách tính thứ hai đã nêu trên, các tên tuổi gạo cội của giới Đông Phương Học có làm cho chúng ta bối rối với việc chia ra làm 2 phe dùng 2 cách tính ngược chiều nhau mặc dù đều cùng khởi tháng Giêng, tháng Bảy trên trục Dần Thân, tại các giờ trên trục Tị Hợi. 

Nay, ta cứ thận trọng mà kiểm tra lại (đó là cách học) và kiểm tra thực tế kết hợp kinh nghiệm (đó là cách hành) để tìm cho riêng mình phương pháp đúng đắn nhất. Bởi cái sự Học và Hành nó cũng như Thể với Dụng, lấy cái sự học làm Thể còn cái sự hành làm Dụng. Cứ dùng phương pháp của cổ nhân mà nghiên cứu thì không sợ sẽ không hiểu được cổ nhân vậy.

 

Đối với cách tính thứ nhất, ta có thể dễ dàng nhận thấy:
Tháng Giêng, tháng Bảy trên trục Dần Thân thì giờ (sinh) Quan Sát là thuộc trục Tị Hợi.
Tháng Hai, tháng Tám trên trục Mão Dậu ————————————— Tý Ngọ.
Tháng Ba, tháng Chín ——— Thìn Tuất ————————————— Sửu Mùi.
Tháng Tư, tháng Mười ——— Tị Hợi —————————————— Dần Thân.
Tháng Năm, tháng Một (11) — Tý Ngọ —————————————- Mão Dậu.
Tháng Sáu, tháng Chạp (12) –- Sửu Mùi ————————————— Thìn Tuất.
Như vậy, tính theo cách này thì có thể nói giờ Quan Sát luôn thuộc tứ hành xung với tháng sinh. Tức là, trục của tháng sinh luôn luôn trực giao (vuông góc) với trục của giờ sinh (giờ Quan Sát).
Tháng được đặc trưng bởi mặt trăng, Nguyệt, đó là khí âm, còn giờ lại đặc trưng bởi mặt trời, Nhật, đó là khí dương. Âm Dương mà trực giao tức là không hòa hợp vậy, ngay sinh ra bẩm khí thiên địa đã bất túc rồi thì làm sao sức khỏe tốt cho được.

Bên cạnh đó, với các dữ kiện tháng và giờ sinh, dân Tử Vi có thể nhận biết được ngay vị trí an cung Mệnh và cung Thân của đương số. 
Sinh tháng Giêng giờ Tị, tháng Hai giờ Ngọ,… sinh tháng Chạp giờ Thìn, thì Mệnh luôn luôn được lập tại cung Dậu. Còn Thân thì theo chiều của tháng chuyển thuận qua các cung Mùi, Dậu, Hợi, Sửu, Mão, Tị.
Bởi vì Mệnh luôn ở cung Dậu, đó là vị trí nhị hợp vào Tật Ách ở cung Thìn, vì thế mà mệnh luôn phải sinh xuất cho tật ách, mệnh sinh xuất thì khí của mệnh bị hao, tính tình thường cẩu thả, không kỹ lưỡng, thiếu thứ tự lớp lang, nhưng có ưu điểm là thoáng đãng, xởi lởi,… Do đó mà dễ mắc bệnh tật, tự gây bệnh tật, tai họa cho chính mình (tự tạo nghiệp quả). 
Thêm vào đó, do mệnh luôn ở Dậu tức là thuộc trục Mão Dậu (trục Đông – Tây), trục này trong Tử Vi còn được coi là “trục tâm linh”. Đặc biệt, đối với phái Tử Vi Đông A, phái có ảnh hưởng rất lớn của Phật giáo và cũng chính là phái rất coi trọng đào sâu các nghiên cứu về trục trong tử vi. Cung Dậu, đó là phương Đoài, đất Phật (phương của các rặng núi có các thiền phái, tu viện, phương của Tây Vực, Tây Trúc, Cực Lạc,…). Đó vừa là đất của Mộc Dục, lễ tắm gội tẩy trần, lại cũng vừa là đất của Đào Hoa lúc chiều tà (hoa đào sẩm tối ai biết đẹp) với thời và vị như thế nên tạo thành cảnh sắc sắc không không, vì thế mà đế tinh Tử Vi lạc vào đây là đồng cung với Tham Lang (cũng là đào hoa tinh) mà tạo thành cách dễ đi tu, nghi tăng đạo (vua đã từ bỏ giang sơn, bỏ lại phi tần mà xuất gia để trừ đi tham, sân, si)*. Có lẽ đây cũng là nguyên cớ của việc muốn hóa giải giờ Quan Sát của tiểu nhi thì nên bán khoán cho nhà chùa.

————-
Chú thích *: Xin các bạn lưu ý rằng ở đây đang nói về Mệnh cư Dậu, ở đây nếu có cách Tử Tham thì Thái Dương (tượng cho tư duy, đức độ, sự bao dung và phục vụ) đang sáng chói tại Ngọ (Nhật lệ trung thiên). Còn trường hợp gọi là cách cục Đào hoa phạm chủ vi chí dâm chỉ áp dụng đúng khi ở Mão vì lúc đó Nhật hãm ở cung Tý tượng của sự u mê, nên Tử Tham lúc đó trở thành hôn quân sa đọa.

————-

Cách tính thứ hai không thể giải thích được theo như trên.
Phối kiểm lại qua phép định giờ bằng Lục Nhâm, lấy đại diện là ngày Sóc (trăng non, mồng 1) của tháng mà tính thì:
– Theo cách tính thứ nhất: Các giờ Quan Sát sẽ rơi vào các giờ Không Vong, Lưu Niên, Xích Khẩu, đều là các giờ không tốt, nên có thể được gọi chung là giờ Quan Sát.
– Theo cách tính thứ hai: Các giờ Quan Sát sẽ rơi vào cố định ở giờ Không Vong, tuy là giờ rất xấu nhưng nếu giờ Quan Sát mà có bản chất là Không Vong thì hà cớ gì cổ nhân lại đặt thêm tên khác là Quan Sát cho rắc rối.

Tóm lại, sử dụng cách tính thứ nhất để tìm giờ Quan Sát trong khoa Tử Vi như các sách của Thái Thứ Lang, Việt Viêm Tử, Thiên Lương, Dịch Lý Huyền Cơ là chính xác.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *