SỰ THẬT KINH HOÀNG Ở CÂY CẦU MA SÔNG TRƯỜNG GIANG

Sự thật kinh hoàng ở cây cầu ‘ma’ thỉnh thoảng ‘cướp mạng’ gái trẻ


Vì gắn với những cái chết thương tâm, bí ẩn mà người dân nơi đây gọi chiếc cầu này là cầu “ma ám” hay cầu “tử thần”, cầu “vĩnh biệt”…
Cầu “ma ám” cướp hơn 20 mạng người
   Theo lời đồn đại, người đầu tiên bị cầu “ma ám” cướp mạng là một cô gái tuổi mới 18, chưa lập gia đình. Trên đường từ xã Tam Xuân 1 về Tam Tiến, khi đi đến nửa cầu cô gái bỗng ngã xuống dòng sông cùng với chiếc xe đạp cũ kỹ của mình. Hôm đó trời mưa mù mịt, thuyền ghe trên sông vắng tanh, người qua lại trên cầu cũng không có ai. Mãi sau đó 3 ngày, xác cô gái nổi trên sông Trường Giang. Một điều khá đặc biệt, dù nước sông luôn chảy, vậy mà xác cô gái không bị trôi đi mà lại nổi ngay chính giữa dòng sông, chỗ vị trí cô gái rơi từ trên cầu xuống.
   Sau cái chết của cô gái, ban đêm, nhiều người dân nghe tiếng khóc nỉ non bên cầu. Một người dân mua nhang đèn ra bờ sông dưới chân cầu khấn vái, tiếng khóc sau đó không còn. Tuy nhiên, cũng từ ngày đó, rất nhiều người qua cầu bị rơi xuống sông. Chị Nguyễn Thị Tạo (SN 1974, thôn Trung Đông, xã Tam Xuân 1), một người dân có nhà ngay ở đầu cầu kể, chị sống ở đây hơn 10 năm rồi nên chứng kiến nhiều cái chết thương tâm do rơi từ trên cầu xuống sông. Chị nhắc vanh vách những cái tên của nạn nhân như: Ông Bộ (xã Tam Anh Nam), ông Tuệ (xã Tam Hiệp), ông Tánh (xã Tam Tiến), ông Hùng (xã Tam Xuân 2), ông Tiền, anh Việt (xã Tam Xuân 1)… Theo lời chị Tạo kể, nạn nhân của cây cầu này rất đa dạng, già có, trẻ có, trai có, gái có, cả người không biết bơi lẫn người bơi giỏi cũng không thoát khỏi tay thần chết.
   Cho đến nay, người dân hai bên đầu cầu vẫn còn bị ám ảnh bởi cái chết của đôi vợ chồng sắp cưới Huỳnh Văn Đồ (SN 1983, xã Tam Ngọc, TP. Tam Kỳ) và Nguyễn Thị Dung (SN 1982, xã Tam Đại, huyện Phú Ninh). Sáng ngày 9/6/2009, họ chở nhau qua cầu để đến nhà người cô gửi thiệp mời đám cưới. Chiều cùng ngày, lúc đôi trẻ trở về, trời bỗng nổi giông gió. Trong lòng thấy bất an, anh Đồ bảo chị Dung đi bộ, còn anh một mình chạy xe chầm chậm qua cầu. Nào hay, khi đi đến giữa cầu, anh Đồ lạng quạng tay lái rồi cả người lẫn xe té ngã. Chị Dung chưa kịp chạy đến thì anh Đồ đã rơi xuống dòng sông. Vì là người có tài bơi lội nên chị Dung liền nhảy xuống sông hòng mong cứu được vị hôn phu của mình. Trời mỗi lúc càng mưa gió dữ dội. Chỉ vài phút sau, cả anh Đồ lẫn chị Dung đã bị dòng nước nhấn chìm. Người dân xung quanh nghe tiếng kêu cứu chạy ra nhưng vẫn không tài nào cứu được đôi trẻ. Chỉ vì đi qua chiếc cầu “ma ám” này mà họ đã không được làm cô dâu, chú rể khi ngày cưới đã cận kề.
Bắt chấp nguy hiểm và cảnh báo, người dân vẫn đi qua.
   Người dân ở 2 bên cầu khuyên nhau, chỉ khi nào đi bộ thì qua cầu. Còn khi nào đi xe đạp hay xe máy thì đi vòng ngã khác, tránh qua cầu mà bị những oan hồn kéo xuống sông. Một thanh niên bơi giỏi nhất xã Tam Xuân 1 tên là Nguyễn Văn Việt đã không hề run sợ, bởi anh nghĩ, nếu có rơi xuống sông anh vẫn không thể là nạn nhân của chiếc cầu “tử thần” này. Thế nhưng, một ngày năm 2008, khi anh rất vững tay lái đi qua cầu thì lại rơi xuống sông một cách bí ẩn và cũng không thoát khỏi bàn tay của tử thần.
   Không phải lúc chiều giông gió, nhưng cái chết của chị Nguyễn Thị Lan (SN 1974, xã Tam Tiến) đúng vào giờ Ngọ khiến mọi người nghi ngờ có bàn tay người cõi âm. Khoảng 12h trưa một ngày tháng 8/2009, chị Lan từ chợ về nhà. Vì biết nhiều người mất mạng vì cây cầu này nên chị đi khá cẩn thận. Thế nhưng, chỉ còn vài mét nữa là đến bờ thì bỗng dưng xe máy của chị khựng lại, rồi lộn nhào xuống sông. Lúc đó, có hai học sinh nhìn thấy liền kêu cứu nhưng khi dân làng chạy ra thì chị Lan đã chìm dưới dòng nước xanh.
    Một trong những nạn nhân cầu “ma ám” gần đây nhất mà chúng tôi đến nhà là chị Nguyễn Thị Đồi (SN 1973, thôn Tiến Thành, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành). Sáng ngày 19/8/2014, chị Đồi đi xe máy qua xã Tam Xuân 1 (huyện Núi Thành) để mua lá chuối. Khoảng 8h40, khi đi qua cầu “ma ám” trở về nhà, đi được hơn nửa độ dài cầu thì chị bất ngờ ngã xuống sông. Lúc ấy, có một chiếc thuyền nhỏ chở vôi đang bơi cách chừng 50m đã chạy lại cứu nhưng không kịp. Điều lạ là bản thân chị Đồi biết bơi, nhưng sau một lúc chới với, chị đã chìm hẳn xuống lòng sông. Hàng chục người đã được huy động để lặn tìm, kể cả dùng lưới và lưỡi câu chùm, nhưng sau gần 3 tiếng đồng hồ, thi thể chị Đồi mới được tìm thấy.
Được biết, gia cảnh chị Đồi rất thảm thương. Chị cùng con trai 17 tuổi sống trong căn nhà tre vách nứa rộng chừng 15m2, tài sản không có gì đáng giá. Để kiếm thêm thu nhập, chị thường đi các xã lân cận mua lá chuối về bán lại cho các hộ gói bánh tét, bánh giò trong xã. Mấy chục năm qua, chị Đồi vẫn thường qua lại cây cầu này để mưu sinh. Nào ngờ, chính cây cầu oan nghiệt đã cướp mất sinh mạng của chị, để lại cậu con trai đã thiếu cha nay lại vắng bóng mẹ.
Chết vì cầu bị “ma ám” ?
   Gần 100 người đã bị rơi từ cầu xuống sông khiến những tai nạn này trở nên huyền bí. Thế nhưng, khi tận mục sở thị chiếc cầu này, chúng tôi đã thấy rõ nguyên nhân. Cầu “ma ám” dài gần 300m nhưng bề rộng chỉ được 0,80m. Thực ra đây không phải là cây cầu mà là một máng dẫn nước thuộc tuyến kênh N3 của hệ thống thủy lợi Phú Ninh từ địa phận xã Tam Xuân 1 vượt sông Trường Giang chảy vào xã Tam Tiến. Mặc dù là máng dẫn nước, nhưng phía trên được lát kín để nhân viên thủy nông đi lại kiểm tra, bảo dưỡng máng và vận hành đoạn máng nâng hạ để thông thuyền trên sông. Do nằm ở vị trí đặc biệt nên nhiều người dân thường xuyên qua lại trên đó như một chiếc cầu thực thụ và gọi là cầu Máng.
   Ban đầu cầu được làm bằng sắt, có lan can 2 bên. Về sau, do kẻ xấu phá hoại nên lan can “rơi rụng” dần dần. Người dân 2 bên cầu vẫn cứ qua lại hằng ngày, tuy nhiên thời gian này bắt đầu xảy ra những vụ rơi sông. Năm 1991, cầu máng được nâng cấp lên thành máng bê tông nhưng vẫn không có lan can, vì thế lại tiếp tục xảy ra nhiều vụ người đi qua cầu bị té ngã. Chỉ sau khi xảy ra cái chết của chị Lan, cầu mới được xây thêm lan can. Nói là lan can nhưng mỗi bên cầu chỉ được căng 2 dây cáp từ độ cao 1m trở xuống, tạo cảm giác yên tâm khi qua cầu, chứ thực tế nếu ngã thì cả người và xe vẫn lọt qua được khe hở giữa dây cáp với mặt cầu. Riêng đoạn máng sắt nâng hạ để thông thuyền dài 12m thì hoàn toàn không có lan can. Đơn vị chủ quản cũng đặt biển báo “Đây là công trình thủy lợi không kết hợp giao thông, cấm xe máy đi qua” nhưng người dân vẫn cứ vô tư qua lại và con số nạn nhân rơi sông ngày một tăng.
   Ông Hồ Minh Khôi (SN 1960, thôn Phú Trung, xã Tam Xuân 1) cho biết, những cái chết thương tâm trước nay đều do khi qua cầu bị mất thăng bằng mà rơi chứ không có yếu tố ma quỷ nào như lời đồn đại. Như trường hợp chị Lan, đang đi thì xe máy bị xịt lốp trước nên loạng choạng, anh Đồ thì bị gió giông thổi làm cho mất thăng bằng, hay ông Hùng thì qua cầu trong trạng thái chếnh choáng hơi men nên rơi sông tử vong…
Đánh đu với số phận!
   Trong lúc đám tang chị Đồi diễn ra vẫn có rất nhiều người dân thản nhiên qua lại cây cầu “ma ám” này, trong đó có cả người đi viếng hương nạn nhân. Chỉ 5 phút đứng tại cầu, chúng tôi đã kịp nhìn thấy một xe máy chở 3 thanh niên chạy bon bon trên cầu, một người khác chở 2 bao tải lúa, “run” nhất là một người vừa lái xe máy vừa vác một cây tre dài chạy như băng qua cầu.
Được biết, Tam Tiến là một xã vùng xa của huyện Núi Thành, bị ngăn cách với các xã khác bởi con sông Trường Giang. Khi chưa có chiếc cầu này, người dân ở đây muốn lên huyện hoặc các xã khác phải đi đò ngang hoặc đi vòng ra TP. Tam Kỳ rồi quay ngược trở vào, đường xa thêm vài ba chục cây số. Từ khi xây máng nước, từ học sinh, người đi chợ, thợ điện, công nhân, đến thầy cô giáo… đều đi qua cây cầu Máng này để rút ngắn thời gian.
   Bà Lê Thị Thu Bích, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tam Tiến cho biết, nhiều lần người dân phản ảnh sự thiếu an toàn của cầu Máng, xã đã trả lời công trình chỉ phục vụ tưới lúa chứ không đảm bảo an toàn giao thông. Đã có cảnh báo nguy hiểm, nhưng vì thấy đường đi thuận tiện nên người dân vẫn bất chấp. Địa phương không thể cử lực lượng túc trực 24/24, người dân phải tự ý thức chấp hành cảnh báo, để bảo vệ tính mạng cho bản thân mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *